GIỜ THÁNH

NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Chúa Nhật, 19/10/2003

 

KHAI MẠC

 

1.      Đặt MTC. Hát kính Thánh Thể.

 

2.      Lời nguyện mở đầu của chủ sự :

 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và chân thực trong hình dạng bánh thánh : chúng con thờ lạy Chúa, chúng con yêu mến Chúa và chúng con khẩn cầu Chúa lôi kéo chúng con đến với Chúa, quy tụ chúng con  trong tình Chúa yêu thương.

 

Hôm nay, ngày thế giới cầu nguyện cho việc truyền giáo, chúng con đến với Chúa trong tâm tình cảm tạ tri ân và nguyện xin Chúa tuôn đổ sức sống mới cho mọi thành phần dân Chúa trong ngàn năm thứ ba này, để mỗi cộng đoàn và mỗi người trở nên “chứng nhân tình yêu”, theo lời kêu mời “ra khơi” của vị chủ chăn Hội Thánh toàn cầu.

Và hiệp thông với Ngài, Đức Gioan Phaolô II, Đấng kế vị thánh Phêrô, trong dịp kỷ niệm 25 năm giáo hoàng, chúng con dâng lời tạ ơn vì Ngài đã nêu gương cho Hội Thánh trong sứ mạng tông đồ …

 

Chúng con cũng dâng lời tạ ơn vì Chúa đã ban cho thời đại chúng con chứng kiến nhiều tấm gương thánh thiện. Chân phước Têrêxa Calcutta được tôn vinh hôm nay, đặc biệt mang ý nghĩa, vì đã nói lên cho thế giới hôm nay sứ điệp của tình yêu thương đối với người nghèo.

 

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới, nay xin Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời… Xin dạy chúng con sống thực tế nhưng không thực dụng, biết xoay sở nhưng không mưu mô, lo cho tương lai cá nhân nhưng không quên bao người bất hạnh cần giúp đỡ. Xin dạy chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng để múc lấy ánh sáng và sức mạnh, để mình được thật là mình trước mặt Chúa.

 

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân, làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

 

 

LẮNG NGHE LỜI CHÚA - SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

 

3.      Hát “Lắng nghe Lời Chúa”

 

4.      Bài đọc I : Ga 17,11b.17-23

 

 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói rằng : “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.

Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

 

Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”.

 

5.      Suy niệm 1 : một Giáo Hội làm chứng (EA 42)

Ngỏ lời với Giáo Hội tại Á châu về sứ mạng truyền giáo, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô viết trong tông huấn hậu thượng hội đồng “Giáo Hội tại châu Á” như sau :

 

“Công Đồng Vaticanô II đã dạy rõ ràng rằng toàn thể Giáo Hội đều phải truyền giáo, công việc phúc-âm-hóa là nhiệm vụ của toàn thể dân Chúa. Vì toàn thể dân Chúa đều được sai đi rao giảng Tin Mừng, nên phúc âm hóa không bao giờ là một công việc riêng lẻ của cá nhân, nhưng luôn luôn là một công việc chung của cả Giáo Hội, phải được thi hành trong sự hiệp thông với toàn thể cộng đoàn đức tin. Sứ mạng chỉ có một và không thể chia năm sẻ bảy, vì chỉ có một gốc và chỉ có một mục tiêu. Nhưng trong sứ mạng ấy có những trách nhiệm khác nhau và những hình thức hoạt động khác nhau. Dù sao chăng nữa, rõ ràng là không thể nào có sự công bố Tin Mừng thực sự, nếu các kitô hữu không lấy đời sống mình làm chứng tá, đi đôi với sứ điệp mà mình rao giảng. “Hình thức làm chứng đầu tiên là chính cuộc sống của người truyền giáo, của gia đình kitô hữu và của cộng đoàn Giáo Hội, cuộc sống này giới thiệu một cung cách sống mới… Mọi người trong Giáo Hội, cố gắng bắt chước Tôn Sư của mình thì đều có thể và đều có bổn phận phải làm chứng theo hình thức này, nhiều khi đó lại là cách duy nhất để tryền giáo” (RM 42). Nhất là ngày nay người ta đang cần đến một hình thức chứng tá đích thực của kitô giáo, vì “con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết” (RM 42). Điều này thật đúng trong bối cảnh Á châu hiện nay, nơi người ta dễ bị thuyết phục bởi một đời sống thánh thiện hơn là bởi các lý luận của trí tuệ. Vì thế, kinh nghiệm đức tin và kinh nghiệm về các ơn của Chúa Thánh Thần phải là nền tảng cho toàn bộ công cuộc truyền giáo, bất luận ở thành thị hay thôn quê… Hoàn cảnh nào cũng là cơ hội thuận tiện cho các kitô-hữu bày tỏ sức mạnh mà sự thật của Đức Kitô đã mang lại cho đời sống của họ. Cảm kích trước nhiều nhà truyền giáo trong quá khứ đã từng làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa một cách anh hùng ở giữa các dân tộc trên lục địa này, ngày nay Giáo Hội tại châu Á cũng không kém phần hăng hái khi cố gắng làm chứng về Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài. Sứ mạng của người kitô hữu không cho phép kém nhiệt tâm” (EA 42).

 

6.      Cầu nguyện. Hát “Đẹp thay” (TTTC 326)

 

7.      Bài đọc II : 1 Tm 2,1-8

Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi cho Timôthê

Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.

Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.

 

Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ – tôi nói thật chứ không nói dối – nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý. Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

 

8.      Suy niệm 2 : sống cầu nguyện (gương Chân phước Têrêxa Calcutta)

Mẹ Têrêxa Calcutta, vị Tân Chân Phước được tôn phong hôm nay đã nói lên bí quyết sống của mình như sau :

“Bí quyết sống của tôi hết sức đơn sơ. Tôi cầu nguyện, và trong cầu nguyện, tôi say mê yêu mến Chúa Kitô, và tôi hiểu rằng cầu nguyện với Chúa là yêu mến Chúa ; và điều này có nghĩa là chu toàn Lời Chúa dạy …”.

 

Mẹ đã dành phần lớn cuộc đời mình để phục vụ những người nghèo, khởi đầu từ Ấn Độ và dần dần lan rộng đến nhiều quốc gia. Bí quyết giúp các Nữ tu Thừa Sai Bác Ái trung thành được với ơn gọi và đặc sủng của mình là “cầu nguyện”. Suy niệm về việc sống cầu nguyện, Mẹ đã viết :

 

Thật không thể nào dấn thân trong công việc tông đồ, nếu không có tâm hồn sống trong cầu nguyện. Chúng ta cần phải cảm nghiệm sự hiệp nhất với Chúa Kitô, như Chúa Kitô đã cảm nghiệm sự hiệp nhất với Thiên Chúa Cha. … Hãy yêu mến việc cầu nguyện ! Hãy cảm thấy nhu cầu cầu nguyện nhiều lúc trong ngày và hãy cố gắng cầu nguyện. Nếu muốn cầu nguyện một cách tốt đẹp hơn, thì phải cầu nguyện nhiều hơn. Lời cầu nguyện mở rộng tâm hồn cho đến mức độ rộng lớn đủ để có thể tích chứa sự cho đi chính mình, một sự cho đi mà Thiên Chúa làm cho chúng ta có khả năng thực hiện. Hãy xin và hãy đi tìm, và tâm hồn các bạn sẽ trở nên rộng lớn đủ để lãnh nhận hồng ân của Thiên Chúa và biến hồng ân đó thành như của mình.

Hãy cầu nguyện ! hãy cầu nguyện để có được ân sủng của Chúa ; hãy cầu nguyện để có thể hiểu Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế nào, và để có thể yêu thương những kẻ khác như vậy. Hãy cầu nguyện ngõ hầu chúng ta không ngăn cản công việc của Chúa.

Lời cầu nguyện để có thể sinh hoa trái cần phải đến từ con tim và phải chạm đến con tim của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện như thế nào : Chúa dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha. Chúa dạy họ tôn vinh danh thánh Thiên Chúa. Chúa dạy các ngài thực hiện thánh ý Thiên Chúa, cầu xin đủ cơm bánh hằng ngày, bánh thiêng liêng cũng như bánh vật chất, cầu xin ơn tha thứ các tội lỗi và khả năng tha thứ cho kẻ khác, cầu xin ân sủng được giải thoát khỏi sự dữ trong chúng ta và quanh chúng ta. Lời cầu nguyện trọn hảo không hệ tại ở nhiều lời, nhưng hệ tại ở sự sốt sắng của ước muốn chạm tới con tim Chúa Giêsu…”

 

9.      Cầu nguyện

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót, đã xức dầu Thánh Thần cho Con mình và sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn tan nát và an ủi mọi người sầu khổ. Chúng ta hãy tin tưởng mà thưa lên :

 

Đ/ Lạy Chúa, xin cho lời ca ngợi Chúa vang lên giữa dân Ngài.

Lạy Thiên Chúa hằng hữu hay thương xót, Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, – chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho thế gian người Con Một là Thầy và là Đấng Cứu Thế. Đ/

 

Chúa đã sai Đức Giêsu Kitô rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ tù đày và loan báo thời ân sủng, – xin cho Giáo Hội Chúa được lan rộng để Giáo Hội bao gồm những người thuộc mọi ngôn ngữ và mọi quốc gia. Đ/

 

Chúa đã kêu gọi mọi người từ chốn tối tăm vào ánh sáng lạ lùng của Chúa, để nhân danh Chúa Giêsu, trên trời dưới đất và địa ngục tôn phục Chúa, – xin làm cho chúng con thành những chứng nhân đích thực của Tin Mừng cứu độ. Đ/

 

Xin ban cho chúng con một tâm hồn ngay thẳng và chân thành để nghe Lời Chúa, – và cho hoa trái dồi dào của sự thánh thiện tỏ bày nơi chúng con và trên thế giới. Đ/

 

10.    Hát : Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán …

 

11.    Bài đọc III : Cv 1,12-14

Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Ngài.

 

12.    Suy niệm 3 : học nơi trường học của Đức Maria.

Để chuẩn bị cho dân Chúa khắp nơi sống ý nghĩa ngày khánh nhật truyền giáo, Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp. Năm nay, năm cả Hội Thánh cử hành Năm Mân Côi với ý chỉ cầu nguyện cho hòa bình thế giới và cho các gia đình, Đức Thánh Cha đã viết trong Sứ Điệp :

 

“Ngày Thế Giới Truyền giáo, được cử hành đúng vào cuối năm thánh mẫu đặc biệt này, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ có thể đem lại một đà tiến quảng đại hơn cho sự dấn thân của cộng đoàn Giáo Hội. Sự tin tưởng chạy đến cùng Đức Maria, qua việc đọc kinh Mân Côi hằng ngày và việc suy niệm các mầu nhiệm đời sống Chúa Kitô, sẽ nhấn mạnh rằng sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội trước hết phải được nâng đỡ bằng việc cầu nguyện. Thái độ “lắng nghe” mà kinh Mân Côi gợi lên, đem người tín hữu lại gần Đức Maria, Đấng “hằng ghi nhớ mọi điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Việc siêng năng suy niệm Lời Chúa luyện tập cho chúng ta sống “hiệp thông sống động với Đức Giêsu, có thể nói là, qua con tim của Mẹ Người” (“Rosarium Virginis Mariae” – Tông thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 2)…

 

Tôi muốn gợi ý với tất cả anh chị em hãy tăng cường việc đọc kinh Mân Côi cách riêng tư cũng như cộng đoàn, để được Chúa ban những ơn mà Giáo Hội và nhân loại đang đặc biệt cần đến.Tôi mời gọi hết mọi người : trẻ em, người lớn, người trẻ, người già, các gia đình, các giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu.

 

Trong số nhiều ý nguyện, tôi không muốn quên ý cầu nguyện cho hòa bình. Chiến tranh và bất công bắt nguồn từ trong tâm hồn bị “chia rẽ”. “Người nào nội tâm hóa mầu nhiệm Đức Kitô – và kinh Mân Côi rõ ràng nhắm mục tiêu này – thì sẽ học được bí quyết của hòa bình và biến nó thành dự phóng của đời mình” (Rosarium Virginis Mariae, số 40). Nếu kinh Mân Côi tạo nhịp cho cuộc sống của chúng ta, nó sẽ có thể trở thành một khí cụ ưu đãi để xây dựng hòa bình trong tâm hồn con người, trong các gia đình và giữa các dân tộc. Với Đức Maria, chúng ta có thể nhận được mọi sự từ Đức Giêsu, Con của ngài. Được Đức Maria nâng đỡ, chúng ta sẽ không ngần ngại quảng đại hiến thân để truyền bá Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất.

 

13.    Cầu nguyện : đọc chung “kinh truyền giáo”.

Lạy Chúa là Đấng yêu thương loài người – Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa – để chia sẻ sự sống và hạnh phúc đời đời của Chúa – cho hết thảy mọi người. – Chúng con cảm tạ lòng nhân ái vô biên của Chúa, – nhất là khi thấy nguyên tổ loài người chúng con sa ngã : – Chúa đã hứa ngay sẽ ban cho loài người chúng con được Đấng Cứu Thế.

 

Người là Con Một Chúa – đã hạ mình giáng sinh và trở thành Con Chiên gánh tội thiên hạ ; – đặc biệt khi chịu chết trên thập giá, – Người khao khát kéo mọi người lên với Chúa – nên từ cạnh sườn Người – máu và nước đã chảy ra – để xóa sạch tội lỗi và ban sự sống mới cho loài người chúng con.

 

Ngợi khen Đức Kiô Con Chúa – Tung hô Đức Giêsu đã cứu chuộc muôn dân – Tạ ơn Người đã sai Thánh Thần đến sống trong Hội Thánh – và hành động để thay đổi mặt địa cầu này.

 

Theo gương các Tông Đồ đầu tiên, – Hội Thánh chúng con đang muốn được nhiều ơn Thánh Thần để đến với muôn dân – thi hành nghĩa vụ truyền giáo – hầu thiên niên kỷ này sẽ tràn ngập hồng phúc cho loài người Chúa thương.

 

Chúng con sẽ không đồng hành với Hội Thánh – nếu không thốt lên lời củaThánh Tông Đồ muôn dân : – “Khốn cho tôi nếu không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16b) ; – xin Chúa ban thêm tinh thần tông đồ cho chúng con, – xin ban ơn cho các cộng đoàn và gia đình chúng con biết làm tông đồ, – xin chúc phúc hoạt động truyền giáo của giáo xứ và Giáo phận chúng con.

 

Chúng con chẳng làm được gì nếu không có ơn Chúa ; – xin Chúa mở lòng trí mọi người nhận biết và yêu mến Phúc Âm, – sai nhiều thợ tốt đến những cánh đồng đầy lúa chín – và khiến nhiều người cầu nguyện hy sinh – quảng đại cho việc truyền giáo.

 

Giáo phận chúng con chọn ngày Chúa Nhật Đầu tháng – để thi hành cách đặc biệt các nghĩa vụ trên : – chúng con cầu nguyện dâng lễ với Đức Kitô – để xin cho mọi người được ơn cứu độ của Chúa, – chúng con cố gắng giữ luật Chúa để chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm, – nhất là chúng con yêu thương mọi người – nhiệt thành trong mọi việc đem lại công ích – viếng thăm an ủi những con người phận nhỏ – và trợ giúp khích lệ mọi nỗ lực tông đồ.

 

Xin Đức Mẹ dẫn đưa chúng con trên con đường này – xin các Thánh Truyền giáo phù trợ chúng con – xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu – để đức tin được máu của các ngài tưới gội trên giang sơn này – trổ sinh nhiều hoa trái làm vinh danh Chúa – và đem lại hạnh phúc cho nhiều người. – Amen.

 

KẾT THÚC

14.    Hát “Này con là đá”. Lời nguyện cầu cho ĐGH.

 

15.    Đây nhiệm tích. Lời nguyện và phép lành MTC.

 

16.    Hát “Kinh hòa bình” kết thúc.

 

 

 

Giáo Phận Ðàlạt

2-10-2003


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà