giỜ thánh

khánh nhẬT truyỀn giáo

Chúa Nhật, 24/10/2004

 

Khai mẠc

1.         Đặt MTC. Hát kính Thánh Thể.

2.         Lời nguyện mở đầu của chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và đích thực trong hình bánh thánh, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con yêu mến Chúa và chúng con khẩn cầu Chúa lôi kéo chúng con đến với Chúa, quy tụ chúng con trong tình Chúa yêu thương.

Hôm nay, ngày thế giới cầu nguyện cho việc truyền giáo, chúng con đến với Chúa trong tâm tình cảm tạ tri ân và nguyện xin Chúa tuôn đổ sức sống mới cho mọi thành phần dân Chúa trong ngàn năm thứ ba này, để mỗi cộng đoàn và mỗi người trở nên “chứng nhân tình yêu”, theo lời kêu mời “ra khơi” của vị chủ chăn Hội Thánh toàn cầu.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân, làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

LẮng nghe LỜI Chúa - suy niỆm và cẦu nguyỆn

3.         Hát “Lắng nghe Lời Chúa”

4.         Bài đọc I : Cv 1,12-14

Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

5.         Suy niệm 1 : học nơi trường học của Đức Maria.

          Trong thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã mời gọi toàn thể Giáo Hội học nơi trường học của Đức Maria, được ngài gọi là “Người nữ của Phép Thánh Thể”. Đức Thánh Cha viết :

Nếu chúng ta muốn khám phá lại trong tất cả sự phong phú mối liên hệ thâm sâu nối kết Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào quên Đức Maria, là Mẹ và gương mẫu của Giáo hội. Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, khi đặt Đức Trinh Nữ rất thánh làm Thầy dạy trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô, tôi đã ghi việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể vào số các mầu nhiệm ánh sáng. Thực vậy, Đức Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến Bí Tích cực thánh này, vì giữa Mẹ và bí tích này có một mối liên hệ sâu xa.

Thoạt nhìn qua, Tin Mừng im lặng về vấn đề này. Trong trình thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, không ai nói đến Đức Maria. Trái lại ai cũng biết là Mẹ đã có mặt với các Tông Đồ, hiệp nhất “cùng một lòng trong lời cầu nguyện” (x. Cv 1,14) trong cộng đoàn tiên khởi được qui tụ sau khi Chúa lên trời, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chắc chắn, không thể thiếu vắng sự hiện diện của Mẹ trong những cử hành Thánh Thể giữa các tín hữu của thế hệ đầu tiên rất chuyên cần “tham dự nghi lễ bẻ bánh” (Cv 2,42).

Nhưng khi đi xa hơn việc Mẹ tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể, người ta có thể phỏng đoán cách gián tiếp mối liên hệ giữa Đức Maria và Bí Tích Thánh Thể căn cứ vào thái độ nội tâm của Mẹ. Trong tất cả cuộc sống của Mẹ, Đức Maria là một “phụ nữ Thánh Thể”. Khi nhìn Đức Maria là gương mẫu của mình, Giáo Hội cũng được mời gọi theo gương Mẹ trong mối liên hệ của mình với Mầu Nhiệm rất thánh này”.

“Trong Bí Tích Thánh Thể, Giáo Hội, lấy tinh thần Đức Maria làm của mình, kết hiệp hoàn toàn với Chúa Kitô và với hy tế của Người. Đó là một chân lý mà người ta có thể đào sâu khi đọc lại kinh Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen) trong viễn tượng Thánh Thể. Quả thật, như bài ca của Đức Maria, Bí Tích Thánh Thể trước hết là một lời ngợi khen và là một lời tạ ơn. Khi Đức Maria thốt lên : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”, thì Chúa Giêsu đang ở trong cung lòng của Mẹ. Mẹ ngợi khen Chúa Cha “thay cho” Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng ngợi khen Chúa Cha “trong” Chúa Giêsu và “cùng với” Chúa Giêsu. Đó chính là “thái độ Thánh Thể” đích thực” (x. Thđ Ecclesia de Eucharistia 53 và 58).

6.         Cầu nguyện. Hát “Đẹp thay” (TTTC 326)

7.         Bài đọc II : 1 Tm 2,1-8

Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi cho Timôthê

Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.

Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.

Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ – tôi nói thật chứ không nói dối – nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý. Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

8.         Suy niệm 2 : sống cầu nguyện.

          Trong Sứ điệp nhân ngày Thế Giới truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha chọn đề tài “Thánh Thể và Truyền Giáo”. Chúng ta hãy nghe lời giáo huấn của ngài :

“Để sống Phép Thánh Thể, cần thiết phải dành nhiều thời gian thờ phượng trước bí tích cực thánh, đó là kinh nghiệm hằng ngày của bản thân tôi, nhờ đó tôi kín múc được sức mạnh, nguồn an ủi và sự nâng đỡ (xem Ecclesia de Eucharistia, số 25). Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng phép Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (GH, số 11), là “nguồn mạch và chóp đỉnh của việc phúc âm hóa” (LM, số 5). Bánh và rượu, là hoa quả công lao của con người, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, được biến đổi thành mình và máu Chúa Kitô, trở nên bảo chứng cho một “trời mới và đất mới” (Kh 21,1), được Giáo Hội loan báo trong sứ vụ thường ngày. Trong Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta tôn thờ sự hiện diện trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Cha đã nói lên lời chung cuộc về con người và lịch sử con người.

Liệu Giáo Hội có thể thực hiện ơn gọi riêng của mình mà không vun trồng một mối tương quan liên lỉ với Thánh Thể, không nuôi mình bằng lương thực có sức thánh hóa này, không đặt hoạt động truyền giáo của mình dựa trên sự trợ lực không thể thiếu này ? Để phúc âm hóa thế giới, cần phải có những tông đồ “chuyên gia” về việc cử hành, tôn thờ và chiêm ngắm Thánh Thể. …

Nhờ hoạt động vô hình nhưng hiệu quả của Ngài, Chúa Thánh Thần hướng dẫn dân Kitô giáo trong cuộc hành trình thiêng liêng hằng ngày, mà trong đó không thể tránh gặp phải những lúc khó khăn và trải qua mầu nhiệm thập giá. Thánh Thể là nguồn trợ lực và bảo chứng chiến thắng chung cuộc cho những ai chiến đấu chống lại tội lỗi và sự dữ ; Thánh Thể là “bánh ban sự sống” nâng đỡ những ai, đến lượt mình, trở thành “tấm bánh được bẻ ra” cho anh chị em mình, đôi khi phải trả giá thậm chí bằng việc tử đạo để trung thành với Tin Mừng.

Như tôi đã nhắc đến, năm nay sẽ là năm thứ 150 kỷ niệm việc công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Maria đã đuợc “cứu chuộc một cách rất kỳ diệu nhờ công nghiệp của Con Ngài” (GH số 53). Tôi có lưu ý, trong thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể : “Hướng nhìn lên Mẹ, chúng ta biết được năng lực biến đổi của Thánh Thể. Trong Mẹ, chúng ta nhìn thấy thế giới được đổi mới trong tình yêu” (số 62).

Đức Maria, “nhà tạm đầu tiên trong lịch sử” (nt, số 55), chỉ và ban tặng cho chúng ta Chúa Kitô, là Đường, sự Thật và sự Sống của chúng ta” (x. Ga 14,6). Nếu Giáo Hội và Thánh Thể làm thành một cặp không thể tách rời, thì ta cũng phải nói như thế về cặp Đức Maria và Thánh Thể” (s, 57).

Tôi ước mong rằng sự trùng hợp may mắn của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế với dịp kỷ niệm năm thứ 150 công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội cống hiến cho các tín hữu, các giáo xứ và các Hội truyền giáo cơ hội để tăng cường nhiệt tình truyền giáo của mình, ngõ hầu “một nỗi khao khát đích thật Phép Thánh Thể” (nt, số 33) được duy trì sống động trong mỗi cộng đoàn … (Sứ điệp số 3 và 5).

9.         Cầu nguyện

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót, đã xức dầu Thánh Thần cho Con mình và sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn tan nát và an ủi mọi người sầu khổ. Chúng ta hãy tin tưởng mà thưa lên :

đ/ Lạy Chúa, xin cho lời ca ngợi Chúa vang lên giữa dân Ngài.

Lạy Thiên Chúa hằng hữu hay thương xót, Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, – chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho thế gian người Con Một là Thầy và là Đấng Cứu Thế. đ/

Chúa đã sai Đức Giêsu-Kitô rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ tù đày và loan báo thời ân sủng, – xin cho Giáo Hội Chúa được lan rộng để Giáo Hội bao gồm những người thuộc mọi ngôn ngữ và mọi quốc gia. đ/

Chúa đã kêu gọi mọi người từ chốn tối tăm vào ánh sáng lạ lùng của Chúa, để nhân danh Chúa Giêsu, trên trời dưới đất và địa ngục tôn phục Chúa, – xin làm cho chúng con thành những chứng nhân đích thực của Tin Mừng cứu độ. đ/

Xin ban cho chúng con một tâm hồn ngay thẳng và chân thành để nghe Lời Chúa, – và cho hoa trái dồi dào của sự thánh thiện tỏ bày nơi chúng con và trên thế giới. đ/

10.     Hát : Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán …

11.     Bài đọc III :

X Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Luca (24,44-53)

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ : "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : ‘Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này’. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

12.     Suy niệm 3 : gương Chân phước Têrêxa Calcutta.

          Mẹ Têrêxa Calcutta, vị Chân Phước mới được tôn phong trong năm 2003 là mẫu gương của việc chiêm ngắm Thánh Thể, Mẹ đã dành phần lớn cuộc đời mình để phục vụ những người nghèo, khởi đầu từ Ấn Độ và dần dần lan rộng đến nhiều quốc gia. Bí quyết giúp các Nữ tu Thừa Sai Bác Ái trung thành được với ơn gọi và đặc sủng của mình là “cầu nguyện”, và Mẹ đã nói lên bí quyết sống của mình như sau :

“Bí quyết sống của tôi hết sức đơn sơ. Tôi cầu nguyện, và trong cầu nguyện, tôi say mê yêu mến Chúa Kitô, và tôi hiểu rằng cầu nguyện với Chúa là yêu mến Chúa ; và điều này có nghĩa là chu toàn Lời Chúa dạy …”.

“Thật không thể nào dấn thân trong công việc tông đồ, nếu không có tâm hồn sóng trong cầu nguyện. Chúng ta cần phải cảm nghiệm sự hiệp nhất với Chúa Kitô, như Chúa Kitô đã cảm nghiệm sự hiệp nhất với Thiên Chúa Cha. … Hãy yêu mến việc cầu nguyện ! Hãy cảm thấy nhu cầu cầu nguyện nhiều lúc trong ngày và hãy cố gắng cầu nguyện. Nếu muốn cầu nguyện một cách tốt đẹp hơn, thì phải cầu nguyện nhiều hơn. Lời cầu nguyện mở rộng tâm hồn cho đến mức độ rộng lớn đủ để có thể tích chứa sự cho đi chính mình, một sự cho đi mà Thiên Chúa làm cho chúng ta có khả năng thực hiện. Hãy xin và hãy đi tìm, và tâm hồn các bạn sẽ trở nên rộng lớn đủ để lãnh nhận hồng ân của Thiên Chúa và biến hồng ân đó thành như của mình.

Hãy cầu nguyện ! hãy cầu nguyện để có được ân sủng của Chúa ; hãy cầu nguyện để có thể hiểu Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế nào, và để có thể yêu thương những kẻ khác như vậy. Hãy cầu nguyện ngõ hầu chúng ta không ngăn cản công việc của Chúa.

Lời cầu nguyện để có thể sinh hoa trái cần phải đến từ con tim và phải chạm đến con tim của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện như thế nào : Chúa dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha. Chúa dạy họ tôn vinh danh thánh Thiên Chúa. Chúa dạy các ngài thực hiện thánh ý Thiên Chúa, cầu xin đủ cơm bánh hằng ngày, bánh thiêng liêng cũng như bánh vật chất, cầu xin ơn tha thứ các tội lỗi và khả năng tha thứ cho kẻ khác, cầu xin ân sủng được giải thoát khỏi sự dữ trong chúng ta và quanh chúng ta. Lời cầu nguyện trọn hảo không hệ tại ở nhiều lời, nhưng hệ tại ở sự sốt sắng của ước muốn chạm tới con tim Chúa Giêsu…”

13.     Cầu nguyện : đọc chung “kinh truyền giáo”.

Lạy Chúa là Đấng yêu thương loài người – Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa – để chia sẻ sự sống và hạnh phúc đời đời của Chúa – cho hết thảy mọi người. – Chúng con cảm tạ lòng nhân ái vô biên của Chúa, – nhất là khi thấy nguyên tổ loài người chúng con sa ngã : – Chúa đã hứa ngay sẽ ban cho loài người chúng con được Đấng Cứu Thế.

Người là Con Một Chúa – đã hạ mình giáng sinh và trở thành Con Chiên gánh tội thiên hạ ; – đặc biệt khi chịu chết trên thập giá, – Người khao khát kéo mọi người lên với Chúa – nên từ cạnh sườn Người – máu và nước đã chảy ra – để xóa sạch tội lỗi và ban sự sống mới cho loài người chúng con.

Ngợi khen Đức Kiô Con Chúa – Tung hô Đức Giêsu đã cứu chuộc muôn dân – Tạ ơn Người đã sai Thánh Thần đến sống trong Hội Thánh – và hành động để thay đổi mặt địa cầu này.

Theo gương các Tông Đồ đầu tiên, – Hội Thánh chúng con đang muốn được nhiều ơn Thánh Thần để đến với muôn dân – thi hành nghĩa vụ truyền giáo – hầu thiên niên kỷ này sẽ tràn ngập hồng phúc cho loài người Chúa thương.

Chúng con sẽ không đồng hành với Hội Thánh – nếu không thốt lên lời củaThánh Tông Đồ muôn dân : – “Khốn cho tôi nếu không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16b) ; – xin Chúa ban thêm tinh thần tông đồ cho chúng con, – xin ban ơn cho các cộng đoàn và gia đình chúng con biết làm tông đồ, – xin chúc phúc hoạt động truyền giáo của giáo xứ và Giáo phận chúng con.

Chúng con chẳng làm được gì nếu không có ơn Chúa ; – xin Chúa mở lòng trí mọi người nhận biết và yêu mến Phúc Âm, – sai nhiều thợ tốt đến những cánh đồng đầy lúa chín – và khiến nhiều người cầu nguyện hy sinh – quảng đại cho việc truyền giáo.

Giáo phận chúng con chọn ngày Chúa Nhật Đầu tháng – để thi hành cách đặc biệt các nghĩa vụ trên : – chúng con cầu nguyện dâng lễ với Đức Kitô – để xin cho mọi người được ơn cứu độ của Chúa, – chúng con cố gắng giữ luật Chúa để chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm, – nhất là chúng con yêu thương mọi người – nhiệt thành trong mọi việc đem lại công ích – viếng thăm an ủi những con người phận nhỏ – và trợ giúp khích lệ mọi nỗ lực tông đồ.

Xin Đức Mẹ dẫn đưa chúng con trên con đường này – xin các Thánh Truyền giáo phù trợ chúng con – xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu – để đức tin được máu của các ngài tưới gội trên giang sơn này – trổ sinh nhiều hoa trái làm vinh danh Chúa – và đem lại hạnh phúc cho nhiều người. – Amen.

KẾt thúc

14.     Hát “Này con là đá”. Lời nguyện cầu cho ĐGH.

15.     Đây nhiệm tích. Lời nguyện và phép lành MTC.

16.     Hát “Kinh hòa bình” kết thúc.

 

 

Ban Giáo Lý Giáo Phận Đàlạt

14-10-2004


Trở về trang Mục Lục