GiỜ Thánh Ngày QuỐc TẾ BỆnh Nhân (11.02.2006)

 

Thánh Giá – Mầu Nhiệm Tình Yêu.

 

I. PHẦN KHAI MẠC

1. Đặt MTCHát kính Thánh Thể

2. Lời nguyện mở đầu

Không ai trong chúng con không một lần đau ốm. Bao lâu còn sống trên trần gian này là bấy lâu chúng con còn phải chịu đau khổ nơi thân xác và tinh thần. Trong ngày mừng kính Đúc Mẹ Lộ Đức, và là ngày quốc tế bệnh nhân, chúng con cùng hướng về Mẹ. Người Mẹ xưa đã hoàn toàn sống theo Chúa Giêsu với con tim đau khổ, kết hợp với hy tế của Chúa Con trên thập giá. Ngày nay, Mẹ vẫn tiếp tục hiệp thông với hy tế Thánh Thể của Chúa - Hơn ai hết, Mẹ là người nữ Thánh Thể ; là người hiệp thông trọn vẹn nhất với Chúa Giêsu trong đau khổ ; là người can đảm đi theo Chúa Giêsu đến tận chân thập giá. Xin Mẹ dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và giúp chúng con can đảm đi trọn con đường đức tin, theo ánh sáng thập giá Chúa như Mẹ đã trải qua Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mìmh, vác thập giá mình mà theo Ta”

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây quỳ trước nhan thánh Chúa, tất cả chúng con đều được mời gọi phó dâng cho Chúa gánh nặng bởi những đau đớn trên thân xác; những lo âu tấn công tinh thần của chúng con ;của những người thân trong gia đình cũng như tất cả các bệnh nhân trên thế giới ,để chúng con tìm thấy được tâm hồn nghỉ ngơi bồi dưỡng Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng...vì ách Tôi êm ái, gánh Tôi nhẹ nhàng (Mt 12,28-30).

II. LỜI CHÚA

1. Dt 4, 14-16

Hát đáp ca : Thiên Chúa của con (Tv 144)

2. Mt 26, 36-46

III. SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

A. Suy niệm

1. Giá trị cứu chuộc của sự đau khổ :

Cứ bình thường mà nói, thì ai ai cũng mong cho mình được mạnh khoẻ, khi gặp nhau, chúng ta thường có những lời thăm hỏi về sức khoẻ, chúc nhau được bình an được mạnh khoẻ. Thế nhưng đau ốm bệnh tật lại luôn gắn vào thân phận con người. Đã là người tất không thể tránh khỏi đau khổ bệnh tật. Tại sao có đau khổ ? Đó là vấn nạn muôn thuở của con người. Trước vấn nạn đó, chúng ta cùng nhìn vào Chúa Giêsu Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Trên thập giá, Ngài chẳng còn hình dạng một con người, từ chân đến đầu, chẳng còn chỗ nào lành lặn. Cây thập giá nặng nề, những chiếc đinh sắt ghim chặt thân xác Ngài vào cây gỗ, vết thương từ cạnh sườn nước và máu chảy ra. Ngài đã đón nhận mọi đau đớn nơi thân xác, gánh chịu mọi nhục nhã ê chề.

Dưới con mắt của người đời thì đó là một sự điên rồ, nhưng với cái nhìn của người có niềm tin thì đó là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Thiên Chúa, Đấng vô tội, lại phải trải qua một thân phận đau đớn như thế ? – Vâng, chính nhờ sự đau khổ và cái chết cùa Chúa Giêsu mà thập giá trở nên biểu tượng của tình yêu, tình yêu vâng phục của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, tình yêu dâng hiến của Ngài dành cho nhân loại chúng ta, thập giá trở nên nguồn cứu độ vĩnh viễn, là nơi bày tỏ vinh quang Thiên Chúa, như lời bài hát mà chúng ta thường nghe trong tuần thánh “Vinh quang của Ta là thập giá Chúa Kitô, nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta…”. Từ nguồn mạch ấy chúng ta có thể tìm được trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Vì thế mà thánh Phaolô đã thốt lên Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Kitô (Gl 6,14) Như vậy, những đau đớn trên thân xác và tâm hồn mà chúng ta đang gánh chịu, những người già yếu bệnh tật trong gia đình chúng ta, hay những thiếu thốn về tinh thần của các em mồ côi… cùng với Đức Kitô sẽ làm nảy sinh tình yêu, như trong sứ điệp đặt biệt gởi tới những thành phần bệnh tật, đau yếu, Đức Hồng Y P. Mecouchi đã nói : Hỡi tất cả anh em, những người đang cảm thấy thập giá đè nặng… xin hãy lấy lại can đảm, anh em là những người được ưu đãi của Nước Chúa - Nước của hy vọng, của hạnh phúc và của sự sống. Anh em là những người em của Chúa Kitô đau khổ và cùng với Ngài, nếu anh em muốn, anh em cùng cứu vớt thế gian. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nói : Sự đau khổ cùng với lời cầu nguyện của người bệnh, là nguồn ơn sủng cho Giáo Hội. Và chính Chúa Giêsu, khi đúng trước Lazarô đang đau nặng, ngài nói : Bệnh này… là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”

Trong Giáo Hội chúng ta cũng thấy thánh Inhaxiô, một con người ngang tàng, phóng túng, nhờ bị thương tích nằm trong bốn bức tường của bệnh viện, được ơn trở lại và trở thành vị thánh sáng lập Dòng Tên.

Vậy, đau yếu, bệnh tật không phải là một tội, không phải là một hình phạt, cũng không phải là một nỗi tủi nhục, bất hạnh của bản thân hay gia đình, nhưng là một ân huệ của Thiên Chúa Mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Ngài”.

  Hát : Chúa là con đường. (TCCĐ 151)

2. Đón nhận bệnh tật trong thánh ý Thiên Chúa :

Chúng ta hiểu được phần nào giá trị của đau khổ, thế nhưng bất ngờ một cơn bệnh ập đến, một tai nạn xảy ra, trong khi mới lúc nào chúng ta còn mạnh khoẻ, còn trẻ trung và hăng say, hoặc những lúc đau đớn cấu xé thể xác, lúc mà chiếc giường không còn là nơi ấm êm nữa, không có một tư thế nào làm cho chúng ta dể chịu đối với căn bệnh của mình, tất cả trở nên như một gánh nặng cho chính mình cũng như người khác. Chính lúc đó chúng ta cảm thấy lo âu, sợ hãi và đôi khi khép lòng lại, nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa. - Tại sao Chúa im lặng ? Chúng ta xin mạnh khoẻ, sao bệnh hoạn vẫn bám lấy chúng ta ? Nhưng, như văn hào Mauriac nói : “Chúa Giêsu không đến để xoá bỏ đau khổ, nhưng đến để cùng hiện diện với những người đau khổ Vì Chúa chúng ta là Vị Thượng Tế không phải không biết cảm thông những nỗi yếu hèn của chúng ta”. Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm điều này : Thân xác tôi như bị một cái dằm đâm vào. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôiƠn của Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. (2Cr 12,7-9)

Chính Chúa Giêsu, khi đứng trước đau khổ, Ngài cũng cảm thấy hãi hùng, xao xuyến, Ngài đã thốt lên Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”, và Ngài cảm thấy cô đơn nên nói với các môn đệ : “Tâm hồn Thày buồn đến chết được, anh em ở lại đây mà canh thức với thầy”. Ngài lại cầu nguyện khẩn thiết hơn : Cha ơi, nếu được xin cho chén này rời khởi con”, liền sau đó ngài lại thưa : nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. Vâng, Chúa của chúng ta đã sống thân phận con người “sinh lão bệnh tử” như chúng ta, Ngài cũng sợ hãi, cũng đau đớn, nhưng trong cơn đau đớn tột cùng ấy, Ngài đã cầu nguyện khẩn thiết hơn và đã đón nhận mọi sự theo thánh ý Chúa Cha : Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thực hiện”

Chúng ta là những “người em” của Chúa Kitô đau khổ, không lý gì chúng ta lại chùn bước trước bệnh tật mà kêu trách, than thở. Chúng ta sẽ bình an khi biết mở lòng đón nhận với Đấng ban sức mạnh và lòng tin cho chúng ta. Một lần nữa chúng ta được mời gọi mọi lo âu, trút cả cho Người vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7). Chúng ta cũng nhìn gương Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh nữ cũng là một con người yếu đuối, bệnh tật như chúng ta, chị đã chịu những đau đớn nơi thân xác và thử thách trong tâm hồn, nhưng vẫn luôn trung thành đón nhận và đặt tin tưởng nơi Chúa Giêsu – Người Tôi Tớ Đau Khổ. Thánh nữ nhận ra sự chăm sóc của Chúa và hiểu rằng tình yêu Thiên Chúa thì bao la hơn tình yêu con người.

Hát : Chúa sống trong tôi (TCCĐ 126).

3. Niềm tin vững vàng giữa những đau khổ bệnh tật.

Chính nhờ đời sống cầu nguyện, chính nhờ niềm tin cách mạnh mẽ vào Thiên Chúa, mà biết bao người đã đón nhận sự đau yếu của mình với một tầng ý nghĩa và sẵn lòng đồng hành với tình trạng đau yếu trên hành trình về quê trời. Vậy, những lúc chúng ta tưởng Thiên Chúa im lặng, thì thật ra Ngài vẫn lên tiếng, vẫn đồng hành với chúng ta trong hành trình đó. Hằng năm, tại Lộ Đức, hàng ngàn bệnh nhân đến cầu xin ơn lành bệnh, có rất nhiều phép lạ được ghi nhận, nhưng phép lạ cả thể nhất tại đây chính là phép lạ của lòng tin. - Trong nỗi đau tột cùng của thân xác và tinh thần, vẫn còn thấy ý nghĩa của cuộc sống, vẫn còn cảm nghiệm tình yêu cao cả của Thiên Chúa – Đó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trên những người có lòng tin. Như rất nhiều lần trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói với những người bệnh tật đến với Ngài : Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”

Vào năm 1987, Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến công du Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha từ lễ đài cao đã bước xuống ôm hôn một người thanh niên đang hát với cây đàn guitar – Giây phút đó đã trở nên ấn tượng đẹp đối với nhiều người có mặt. Người thanh niên đó chính là anh TONY, anh được sinh ra nhưng không có hai tay, anh đã biến sự tàn tật kém may mắn của mình thành khả năng thuần thục, anh đã biết vân dụng các ngón chân để học đàn. Ngạc nhiên trước khả năng thuần thục đó, mọi người hỏi anh : “bí quyết nào giúp anh chẳng những chấp nhận chính mình để sống bình thường mà còn sử dụng được guitar tuyệt diệu như thế” anh từ tốn trả lời : “suốt đời, tôi đã cầu nguyện “Lạy Chúa, xin nhân lấy cuộc đời con và xin sử dụng cuộc sống con tùy theo ý Chúa”. Tôi đã dâng hiến cuộc đời tôi cho Chúa như một của lễ sống động và Ngài đã nhận lời tôi. Chính nhờ niềm tin, phó thác và cầu nguyện – tôi đã chiến thắng sự tàn tật và vui vẻ chấp nhận cuộc sống”.

Hơn ai hết, Mẹ Maria là người được chúc phúc vì đã tin. Mẹ đã đi cùng Chúa Giêsu trên con đường thập giá, đã ở gần Ngài trong lúc Ngài quỵ ngã, sát kề Ngài trong cuộc khổ hình, trong giờ phút căng thẳng đó, với tấm lòng của một người mẹ tan nát, đau đớn, Mẹ có thể phản đối, phẩn nộ chống lại sự bất công vì sự vô tội của con Mẹ - Nhưng cũng giống như con mình, Mẹ im lặng đón nhận không hoảng loạn, không tuyệt vọng, Mẹ vẫn tin tưởng, bình an trong niềm hy vọng vì Mẹ xác tín và tin vào tình thương của Thiên Chúa.

Mẹ là mẹ, là quan thầy của những bệnh nhân, xưa Mẹ đã cùng chia sẻ với Chúa Giêsu trên thập giá và đón nhận nỗi đau ấy với lòng tin mãnh liệt, chắc chắn Mẹ cũng luôn đồng hành với chúng ta trong đau ốm bệnh tật, hãy chạy đến với Mẹ trong đau khổ cô đơn và mời Mẹ về nhà với chúng ta, để Mẹ cùng đồng hành, nhắc nhở và cầu bầu cho chúng ta ơn kiên trì để tiếp tục cầu nguyện, biết tin tưởng vào tình thương, lòng thương xót Chúa và ơn can đảm để đón nhận mọi sự trong thánh ý Chúa, sống theo thánh ý Ngài như Mẹ đã nhắc các gia nhân trong tiệc cưới Cana Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.

Hát : Nguyện cầu (TCCĐ 177)

B. Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đây là những bệnh nhân, dù chúng con không thường xuyên đến tham dự Thánh Lễ và rước Chúa mỗi ngày như bao anh em khác, nhưng chúng con tin Chúa vẫn ở trong tâm hồn chúng con và ban Thánh Thần của Chúa để an ủi nâng đỡ chia sẻ với chúng con trong những cơn đau của bệnh tật, giờ đây cùng với Mẹ Maria chúng con cất lời kêu xin với Chúa.

1. Lạy Chúa chúng con đây là những bệnh nhân HIV AIDS và cả những bệnh nhân ung thư nữa, cuộc đời thắm thoát chúng con chẳng còn sống được là bao, nhưng trong thời gian ngắn ngủi còn lại của cuộc đời này chúng con lại cảm thấy mình hạnh phúc và thấy cuộc sống có ý nghĩa, vì chúng con đã gặp được Chúa. Vâng lạy Chúa, Chúa chính là sức mạnh, là sự an ủi, là nguồn cậy trông và hy vọng của chúng con. Xin cho chúng con biết sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa, cộng tác với những người đang giúp đỡ chúng con, để chúng con cùng đem lại niềm vui cho nhau và ngôi nhà của chúng con lại tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc.

Đáp : Lạy Chúa xin đổ xuống trên chúng con lòng thương xót của Chúa.

2. Và chúng con đây, chúng con là những bệnh nhân phong, cám ơn Chúa đã dựng chúng con nên giống hình ảnh của Ngài, và giờ đây Chúa lại lấy dần đi đôi bàn tay, đôi bàn chân là phương tiện giúp chúng con đi lại và làm việc, để rồi chúng con chỉ còn lại những khuôn mặt dị dạng, những đôi bàn tay khô héo, những đôi chân giả. Nhưng chính vì thế mà chúng con được yêu nhiều hơn, chúng con cảm nhận được tình yêu này qua sự quan tâm chia sẻ của mọi anh em đã dành cho chúng con, xin cho chúng con biết đáp trả tình thương này qua sự sẵn sàng cộng tác và vâng theo Thánh Ý Chúa.

Đáp : Lạy Chúa xin đổ xuống trên chúng con lòng thương xót của Chúa.

3. Lạy Chúa còn chúng con đây, chúng con là những em bé mồ côi, là những người tàn tật. Nhưng cho dù là mồ côi, là tàn tật, nhưng chúng con vẫn thấy hạnh phúc vì khi không còn ba mẹ nữa thì chính Chúa là ba mẹ của chúng con. Khi không còn khỏe mạnh nữa thì chính Chúa là sức mạnh của chúng con. Cám ơn Chúa đã luôn đến và lắng nghe chúng con, xin cho chúng con biết luôn tìm đến với Chúa, vì chính Chúa là nơi nương tựa, nghỉ ngơi an toàn của chúng con.

Đáp : Lạy Chúa xin đổ xuống trên chúng con lòng thương xót của Chúa.

4. Chúng con cám ơn Chúa vì trong ngày hôm nay đã có biết bao nhiêu người hướng về để cầu nguyện và chia sẻ với chúng con, chúng con cùng hiệp ý với mọi người để cầu nguyện cho những anh em đang cùng cảnh ngộ như chúng con mà chưa có niềm tin vào Chúa, xin cho họ tìm gặp được Chúa để họ cũng được chia sẻ niềm vui với chúng con trong gia đình Giáo Hội.

Đáp : Lạy Chúa xin đổ xuống trên chúng con lòng thương xót của Chúa.

 

KINH CẦU CHO BỆNH NHÂN

Mẹ Maria, xin Mẹ hãy ở bên bệnh nhân trên khắp thế giới.

Bên những người bất tỉnh vào lúc này và sẽ chết,

bên những người đang bước vào cơn hấp hối,

bên những người đã mất hết hy vọng được khỏi bệnh,

bên những người đang rên siết quằn quại trong đau đớn thể xác và tâm hồn.

bên những người không có khả năng để chạy chữa, vì thiếu hụt tiền của.

Xin Mẹ hãy ở bên những người rất muốn bước đi mà phải nằm bất động,

những người đang phải nằm mà phải dậy để làm việc,

vì đói khát cơ cực và túng bấn.

Xin thương những người đang lăn lộn trên giường,

không tìm được một thế nghỉ dễ chịu,

những người đang thao thức trắng đêm trường,

những người bị dằn vặt bởi bao lo âu của gia đình túng quẫn,

những người mà bệnh tật đã buộc phải từ biệt những ước vọng,

những dự tính hằng tha thiết,

Xin Mẹ hãy gần bên những người không tin vào cuộc sống vĩnh cửu,

những người chỉ biết than thân trách phận,

những kẻ bực tức và chửi rủa Thiên Chúa,

những người không được diễm phúc nhận biết Đức Giêsu Kitô,

Đấng đã bị bỏ rơi trên thập tự giá và đã lãnh vô vàn khổ đau,

và cái chết như họ và cho họ. Amen.

IV. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA.

Hát : Đây Nhiệm Tích. – Lời nguyện – Phép lành MTC.

Hát kết : Con tìm về Mẹ (TCCĐ 237)

 

 

Ban Giáo lý Giáo Phận Đàlạt

31-1-2006


Trở về trang Mục Lục