GIỜ THÁNH

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

22.10.2006

 

I.     MỞ ĐẦU

1.   Đặt Mình Thánh

2.   Hát kính thờ Mình Thánh

3.   Im lặng giây lát.

II.  SUY NIỆM

1.   Đọc Phúc Âm (Mc 16,14-18).

2.     Suy niệm I :

     VIỆC TRUYỀN GIÁO

Phát xuất từ tình yêu cứu thế, Chúa Giêsu trong giây phút sắp sửa tạm biệt các môn đệ để về trời, đã ân cần truyền cho các ông ấy : “Anh em hay đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Thật vậy, Loan Báo Tin Mừng là ân huệ và ơn gọi đặc biệt của Hội Thánh, là chân tính sâu xa nhất của Hội Thánh, một Hội Thánh phát xuất từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu của Ba Ngôi được diễn tả qua việc Chúa Cha sai Chúa Con xuống trần gian để cứu độ trần gian, và việc Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến với Hội Thánh để tiếp tục và hoàn tất sứ mạng của Chúa Con. Ba Ngôi là cội nguồn của Hội Thánh, vì thế, Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo (x. Ad gentes 2). Chúa Giêsu đã nhiều lần cho các môn đệ hiểu rằng sứ mạng Loan Báo Tin Mừng của họ đến từ Ngài và sứ mạng của Ngài đến từ Chúa Cha : “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian” (Ga 17,18). Ý thức được điều đó, Đức Giêsu vị sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất càng yêu mến Cha càng say sưa với việc Loan Báo Tin Mừng. Phải chăng, đối với Ngài làm cho nhiều người nhận biết và tôn vinh Cha là cách thức biểu lộ tình mến đối với Cha. Vì thế, ngay từ đầu công cuộc cứu thế, Chúa Giêsu đã xác định sứ mạng của Ngài là rao giảng Tin Mừng theo lệnh truyền của Cha : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, bởi Ngài đã xức dầu cho tôi, Ngài đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Để rao giảng, Ngài đã đi khắp đó đây, tiếp xúc với mọi hạng người và làm nhiều phép lạ để bày tỏ quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa rất gần kề và giàu lòng xót thương. Ngài cũng đã xác định rao giảng Tin Mừng theo ý Chúa Cha là lẽ sống, là cốt lõi và trung tâm của sứ mạng Ngài. Phúc âm Matcô đã thuật lại : “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy đấy !” Người bảo các ông : “Chúng ta hay đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,35- 39).

Rồi Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Sự việc này xảy ra tại Galilêa, trên một ngọn núi Thầy Giêsu và các môn đệ đã hẹn nhau trước. Thánh Matthêu thuật lại rằng : Khi thấy Người, các ông bái lậy, nhưng có mấy người hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (Mt 28,16-19). Lệnh truyền này đã trở thành sứ mạng chính yếu của Hội Thánh Chúa Kitô : Một Hội Thánh không hiện hữu cho mình nhưng cho con người và với con người. Một Hội Thánh hiện hữu là để Loan Báo Tin Mừng, và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng trở nên môn đệ Chúa Kitô đồng thời quy tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác về lại một mối.

Ý thức việc Loan Báo Tin Mừng là chân tính của Hội Thánh Lữ Hành, Hội Thánh không ngừng nhắc nhở con cái mình tập trung mọi nổ lực vào việc truyền giáo, đồng thời phải thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại này, phù hợp với những nơi và con người cần được nghe biết, đón nhận và thực hiện những đòi hỏi của đức tin.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi mở đầu ngàn năm mới, một lần nữa mời gọi mọi thành phần trong Hội Thánh hãy “Ra khơi truyền giáo” (x. Novo Mellennio Ieunte). Thánh Phêrô trước khi ra khơi bắt cá theo lệnh Chúa ông đã có tâm tình nào ? Ông đã vâng lệnh Chúa ra khơi sau khi bỏ lại ý riêng mình, suy nghĩ riêng của mình, tài trí riêng của mình mà hoàn toàn trao thân cho Chúa. Ông hiểu ra đi để làm ý Chúa, và ý Chúa thì khôn ngoan gấp vạn lần ý riêng. Ông bị khuất phục bởi quyền năng Chúa. Ông làm theo ý Chúa hoàn toàn khi đã gạt bỏ ý riêng. Và mẻ cá lạ lùng đã có… Đức Thánh Cha cũng đặc biệt trao nhiệm vụ truyền giáo trong thiên niên kỷ mới cho các Hội Thánh tại Á Châu, trong đó có Hội Thánh Việt Nam.

Nói tóm lại, lệnh truyền “Ra khơi”, lệnh truyền “Lên đường truyền giáo” đòi Hội Thánh : không hiện hữu cho mình, nhưng cho con người và với con người. Hội Thánh hiện hữu là đề loan báo Tin Mừng và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng trở nên môn đệ Chúa Kitô. Sau cùng Hội Thánh qui tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác về lại một mối (x. Ga 10,52).

Lời cầu nguyện : Lậy Chúa chúng con cảm nghiệm được rằng : Giáo Hội và tất cả mọi Kitô hữu trong Giáo Hội không thể giữ kín hay giữ độc quyền sự mới mẻ và giàu có trong kho tàng đức tin đã lãnh nhận từ lòng thương xót của Thiên Chúa để truyền sang cho tất cả loài người. Xin cho những ai đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo nhận thức được đặc ân cao quí này và can đảm làm chứng cho đức tin bằng một đời sống Kitô hữu đích thực. Amen.

3.     Hát : Lạy Chúa xin hãy sai đi. (Hoàng Kim) –

      Phiên khúc 1.

4.     Đọc Phúc Âm (Lc 4,16-22).

5.     Suy niệm II :

     VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI Á CHÂU

Đức Kitô vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người đã khai mào thời đại Loan Báo Tin Mừng bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Việc này chứng tỏ rằng, trong phạm vi thiêng liêng, không ai tự mình làm được gì nếu không có ơn Chúa Thánh Thần. Chính Đức Giêsu đã đọc lại đoạn sách Isaia, và áp dụng cho chính bản thân Ngài : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Rồi Người nói tiếp : “Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe” (4,21).

Theo gương Đức Kitô, mỗi người chúng ta hay để cho Chúa Thánh Thần biến đổi và hướng dẫn. Ngài dẫn ta tới đâu và bảo ta làm gì, làm cách nào, làm trong bao lâu là tùy ý Ngài. Tuy nhiên trong giờ phút này, nhờ ơn Chúa, chúng ta hãy có một thoáng nhìn về Lục địa Á Châu rộng lớn, đông dân cư, nhưng số các Kitô hữu thật là ít ỏi. Và cũng nhờ Hội Thánh hướng dẫn, chúng ta thấy nghĩa vụ truyền giáo của mình đối với quá nhiều người chưa nhận biết Chúa tại đây.

Trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, một Thượng Hội Đồng được nhóm họp từ ngày 18 tháng 4 tới ngày 14 tháng 5 năm 1998, với Tông Huấn được công bố vào ngày 6 tháng 11 năm 1999 đã bày tỏ nỗi ưu tư của Ngài về công cuộc truyền giáo và mục vụ đối với dân tộc Á Châu, làm thế nào để mang đến cho họ sự sống trọn vẹn được hứa ban cho những ai theo Đức Kitô như là Chúa và Đấng Cứu Độ của mình ;

Trong lời chào của Đức Hồng Y Stephen Sou Hwan chủ tọa buổi họp khoáng đại đầu tiên đã giới thiệu Á Châu, ngắn gọn nhưng đầy đủ. Đồng thời ngài cũng xác định sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Đức Kitô cho mọi người. Ngài nói : “Châu Á là nơi cư ngụ của hơn một nửa nhân loại, chẳng những bao gồm nhiều nước khác nhau, mà còn có thể nói là nhiều thế giới khác nhau. Châu Á là cái nôi của những tôn giáo lớn, những truyền thuyết lớn của thế giới và vô số tín ngưỡng nguyên thủy. Chính trong Châu Á ngày nay, đối đầu với nhiều thách đố bao la và trầm trọng mà Giáo Hội thường chỉ là một thiểu số nhỏ bé trong lục địa rộng lớn này, được mời gọi loan báo “Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ và sứ mạng tình yêu và phục vụ của Ngài tại Á Châu. Và chính trong bối cảnh ấy, Giáo Hội được mời gọi để đối thoại với các tôn giáo và tìm cách để đưa hạt giống Tin Mừng vào trong những nền văn hóa nghìn đời của lục địa bao la rộng lớn này”.

Cũng trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc lại tầm nhìn của Ngài. Ngài nói : “Nếu trong thiên niên kỷ thứ nhất của Kitô giáo, Thập giá đã được trồng trên đất Châu Âu, và trong thiên niên kỷ thứ hai, Thập giá được trồng trên đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì trong thiên niên kỷ thứ ba, Giáo Hội sẽ được một mùa gặt bội thu trên lục địa rộng lớn và tràn trề sức sống này”.

Các nghị phụ của Thượng hội đồng trong sứ điệp kết thúc cũng viết : “Tất cả mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ rao giảng Đức Kitô. Sự thôi thúc chúng ta chu toàn bổn phận này phát sinh từ niềm vui vì đã gặp được kho tàng và từ ước muốn chia sẻ kho tàng đó. Trong Đức Kitô, vị Thiên Chúa vô danh và xa lạ, nay biểu lộ chính mình hoàn toàn và thông truyền chính mình trọn vẹn cho chúng ta. Chúa Cha hằng sống, sai phái Chúa Giêsu, Đấng bởi Chúa Cha. Đây là sự sống mà Chúa Giêsu đã đến để chia sẻ cho chúng ta. Đây là nguồn mạch của mọi sự sống và tồn tại đến muôn đời”.

Nhưng phải nhận rằng công cuộc truyền giáo tại Á Châu gặp nhiều khó khăn, trở ngại, như Đức Cha Nguyễn Văn Hòa nhận định : “Công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu xem ra đặc biệt khó khăn vì các dân tộc Á Châu đã có trước đó một nền văn hóa cao và một tôn giáo truyền thống trước khi những nhà truyền giáo đến rao giảng. Có nhiều lý do ngăn cản họ gia nhập Giáo Hội Công Giáo, một lý do chính là họ cảm thấy là mình bị ràng buộc trong lương tâm phải sống trung thành với tôn giáo của họ”.

Vì thế, hết mọi Kitô hữu nếu muốn góp phần loan báo Tin Mừng cho lục địa Á Châu tiên vàn phải làm những việc sau đây theo ý muốn của Hội Thánh :

a. Trước hết là phải cầu nguyện. Kết thúc sứ điệp, các nghị phụ viết : “Trên tất cả mọi sự, cần phải có một linh đạo truyền giáo sâu xa, được ăn rễ sâu trong Đức Kitô, với sự nhấn mạnh đặc biệt đến lòng cảm thông và hòa hợp, thái độ tự hạ và tự từ bỏ chính mình”.

b. Sau nữa phải sống đời chiêm niệm. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết : “Một nhà truyền giáo không có kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa trong kinh nghiệm và chiêm niệm sẽ ảnh hưởng rất ít về mặt thiêng liêng hoặc sẽ ít thành công trong việc truyền giáo”.

c. Phải là chứng tá của niềm tin. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng viết : “Giáo Hội ý thức rằng, làm chứng một cách thinh lặng bằng cuộc sống vẫn là con đường duy nhất để loan báo nước Chúa tại nhiều nơi của Châu Á".

6.     Hát : Lạy Chúa xin hãy sai đi. (Hoàng Kim) –

      Phiên khúc 2.

7.     Lời nguyện Tín Hữu (Tùy nghi).

Chủ sự mở đầu : Giờ đây chúng ta cùng nhau dâng lên Cha trên trời những lời cầu xin tha thiết, xin Cha thương nhận để danh Cha được cả sáng :

Chúng ta hãy cầu xin cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và các phẩm trật trong Hội Thánh được Chúa Thánh Thần tác động hăng say trong công cuộc truyền giáo.

 Đáp : Xin Chúa…

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho công cuộc truyền giáo tại Á Châu được nhiều thành phần trong xã hội tích cực hưởng ứng.

Đáp : Xin Chúa…

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn Thánh Thần cách dồi dào cho tất cả những ai được sai đến trong cánh đồng truyền giáo Á Châu.

Đáp : Xin Chúa…

Hiệp thông cùng Đại Hội Truyền Giáo Á Châu lần I đang cử hành với chủ đề “Kể chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á”, chúng ta hãy cầu xin Chúa thôi thúc trong tâm hồn chúng ta lòng nhiệt thành cộng tác vào sứ mạng truyền giáo, để làm sáng Danh Chúa và phục vụ lợi ích anh chị em trong cuộc sống hằng ngày.

Đáp : Xin Chúa…

Chúng ta hãy cầu xin Chúa chúc phúc cho thiện ý của con người khi muốn cho danh Chúa được cả sáng, mà mạnh dạn phát động công cuộc truyền giáo trong lục địa Á Châu đông dân này.

Đáp : Xin Chúa…

Chủ sự kết thúc : Lạy Chúa, Chúa đã biết chúng con muốn gì, điều chúng con muốn là ý Chúa được thực hiện. Xin cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần hầu được can đảm và khôn ngoan đạt tới điều Chúa mong muốn là Kitô hóa lục địa Á Châu này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

8.     Kinh truyền giáo (Tùy nghi).

III.          KẾT THÚC.

1.     Hát cầu cho Đức Thánh Cha – Lời cầu

2.     Tantum – Lời nguyện

3.     Phép lành Mình Thánh Chúa.

4.     Hát kết thúc : Thần Khí Chúa hoặc : Đường con đi hoặc : Lời nguyện Truyền giáo.

 

 

Văn Phòng Tòa Giám Mục Đàlạt

ngày 3-10-2006


Trở về trang Mục Lục