GIỜ THÁNH

NGÀY TRUYỀN THỐNG GIỚI GIA TRƯỞNG

19.3.2007

 

I. KHAI MẠC

1.     Đặt Mình Thánh Chúa

2.     Hát kính Thánh Thể

Chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy và kính yêu Chúa đang hiện diện thực sự trước mặt chúng con đây. Chúa đã mang thân phận con người và sống kiếp người như chúng con trong một mái ấm gia đình, có Thánh Giuse là cột trụ nâng đỡ và Đức Maria là võng nôi yêu thương. Dịp lễ Thánh cả Giuse năm nay, chúng con muốn học ở nơi Thánh cả Giuse, Dưỡng phụ của Chúa, bài học tin yêu và phó thác, để Chúa được lớn lên trong tâm hồn và đời sống chúng con nơi các mái ấm gia đình. Chúa đã ‘lớn lên’ tại mảnh đất Việt khi các vị Thừa sai đặt chân đến Cửa Bạng ở Thanh Hóa vào đúng ngày lễ kính Thánh Giuse. Giáo phận Đàlạt chúng con trong những năm tháng chao đảo, còn lạ nước lạ cái như cuộc sống gia đình của Chúa tại Ai Cập, thì vị giám mục, gia trưởng của Giáo phận, đã dâng Gia đình Giáo phận cho Thánh cả Giuse để xin ngài phù hộ và dẫn dắt. Và ngày hôm nay, con thuyền gia đình của mỗi người chúng con lại có quá nhiều sóng gió : sóng ích kỷ đang phân rẽ hôn ước gia đình, và gió hưởng thụ đang xoáy mòn tình yêu, giết chết sự sống.

Chúng con muốn nhìn vào gương Thánh cả Giuse trong Gia đình của Chúa tại Nagiarét xưa kia, để dâng lên Chúa những ước nguyện chân tình cho các vị chủ chăn, các gia trưởng, những người cầm cân nảy mực trong các giáo xứ và các gia đình, luôn có một đức tin kiên trung và đức mến nồng nàn để làm chủ chính mình trước khi lãnh đạo người khác.

II. LỜI CHÚA - SUY NIỆM

1.      Thánh Giuse –

          làm chủ gia đình và làm chủ bản thân

Hát : “Xin cho con biết lắng nghe”.

a. Lời Chúa : Mt 1,18-21

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêô

Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô : Bà Maria, mẹ người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.

b. Suy niệm :

Thánh Giuse biết làm chủ gia đình

và làm chủ chính mình.

Lễ đính hôn theo xã hội Do Thái đã có hiệu lực như giấy đăng ký kết hôn của chúng ta ngày hôm nay, nghĩa là Đức Maria đã là vợ của Thánh Giuse, tuy chưa về chung sống với nhau. Bởi thế Tin Mừng mới nói : “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Tin Mừng không nói rõ Đức Maria có tiết lộ bí mật truyền tin cho Thánh Giuse biết hay không, nhưng không phải vì thế mà chúng ta vội cho rằng Thánh Giuse nghi ngờ về lòng chung thủy của Đức Maria. Phải hiểu được tính cách cao cả của Thánh Giuse thì quyết định chia tay của thánh nhân là một sự cân nhắc, chứ không phải là kết quả của một quyết định nông nổi.

Tính dục cũng là một chiều kích quan trọng và thiết yếu của đời sống hôn nhân, song nó cũng không phải là tất cả đời sống gia đình. Đời sống gia đình còn nhiều hướng khác nữa cần phải được triển nở, đặc biệt trong lãnh vực tình yêu và sự sống. Khi biết được thánh ý của Thiên Chúa, Thánh Giuse phải có một tầm vóc thiêng liêng đặc biệt lắm mới dám vừa đảm nhận ơn gọi làm chủ gia đình, vừa làm chủ bản thân để nhường chỗ cho Thiên Chúa trong thân xác của Đức Maria mà vẫn không cảm thấy bị tước đoạt. Mặc dù Đức Giêsu không phải là con ruột của mình, song Thánh Giuse nhận thấy rằng Con Thiên Chúa làm người cần có một người cha nhân loại để lớn lên trong bầu khí yêu thương của gia đình, và Đức Maria, mẹ Người, cũng cần có một chỗ nương tựa để chăm sóc và giáo dục trẻ Giêsu nên người. Đó là những lý do cấp bách thúc đẩy Thánh Giuse sớm tiến hành đám cưới để rước Đức Maria về nhà làm vợ trong sự thủy chung và tôn trọng sự sống.

Người chồng, người cha trong các gia đình thời hôm nay cũng cần phải vững vàng, mực thước trong tình yêu vợ chồng và con cái mới có thể sống ơn gọi gia đình đến cùng.

(thinh lặng ít phút)

c. Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi Chúa xuống làm người ở giữa chúng con là Chúa chấp nhận từ bỏ chức phận đồng hàng với Chúa Cha để trở nên giống như chúng con, nghĩa là chấp nhận sự chi phối và bao bọc của gia đình và xã hội. Chắc là Chúa luôn cảm thấy sung sướng và hạnh phúc trong Gia đình Nagiarét, bên cạnh Thánh Giuse, Đức Maria và biết bao bạn bè thân cận. Tin Mừng kể rằng Chúa luôn luôn cầu nguyện và tạ ơn Chúa Cha ; bởi thế chúng con tin chắc rằng trong những kinh nguyện của Chúa, có nói về người mẹ trần gian là Đức Maria và người cha nuôi là Thánh Giuse,  hoặc nói về cảnh đầm ấm thân thương của bầu khí Gia đình Nagiarét dù rằng chẳng mấy khi có ‘của ăn của để’ như nhiều gia đình khác. Chắc là Chúa luôn tạ ơn Chúa Cha vì có một người bố nuôi hết tình yêu thương Mẹ Maria và hết mình chăm sóc cho Chúa từ bé đến lớn khôn.

Nhìn vào gia đình của Chúa, chúng con nhớ đến biết bao trẻ thơ ngày hôm nay đang thiếu một mái ấm gia đình chỉ vì cha mẹ của chúng thiếu sự chung thủy, thiếu sự bao dung tha thứ, và ít quan tâm đến con cái. Xin Chúa chúc lành cho các bậc làm cha làm mẹ biết làm chủ bản năng của mình để điều hướng mọi nỗ lực cho việc chăm lo hạnh phúc của gia đình.

Hát : “Cầu cho cha mẹ”

2.      Thánh Giuse –

          lãnh đạo kiên trung trong đức tin và đức mến.

a. Lời Chúa : Mt 2,13-15

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : ‘Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập”.

b. Suy niệm :

Thánh Giuse,

kiên trung lãnh đạo gia đình trong tin yêu.

Chỉ có vài dòng trong Phúc Âm theo thánh Matthêu nói về Thánh Giuse, nhưng thôi cũng là điều hay, vì như vậy, càng nói lên đức tin sâu xa và khiêm tốn của Thánh Giuse.

Thực vậy, Thánh Matthêu không ghi lại lời hay ý đẹp nào của Giuse, nhưng qua cách trình bày của Thánh Matthêu, chúng ta đọc ra đức tin của Abraham được mệnh danh là ‘Cha của những kẻ tin’. Các chương đầu của Phúc Âm Matthêu gợi lại những chương đầu của sách Sáng Thế nói về Abraham và Isaac – đứa con của lời hứa – cũng giống như thánh Giuse thì Đức Giêsu cũng là đứa con của lời hứa.

Đức tin của Abraham bắt nguồn từ một ơn gọi và một lời hứa. Chính vì Thiên Chúa đã gọi Abraham, đặt ông làm cha một dân tộc vĩ đại và hứa cho ông một miêu duệ “đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển” mà ông đã ra đi. Cũng vậy, nơi Thánh Giuse, đức tin của ngài dựa trên một ơn gọi và một sứ mệnh : ơn gọi cộng tác trực tiếp vào hoạch định cứu độ của Thiên Chúa qua sứ mệnh làm gia trưởng của Thánh Gia Nagiarét. Chính vì sứ mệnh đó mà Thánh Giuse đang đêm đã phải chỗi dậy, và phải ra đi như Abraham.

Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Abraham đã ra đi trong một niềm tín thác và dấn thân hoàn toàn. Abraham ra đi ban ngày, còn Thánh Giuse phải ra đi ban đêm, nghĩa là phải chỗi dậy rồi mới cất bước, điều đó cho thấy nỗ lực của Thánh Giuse không phải là ít. Thánh Giuse đã chỗi dậy để tuân theo lệnh truyền và lên đường trong đêm tối của đức tin. Không có xe gắn máy hay xe đò như ngày nay, mà phải có một thể lực tốt, Thánh Giuse mới có thể rảo bước từ bắc chí nam, rồi từ Israel sang Ai Cập. Không có hệ thống thông tin hiện đại, song phải rất nhạy bén và linh hoạt lắm, thì Thánh Giuse mới có thể xoay xở một chỗ trú ngụ và ứng biến kịp thời trong những tình huống cực kỳ thiếu thốn và nguy hiểm.

Những biến cố trong cuộc đời của Thánh Giuse mà Phúc Âm đã ghi nhận gợi lại các biến cố trong Cựu Ước có liên quan đến Abraham. Chúa gọi Abraham ra đi để trở nên tổ phụ của dân Israen để từ dân này sẽ phát sinh ra Đấng Cứu Thế. Và giờ đây, Thiên Chúa ruyền cho Thánh Giuse đón nhận Đức Maria về nhà mình để bảo vệ Đấng Cứu Thế sẽ được Maria sinh hạ. Isaac chính là đứa con của lời hứa mà Abraham đã phải vất vả lắm mới cảm nhận được điều đó, nào là hai ông bà son sẻ, nào là phải sát tế đứa con duy nhất. Thánh Giuse được Thiên Chúa đặt làm Dưỡng phụ của Đấng Cứu Thế nên Thánh nhân phải ra sức bảo vệ, nào là bảo vệ danh thơm tiếng tốt cho Đức Maria và con trẻ, nào là phải chạy trốn khỏi sự lùng giết của vua Hêrôđê, phải chạy ăn từng bữa, kiếm từng chỗ ngủ... Các tổ phụ của dân Do Thái ngày xưa đến đất Canaan theo lời Thiên Chúa, rồi lại phải chạy sang Ai Cập rồi sau lại trở về Canaan. Thánh Giuse đang ở Galilê, miền bắc, xuống Giêrusalem, miền nam, để khai hộ khẩu, rồi chạy trốn sang Ai Cập, rồi lại về Nagiarét, miền bắc Do Thái.

Như vậy, đức tin của Thánh Giuse cũng như của tổ phụ Abraham là một lòng tin hoàn toàn phó thác và sẵn sàng :  tận dụng tất cả để thực thi ý Chúa qua những biến cố mà mình không nắm bắt trước được, và thường khi không hiểu, như trường hợp của Thánh Giuse trước mầu nhiệm của Đức Maria hoặc khi tìm thấy Chúa Giêsu ở đền thờ. Nhưng Thánh Giuse tin rằng Chúa nắm vững vấn đề, và Thánh Giuse biết mình phải làm gì nếu không phải là làm theo lời Thiên Chúa. Đối tượng niềm tin của Thánh Giuse là Lời Chúa, và cũng chẳng đặt vấn đề hiệu quả của lời đó. Đúng là niềm tin tuyệt đối phó thác, chẳng còn tìm gì cho bản thân, song là hoàn toàn để phục vụ người khác.

(thinh lặng)

c. Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, càng suy gẫm về cuộc đời và ơn gọi của Thánh Giuse, chúng con càng xác tín Chúa Cha đã ban chọn cho Chúa một Dưỡng phụ thật tuyệt hảo. Thánh Giuse, người công chính, suốt đời là một người luôn luôn thức tỉnh trước thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ. Bằng chứng là mỗi lần Thiên Chúa tỏ ý là mỗi lần Thánh nhân nằm mộng, và mỗi lần nằm mộng là mỗi lần phải quyết định ngược lại mọi toan tính của mình. Đức Maria còn được thiên thần chỉ vẽ nhãn tiền, còn Thánh Giuse chỉ được bày tỏ qua giấc mơ mà thôi, và giấc mơ ấy phải phát xuất từ một tâm hồn nhạy bén với Lời Chúa và thời cuộc.

Vâng lạy Chúa, Thánh Giuse vâng phục thánh ý Thiên Chúa một cách chóng vánh, quyết liệt, không chần chừ đến độ khó hiểu. Ngài chỉ cần một dấu hiệu cỏn con là đọc ngay được thánh ý Thiên Chúa và thực thi ngay lập tức ; và đó là lý do tại sao Ngài được gọi là ‘người công chính’. Còn chúng con hay chờ đợi những phép lạ nhãn tiền và sau đó lý luận, mặc cả trước khi hành động. Xin cho chúng con sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa qua một dấu chỉ nào đó trong cuộc sống, và đáp trả với cả niềm tin phó thác, như Thánh cả Giuse đã làm tất cả chỉ vì muốn bảo vệ Chúa trong những bước đầu đời làm người.

Hát : “Cảm tạ Chúa đã ban cho con ngàn ngày vui”

Đọc : Kinh Thánh Giuse :

Lạy Thánh Giuse bổn mạng Hội Thánh – Ngài thật xứng đáng được khắp nơi ca tụng – dưới danh hiệu cao đẹp của Tin Mừng – là “người tôi tớ tốt lành và trung tín” (x. Lc 12,42) – đã được Thiên Chúa tín nhiệm – và ký thác toàn bộ gia nghiệp Nước Trời – Quả vậy, trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa – Ngài được chọn làm Bạn của Đức Trinh Nữ Maria – và dưới dòng họ của Ngài – Con Thiên Chúa làm người thuộc hoàng tộc Đavít – đã âu yếm gọi Ngài là “cha” – Giờ đây trên Quê Trời vinh phúc – Ngài thực hiện vai trò một người bảo trợ – chuyển cầu cho các tín hữu trong đoàn dân Thiên Chúa.

Lạy Thánh Giuse bổn mạng Hội Thánh – chúng con ca tụng Ngài là “Đấng công chính” (Mt 1,19) – đã nêu cao tấm gương một đời sống thánh thiện – như lời Phúc Âm khuyên dạy – nhờ việc vâng phục của Ngài – mà Ngôi Lời đã hoàn tất mầu nhiệm Nhập Thể cách tốt đẹp – trong nếp sống nghèo khó – Ngài đã cùng Chúa Giêsu và Đức Mẹ – làm phong phú cho đời sống các gia đình – Ngài lại còn sống thanh khiết – để bảo vệ và gìn giữ Mẹ Thiên Chúa.

Xin chuyển cầu cho Hội Thánh – với biết bao nhu cầu và đòi hỏi trung tín  trong sứ mạng – để mọi thành phần Dân Chúa được cùng Ngài – không ngừng tôn vinh Thiên Chúa – và phục vụ lợi ích anh em mình. Amen.

III. KẾT THÚC

1.     Hát : Này con là Đá. Lời  cầu nguyện cho ĐGH.

2.     Hát : Tantum ergo. Lời nguyện.

3.     Phép lành Mình Thánh Chúa.

4.     Hát kết thúc : Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo…”

 

Giáo Phận Đàlạt, 2007

 


Trở về trang Mục Lục