GIỜ THÁNH CẦU CHO ANH CHỊ EM DÂN TỘC

Chúa Nhật 25 tháng 10 năm 2008

 

1.        Đặt Mình Thánh

2.        Hát : Lòng Chúa Ái Tuất

3.        Lời nguyện của chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây quỳ trước Nhan Thánh Chúa, chúng con để lòng lắng đọng, im lặng để nghe tiếng Chúa : “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy, Thầy không còn anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn anh em, Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,14-15). Chúng con được trở nên bạn hữu đích thực của Chúa, chúng con làm việc cho Chúa. “Hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa” (Tv 72,28). Trong giờ thánh cầu nguyện cho anh chị em Dân tộc sau năm kỷ niệm 80 truyền giáo cho người Dân tộc, chúng con vẫn ý thức sâu xa lời dạy của Chúa : “…vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,35-36). Chúng con vẫn nhớ lời Chúa mời gọi : “Hãy xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến. Hãy ra đi !” (Lc 10,2-3). Mỗi người chúng con luôn tự vấn lương tâm : “Tôi đã làm được gì cho anh chị em Dân tộc ? Tôi đã kể cho họ nghe về câu chuyện của Đức Kitô chưa ? Tôi đã luôn báo và giới thiệu cho họ Đức Giêsu Kitô chưa ?”

Những vấn nạn ấy luôn là nỗi ưu tư canh cánh trong lòng của mỗi người chúng con trước cánh đồng truyền giáo bao la, bạt ngàn của người Dân tộc mà chúng con được kêu mời cầu nguyện và loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho họ. Làm được việc đó, không gì bằng qui tụ xung quanh Đức Mẹ, gương mẫu của mọi người truyền giáo, chúng con xin dâng Giờ Thánh này để cầu nguyện cho việc truyền giáo của anh chị em Dân tộc trong Giáo phận Đàlạt. Như các Tông đồ xưa trong nhà Tiệc Ly cùng với Đức Mẹ sau khi Chúa đã về trời để khẩn cầu Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, hầu chúng con hăng say giới thiệu Đức Kitô cho nhiều người nhận ra Tin Mừng và tin vào Chúa. Xin Mẹ củng cố đức tin cho chúng con, để chúng con noi gương bắt chước Đức Mẹ trở nên người môn đệ đích thực của Chúa và ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần thúc đẩy và dẫn đi trong cuộc hành trình truyền giáo, trong việc loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa.

4.        Hát : Xin dẫn đưa con

5.        Lời Chúa Mt 18,1-5.10

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng : “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?”. Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo : “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.

6.        Suy Niệm

Anh chị em Dân tộc gần gũi Nước Trời : Anh chị em Dân tộc quả thực có tâm hồn quảng đại, đức tính hiền lành và bản chất rất thành thật. Họ giống như em bé mà Chúa Giêsu đặt giữa các môn đệ và nói : “… nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Câu trả lời của Chúa Giêsu thật dễ hiểu và đơn giản. Để được vào Nước Thiên Chúa : “Hãy trở nên như trẻ nhỏ”. Điều này không có nghĩa Chúa bảo chúng ta phải hóa kiếp trở lại như trẻ nhỏ, như trẻ thơ, nhưng trở nên trẻ nhỏ về tinh thần, trẻ nhỏ về tâm hồn, nghĩa là chúng ta phải có một đời sống trong sạch, thành thật, dễ thương như những trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ tựa như một cây non, yếu đuối luôn phải nương tựa vào người lớn. Trẻ nhỏ luôn nương tựa vào cha mẹ, cha mẹ bảo sao trẻ nhỏ nghe vậy. Trẻ nhỏ cũng giống như một tờ giấy trắng tinh viết gì vào đó cũng được, nhưng khi đã viết thì không bao giờ có thể xóa đi được. Trẻ nhỏ cũng rất dễ tin. Chúng tin vào cha mẹ và tin chỉ có cha mẹ mới có thể đáp ứng được những nhu cầu thỏa đáng của chúng. Đó là thái đô con người, hay nói cách khác đó là thái độ của chúng ta phải có đối với Chúa, trước mặt Chúa, chúng ta phải thực sự cảm thấy nhỏ bé, yếu đuối, bất lực cần phải cậy nhờ vào Chúa giúp. Anh chị em Dân tộc có thể nói tự bản chất đã thuộc về Nước Trời vì họ có tâm hồn trẻ thơ.

Anh chị em Dân tộc hồn nhiên trong sáng nên gần Chúa : Cũng theo đoạn Tin Mừng này, đức tính khác mà trẻ nhỏ vẫn có, đó là tính đơn sơ, hồn nhiên, trong sạch, ngây thơ không lươn lẹo, không quanh co, không lừa dối, không biết để lòng hận thù, ghen ghét, không biết bon chen, mánh mung, lo lắng, ưu tư như người lớn. Hồn nhiên là thái độ của trẻ nhỏ được diễn tả ra bằng tình thương. Trẻ nhỏ hiểu bằng tình thương, chúng diễn tả bằng tình thương, chúng thích được yêu thương. Chúng tin vào người nào khi chúng biết người ấy yêu thương chúng. Thuyết phục chúng bằng lý lẽ sẽ không ăn thua gì nếu không kèm theo sự yêu thương thực sự. Tình thương là ngôn ngữ hồn nhiên nhất của các trẻ nhỏ. Đó là thái độ chúng ta phải có đối với Chúa, và đó là cách chúng ta được Chúa yêu thương và được nhận vào Nước Trời. Sống với anh chị em Dân tộc, chúng tôi vẫn cảm nghiệm rất sâu xa con người hồn nhiên, trong sáng của họ. Và đó là mối phúc cho những con người hiền lành, hồn nhiên bởi vì Nước Trời thuộc về những con người nhỏ bé, luôn tin tưởng vào ai họ đã tin tưởng, đặc biệt họ tin vào Chúa Giêsu, Đấng ban phát tình thương và sự sống hồn nhiên núi rừng cho họ.

Nước Trời ưu tiên cho những trẻ nhỏ và cho những ai có tâm hồn giống như trẻ nhỏ : Anh chị em Dân tộc tuy sống gần gũi với người Kinh có một số đã đánh mất phần nào bản chất đơn sơ, trung thực của họ, nhưng đại đa số họ vẫn thành tâm, rất dễ mến, họ hiếu khách và sống hài hòa khi chúng ta yêu thương họ thật sự. Họ tin Chúa, họ một lòng lắng nghe và thực hành lời Chúa trong đời sống của họ tùy mức độ hiểu biết của họ. Họ hồn nhiên, họ trở nên bạn hữu của Chúa, Ngài là thượng khách của họ, như Thiên Chúa là thượng khách của Abraham, dưới gốc cây sồi ở Mambré : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy” (Ga 14,23). Hình ảnh tình thân giữa Thiên Chúa và người Dân tộc trong cuộc sống được gợi lên một cách tuyệt vời trong sách Khải Huyền của thánh Gioan : “Này đây, Ta đứng trước cửa mà gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”

(Kh 3,20).

Nước Trời đang chờ đón chúng ta và Chúa vẫn mời gọi cả Giáo phận Đàlạt loan báo Tin Mừng cứu độ cho anh chị em Dân tộc : Cầu nguyện cho anh chị em Dân tộc nhận biết Chúa và tin Chúa là điều chúng ta phải làm thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, như thánh Phaolô chúng ta không thể nào làm ngơ trước những anh em Dân tộc thuộc Giáo phận Đàlạt đang sống rải rác trong các làng bản, buôn, sóc khắp tỉnh Lâm Đồng, từ Cát Tiên, Đạ Tẻ, Đạ Huoai, Bảo Lộc, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đamrông và Đàlạt : “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Thánh Phaolô thốt lên lời này cùng với xác tín sâu xa : “Tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được nhận biết Đức Kitô, Chúa chúng tôi” hoặc “Mỗi người chúng ta được Thiên Chúa ban cho ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô”

(Ep 3,8).

Nước Trời vẫn đang chờ đón mọi người Kinh cũng như Dân tộc, nhưng để vào được Nước Trời chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ và phải sống những nấc thang của Tám Mối Phúc Thật. Rao giảng Tin Mừng cho anh chị em Dân tộc luôn là nỗi ưu tư số một của Giáo phận và cách riêng của Đức Cha Phêrô, Giám mục Giáo phận Đàlạt. Đức Cha luôn động viên, khích lệ và sai những tông đồ nhiệt thành vào cánh đồng truyền giáo mênh mông của người Dân tộc. “Hãy ra khơi thả lưới…”

7.        Hát : Thần Khí Chúa

Một vài con số đáng suy nghĩ : Với những con số ghi nhận được trong mảng truyền giáo cho anh chị em Dân tộc ở Giáo phận Đàlạt, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và cảm tạ Thiên Chúa :

- Từ ngày 07/12/1927 tới 1941 khi Cha Jean Cassaigne được tấn phong làm Giám mục Địa Phận Sàigòn đã có 296 người Dân tộc trở thành con cái Chúa và Giáo Hội.

- Từ năm 2003 tới tháng 6 năm 2007, số Kitô hữu Dân tộc gồm Kơho (Cil, Mạ, Srê, Mnông), Churu đã có trên 100.000 người.

- Từ tháng 6 năm 2007 tới tháng 10 năm 2008, số Kitô hữu Dân tộc có thể đã tăng lên đến 120.000 người (kể cả những người Dân tộc Thái, Mèo, Mường, Tầy…)

- Chỉ nguyên vùng Dân tộc Đamrông đã có những con số đáng nói như sau : Đạ Long, 343 người Dân tộc đã được rửa tội ; Ntôl có 1.046 người ; Liêng Trang I có 845 người ; Liêng Trang II có 611 người, Danhinh I có 931 người ; Danhinh II có 531 người ; Cilmúp có 4.00 người ; Đala có 488 người ; Đasé có 608 người ; Liêngkrăk I có 490 người ; Liêngkrăk II có 373 người ; Tula có 841 người ; Liêngsrôn có 492 người ; Đà Krông Kônô có 679 người ; Đarsăl có 1.321 người ; Romen có 1.007 người ; Philiêng có 684 người ; Đà Kơnàng có 684 người… Tất cả họ đã được rửa tội và đã trở thành Kitô hữu.

Lời của Chúa Giêsu trước khi về trời vẫn luôn thúc bách mọi người chúng ta : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Lệnh truyền “Ra khơi”, lệnh truyền “Lên đường truyền giáo” đòi Hội Thánh, đòi mỗi người chúng ta không được yên thân trong những gì mình đã có, nhưng là loan báo Tin Mừng và làm cho nhiều người thành tâm thiện chí trở nên môn đệ Chúa Kitô, đồng thời qui tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác về lại một mối (Ga 10,52) hoặc “…để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).

8.        Đọc chung Kinh Truyền Giáo để cầu nguyện cho anh chị em Dân Tộc

9.        Hát cầu cho Đức Thánh Cha.

10.   Hát : Đây Nhiệm Tích

11.   Phép Lành Mình Thánh Chúa.

12.   Hát kết thúc : Kinh Hòa Bình

 

Giáo Phận Đàlạt

Ban Giáo Lý

 

 

 

 

 

 


Trở về trang Mục Lục