GIỜ THÁNH

Thứ Năm Tuần Thánh 2010

01/4/2010

Khai mạc

1. Hát : “Chúa là Tình Yêu”

2. Lời nguyện mở đầu (quỳ) :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin kính và thờ lạy Chúa là Đấng đã yêu thương các môn đệ cho đến cùng. Chúa đã để lại cho chúng con chính sự sống là Mình và Máu Thánh, vì "tôi bảo thật các ông : … Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy" (Ga 6,53-57). Chúa còn để lại cho Hội Thánh chức tư tế thừa tác khi trao phó cho các Tông Đồ, và qua các ngài, cho các giám mục và linh mục tiếp tục cử hành Thánh Thể : "Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19 //).

Lạy Chúa Giêsu, trong Năm Linh Mục này, cùng với mọi người trong Hội Thánh là Gia đình của Chúa, chúng con muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với các linh mục vì đã tận tình phục vụ dân Chúa với đức ái mục tử, theo mẫu gương Vị Mục tử nhân lành ; chúng con cầu xin Chúa luôn giữ gìn các ngài vì các ngài vẫn là những con người đầy giới hạn như mọi người chúng con.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, tại nhà Tiệc Ly, Chúa đã nêu gương phục vụ khi rửa chân cho các môn đệ, đón nhận các ông là bạn hữu và dạy các ông bài học yêu thương : "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. … Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau" (Ga 15,12-15.17). Trong Đêm thánh này, xin cho chúng con biết chia sẻ tâm tình của Chúa để có thể yêu thương đón nhận nhau như Chúa đã đón nhận chúng con.

Thinh lặng giây lát.

3. Hát : “Lạy Chúa, xin ban xuống trên chúng con…” (đứng).

Lắng nghe Lời Chúa – suy niệm và cầu nguyện

4. Công bố Tin Mừng I (đứng)

+ Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Gioan (15,1-17)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ :

"Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Ngài ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

5. Suy niệm 1

(Trích Đề cương cử hành Năm Thánh 2010, số 15-16)

Mầu nhiệm Giáo Hội cũng liên hệ chặt chẽ với mầu nhiệm Thánh Thể. Giáo Hội làm nên Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không thể nói tới một Giáo Hội không Thánh Thể cũng như không thể có Thánh Thể ngoài Giáo Hội. Công Đồng Vaticanô II đã làm nổi bật chân lý ấy qua hình ảnh của một cộng đoàn phụng vụ hiệp nhất với vị Giám mục quanh bàn tiệc Thánh Thể. Giáo Hội biết rằng nơi Thánh Thể, cả quá khứ, hiện tại và tương lai hòa quyện với nhau, và chính nhờ Thánh Thể mà đời sống Giáo Hội luôn được thanh luyện và đổi mới. Chúng ta vui mừng khi thấy rằng điểm son của các cộng đoàn tín hữu Việt Nam là luôn gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể. Chính Thánh Thể đã nên nguồn sức mạnh cho đời sống Giáo Hội tại Việt Nam trong mọi lúc, nhất là khi gặp khó khăn và bách hại. Đời sống của các chứng nhân tử đạo và bao tín hữu đã làm chứng cho sự thật này. Nếu còn có những người xem việc tham dự Thánh Lễ Chúa nhật như một luật buộc khô khẳng, thì phần đông tín hữu vẫn siêng năng tham dự Thánh Lễ hằng ngày với một đức tin sống động. Dẫu thế, điều cần quan tâm là làm sao Thánh Lễ thực sự trở nên sức mạnh sinh động hoá nếp sống Kitô hữu mọi ngày trong niềm khao khát Thiên Chúa và ân sủng của Ngài. Theo cách nói của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thánh Thể phải tạo nên một sự "bùng nổ hạt nhân" kích hoạt sự biến đổi tận gốc toàn thể Giáo Hội, thế giới và vũ hoàn.

Một điểm khác cũng đáng ghi nhận, là cùng với việc cử hành Thánh Thể, các tín hữu tại Việt Nam hiện vẫn năng lãnh nhận bí tích hòa giải, cách riêng trong mùa Vọng và mùa Chay. Nếp sống bí tích ấy đang góp phần tích cực với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sức mạnh biến đổi và chinh phục cõi lòng con người. Ngài đang tuôn tràn ơn thánh hoá qua con đường bí tích và Giáo Hội tại Việt Nam đã cố gắng khai triển khoa mục vụ bí tích ngày một tốt đẹp hơn. Trong làn gió mới từ Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội tại Việt Nam ngày càng chú tâm hơn nữa đến Lời Chúa. Việc phổ biến sách Kinh thánh, việc "học, hiểu và sống Lời Chúa" cũng đã được mở rộng cho mọi người ở nhiều cấp độ khác nhau: dự tòng, trẻ em, người lớn, sinh viên thần học.

Đang khi mong chờ ngày Chúa Kitô lại đến, và trong nỗi khát vọng được hoàn toàn kết hiệp với Thiên Chúa, Giáo Hội sống thời gian hiện tại trong tình thông hiệp với các phần tử đã ra đi trước và đạt đến quê hương trên trời. Người giáo dân Việt Nam luôn yêu mến nhìn lên Đức Maria với tình con thảo và dành cho Mẹ lòng tôn kính đặc biệt. Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Giáo Hội tại Việt Nam luôn tin tưởng kêu xin ơn phù hộ và sự trợ giúp của Đức Nữ vương uy quyền. Nhìn lên thiên quốc, nơi cả triều thần thánh hằng chúc tụng Chúa, Giáo Hội tại Việt Nam vui mừng vì có những người con anh dũng đã can đảm làm chứng cho Đức Kitô bằng chính máu đào của mình. Các tín hữu Việt Nam luôn nhìn lên các ngài như những bậc cha anh gương mẫu để xin được luôn mãi kiên trung sống đức tin và trọn tình yêu mến Thiên Chúa. Các tín hữu tại Việt Nam cũng thường tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Họ cảm nhận dễ dàng mối dây yêu thương vượt qua cả ranh giới sự chết để liên kết họ với những người đã qua đời trong lời cầu nguyện, nhất là mỗi khi hiệp dâng Thánh Lễ.

Chính sự hiệp thông này làm cho Giáo Hội tại Việt Nam thấy mình có bổn phận phải theo đuổi lối đường của Tin Mừng, theo đuổi con đường nên thánh được hiểu như là đức ái trọn hảo. Tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, từ vị chủ chăn đến người tín hữu bé nhỏ nhất, đều được mời gọi nên thánh và làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa bằng một đời sống thánh đức. Đồng thời, theo gương Đức Kitô khiêm hạ, Giáo Hội tại Việt Nam cũng luôn ý thức rằng ơn gọi của mình là yêu thương và phục vụ như Đức Kitô. Các môn đệ của Ngài, dù ở cương vị nào, cũng đều phải khiêm nhường phục vụ mọi người. Đường lối này, Giáo Hội tại Việt Nam đang nỗ lực bước đi cho tới ngày được kết hiệp với Đức Vua của mình trong vinh quang.

6. Cầu nguyện 1 (quỳ) : Kinh cầu Chúa Giêsu Linh Mục và Hiến Lễ

[bản Kinh của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II soạn thảo, được trích từ tác phẩm "Hồng Ân và Huyền Nhiệm" của ngài – 10/1995].

Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúa Kitô nghe cho chúng con. Chúa Kitô nghe cho chúng con.

Chúa Kitô nhậm lời chúng con. Chúa Kitô nhậm lời chúng con.

Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.

đ/ Thương xót chúng con.

Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật. đ/

Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật. đ/ /

Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời. đ/

Chúa Giêsu là Linh mục và Hiến lễ, đ/ Thương xót chúng con.

Chúa Giêsu là Linh mục đời đời theo dòng Menchisêđê. đ/

Chúa Giêsu là Linh mục đã được Chúa Cha sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. đ/

Chúa Giêsu là Linh mục lập phép Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly để lưu tồn hy tế. đ/

Chúa Giêsu là Linh mục hằng sống để bầu cử cho chúng con. đ/

Chúa Giêsu Thượng Tế được Chúa Cha xức dầu bằng Thánh Thần và thần lực. đ/

Chúa Giêsu Thượng Tế được cất nhắc giữa loài người. đ/

Chúa Giêsu được đặt làm Thượng Tế cho nhân loại. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế chúng con tuyên tín. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế cao trọng hơn Môisen. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế của nhà tạm đích thực. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế của những phần phúc mai sau. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế thánh thiện, vô tội và không tì vết. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế trung thành và thương xót. đ/

Chúa Giêsu Thượng Tế nhiệt thành với Thiên Chúa và với các linh hồn. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế toàn thiện đến muôn đời. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế đã thâm nhập các tầng trời bằng máu mình. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế đã mở đường mới cho chúng con. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế đã yêu thương chúng con và lấy máu minh rửa sạch mọi tội lỗi chúng con. đ/

Chúa Giêsu là Thượng Tế đã phó mình làm lễ tế và lễ vật cho Thiên Chúa. đ/

Chúa Giêsu là Lễ Vật của Thiên Chúa và của con người. đ/

Chúa Giêsu là Lễ Vật thánh thiện và không tì ố. đ/

Chúa Giêsu là Lễ Vật nhân từ hiền hậu. đ/

Chúa Giêsu là Lễ Vật kiến tạo hòa bình. đ/

Chúa Giêsu là Lễ Vật đền tội và ngợi khen. đ/

Chúa Giêsu là Lễ Vật giao hòa và bình an. đ/

Chúa Giêsu là Lễ Vật giúp chúng con tin tưởng và đến cùng Thiên Chúa. đ/

Chúa Giêsu là Lễ Vật sống động đến muôn đời. đ/

Chúa hằng có lòng lành ! Chúa Giêsu tha tội chúng con.

Chúa hằng có lòng lành ! Chúa Giêsu nhậm lời chúng con.

Khỏi mưu mô chống phá hàng giáo sĩ. đ/ Chúa Giêsu chữa chúng con.

Khỏi phạm sự thánh. đ/

Khỏi lối sống vô độ. đ/

Khỏi lợi lộc bất chính. đ/

Khỏi mọi chước buôn thần bán thánh. đ/

Khỏi lạm dụng các ơn ích trong Giáo hội. đ/

Khỏi yêu chuộng thế gian và những sự phù phiếm. đ/

Khỏi cử hành bất xứng các Mầu nhiệm thánh. đ/

Vì chức linh mục đời đời của Chúa. đ/

Vì Chúa được Chúa Cha xức dầu làm linh mục. đ/

Vì tinh thần linh mục của Chúa. đ/

Vì Chúa đã mạc khải Chúa Cha trên mặt đất này. đ/

Vì Chúa đã chịu sát tế một lần vĩnh viễn trên thập giá. đ/

Vì hiến tế ấy hằng ngày còn được cử hành trên bàn thờ. đ/

Vì Chúa thi hành quyền năng nơi các linh mục của Chúa. đ/

Xin Chúa đoái thương gìn giữ các linh mục trong đời sống đạo đức. đ/ Xin Chúa nghe cho chúng con.

Xin Chúa đoái thương ban cho dân Chúa các chủ chăn đẹp lòng Chúa. đ/

Xin Chúa đoái thương ban cho các ngài tràn đầy tinh thần linh mục của Chúa. đ/

Xin Chúa cho môi miệng các linh mục bảo vệ những điều hiểu biết về Chúa. đ/

Xin Chúa đoái thương sai đi các thợ gặt trung thành. đ/

Xin Chúa đoái thương cho các người trung thành phân phát các mầu nhiệm của Chúa được thêm đông số. đ/

Xin Chúa đoái thương cho các linh mục được kiên trì phục vụ theo ý muốn của Chúa. đ/

Xin Chúa đoái thương cho ngài hiền lành khi thi hành tác vụ, hành động khôn ngoan và chuyên cần cầu nguyện. đ/

Xin Chúa đoái thương cho các ngài cổ võ khắp nơi lòng tôn sùng Thánh Thể. đ/

Xin Chúa đoái thương cho những người đã tận tình phục vụ Chúa được hưởng niềm vui của Chúa. đ/

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin tha tội chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con.

Lạy Chúa Giêsu là Linh mục, xin nghe lời chúng con.

Lạy Chúa Giêsu là Linh mục, xin nhậm lời chúng con.

Chúng ta dâng lời cầu nguyện !

Lạy Chúa là Đấng thánh hoá và bảo vệ Giáo hội,

xin dùng Thần Khí Chúa mà khơi dậy trong Giáo Hội

những người có khả năng

và trung thành phân phát các mầu nhiệm thánh,

để nhờ tác vụ và gương sáng của các ngài,

dân kitô-hữu được hướng dẫn trên con đường cứu độ

nhờ được Chúa chở che.

Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

7. Hát : “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán …” (đứng).

8. Công bố Tin Mừng (đứng).

+ Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Gioan (17,1-3.9-19)

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.

Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.

Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

9. Suy niệm 2 (ngồi) :

Tại nhà Tiệc Ly, vào đêm áp ngày chịu khổ nạn, Chúa đã cầu nguyện cho các môn đệ qui tụ lại quanh Người ; đồng thời Người cũng nhìn tới cộng đồng các môn đệ qua tất cả mọi thời, "những ai vì lời họ mà tin vào Con" (Ga 17,20). Trong lời Người cầu nguyện cho thành phần môn đệ thuộc mọi thời đại, Người đã thấy cả chúng ta nữa, và Người đã cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe những gì Người xin cho Nhóm Mười Hai và cho chúng ta đang qui tụ lại nơi đây : "Xin hãy thánh hóa họ trong chân lý ; lời Cha là chân lý. Như Cha đã sai Con đến thế gian thế nào, Con cũng sai họ vào thế gian như vậy. Và vì họ Con tự thánh hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (17,tt). Chúa xin cho việc thánh hóa của chúng ta, việc thánh hóa trong chân lý. Và Người sai chúng ta ra đi thi hành sứ vụ của Người. Thế nhưng trong lời nguyện này có một lời khiến chúng ta chú ý, và có vẻ khó hiểu. Chúa Giêsu nói: "Vì họ mà con tự hiến". Điều này nghĩa là gì? Chúa Giêsu tự mình không phải là "Đấng Thánh của Thiên Chúa" hay sao, như Thánh Phêrô nhận biết ở vào giây phút quan trọng ở Carphanaum (x. Ga 6,69) ? Vậy thì Người tự thánh hiến hay tự thánh hóa thế nào đây?

Để hiểu được điều này, trước hết chúng ta cần phải làm sáng tỏ những gì Thánh Kinh có ý nói về những chữ "thánh" và "thánh hiến / thánh hóa". "Thánh" – chữ này trước hết diễn tả bản tính của Thiên Chúa, cách thức hiện hữu hoàn toàn đặc thù, thần linh của Ngài, một cách thức chỉ Ngài mới có. Chỉ mình Ngài là Đấng Thánh chân thực và đích thực, theo ý nghĩa nguyên tuyền của từ ngữ. Tất cả mọi thánh đức khác đều xuất phát từ Ngài, là một thứ tham dự vào cách thức hiện hữu của Ngài. Ngài là Ánh Sáng tinh tuyền nhất, là Sự Thật và là Sự Thiện không ô nhiễm. Bởi thế, thánh hiến một vật gì hay một ai đó có nghĩa là dâng hiến vật đó hay người đó cho Thiên Chúa như sở hữu của Ngài, tách những thứ ấy ra khỏi môi trường của những gì thuộc chúng ta mà ghép vào lãnh địa của Ngài, nhờ đó những thứ ấy không còn thuộc về chúng ta nữa, thậm chí thuộc về những sự vụ của chúng ta nữa mà hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Bởi thế, việc thánh hóa là việc tách khỏi trần gian để hiến dâng cho vị Thiên Chúa hằng sống. Vật ấy hay người ấy không thuộc về chúng ta nữa, hay thậm chí thuộc về chính mình nữa, mà được chìm ngập trong Thiên Chúa. Việc từ bỏ một điều gì như thế để hiến dâng cho Thiên Chúa được chúng ta gọi là một hiến tế: vật này sẽ không còn là sở vật của tôi mà là của Ngài. Trong Cựu Ước, việc hiến dâng một người cho Thiên Chúa, việc "thánh hóa họ", đồng nghĩa với việc thụ phong linh mục, và điều này cũng nói lên yếu tính của thiên chức linh mục, ở chỗ, nó là một thứ trao chuyển quyền sở hữu, là một thứ tách khỏi trần gian để dâng cho Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta có thể thấy hai chiều hướng thuộc về tiến trình thánh hóa – thánh hiến. Đó là một cuộc xuất hành từ môi trường của đời sống trần thế – một thứ "được dành riêng" cho Thiên Chúa. Thế nhưng, chính vì lý do này mà nó không phải là một thứ tách biệt. Trái lại, được hiến dâng cho Thiên Chúa nghĩa là được ủy thác việc đại diện cho người khác. Vị linh mục được dứt ra khỏi những ràng buộc trần gian để hiến dâng cho Thiên Chúa, và chính vì thế, bắt đầu từ Thiên Chúa, vị linh mục trở thành thuận lợi cho người khác, cho hết mọi người. Khi Đức Giêsu nói : "Con xin thánh hiến chính mình con" là Người biến mình thành vừa là linh mục vừa là của lễ. Bultmann đã đúng khi chuyển dịch câu : "Con xin thánh hiến chính mình con" thành "Con xin thánh hóa chính mình". Vậy chúng ta đã thấy hay chăng những gì xảy ra khi Đức Giêsu nói : "Con xin thánh hiến chính mình vì họ"? Đó là tác động linh mục mà Đức Giêsu – là con người, Đấng là một với Con Thiên Chúa – hiến mình cho Cha vì chúng ta. Đó là thể hiện sự kiện Người vừa là linh mục vừa là của lễ. Con xin thánh hiến chính mình – Con tự thánh hóa : lời nói khôn dò này, cống hiến cho chúng ta một thoáng nhìn sâu xa vào trái tim của Chúa Giêsu Kitô, phải là đối tượng cho việc liên lỉ suy tư một cách mới mẻ. Lời ấy chất chứa toàn thể mầu nhiệm cứu chuộc của chúng ta. Lời ấy cũng chất chứa nguồn gốc của thiên chức linh mục trong Giáo Hội.

10. Cầu nguyện 2 (quỳ) : Kinh Năm Linh Mục 19/6/2009 – 11/6/2010

Lạy Chúa Giêsu – nơi Thánh Gioan Vi-a-nê – Chúa đã muốn ban cho Giáo Hội một hình ảnh cảm động về Đức Ái Mục Tử của Chúa – Xin cho chúng con – cùng với thánh nhân – và nhờ mẫu gương của người thúc đẩy – biết sống tròn đầy Năm Linh Mục này.

Xin cho chúng con – theo gương mẫu của người – khi hiện diện trước Thánh Thể Chúa – biết cảm nhận Lời Chúa nói với chúng con – thật gần gũi đơn sơ – biết khám phá tình yêu Chúa dịu hiền biết bao khi đón tiếp tội nhân hoán cải – và biết cảm nếm niềm an ủi tín thác nơi Mẹ Vô Nhiễm.

Lạy Chúa Giêsu – nhờ lời chuyển cầu của cha sở xứ Ars – xin cho các gia đình kitô hữu – trở nên "những hội thánh bé nhỏ" – là nơi đón nhận và triển nở các ơn gọi và đoàn sủng – mà Thánh Thần Chúa thương ban – và lạy Chúa Giêsu – xin cho chúng con lại được dâng lên Chúa – với tấm lòng sốt mến của cha thánh – chính lời kinh người hằng cầu nguyện với Chúa :

Ôi lạy Thiên Chúa của con – con yêu mến Chúa – và mong ước duy nhất của con – là được yêu mến Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Ôi lạy Thiên Chúa vô vàn đáng mến – con yêu mến Chúa – con thà chết đang khi yêu mến Chúa – hơn là sống chỉ một phút giây mà không mến yêu Ngài.

Lạy Chúa Giêsu – con yêu mến Chúa – và con cũng chỉ xin Chúa một điều – là được yêu mến Chúa luôn mãi.

Ôi lạy Thiên Chúa của con – nếu miệng lưỡi con không thể từng giây phút – nói lên lòng con yêu mến Chúa – thì con muốn trong từng hơi thở – trái tim con luôn thầm thĩ với Ngài – con yêu mến Chúa.

Ôi lạy Đấng Cứu Độ thần linh – con yêu mến Chúa – bởi Chúa đã chịu đóng đinh thập giá vì con – và bởi Chúa muốn con cùng chịu đóng đinh thập giá với Chúa trên trần gian này.

Ôi lạy Thiên Chúa – xin cho con được ơn – là khi từ giã cõi đời này – con đang yêu mến Chúa – và đang cảm nhận con mến yêu Ngài. Amen.

11. Hát : “Kinh Hòa Bình” (đứng).

Kết thúc

12. Lời cầu (đứng).

Trong bữa tối cuối cùng trước khi bị trao nộp, Đức Kitô đã truyền cho Hội Thánh mãi mãi cử hành nghi lễ tưởng niệm sự chết và sống lại của Người. Vậy chúng ta hãy thờ lạy Người và tha thiết nguyện xin :

đ/ Lạy Chúa, xin thánh hóa đoàn dân Chúa đã cứu chuộc.

Xin cho chúng con biết hãm mình ép xác để thông phần vào cuộc khổ hình của Chúa, hầu được cùng Chúa sống lại hiển vinh. đ/

Xin cho chúng con được Thánh Mẫu Maria là đấng an ủi kẻ ưu phiền. luôn phù trì che chở, để lúc buồn sầu chúng con được Người nâng đỡ, như chính Chúa hằng nâng đỡ chúng con. đ/

Xin cho các tín hữu được chia sẻ những cực hình Chúa đã chịu, khi họ gặp thử thách gian truân, để cuộc đời họ biểu dương ơn cứu độ của Chúa. đ/

Chúa đã tự hạ, sống phục tùng, đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá, xin cho cac tín hữu cũng biết sống kiên nhẫn và phục tùng. đ/

Xin cho những người đã chết được sống lại vinh quang như Chúa, và cho chúng con được hưởng vinh phúc ấy nữa. đ/

 

Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Lạy Chúa, Chúa đã tấn phong Đức Kitô làm Thượng Tế muôn đời,

để danh Chúa được tôn vinh

và nhân loại hưởng nhờ ơn cứu độ :

Người đã đổ máu ra chuộc chúng con về làm dân riêng của Chúa.

Ngày hôm nay chúng con cử hành lễ tưởng niệm Người,

thì xin cho chúng con được tràn đầy sức sống mãnh liệt

tuôn trào từ mầu nhiệm thập giá và phục sinh.

Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

13. Hát : “Xin vâng” (đứng).

Thinh lặng cầu nguyện thêm hoặc ra về.

 

Giáo phận Đalạt

Lm. Trần Liên

 


Trở về trang Mục Lục