GIỜ THÁNH NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

24.10.2010

 

1. KHAI MẠC

·     Đặt Mình Thánh

·     Hát : Thờ Lạy Chúa

Lời dẫn của chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con yêu mến và tôn vinh tình yêu Chúa. Chúng con suy tôn Thánh Thể, vì Thánh Thể là nguồn mạch tình yêu, là sự sống của chúng con. Chúng con cùng quỳ bên cung thánh Chúa để cùng nhau cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, đặc biệt là việc truyền giáo của Giáo phận nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo.

Chúng con ý thức sâu xa về trách nhiệm, bổn phận trong sứ vụ loan báo Tin Mừng ; như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định trong thông điệp truyền giáo năm 2009 : “Sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một điều tất nhiên căn bản trong đời sống Hội Thánh. Đối với chúng ta việc loan báo Tin Mừng phải là một nghĩa vụ chính yếu không thể tránh né.”

Xin Chúa cho chúng con biết can đảm làm chứng nhân và chiếu tỏa ánh sáng Lời Chúa để chân lý của Chúa được mọi người biết đến và tin yêu.

2. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM

·     Tin Mừng Lc 9,1-6

·     Suy Niệm 1 : Loan Báo Tin Mừng là sống chứng nhân

Lạy Chúa, chúng con hiểu rằng việc Chúa Giêsu chọn các Tông Đồ và sai các ngài đi loan báo Tin Mừng về tình thương của Thiên Chúa, làm phép rửa cho họ, làm chứng về những gì Chúa Giêsu đã dạy :“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20 ; Mc 16,15).

Trong bối cảnh xã hội hôm nay đa tôn giáo, đa văn hóa và nhiều kênh truyền thông internet tiêu cực đã ảnh hưởng lớn đến sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu, làm cho người Kitô hữu không biết đâu là sự thật, đâu là chân lý của Tin Mừng, làm cho việc định hướng loan báo Tin Mừng gặp nhiều khó khăn ; đã không ít người “thầm lặng” cho yên phận, thay vì lên đường làm chứng cho Chúa thì chỉ lo giữ đạo, giữ đức tin sao cho vững là đủ. Trong khi ấy mệnh lệnh của Chúa Giêsu không chỉ là lời huấn giáo, càng không phải là một học thuyết nhưng hơn hết là một chân lý của đời sống : Sống làm chứng cho Chúa trong môi trường mình đang sống, sống làm chứng tá trong Giáo Hội, giữa cộng đoàn, giữa cộng đồng giáo xứ, bởi Chúa muốn anh em làm men, muối, ánh sáng cho trần gian.

Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng đòi hỏi người Kitô hữu dấn thân “đi tới”, chứ không thể ngồi yên một chỗ chờ đợi người ta đến với mình. Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cứu độ, làm chứng cho muôn dân về tình thương Thiên Chúa, về Nước Trời cận kề. Gương thánh tông đồ Phêrô, thánh Phaolô vị tông đồ dân ngoại đã để lại bài học lên đường đi tới các cộng đoàn, mỗi chuyến đi của các ngài là một lời loan báo, lời chứng cho Tin Mừng trước mặt muôn dân. Gần nhất là các cha Thừa Sai đã đặt chân lên miềm đất thân yêu của Giáo Hội Việt Nam cách đây 350 năm để loan báo Tin Mừng.

Lạy Chúa, việc đi đến với muôn dân làm chứng cho Tin Mừng đòi hỏi chúng con phải kiên trung, cởi mở trong tinh thần đón nhận mọi rủi ro khổ đau. Điều này không phải dễ dàng khi chúng con sống trong một môi trường thù nghịch với Giáo Hội, trong một thế giới trần tục hóa ngày nay. Xin Chúa Thánh Thần giúp sức chúng con.

·     Hát : một bài thích hợp

·     Suy niệm 2 : Loan Báo Tin Mừng là phục vụ con người

Lạy Chúa, mục đích của việc truyền giáo trong Giáo Hội là phục vụ con người. Đó cũng là ý tưởng then chốt của Công Đồng Vaticanô II khi bàn về mối tương quan giữa Hội Thánh và thế giới. Phục vụ con người để họ nhận biết Thiên Chúa là Cha và nhìn nhận nhau là anh em trong một ngôi nhà chung.

thể nói tiếng vọng Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 vẫn còn âm vang đến hôm nay “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Việc truyền giáo bằng cách phục vụ con người trong nhiều lãnh vực của cuộc sống nhằm thánh hóa nhân loại trong chân lý Tin Mừng, để họ được tham dự vào ơn cứu độ của Thiên Chúa. Với điều này mà Giáo Hội trở nên “Bí Tích” , nghĩa là dấu chỉ kết hợp với Thiên Chúa và liên đới cuộc sống của con người. Vì thế trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người : “con người là con đường của Giáo Hội”. Nghĩa là mọi con đường của Giáo hội đều dẫn tới con người. Đặc biệt là những người nghèo khổ, bị xã hội bỏ rơi, cần được quan tâm hơn hết, để họ được sống đúng với phẩm giá của mình.

Người Kitô hữu tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng đến để phục vụ con người, chứ không phải để được người ta hầu hạ. Đây cũng là điểm giao thoa gữa Hội thánh và xã hội trần thế, giữa người Kitô hữu với người ngoài Kitô giáo. Nhằm góp phần xây dựng một thế giới văn minh tình thương thay thế cho một nền văn hóa chủ nghĩa thực dụng và cá nhân.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sống yêu thương và phục vụ vì đó là cách thế truyền giáo hữu hiệu mà chính cuộc sống của các Thánh Phanxicô Xaviê, Mẹ Têrêsa Calcutta… đã để lại cho Giáo Hội. Xin cho mọi việc chúng còn làm đều tôn vinh Chúa để người khác có thể nhận ra Chúa qua cuộc đời của chúng con.

·     Hát : Kinh Hòa Bình

·     Suy niệm 3 : Loan Báo Tin Mừng là đem Lời Chúa đến với mọi người

Nhiệm vụ căn bản của Giáo Hội là truyền giáo, làm cho Tin Mừng của Chúa lớn lên trong trần thế này. Đời Kitô hữu thiết yếu là một đời làm chứng cho Chúa. Chúa Giêsu làm chứng cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và ngược lại Chúa Thánh Thần làm chứng cho Chúa Giêsu trong sứ vụ của Ngài. Chứng đó là gì nếu không phải là LỜI CHÚA được loan báo bằng chính đời sống chứng tá.

Thánh Gioan Tông Đồ đã khẳng định : “điều chúng tôi đã nghe, đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là LỜI SỰ SỐNG . Quả vậy, sự sống ấy đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời” (1Ga 1,1-3). Do đó, người Kiô hữu làm chứng cho Tin Mừng vì đã thực nghiệm Tin Mừng và xác tín đó là chân lý. Đó cũng là niềm vui, bổn phận phải chia sẻ cho người khác về niềm hy vọng đó.

Sứ điệp truyền giáo năm nay Đức Thánh Cha đã nói lên ý nghĩa của Ngày Thế giới Truyền giáo như sau : “Tháng 10, với việc cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo, là cơ hội để các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, các hội dòng đời sống thánh hiến, các phong trào Giáo hội, và toàn thể Dân Thiên Chúa làm mới lại mối cam kết rao giảng Tin Mừng…”.

Muốn đem Lời Chúa đến với mọi người, thì có ba cách làm chứng : nói – làm và sống. Và ai cũng biết nói thì dễ, làm khó nhưng sống như những gì mình nói lại càng khó hơn hết. Chính việc sống và tuân giữ Lời Chúa để người khác tin cậy vào Chúa là điều con người thời nay chờ đợi hơn cả. Đức Phaolô VI đã từng nói : “ngày nay con người cần chứng nhân hơn là thầy dạy”. Mọi nỗ lực truyền giáo không có nghĩa là chạy theo con số, tức rửa tội cho nhiều ; điều quan tâm hơn cả là đưa tinh thần Tin Mừng thấm vào đời sống hoạt động của con người. Đức Phaolô VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng cho rằng : “Rao giảng Tin Mừng nhằm tạo nên một nhân loại mới, nhờ được hoán cải bởi bí tích Thánh Tẩy và đời sống Phúc Âm”. (Số 18).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con dấn thân vào từng môi trường của cuộc sống, văn hóa, xã hội, kinh tế với tinh thần Tin Mừng như là men trong đời.

·     Hát : Bài ca phục vụ

3. PHÉP LÀNH THÁNH THỂ

·     Hát Cầu cho Đức Giáo Hoàng

·     Hát : Đây Nhiệm Tích

·     Phép Lành Mình Thánh Chúa

·     Hát kết thúc

 

 

Giáo phận Đalạt

Ngày 21-10-2010

 


Trở về trang Mục Lục