BÀI 1 :

TIỆC CHIÊN THIÊN CHÚA

 

I.             Khai mạc :

§     Dạo đàn.

§     Đặt Mình Thánh Chúa.

§     Hát : “Con mến yêu tin thờ trong lòng …”

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con quy tụ nơi đây trong tinh thần hiệp nhất yêu thương, để cùng dâng lên Chúa lòng mến yêu tôn thờ, với niềm xác tín Chúa đang hiện diện trước mặt chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa vì tình thương bao la Chúa đã dành cho chúng con qua Bí tích Nhiệm Mầu này. Chúa đã thiết tha kêu mời : “Hỡi những ai lao nhọc và vất vả hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho các ngươi”. Giờ đây xin Chúa nâng đỡ chúng con trước những gánh nặng lo âu của cuộc sống, để qua những giây phút sống thân tình với Chúa, chúng con sẽ tìm được nguồn an ủi và bổ dưỡng cho cuộc đời chúng con, Chúa là Đấng Hằng Sống Hằng Trị muôn đời. Amen.

II.          Lời Chúa VÀ SUY NIỆM :

§     Hát : “Ta là Bánh Hằng Sống…”

§     Công bố Lời Chúa : Is 25,6-9.

§     Suy niệm 1 :

Bữa tiệc là giờ phút con người gác lại tất cả mọi công việc để cùng ngồi với nhau, không những vui vẻ chia sẻ của ăn thức uống với nhau, mà còn thông chia vui buồn, tình nghĩa yêu thương đối với nhau.

Kinh Thánh thường diễn tả mối tình hiệp thông, gắn bó giữa Thiên Chúa và con người qua hình ảnh “bữa tiệc”. Tiên tri Isaia vừa cho chúng ta thấy Thiên Chúa, trong tư cách là Đấng Cứu Độ, đã hứa ban cho nhân loại một bữa tiệc vô cùng thịnh soạn, trong đó có thịt béo, rượu ngon. Thịt béo nhưng không làm chán ngán, rượu ngon làm vui thoả lòng người. Bữa tiệc đó, Thiên Chúa muốn dọn ra cho mọi người được thưởng nếm, và hoàn toàn nhưng không. Đó là bữa tiệc của ngày cánh chung, ngày mà con người được hưởng ơn cứu độ viên mãn : Buồn phiền tang tóc không còn nữa. Ngày đó con người được sống chính sự sống của Thiên Chúa, được vui hưởng hạnh phúc và an bình mãi mãi trong Thiên Chúa. Tiên tri Isaia đã loan báo điều này dựa trên kinh nghiệm đã từng trải trong chính lịch sử của Dân Chúa.

Qua biến cố xuất hành, với bữa tiệc Vượt Qua, cũng như bữa tiệc thiết lập Giao Ước, Dân Chúa trong Cựu ước đã hiểu thế nào là tình thương giải thoát của Thiên Chúa. Thịt Chiên bị sát tế là của ăn cần thiết cho bước khởi đầu trên hành trình ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, tiến về Đất Hứa. Máu Chiên bị sát tế được bôi lên cửa là dấu chứng bảo đảm an toàn cho dân Chúa được thoát khỏi sự tiêu diệt. Con Chiên vô tì vết bị sát tế trong Bữa Tiệc Vượt Qua của Cựu ước đã trở thành dấu chứng cho hành động giải thoát của Thiên Chúa. Con Chiên bị sát tế trong Cựu ước là hình ảnh báo trước về hy tế Thập Giá của Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa tự hiến để thiết lập giao ước mới. Nhờ hy lễ hiến dâng trên Thập Giá và trong Bí tích Thánh Thể, Thịt Ngài trở nên của ăn nuôi dưỡng chúng ta, Máu Ngài đổ ra để tha tội và trở nên của uống thiêng liêng nuôi sống chúng ta.

§     Thinh lặng trong giây lát.

§     Hát : “Máu Chiên bò…, pk1”.

§     Công bố Lời Chúa : Lc 22,14-20.

§     Suy niệm 2 :

Con Chiên được dùng để sát tế trong Cựu ước, chỉ là một con chiên được chọn ngẫu nhiên giữa muôn ngàn con chiên khác. Có thể nói, nó chỉ là nạn nhân của sự chọn lựa của con người hơn là tự nguyện dâng hiến. Tuy nhiên, thịt máu cũng như cái chết của nó cũng có giá trị thiết lập Giao Ước, tuy chỉ mang tính cách tạm thời. Nhờ sự trung gian của con chiên, mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa được nối kết, và qua nó, con người biểu lộ tấm lòng đối với Thiên Chúa và Thiên Chúa ghé mắt thương nhìn đến con người.

Còn trong mầu nhiệm Giao ước mới, Con Chiên Duy Nhất và đích thực chịu sát tế chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người. Việc Ngài hiến mình không phải do ai hay điều gì khác, bởi lẽ chính Ngài đã tự nguyện dâng hiến đến cùng, dâng hiến trọn vẹn bản thân Ngài làm Hy Lễ Cứu Độ.

Như  Luca vừa cho chúng ta thấy, Đức Giêsu đã rất ý thức và rất khao khát đi vào cuộc hiến tế chính bản thân Ngài. Hy tế mà ngay từ khi Chúa Cha sai Ngài đến trần gian, Ngài đã một lòng xin vâng : “Này con đến để thực thi ý Cha”. Vì thế, trong đêm bị trao nộp, Ngài đã cầm lấy bánh và công bố : Này là mình Thầy hiến tế vì anh em. Và cũng chính Ngài cầm lấy chén và nói : Chén này là Giao Ước mới lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em.

Lời truyền phép đã biến bánh và rượu vật chất phàm trần trở nên Thịt và Máu thần linh trao ban cho chúng ta, hầu chúng ta được sống bằng  chính sự sống của Chúa. Thịt và Máu Ngài là bảo chứng của tình yêu vô biên và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Lãnh nhận Thịt và Máu Chúa trong Bí tích Thánh Thể là chúng ta đang được kết hiệp với Chúa một cách thâm sâu và trọn vẹn nhất, ngay trong cuộc sống tại thế này. Bí tích Thánh Thể đích thực là dấu chứng của tình yêu vĩnh cửu, bảo đảm cho chúng ta có được sức mạnh và bình an trong cuộc hành trình tiến về bữa tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa.

§     Hát : “Máu Chiên bò…, pk 2”.

III.      Cầu nguyện.

§     Cầu nguyện riêng. (thinh lặng).

§     Cầu nguyện chung :

1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương chúng con, Chúa đã không ngừng tự hiến và trao ban cho chúng con Mình và Máu Chúa, để dưỡng nuôi chúng con trong cuộc lữ hành trần thế đầy cam go và thử thách này. Xin cho chúng con hằng ngày biết gắn bó với Chúa trong mầu nhiệm cực Thánh bằng lòng mến yêu, tôn thờ chân thật.

2. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống xả thân vì anh em mình, bằng việc loại trừ mọi ghen tương thù oán, để làm chứng cho tình yêu Chúa giữa thế giới còn đang đầy bạo lực và hận thù .

§     Kinh Lạy Cha.

IV.     Phép Lành Mình Thánh Chúa.

§     Cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

§     Hát : “Đây nhiệm tích”.

§     Lời nguyện - Phép lành Mình Thánh Chúa.

V.        Bế mạc :

§     Hát : “Xin Vâng”.

 


Trở về trang Mục Lục