ThỐng hỐi cỘng đỒng

Mùa chay 2014

Khai mạc

1. Dấu Thánh Giá và lời chào chúc :

Nguyện xin ân sủng, lượng từ bi và phúc bình an bởi Thiên Chúa Cha

và bởi Đức Giêsu-Kitô Đấng Cứu chuộc chúng ta,

ở cùng anh chị em.

đ/ Và ở cùng cha.

2. Lời mời gọi vắn :

Thưa anh chị em, họp nhau lại đây vào lúc kết thúc mùa chay thánh, chuẩn bị bước vào Tuần lễ thánh tưởng niệm cuộc Vượt qua của Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta. Người đã chịu thương khó, chết và sống lại vì chúng ta và để cứu độ chúng ta.

Để chuẩn bị cử hành long trọng các biến cố cứu độ và lặp lại lời hứa ngày chịu phép Rửa tội, chúng ta cùng nhau ăn năn sám hối và canh tân đời sống mình. Đây không phải là công việc nặng nhọc hay buồn tẻ như nhiều người lầm tưởng, nhưng là một việc làm đầy hân hoan phấn khởi và cần thiết để hướng về tương lai mà cầu tiến cầu toàn.

Thiên Chúa đã dùng việc sám hối mở ra cho chúng ta con đường sống mới ngày càng đưa dẫn chúng ta đến sự tự do hoàn hảo của con cái Cha trên trời. Ngài đầy yêu thương nhân ái luôn sẵn lòng chờ đợi chúng ta trở về.

3. Lời nguyện

Chúng ta dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa là Cha chí nhân và nguồn an ủi,

Chúa đã phán rằng Chúa muốn người tội lỗi ăn năn trở lại

chớ không muốn họ phải chết ;

xin trợ giúp dân Chúa trở về với Chúa và được sống,

xin phù trợ chúng con biết lắng nghe Lời Chúa

mà thú nhận tội lỗi chúng con

và cảm tạ Chúa vì đã được ơn tha thứ

cùng thực hành chân lý trong đức ái

mà tăng trưởng về mọi mặt trong Đức Kitô Con Chúa

là Đấng hằng sống và hiển trị đến muôn đời.

đ/ Amen.

Lắng nghe Lời Chúa – suy niệm

4. Bài Đọc I

Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêsô (4,23-32)

Anh em thân mến, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.

Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Anh em nổi nóng ư ? Đừng phạm tội : chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng ! Ai quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa, trái lại, hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu. Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.

Đó là Lời Chúa !

5. Đáp ca : Thánh vịnh 50,3-4. 12-13. 14 và 17 (đ/ 3a)

đ/ Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con.

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. đ/

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. đ/

Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,

và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,

cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. đ/

6. Tiền xướng (x. Ga 8,12)

Chúa nói : "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống".

7. Tin Mừng

+ Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo Thánh Gioan (13,34-35 ; 15, 10-13)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ : 34 “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau".

10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.

Đó là Lời Chúa

8. Suy niệm của Đức thánh cha Phanxicô ngày 28/3/2014 tại Đền thờ Thánh Phêrô

Anh chị em thân mến

Trong giai đoạn Mùa chay này, Giáo hội nhân danh Chúa Kitô, canh tân lời kêu gọi hoán cải.  Giáo hội được mời gọi thay đổi cuộc sống. Hoán cải không phải là chuyện của một chốc lát, một giai đoạn nào đó trong năm, nhưng là một cuộc dấn thân lâu dài cho toàn bộ cuộc sống. Ai trong chúng ta có thể nghĩ rằng mình không phải là tội nhân. Không ai hết. Tất cả chúng ta là những tội nhân. Thánh tông đồ Gioan đã viết : “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình,và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,8-9). Và điều đó cũng đang xảy ra trong buổi cử hành này và trong trọn ngày sám hối này. Lời Chúa mà chúng ta đã nghe dẫn đưa chúng ta đi vào trong hai yếu tố căn bản của cuộc sống Kitô hữu.

Trước hết : biến đổi chúng ta thành con người mới. Con người mới, “được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” (Ep 4,24), sinh ra trong Bí tích rửa tội, nơi đó con người nhận được cuộc sống của chính Thiên Chúa, một cuộc sống làm cho chúng ta thành con cái của Người và kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô và với Giáo hội của Người. Cuộc sống mới này cho phép nhìn về thực tại với đôi mắt khác, không còn bị lơ đễnh nữa bởi những sự vật không có giá trị và không thể tồn tại lâu dài, không còn bị lơ đễnh bởi những sự vật kết thúc trong thời gian. Vì thế chúng ta được mời gọi từ bỏ những cách cư xử của tội lỗi và giữ cho cái nhìn hướng về điều cốt yếu. “Giá trị của con người hệ tại ở cái mình là hơn hệ tại ở cái mình có” (Gaudium et spes, 35). Đó là sự khác biệt giữa cuộc sống bị biến dạng do tội lỗi và cuộc sống được chiếu sáng bởi ân sủng. Tâm hồn của con người được đổi mới theo hình ảnh Thiên Chúa bắt nguồn từ những cách cư xử tốt đẹp : Luôn nói sự thật và tránh mọi dối trá; không trộm cướp, nhưng trái lại chia sẻ với tha nhân bao nhiêu có thể, đặc biệt với những người túng thiếu; không ngã theo giận dữ, vào sự hiềm thù và trả thù, nhưng là người ôn hòa, cao thượng và sẵn sàng tha thứ; không ngã vào việc nói xấu làm phá vỡ danh tiếng tốt đẹp của con người, nhưng có cái nhìn cách rộng lượng về khía cạnh thiết thực của mỗi một người, đó là biến đổi chúng ta thành con người mới, bằng những thái độ mới này.

Yếu tố thứ hai : ở lại  trong tình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu Kitô luôn luôn bền vững, sẽ không bao giờ kết thúc vì đó là chính cuộc sống của Thiên Chúa. Tình yêu này chiến thắng tội lỗi và đem lại sức mạnh để đứng lên và bắt đầu đầu trở lại, vì với việc tha thứ tâm hồn được đổi mới và làm tươi trẻ lại. Tất cả chúng ta đều biết điều đó : Cha của chúng ta không bao giờ mỏi mệt để yêu thương và đôi mắt của Ngài không bị nặng trĩu khi nhìn trên con đường về nhà để nhìn xem đứa con của mình đã ra đi, đã bị hư mất và đang trở về. Chúng ta có thể nói về niềm hy vọng của Thiên Chúa : Cha của chúng ta luôn chờ đợi chúng ta, không chỉ để cửa mở cho chúng ta, mà còn chờ đợi chúng ta. Ngài bị liên lụy trong việc chờ đợi những đứa con này. Và người Cha này cũng không hề mỏi mệt để yêu thương đứa con khác, dù cho nó luôn ở trong nhà với Ngài, tuy nó không được tham dự vào lòng thương xót và từ bi của Ngài. Thiên Chúa không chỉ là nguồn cội của tình yêu, nhưng trong Chúa Giêsu Kitô, Ngài kêu mời chúng ta bắt chước chính cách yêu thương của Người : “Thầy đã yêu thương các con thế nào, thì các con cũng phải yêu thương người khác như vậy” (Ga 13,34). Trong mức độ nào đó các Kitô hữu đang sống tình yêu này, họ trở thành những đồ đệ khả tín của Chúa Kitô giữa thế gian. Tình yêu không thể hỗ trợ duy trì việc tự giam mình. Vì chính bản chất của tình yêu là mở ra, tự khuếch tán và làm cho phong phú, luôn sản sinh ra tình yêu mới.

Anh chị em thân mến! sau buổi cử hành này, rất đông người trong anh chị em sẽ là những nhà truyền giáo để giới thiệu cho tha nhân niềm hy vọng của việc làm hòa lại với Thiên Chúa. “24 giờ dành cho Chúa” là sáng kiến mà rất nhiều giáo phận khắp nơi trên thế giới đã tham gia. Đối với những người anh chị em gặp gỡ, anh chị em có thể loan báo niềm vui lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa Cha và tìm lại tình bằng hữu trọn vẹn với Người. Và anh chị em hãy nói cho họ biết rằng Cha của chúng ta đang chờ đợi chúng ta, Cha của chúng ta tha thứ cho chúng ta, và mở tiệc mừng thêm nữa. Nếu bạn đến với Ngài với trọn vẹn cuộc sống mình, cũng như với mọi tội lỗi, thay vì khiển trách bạn thì Ngài lại mở tiệc ăn mừng (Lc 15,30); chúng ta nhận được lòng thương xót và chúng ta nói về lòng thương xót.

Hãy đi để gặp gỡ Chúa và hãy cử hành lễ Phục sinh trong niềm vui của Thiên Chúa.

Xét mình và thống hối

9. Gợi ý xét mình.

Trong Năm mục vụ về Tân Phúc-âm-hóa đời sống gia đình, chúng ta hãy ghi nhớ điều Hội Thánh mong muốn cho Gia đình Kitô-hữu : “Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa” (Cv 22,42; 1,8 ; GH 11 ; 11 ; LBTM 71). – [x. Thư chung HĐGM.VN 01/5/1980 s. 12].

Là kitô-hữu, tôi có quyết tâm sống thánh thiện như Chúa muốn và mời gọi không ?

Trong ơn gọi hôn nhân và gia đình, tôi có luôn ý thức và làm sống động lời cam kết chung thủy với nhau, suốt đời yêu thương và tôn trọng nhau, lại sẵn sàng đón nhận và giáo dục con cái Chúa ban theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không ?

Tôi có thường xuyên đào sâu đức tin bằng đời sống cầu nguyện, việc siêng năng đọc Sách Thánh và học hỏi, để ngày càng thêm hiểu biết, yêu mến và bước theo Chúa Kitô trên con đường cứu thế ? Tôi có tin tưởng chạy đến với thập giá Chúa mỗi khi gặp đau khổ, thử thách, khi yếu đuối và ngay cả những lúc bình thường của đời sống hằng ngày không ? Là kitô-hữu, tôi đã nỗ lực để nên đồng hình đồng dạng (x. Pl 3,11) với Chúa Kitô chưa ?

Lòng trí tôi thường quy hướng về đâu : Thiên Chúa và những điều trên cao hay thế gian và những gì  thuộc về thế gian này (x. Cl 3,2), với những đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt và cậy mình giầu có (x. 1Ga 2,16) ? Trong mọi việc, mọi biến cố của cuộc đời, tôi có nhận ra bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa và dâng lời chúc tụng tạ ơn Người vì những ơn lành đã lãnh nhận (x. Cl 3,16-17) …

Tôi đã thực hành giới luật yêu thương như thế nào : chấp nhận nhau như anh chị em vì đó là những con người gần gũi mà Chúa gửi đến cho cuộc đời tôi, biết góp phần cùng nhau thăng tiến bằng những lời an ủi, chân thành xây dựng, khiêm tốn sửa sai không ? Tôi có tích cực xây dựng cộng đoàn hiện tại hay chỉ an phận và hài lòng với những gì hiện có ? Tôi có dám dấn thân phục vụ mà không chờ được đáp lại, biết cho đi mà không cần tính toán …

Còn nhiều điều khác đáng chúng ta suy nghĩ  để có thể làm phong phú cuộc đời của chính mình. Xin Chúa canh tân tinh thần đạo đức trong chúng ta.

Thống hối chung

10. Xét mình xong, chủ sự kêu mời :

Chúa Kitô kêu gọi những người tội lỗi vào Nước của Chúa Cha. Vì thế, giờ đây, tự thâm tâm, mỗi người chúng ta hãy ăn năn và dốc lòng cụ thể.

Thinh lặng giây lát rồi mọi người cùng đọc chung kinh Tôi thú nhận.

Chủ sự tiếp tục lời cầu nguyện thống hối :

Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa biết rõ mọi sự.

Chúa cũng biết chúng con thành thật

ước muốn phụng sự Chúa và phục vụ anh em cách hoàn hảo hơn ;

xin đoái nhìn đến chúng con và nghe lời chúng con cầu khẩn :

Xin ban cho chúng con ơn trở lại thật sự. đ/ Xin Chúa nghe lời chúng con.

Xin thúc giục tinh thần sám hối trong chúng con và củng cố những điều chúng con đã dốc lòng. đ/ Xin Chúa nghe lời chúng con.

Xin tha tội chúng con và dung thứ những khuyết điểm nơi chúng con. đ/ Xin Chúa nghe lời chúng con.

Xin làm cho chúng con trở nên môn đệ trung tín của Con Chúa và trở nên phần tử sống động của Hội Thánh. đ/ Xin Chúa nghe lời chúng con.

Xin thương nhận lời chúng con thú tội và rộng lòng thương xót chúng con đang cầu khẩn như Con Chúa đã dạy :

Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ

và nhờ cuộc khổ nạn hồng phúc của Con Cha,

xin cho chúng con được kết hiệp với Người do việc sám hối

và được vui mừng tham dự vào việc sống lại của Người

là Đấng hằng sống và hiển trị đến muôn đời. đ/ Amen.

11. Lời chào chúc của chủ sự trước khi đến Tòa giải tội :

Xin Thiên Chúa là Đấng đã soi sáng tâm hồn chúng ta, ban cho anh chị em biết theo chân lý mà nhìn nhận tội lỗi mình và tin vào lòng từ bi của Ngài để thật lòng xưng thú.

Xưng tội

12. Rồi mọi người đi xưng tội, nhận lời xá giải và làm việc đền tội riêng.

Tạ ơn

13. Nếu thuận tiện, thì sau khi đã lãnh nhận ơn giao hòa, cộng đoàn quy tụ lại để cùng nhau ca ngợi lòng từ bi của Thiên Chúa. Có thể hát thánh ca “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Magnificat) hay bài ca nào khác.

14. Lời nguyện và phép lành.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,

Chúa đã tha tội và ban bình an của Chúa cho chúng con ;

xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình yêu thương :

mà không ngừng tha thứ cho nhau

và xây dựng hòa bình trong thế gian.

Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen

Chúa ở cùng anh chị em. đ/ Và ở cùng cha.

Xin Chúa Cha là Đấng đã sinh ra chúng ta để được sống muôn đời

ban phúc lành cho anh chị em. đ/ Amen

Xin Chúa Con là Đấng đã chết và sống lại

ban ơn cứu độ cho anh chị em. đ/ Amen

Xin Chúa Thánh Thần là Đấng đã được ban xuống trong lòng chúng ta

và dẫn đưa chúng ta trên đường ngay nẻo chính,

ban ơn thánh hóa anh chị em. đ/ Amen

Và xin Thiên Chúa toàn năng

là Cha và Con và + Thánh Thần

ban phúc lành cho anh chị em. đ/ Amen

Chúc anh chị em ra về bình an

và loan báo cho mọi người

biết những việc lạ lùng của Chúa là Đấng cứu độ chúng ta.

đ/ Tạ ơn Chúa.

15. Hát kết thúc cử hành thống hối.

BẢN XÉT MÌNH

Mẫu xét mình dưới đây cần được bổ túc và thích nghi với hoàn cảnh địa phương và từng hạng người tham dự. Khi xét mình để lãnh bí tích Sám Hối, nên tự vấn trước tiên về những điều sau :

1. Tôi đến lãnh bí tích Sám Hối với lòng thành thật muốn được thanh tẩy, muốn ăn năn trở lại, canh tân đời sống và sống mật thiết với Chúa ? hay lại kể bí tích này như một gánh nặng càng ít chạy đến càng hay ?

2. Trong những lần xưng tội trước, tôi có quên sót hay cố ý giấu tội nặng nào không ?

3. Tôi đã làm việc đền tội được trao trong lần xưng tội trước một cách đầy đủ ? đã cố gắng đem ra thực hành những điều dốc lòng để canh tân đời sống theo Tin Mừng ?

Rồi dưới ánh sáng của Lời Chúa, mỗi người kiểm điểm đời sống mình.

I. Chúa phán : “Con hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của con hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Mt 22,37).

1. Lòng tôi có hướng tới Chúa, khiến tôi thực sự yêu mến Chúa trên hết mọi sự trong việc trung thành tuân giữ huấn Chúa, như người con yêu mến Cha mình ? hay tôi chỉ mải mê lo việc đời ? Tôi có ý ngay lành khi hành động không ?

2. Tôi có vững tin vào Chúa là Thiên Chúa nhân ái, trung tín trong tình yêu thương đối với mọi người để tin tưởng phó thác đời mình, cả khi vui lúc buồn, khi gặp đau khổ và thử thách không ?

3. Tôi có nỗ lực chăm lo đào sâu đức tin bằng việc chuyên cần học hỏi để hiểu biết, yêu mến và bước theo tiếng Chúa không ?

4. Tôi sống tư cách là kitô-hữu như thế nào ?

II. Chúa phán : “Con phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39).

1. Trong gia đình, tôi có lòng kiên nhẫn và yêu thương thực sự để mưu cầu lợi ích và niềm vui cho người khác không ? Là con cái, tôi có vâng lời cha mẹ, kính trọng và giúp đỡ các ngài khi các ngài cần đến không ? Là cha mẹ, tôi có lo giáo dục con cái theo giáo lý Kitô-giáo, giúp đỡ con cái bằng gương sáng và tình yêu phụ-mẫu không ?

2. Trong đời sống hằng ngày, tôi có nhớ đến sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô và xây dựng Hội Thánh không ? Tôi có đáp ứng với những nhu cầu của Hội Thánh, của xã hội và cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Hội Thánh, cho việc truyền giáo, cho công lý và hòa bình … ?

3. Tôi có quan tâm đến lợi ích chung và thịnh vượng của cộng đồng nhân loại hay chỉ lo sống cho mình mà thôi ? Tôi có tùy sức mình mà tham gia vào việc cổ võ nền công lý, lành mạnh hóa xã hội, tạo bầu khí hòa thuận bác ái trong xã hội … chu toàn nhiệm vụ người công dân ?

4. Khi làm việc hay thi hành chức vụ, tôi có cư xử công bình, chuyên cần và liêm chính, lấy tình thương mà phục vụ không ? Tôi có tỏ lòng kính trọng các vị hữu trách không ?

5. Tôi có giữ sự thật và trung tín ? hay đã gây thiệt hại cho người khác bằng lời dối trá, vu khống… hay tiết lộ bí mật đời tư …?

6. Tôi có làm tổn thương đến tính mạng, sự toàn vẹn thân thể, danh dự hay tài sản người khác ? Tôi đã gây thiệt hại cho ai điều gì không ?

7. Tôi có bất hòa đối với người khác vì tranh chấp, thù nghịch, lăng nhục, giận hờn… ? Vì ích kỷ tôi có bỏ không làm chứng bênh vực người vô tội không ?

8. Tôi có ăn cắp của người khác, mơ ước cách bất chính hay làm hư hại của người khác ? Nếu gây thiệt hại, tôi đã bồi hoàn chưa ?

9. Khi bị sỉ nhục, tôi có sẵn sàng vì lòng mến Chúa mà làm hòa và tha thứ, hay tôi để lòng ghen ghét và muốn trả thù ?

III. Chúa phán : “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời…” (Mt 5,48).

1. Đời sống tôi có hướng theo một lý tưởng căn bản nào không ? Tôi có được khích lệ bởi niềm hy vọng truường sinh không ? Tôi có lo xúc tiến đời sống thiêng liêng bằng việc cầu nguyện, đọc và suy gẫm Lời Chúa, tham dự các bí tích và hy sinh hãm mình không ?

2. Tôi có sẵn sàng chế ngự các nết xấu, các khuynh hướng và đam mê xấu như ganh tỵ, ham mê ăn uống… ? Tôi có kiêu hãnh, phô trương, tự đề cao mình trước mặt Chúa mà khinh dể người khác, coi mình hơn người không ? Tôi có áp đặt ý muốn của mình trên người khác mà không tôn trọng tự do và quyền lợi của họ không ?

3. Thời giờ, sức lực và những ân huệ đã lãnh nhận nơi Chúa như “các nén bạc của Tin Mừng”, tôi sử dụng thế nào ? Tôi có sự dụng những sự ấy để cải thiện bản thân ngày càng hoàn hảo hơn không ? Tôi có sống ươn lười và nhàn hạ không ?

4. Tôi có kiên nhẫn chịu đựng các đau khổ và nghịch cảnh trong đời sống không ? Tôi mang sự hy sinh hãm mình trên thân xác cách nào để “bổ túc những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” (x. Cl 1,24) ? Tôi có giữ luật ăn chay kiêng thịt của Hội Thánh không ?

5. Tôi có giữ gìn giác quan và toàn thân mình cách nết na và trong sạch, như “đền thờ Chúa Thánh Thần” (x. 1Cr 6,19 ; 3,16-17) và như dấu chỉ tình yêu mà Thiên Chúa tỏ cho nhân loại và chiếu sáng hoàn toàn trong bí tích Hôn Nhân không ? Tôi có làm nhơ uế thân xác bằng dâm ô, lời nói và tư tưởng bất chính, ước muốn và hành động nghịch đức khiết tịnh ? Tôi có đọc sách báo, trò chuyện hay các loại giải trí không xứng hợp phẩm giá con người và kitô-hữu không ? Tôi có thiếu nết na làm cớ cho người khác phạm tội không ? Trong đời sống hôn nhân, tôi có tuân giữ luật luân lý không ?

6. Vì sợ hay vì giả hình, tôi có hành động trái với lương tâm không ?

7. Tôi có luôn luôn cố gắng hành động trong tinh thần tự do của con cái Chúa, theo luật của Thánh Thần ? hay tôi làm nô lệ cho các đam mê xác thịt ?

(Thụ Nhân sưu tầm theo mẫu cử hành thống hối tại Rôma ngày 28/3/2014)

 


Trang Nghi Thức Áp Dụng Trong Nhiều Hoàn cảnh