TẬP TÍNH ĐIỀM TĨNH TỰ CHỦ
1.LỚI CHÚA: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là
Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống
phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,6-8).
2.CÂU CHUYỆN:
Thần thoại Nhật Bản có câu chuyện như sau:
Một hôm các vị thần trên
trời tụ họp nhau lại để chọn ra một vị thần đứng đầu các thần khác. Họ nhờ một
vị thần lão thành nhiều kinh nghiệm đứng ra làm trọng tài chấm thi. Các thí
sinh sẽ phải thi thố tài năng thế nào để các vị thần khác phải thực sự “tâm
phục khẩu phục”. Thần Sấm Sét tình ngưyện ra thi thố tài năng trước tiên: Sau
một cái vẫy taycủa ông, lập tức một luồng ánh sáng rất mạnh từ trời giáng xuống
đám mây đen bên dưới làm phát ra một tiếng nổ long trời khiến các thần đều bị hồn
siêu phách lạc. Nhưng ngay sau đó thần Bão Tố xuất hiện tiếp tục thi thố sức
mạnh. Ông ta ra lệnh cho mưa trút nước xuống ào ào như dòng thác lũ, nước chảy
đến đâu phá hủy và cuốn theo nhiều cây cối và nhà cửa. Nước lụt mỗi lúc một
dâng dâng cao nhấn chìm các ngọn núi và tiếp tục dâng lên tận trời, khiến các
vị thần hỏang hốt yêu cầu thần Bão Tố ngừng lại. Sau một cái vẫy tay lập tức sóng
gió yên lặng như tờ và nước lụt cũng rút đi đâu tất cả. Khi các vị thần chưa kịp
hoàn hồn, thì bất ngờ mọi thần đều nghe thấy một giọng nói êm dịu vang lên: “Sức
mạnh thực sự không nhất thiết là phải tàn phá hủy diệt mả có thể là êm dịu. Hãy
nghe đây”. Nữ thần Âm Nhạc nói xong liền lấy ra một cây đàn vi-ô-lông và nhún
nhẩy chơi một bản nhạc giật gân khiến mọi vị thần đều phấn khởi giựt giựt tay
chân theo điệu nhạc, rồi đến lúc du dương réo rắt khiến họ đều đờ người ra và
dần dần nhắm mắt thiếp ngủ như bị thôi miên. Tuy nhiên trong số các vị thần
hiện diện có một vị luôn tỏ ra bình thản khi chứng kiến các hiện tượng sấm chớp
bão bùng hay nghe điệu nhạc du dương kia ... Thần trọng tài liền hỏi:
"Ngài là ai ? Ngài có bị mù hay bị điếc không ?" và nghe câu trả lời:
"Không. Tôi vẫn nhìn và nghe được tất cả". Thần trọng tài lại hỏi: “Tại
sao ngài không bị xao xuyến giao động khi chứng kiến sấm chớp nổ bùng nước ngập
dâng cao và nghe các điệu nhạc du dương ?" Vị thần kia liền trả lời: “Ngài
lầm rồi ! Tim tôi cũng đập, lòng tôi cũng xao xuyến như các vị khác. Nhưng vì tôi
là thần Điềm Tĩnh luôn làm chủ được các cảm xúc chứ không bị lệ thuộc hay làm
nô lệ cho nó. Ích lợi gì khi có sức mạnh chế ngự người khác, mà lại khuất phục
trước tiếng đàn nhạc du dương? Còn gì là uy lực khi tái mặt sợ hãi khi nghe tiếng
sấm nổ hay thấy dòng nước lũ dâng lên ?”
Cuối cùng thần trọng
tài đã phán quyết kết quả cuộc thi như sau: "Quyền bá chủ thuộc về thần
Điềm Tĩnh. Sức mạnh thực sự chỉ có nơi những ai làm chủ được bản thân trước bất
kỳ tình huống hay biến cố nào xảy ra. Những ai dù có quyền lực hay sức mạnh vô
địch mà vẫn bị một thế lực khác chế ngự lôi cuốn thì vẫn chưa có sức mạnh thực
sự. Hôm nay, tuy không phô trương sức mạnh, nhưng thần Điềm Tĩnh đã chứng tỏ nội
lực vô song khi tỏ ra tự chủ bình tĩnh và khôn ngoan trườc mọi tình huống. Đức
tính này sẽ giúp chế ngự các lọai sức mạnh tài năng và điều khiển được chúng
theo ý mình. Vậy tôi tuyên bố: "Thần Điềm Tĩnh Tự Chủ là chúa tể của tất
cả chúng ta”.
Thực vậy: Điềm Tĩnh là đức
tính đứng đầu rất cần để cho các nhà lãnh đạo.
3.SUY NIỆM:
1)Tự chủ là gì? : Tự chủ là một yếu tố quyết định
sự thành công trong công việc, sức khoẻ bản thân và các mối quan hệ xã hội. Chẳng
hạn: Bạn quyết định sẽ chạy bộ tập thể dục mỗi buổi sáng để giảm cân và giữ eo.
Nhưng khi vừa thức dậy bạn lại cảm thấy lười biếng không muốn chạy ra công viên
như dự tính. Vậy bạn sẽ làm gì để làm chủ bản thân và duy trì được thói quen tập
luyện thể dục mỗi ngày? Hoặc có những lúc bạn thấy nhà cửa bề bộn, và thấy cần phải
dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp hơn. Nhưng rồi do lười biếng bạn lại chần chừ hết ngày
này sang ngày khác.
2) Bốn
yếu tố cần để tập tính tự chủ: Mỗi người chúng ta đều có một vài thói hư chủ
lực cần phải khắc phục như: Kiêu nạo, mê tiền, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn
uống, ganh ghét, làm biếng. Để chế ngự được các thói xấu này, cần khôn ngoan và
có ý chí để quyết tâm thắng vượt thói lười biếng, cần tinh thần kỷ luật để
không trì hõan và cuối cùng còn cần ơn trợ giúp của Chúa nữa:
- Khôn
ngoan: Cần biết khôn ngoan để tìm ra đối sách phù hợp là tập các đức tính
đối lập với thói xấu của mình như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” đã dạy.
- Ý
chí là phương thế hữu hiệu để chế ngự thói xấu lười biếng. Nó giúp chúng ta
kiểm soát và quyết tâm lọai trừ những thói xấu và trung thành với những điều đã
dốc quyết. Đây là sức mạnh giúp chúng ta vượt thắng được cảm xúc và sức ì của bản
thân.
- Kỷ
luật là bạn đồng hành của ý chí. Nó giúp chúng ta tuân giữ kỷ luật chung và
biết tự chủ để kịp thời suy nghĩ trước khi quyết định phù hợp hoặc kiên trì làm
theo điều đã dốc quyết. Nếu rèn luyện được tính tự chủ, chúng ta sẽ nên một người
trưởng thành nhân cách hơn, sẽ làm việc có khoa học và tinh thần trách nhiệm hơn,
sẽ gây được uy tín và thiện cảm để thành công trong mọi việc.
- Ơn
Chúa: Về
lãnh vực siêu nhiên như trừ khử các thói hư và tập luyện các nhân đức để ngày
một nên giống Đức Giê-su hơn, bạn chỉ có thể đạt kết quả nếu biết năng đọc và
suy niệm Lời Chúa và xin ơn Thánh Thần trợ giúp.
3) Bài tập tính tự chủ: Phương pháp giúp tập tự
chủ là bạn hãy thực tập làm những việc trái với thói hư muốn sửa chữa như:
- Để thắng được thói lười biếng ưa trì
hõan việc phải làm: Sau bữa ăn tối, một chồng
bát đĩa nằm trong chậu rửa chén đang chờ bạn thực hiện. Bạn muốn xem chương
trình phim chuyện trên truyền hình, nên muốn trì hoãn việc rửa bát đĩa đến sáng
hôm sau. Bạn hãy hát bài có nội dung như sau: “Việc gì có thể làm hôm nay, đừng
để đần ngày mai, trì hõan đến ngày sau làm chi…” và lập tức bạn sẽ xuống bếp rửa
cho xong đống bát đĩa kia rồi mới lên nhà xem phim. Nhờ làm như vậy, bạn tập cho
mình tính tự chủ để thắng vượt thói lười biếng của bản thân mình. Từ đó bạn sẽ
thấy dễ dàng làm các việc khác tương tự hơn.
- Để thắng được thói tự cao tự đại: Bạn
làm được một việc tốt hãy làm trong âm thầm để không ai hay biết, tránh tìm
tiếng khen nơi người đời như lời Chúa dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em
phải coi chứng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ
chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng
có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường
và ngòai phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần
thưởng rồi. Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để
việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo
sẽ trả công cho anh” (Mt 6,1-4).
- Để thắng được thói hay nổi nóng khi gặp
điều trái ý: Bạn hãy năng nhìn vào hình Thánh Tâm Chúa
Giê-su và thầm thĩ cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, Đấng hiền lành và khiêm nhường
trong lòng. Xin hãy biến đổi con nên giống Chúa, để con yêu thương hết mọi người,
nhất là những kẻ thù của con, những người hay chống đối và làm trái ý con, hầu
con ngày một nên giống Chúa hôn như lời Chúa dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của
tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt
11,29)
4) Một số điều cần lưu ý:
- Khi mới tập luyện không nên quyết tâm làm nhiều
bài tập một lúc, mà nên tập từng bước một và tập từ việc dễ đến việc khó. Như
vậy bạn sẽ cảm thấy thỏai mái và dễ thành công hơn.
- Bạn
có thể thực tập bất cứ lúc nào và ở đâu: Nếu bạn thích uống nước cam vắt,
nhưng bạn muốn hãm mình đền tội trong Mùa Chay thánh, bạn hãy chuyển sang uống nước
lọc suốt 40 ngày Mùa Chay hay 7 ngày trong Tuần Thánh. Sau đó bạn lại có thể
uống nước cam theo sở thích trước đó. Điều quan trọng ở đây là thực tập tính tự
chủ để gia tăng ý chí và thắng được thói ươn lười và ưa trì hõan của bạn. Các
nhà thiên tài cũng có một nhận định tương tự. Nhà bác học Mỹ Thomas Edison người đã cống hiến nhiều
phát minh nhất thế giới đã phát biều như sau: “Vĩ nhân chỉ có 1 phần
trăm là do thiên phú, phần còn lại 99 phần trăm là do mồ hôi”.
- Cần học sống Lời Chúa và xin ơn Thành
Thần trợ giúp: Để việc tập luyện đạt kết quả tốt và vững bền, ngòai việc quyết tâm
cao, bạn cần nhờ Lời Chúa hướng dẫn qua các buổi Hiệp Sống Tin Mừng hằng tuần
và cậy nhờ vào ơn trợ lực của Thánh Thần. Vì về lãnh vực siêu nhiên, bạn chỉ có
thể nên tốt lành thánh thiện nếu biết năng học tập theo gương Chúa Giê-su làm
và lời Người dạy trong Tin Mừng. Nhất là nhờ biết kết hiệp với Người và nhờ
Thánh Thần của Người trợ giúp như Người đã dạy: “Thầy là cây
nho, anh em là cành. Ai ở lại
trong Thầy
và Thầy
ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì
được.
(Ga 15,5-6).
5) Thực tập tính tự chủ noi gương Đức Giê-su:
- Đức Giê-su tuy là Con Thiên Chúa nhưng đã tự nguyện trở nên phàm
nhân, chọn nếp sống đơn sơ nghéo khó
như Người đã nói: "Con
chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Mt
8.20). Người chấp nhận đi con
đường hẹp, leo dốc và ít người muốn
đi là đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” để nêu gương và mời gọi
chúng ta đi theo: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà
theo” (Lc 9,23). Người luôn có thái độ khiêm tốn và cư xử hiền hòa với mọi người: ”Anh em
hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm
nhường” (Mt 11,29). Người chọn lối sống
yêu thương chia sẻ và phục vụ: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35)
và: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng
là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn
người” (Mt 20,27). Người luôn quan tâm chu tòan sứ vụ loan báo Tin
Mừng Nước Trời và chữa lành mọi bệnh tật (x Mt 4,23). Người có lập trường vững chắc là luôn làm theo ý Chúa
Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin
đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
- Tóm lại: Đức Giê-su vừa là Chúa vừa là một con người. Người nên giống
như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không có tội. Nhưng đồng thời Người là một vị
Tôn Sư nêu gương sáng cho các tín hữu chúng ta về thái độ luôn tự chủ trước mọi
tình huống gặp phải.
4. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giêsu! Xin dạy con yêu mến Chúa và chuyên cần tập luyện để
làm chủ bản thân và thực tập các nhân đức. Xin đổ ơn Thánh Thần giúp chúng con
ngày một nên hòan thiện noi gương Chúa Cha, và quyết tâm sống tình yêu thương,
sẵn sàng quan tâm chia sẻ cơm áo và khiêm nhường phục vụ mọi người, để làm
chứng ta cho Chúa trước mặt người đời.- AMEN.
LM ĐAN VINH