ÐƯỜNG NÀO CHO CHÚA ÐẾN

 

“Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời . . .”

Tiếng hát vang vọng vào tận cõi lòng tôi.

Chúa sinh vào nửa đêm, lúc tối tăm nhất một ngày hăm bốn tiếng.

Ðêm huyền nhiệm.

Ðêm kinh hoàng.

Ðêm tưng bừng.

Ðêm thanh bình. 

Con Thiên Chúa được Trinh Nữ Maria rất thánh sinh ra nửa đêm tại Bêlem, giữa tiết đông băng giá.  Chúa đến trần gian trong một thời khắc kinh dị nhất đêm trường . 

Nếu như thế chưa đủ gây kinh hoàng , thì hai yếu tố sau đây cũng làm tăng sợ hãi trong lòng người.  Người sinh ra trong một miền đất xa lạ và  trong giá buốt.  Ðây là lúc chúng ta mừng ngày Ngôi Lời vĩnh hằng sinh vào lịch sử nhân loại.  Một thời gian đầy bóng tối ( NỬA ÐÊM), bất an (BÊLEM ... một miền đất xa lạ) và khó chịu (GIÁ BUỐT).  Ðó là thời gian nhân loại khao khát ánh sáng, sự an toàn và ấm cúng, Chân lý, Công chính và Bình an.  Tóm lại, thời gian toàn dân mong đợi ƠN CỨU ÐỘ.

Bất cứ thời điểm đen tối nhất nào trong cuộc đời cũng chính là thời điểm nhớ Thiên Chúa đi vào trần gian lúc đen tối nhất trong ngày.  Dù khó phóng tầm nhìn vượt trên sự tăm tối tới đâu, vẫn cần phải nhớ Thiên Chúa đã sinh vào cuộc đời chúng ta.  Tham dự thánh lễ nửa đêm, chúng ta chào mừng ánh sáng vĩnh hằng đến phá tan bóng tối.  Trong phụng vụ, chúng ta ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa  đã sai Ðức Giêsu Kitô đến cứu độ nhân loại.

Khi dâng Thánh Lễ Nửa Ðêm, chúng ta có thể can đảm chào mừng CÔNG LÝ đến dẹp tan bóng tối trong đời ta.  Có thể được an ủi trong sự BÌNH AN vì Thiên Chúa hiện diện vào những thời kỳ chúng ta đau khổ nhất.  Chúng ta có thể được an vui vì CHÂN LÝ trao ban cho chúng ta vào những giai đoạn lung lay nhất trên hành trình về nhà Cha . . . Chúng ta nhớ . . . Emmanuel . . .Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta ! 

Thánh Augustinô khuyên cộng đoàn hành động để đền ơn Chúa Kitô đã phá vỡ đêm đen thế gian : “Vì Chúa Kitô là chân lý, bình an và công lý, hãy cưu mang Người trong đức tin, sinh Người trong hành động, để điều gì cung lòng Mẹ Maria đã làm cho thân thể Chúa Kitô, tâm hồn bạn có thể làm cho luật Chúa Kitô.”[1]  Như thế, chúng ta có thể trở thành khuôn đúc Chúa Kitô cho mọi người.  Làm sao khi nhìn vào chúng ta, mọi người có thể thấy khuôn vàng thước ngọc của Chúa Kitô trong cuộc sống đầy xáo trộn và khủng hoảng hôm nay ?

Mới sinh ra, Chúa đã mạc khải một khuôn mẫu đặc biệt kéo dài suốt cuộc đời và sứ vụ của Người.  Những điều nhìn thấy nơi Hài Nhi Giêsu, cũng sẽ thấy nơi Con Người Giêsu sau này.  Người đã đi vào những khung cảnh tăm tối và những nẻo đường gồ ghề, bụi bặm với những hạng người vô học, nghèo đói, tội lỗi, bệnh tật v.v.  Ngay cả khi sống lại, Người cũng không xuất hiện nơi Ðền Thờ Giêrusalem với những người học thức, quyền thế đạo đời.  Trái lại Người đến với dân quê, những phụ nữ đang than khóc, những người đàn ông nhát như cáy đang co mình trong phòng kín, những người không có vị thế trong đạo, không có ảnh hưởng chính trị, không được giáo dục nhiều.

Ðêm Giáng Sinh khai mở một thời đại mới, thời đại mạc khải về tình yêu quảng đại và nhân hậu của Thiên Chúa. Ðức Kitô sinh trong căn nhà của những người tội lỗi, những căn nhà dẫn tới những hầm mộ tăm tối.  Người đã phá tung ngục tử thần để đem lại sự sống và phục sinh cho những bộ xương khô là chúng ta. 

“Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”[2]  Người đã hiện hữu trong thân phận đầy giới hạn của kiếp người.  Người hiện diện để mọi người thấy Thiên Chúa rất  quan tâm và ưu ái đối với con người.  Ưu ái đến nỗi Người muốn họ hiệp thông sâu xa với mình.  Nhập Thể là đường lối tuyệt diệu nhất để nối kết con người với Thiên Chúa.  Tới một khoảnh khắc nào đó, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhận lấy xác phàm  để cứu độ chúng ta, mặc dù Người đã hiện hữu từ muôn đời.

Bây giờ, Người trở thành người phàm để hiện hữu một cách cụ thể và sống động bên chúng ta.  Nhờ đó, Người có thể gần gũi mạc khải và đối thoại với mọi người một cách thân mật nhất.  Nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đạt tới tột đỉnh mạc khải về tình yêu.  Từ nay, lịch sử nhân loại được bẻ lái sang hẳn một hướng khác.  Thay vì bị tiêu diệt, số phận nhân loại sẽ được quyết định bằng cuộc chiến thắng của lịch sự cứu độ.[3]  Nhân phẩm sẽ đạt tới tột đỉnh và bản tính nhân loại sẽ được khai mở  tuyệt đối vào cuộc hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa.  Trong Ðức Kitô, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân sẽ đạt đến mức hiệp thông cao nhất nơi một ngôi vị Thiên nhân và tình yêu tha nhân đạt tới phẩm vị tối thượng.[4]  Tất cả chỉ vì Thiên Chúa đã hiện hữu như con người và hiện diện giữa những khổ đau của kiếp người hôm nay.

Còn kiếp người nào khổ đau bằng dân tộc Việt nam chúng ta ?  Trong một bức tâm thư mùa Giáng sinh 2006, một giáo dân Việt nam ở Hoa kỳ đã viết cho các Giám mục Việt nam như sau : “Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu 4 trăm ngàn thai nhi bị giết, trong đó 500 ngàn trẻ có mẹ là vị thành niên. Và trong số này chắc chắn có không ít người mẹ Công Giáo. Mẹ đồng lõa giết con, giết kẻ chưa bao giờ phạm tội, chưa nhìn được vũ trụ xinh đẹp của Tạo Hóa, cuộc tàn sát này quả là man rợ! LỜI của các Giám Mục rất cần thiết để cho năm 2007, số thai nhi tương tự như vậy đỡ  bị giết. Thế nhưng các Đức Cha đã im lặng!!! Thư Mục vụ 2006 của HĐGMVN số 7 chỉ nói rất chung chung, vô thưởng vô phạt. Cũng chẳng thấy uỷ ban hay tiểu ban GM nào lên tiếng từ đó tới giờ ...

Cũng theo thống kê của nhà cầm quyền Việt Nam trong chiến dịch gọi là “giải quyết khiếu kiện”, số người khiếu kiện vì nhà ở và đất vườn bị cướp đọat lên đến một triệu hai trăm ngàn gia đình. Song các đợt Trung Ương xuống tới địa phương chẳng những không giải quyết được gì mà số người khiếu kiện ngày càng tăng, vườn hoa Mai Xuân Thưởng tại Hà Nội ngày càng nhiều người đội mưa nắng, dãi dầm sương, chịu giá rét để mong đèn trời soi xét cho. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng không xa Nhà Chung, không xa Tòa Giám mục, nơi Ðức Tổng Ngô Quang Kiệt cư ngụ, nhưng chưa bao giờ Ðức Tổng lại mở cửa Nhà Chung cho những nạn nhân bị cướp bóc nhà cửa trú ngụ một đêm gọi là “cho khách đỗ nhà”, ngay cả khi họ bị đuổi khỏi vườn hoa Mai Xuân Thưởng và khỏi các nhà trọ quanh vườn hoa này dịp Hội nghị APEC gần đây, chưa bao giờ Đức Tổng cho người đến cứu giúp những dân oan phải ngày ngày đi bới rác để kiếm ăn suốt nhiều năm tháng trong cuộc trường chinh khiếu kiện.”[5]Trước thực trạng bi đát đó, Giáo Hội Việt nam chọn cách hiện hữu và hiện diện như thế nào ?  Chọn đứng về phía nào, người bị áp bức bất công hay người đầy quyền lực đàn áp ?  Có dám đồng hành với  những anh em đau khổ không ? Có dám tranh đấu cho đồng bào đang sống cảnh lầm than không ?  Nếu không, quả thực chúng ta chưa nhập thể với Chúa Kitô để “làm người và sống giữa” lòng dân tộc.  Còn lâu lắm mới thấy hồng ân cứu độ và sự giải thoát thực sự đến với quê hương.

 Thái độ im lặng từ xưa đến nay của GHVN khiến người ta hoài nghi về khả năng của Ðạo Nhập Thể chúng ta vẫn rêu rao.  Ðối với giới cầm quyền, HÐGMVN im lặng để chờ đợi ơn mưa móc từ chế độ “xin cho.”  Ðối với tín hữu, HÐGMVN cũng giữ thái độ im lặng để tỏ ra uy quyền đối với thuộc cấp.  Có ngang hàng đâu mà đòi đối thoại !  Bao nhiêu góp ý đều bị gạt qua một bên.  Một lần VietCatholic.com mở mục góp ý cho dân chúng.  Nhưng mục đó chỉ tồn tại được hơn một ngày.  Sau đó, lệnh trên bắt đóng lại.  Sau mấy thập niên sống dưới chế độ độc tài đảng trị, GHVN bị thấm nhiễm quá sâu và quá nhanh trong phong cách làm việc.  Muốn chối cũng không thể phủ nhận thực tế “gần mực thì đen.” 

Hy vọng ánh sáng Giáng Sinh chiếu vô tận cõi lòng những vị lãnh đạo GHVN hôm nay !   Chính vì chúng ta ngại nhập thể với Chúa Kitô, Tin Mừng vẫn còn đứng ngoài hay chỉ mới đi song song với văn hóa dân tộc.   Sau gần 500 đón nhận Tin Mừng, Giáo hội Việt nam khác hẳn Giáo hội Tây Phương.  Sau hơn 2000 năm Kitô giáo, dù bị trần tục hóa, xã hội Âu Mỹ vẫn không thể phủ nhận hoàn toàn ảnh hưởng Kitô giáo.  Những giá trị Kitô đã thấm quá sâu vào xã hội Tây Phương đến nỗi không thể phân biệt đâu là giá trị đời đạo.  Bao giờ xã hội Việt nam bắt kịp họ và Giáo hội Việt nam đem Tin Mừng tái Phúc âm hóa xã hội Tây Phương chống lại phong trào trần tục hóa ?

Khi hát mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi chung nhịp vận hành Nhập Thể sâu xa với Chúa Cứu thế, để khám phá thấy tất cả những gì Ngôi Lời đã làm cho chúng ta .  Nhờ đó, chúng ta có thể đem lại hoa trái đích thực là sự sống và tình yêu cho mọi người.  Chúng ta cần mở lòng đón nhận Ðấng đang ngự đến như ÐứcTrinh Nữ Maria.  Với tất cả tấm lòng đơn sơ, Mẹ đã xướng lên kinh Magnificat.  Làm sao chúng ta có thể cùng với Mẹ hát lên bài ca và làm chứng cho mọi người biết về lòng thương xót của Thiên Chúa qua biến cố Nhập Thể hôm nay ?  Ngôi Lời làm người để chúng ta khám phá ra khuôn mặt anh em giữa chúng ta.  Giữa chúng ta không còn ai xa lạ, nhưng tất cả đều thấm đượm tình thân và sống chết có nhau . . .

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con dám sống như con người, nhất là với những đồng bào cùng khổ nhất, để Chúa Kitô Nhập thể vào dân tộc và trở thành sức mạnh giải thoát quê hương chúng con. Amen.

 

đỗ lực

25.12.2006

dzuize@gmail.com



[1] Sermon 192:2.

[2] Ga 1:14.

[3] x. Karl Rahner, Encyclopedia of Theology, The Concise Sacramentum Mundi, ed. by Rahner, K., New York : 1975, tr. 691.

[4] ibid.

[5] Micae Lê Văn Ấn, TÂM THƯ MÙA GIÁNG SINH, San Jose, California , USA Mùa Vọng 2006.

 


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà