30.03.2006

BA MẶT MỘT LỜI

Ga 5:31-47

 

Còn nhớ năm ngoái, sau khi đồng tế với các linh mục cho một đôi tân hôn, một vài anh xúm lại quanh tôi, vừa cười vừa nói : “Cha ngủ trong thánh lễ.”  Tôi cố lấy gân cổ cãi lại.  Nhưng vô ích.  Họ càng cười và càng quả quyết sự kiện họ đã thấy là đúng.  Lúc đó, tôi chỉ biết ngửa mặt lên trời : “Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới biết con có ngủ hay không.  Chỉ có Chúa mới biết con bị tiếng oan !”

Chúa Giêsu đã từng trải qua kinh nghiệm oan khiên nghiệt ngã gấp ngàn lần. Sinh trong một dân tộc đầy truyền thống đạo đức, mặc dù chứng từ và lập luận rất sắc bén, Người phải vất vả lắm mới “chứng minh” Người là Con Thiên Chúa và là vị Thiên Sai như Kinh thánh đã nói, .

Trước hết, Người đã đi từ một chứng từ mạnh nhất là Chúa Cha, Ðấng chỉ nói nơi kín đáo, tức tâm hồn.  Bởi thế, có thực sự nghe tiếng lương tâm và có một đời sống nội tâm sâu sắc, mới có thể đón nhận được mạc khải từ Chúa Cha như một lời chứng âm thầm, sâu sắc và mãnh liệt.  Thực tế, chỉ khi nào được Chúa Cha lôi kéo, chúng ta mới có thể đón nhận Lời Chúa mà tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Ðấng Cứu độ.  Không tin được chỉ vì con người hời hợt tìm cách “tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất.” (Ga 5:44)  Bởi vậy, muốn tin Ðức Giêsu, phải có một tinh thần khiêm hạ sâu thẳm như Chúa.  Dựa vào đức tính này, chúng ta có thể đánh giá lời chứng nào là xác thực nơi chính những người đang rao giảng Lời Chúa.

Chúa Cha nói trong nội tâm con người. Thánh Linh nói trong Kinh thánh.  Người Do thái vẫn tin tác giả Kinh thánh là Môsê. Môsê là khuôn mặt lớn nhất của dân tộc. Lời chứng của ông hầu như tuyệt đối vì ông là thủ lãnh đã nói lời Thiên Chúa cho toàn dân trên đường về Ðất hứa.  Nếu nghiên cứu kỹ Kinh thánh, chắc chắn họ sẽ thấy Môsê đã làm chứng về Ðức Giêsu.  Nhưng thực tế, tại sao người Do thái không đọc được ý nghĩa lời chứng đó ?  Lý do vì “các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Ga 5:42)   Họ chỉ yêu chính mình và những vinh hoa trần gian, nên không thể hiểu lời Chúa.  Họ chỉ hiểu biết những gì thuộc hạ giới.  Tự bản chất, lời Chúa là thần khí.  Chỉ nhìn bằng con mắt thịt, làm sao họ thấy những gì thuộc thượng giới ? 

Ngoài Kinh thánh, Thánh Linh còn hoạt động qua các ngôn sứ.  Gioan Tẩy giả là một ngôn sứ mạnh mẽ nhất nói về Ðức Giêsu.  Thực tế, lời chứng Gioan cũng không đụng tới miền thâm sâu nhất của tâm hồn và cải hóa thực sự con người họ.  Mặc dù “ông ấy làm chứng cho sự thật,” (Ga 5:33) nhưng vì không thuộc về sự thật, thì làm sao họ nhận chân được sự thật là Ðức Giêsu ?  Cuối cùng, lời chứng Gioan “mua vui cũng được một vài trống canh” cho họ mà thôi. 

Có thể họ không nhận được sự thật qua lời nói của các nhân chứng.  Nhưng ngay cả việc làm cũng không thể lôi kéo họ.  Ðức Giêsu đã phải dùng hành động để biện minh cho chính mình.  Vậy mà Người vẫn bị hàm oan.  Chẳng hạn, khi trừ quỷ câm, Ðức Giêsu đã dùng quyền năng Thiên Chúa, khiến mọi người kinh ngạc.  Nhưng những con người ác độc đã bóp méo sự thật khi vu cáo Người dùng quyền tướng quỷ mà trừ quỷ ?  Tuy thế, Người vẫn kiên nhẫn.  Qua hành động, nhất là nhờ cái chết và phục sinh, Người đã làm mọi người tin rằng Người phát xuất tự Chúa Cha (x. Ga 5:36).

Như thế, rõ ràng “ba mặt một lời.”  Cả Ba Ngôi đều làm chứng cho công cuộc cứu độ nơi con người và sứ sứ mệnh của Ðức Giêsu.  Xin Chúa cho con luôn xác tín và cùng anh em làm chứng cho mọi người biết Chúa là Ðấng cứu độ muôn dân.

                                                          lm giuse đỗ vân lực, op

 

 

 

 

 


Mục Lục