Ngày 15.10.2006

CHỨNG  NGỘ

Mc 10:17-30

 

Trên bước đường theo Ðức Kitô, nhiều lúc tôi “tẽn tò” khi nghe một người đáp lại mời gọi của mình : “Ðạo nào cũng tốt !”   “Tẽn tò” vì cảm thấy như người đối diện không muốn nghe cung cách “truyền giáo” của tôi.  Nhưng tận thâm tâm, tôi cũng phải nhìn nhận giá trị câu khẳng quyết đó.  Tôi cũng chẳng biết phải giải thích cách nào cho họ hiểu về Ðạo của mình nữa.

Thực tế, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành.  Ðó là vấn đề luân lý phải giữ để đạt đến toàn thể ý nghĩa cuộc đời.  Không có đời sống đạo đức, con người không thể hoàn thành ơn gọi và đạt tới cứu cánh cuộc sống.  Nhìn lại mình, người giàu có trong Tin Mừng hôm nay thấy mình đã giữ trọn tất cả những điều luật luân lý đòi buộc.  Vậy tại sao anh lại đến với Ðức Kitô ?  Không phải anh không biết câu trả lời đã nằm sẵn trong Lề Luật.  Nhưng anh phải đến với Chúa, vì biết chỉ có “Thầy nhân lành” là Ðức Giêsu mới có câu trả lời chính xác nhất về hành vi đạo đức.  Không những thế, Người còn mạc khải trọn vẹn về thánh ý Chúa Cha.    “Chỉ Thiên Chúa mới trả lời nổi câu hỏi về sự tốt lành, vì Người là chính sự Tốt Lành.”[1]  Chúa Giêsu đã có câu trả lời chính xác nhất.

Từng bước, Chúa đã hướng dẫn người giàu có đến Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh hạnh phúc con người.  Con người không thể tự mình tìm được hạnh phúc.  Nói khác, con đường đi đến hạnh phúc phải được Thiên Chúa hướng dẫn, soi sáng và trợ giúp.  Thực vậy, không có hồng ân Thiên Chúa, con người không thể thấy rõ chân giá trị đích thực của mình và bổn phận tuân giữ các giới răn yêu người như bước đầu tiên trên hành trình tìm kiếm tự do.[2]  Chính trong tự do, con người mới có thể bay bổng.  Vì thế, người giàu có cảm thấy không thỏa mãn với những gì mình đã đạt trong việc tuân giữ các giới răn.  Anh muốn bay cao hơn nữa, vì anh đã bị lôi cuốn theo một sức hút quá mạnh từ nơi Chúa.  Muốn bay cao hơn, anh phải nhận định rõ về Thiên Chúa (Ðấng Tối Cao hay Tối Hậu trong các tôn giáo khác).  Nếu không, anh sẽ mắc một lầm lỗi lớn nhất cuộc đời, vì từ nhận thức đó, “việc lựa chọn đó có liên hệ và dẫn dắt đến sự thành công hay thất bại tối hậu :  đó là vấn đề Giải Thoát.”[3]

Cuối cùng, anh nghe Chúa đề nghị : “hãy đến theo tôi.”[4]  Theo Thày để được tự do phục vụ tha nhân.[5]  Phải thực sự trưởng thành mới có thể bước theo Thày.  Ðó là con đường trọn lành.  Ðó là một lời mời gọi cao cả các môn đệ chỉ nhận biết trọn vẹn sau khi Chúa Kitô Phục sinh và khi Chúa Thánh Linh hướng dẫn họ vào sự thật toàn vẹn (x. Ga 16:13).  Lời mời gọi ấy không chỉ dành cho các Tông Ðồ.  Mỗi tín hữu đều được kêu gọi bước theo Ðức Kitô (x. Cv 6:1).[6]  Theo Ðức Kitô là gắn bó với chính con người Chúa Giêsu.  

Nhưng hôm nay mấy ai nghe tiếng Chúa mời gọi từ bỏ mọi sự mà theo Thày[7] ?   Ở đây Chúa mới kêu gọi từ bỏ của cải mà thôi.  Như thế cũng đủ lý do để người ta xa lánh Chúa rồi.  Ðối với Phêrô và các tông đồ, đó cũng là từ bỏ mọi sự rồi.  Nhưng thực sự, từ bỏ lớn lao và sâu thẳm nhất không phải là của cải.  Quyết liệt và khó khăn nhất vẫn là từ bỏ chính mình.[8] 

Cứ tưởng Chúa khuyên bán hết của cải để lấy tiền chơi thị trường chứng khoán hay mua CD trong ngân hàng hầu chuẩn bị kế hoạch truyền giáo trường kỳ.  Ai dè Chúa đề nghị đem hết tiền phát chẩn cho người nghèo.  Làm thế, sẽ lâm vào tình trạng đói khổ bi đát  hơn những người nghèo nhất.  Cuối cùng chỉ còn một hình ảnh hấp dẫn là “một kho tàng ở trên trời.”[9]  Kho tàng này chỉ có ở đời sau !   Trời đất !   Sao lại buông con chim trong tay để bắt con chim đang bay ?!  Con chim trong tay là tiền bạc, của cải, kẻ hầu người hạ, cánh đồng thẳng cánh cò bay, những vựa lúa kếch sù v.v.   Ðó là nền tảng mọi quyền lực.  Bây giờ tôi phải buông hết, ai còn nghe theo tôi nữa ?  Bọn nô lệ và tôi tớ sẽ đè đầu cỡi cổ tôi à ?!

Dầu sao, của cải cũng là cái tôi nối dài.  Bởi thế, rất khó từ bỏ.  Nhưng có từ bỏ được cái tôi nối dài đó, cái tôi còn lại mới thực sự siêu thoát.  Nhưng thật lạ lùng, khi người ta đã từ bỏ của cải để siêu thoát, Chúa lại hứa của cải gấp trăm.[10]  Như thế chẳng phải là “đánh bùn sang ao” sao ?  Nếu thực như vậy, làm sao siêu thoát ?  Càng lún sâu và sa lầy mà thôi !  Còn gì mâu thuẫn hơn !  Chúa có ý gì khi hứa hẹn như vậy ?  Khôn ngoan của Chúa ở chỗ nào ? 

Thực tế phải nhận rằng có khôn ngoan và biết tính toán làm ăn, người nhà giàu mới có thể giàu có và quyền thế như vậy !   Nhưng sự khôn ngoan của anh đã đụng mạnh với sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Một thách đố vô cùng lớn lao !  Nếu từ bỏ mọi sự và bán hết của cải giúp đỡ người nghèo là một sự khôn ngoan, hẳn anh đã không “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi”[11] như thế.  Phải chăng đó là một cuộc đổi chác không tương xứng và đầy mạo hiểm ? 

Nhưng nếu trầm tĩnh và suy nghĩ sâu xa hơn một chút, anh sẽ thấy đòi hỏi của Chúa Giêsu không quá đáng lắm đâu.  Ðức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.[12] Người cũng là Lời Thiên Chúa.  Lời khôn ngoan của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng êm tai. Thật vậy, “Lời Thiên Chúa ... sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.”[13]

Ngay từ thời phôi thai, Giáo hội đã trải qua những cơn bách hại ác liệt.  Làm sao có thể quên được những cuộc bách hại Kitô hữu tại Giêrusalem những năm 34, 41 và 62, cũng như tại Rôma năm 64 ?  Giữa cuộc lùng bắt đó, các Kitô hữu trốn lánh ở đâu, nếu không tìm ẩn trú nơi “trăm nhà anh em” ?[14]  Như thế, rõ ràng khi theo Ðức Kitô, người Kitô hữu lại kiếm được một cộng đoàn lớn hơn, tức là Giáo hội.       

Khi tận hiến theo Chúa Kitô, tôi cũng từ bỏ mọi sự, kể cả bản thân.  Phải chăng rời bỏ mái nhà thân yêu để lao đầu vào một cuộc phiêu lưu bất định như thế là khôn ngoan ?   Tôi được lại gì ?  Hồi còn học ở chủng viện, tôi vẫn thường được các cha giáo chứng minh Lời Chúa đúng một trăm phần trăm trong cuộc đời tu trì.   Bỏ một mái nhà nhỏ bé để sống trong một nhà lầu nhiều phòng với đầy đủ tiện nghi.  Bỏ một vài anh em để được hàng trăm anh em cùng chí hướng.  Ở ngoài có khi chỉ là một người phu quét đường.  Nhưng đi tu làm linh mục lại có quyền hành, ăn trên ngồi chốc, cơm bưng nước rót v.v.  Nếu làm giám mục, hồng y, còn mũ gậy và ngai bệ kềnh càng nữa. 

Theo Chúa với một tinh thần hoàn toàn thế tục như thế, làm sao siêu thoát ?!  Lời Chúa đã được giải thích hoàn toàn theo nghĩa đen.  Một cộng đoàn lớn hơn gia đình mình thật, nhưng nhiều lúc không ấm bằng.  Sống trong một cộng đoàn đức tin, bao giờ cũng đầy thách đố.  Phải luôn phấn đấu với chính mình mới có thể theo Ðức Kitô.  Nếu bỏ một để được gấp trăm, tại sao có nhiều thừa sai bị tù tội, nghèo khổ và chết chóc ?   Có lẽ các vị linh hướng của tôi đã quên vế áp chót trong lời Chúa hứa hôm nay.[15]   Chính sự thật bi đát này làm cho người Kitô hữu không thể ngủ yên và tọa hưởng với những thứ Chúa hứa gấp trăm.  Thực tế đó luôn báo động tôi phải cảnh giác và siêu thoát. 

Phải siêu thoát mới có thể thấy được phần thưởng gấp trăm là “sự sống vĩnh cửu ở đời sau”[16] là chính Ðức Kitô.  Không phải đợi tới đời sau !  Ngay đời này, tôi đã cảm nhận cuộc sống hạnh phúc đó. Tôi được gọi để chuyên cần cầu nguyện. Chúa hứa ban Thánh Thần.[17]  Có Chúa Thánh Thần là có ân sủng.  Có ân sủng là có Thiên Chúa hiện diện.  Có Thiên Chúa là có tất cả.  Bởi vậy, bỏ mọi sự theo Chúa, tôi sẽ được tất cả.  Có một sự cách biệt trời vực giữa “mọi sự” và “tất cả” ở đây.  “Cái tôi” làm sao so sánh với Thiên Chúa ?!  Nhưng “cái tôi” chỉ có thể bứng đi khi được Lời Chúa thức tỉnh.

Lời Chúa luôn đặt vấn đề.  Con người phải trưởng thành và quảng đại hơn mới có thể theo Chúa thực hiện những chương trình lớn hơn.  Không thể cắm mắt vào những nhu cầu hiện tại và ngủ yên trong những lâu đài quyền lực.  Lời Chúa đến khuấy động con người đang sống giữa những bình an và hạnh phúc giả tạo.   Nếu chỉ thỏa mãn với lối sống “ăn ngay ở lành” như anh chàng nhà giàu, làm sao có những người dấn thân giúp người nghèo khổ ?!  Nếu chỉ lo sắm một vé vào cửa thiên đàng như những Kitô hữu chỉ thấy mặt ở nhà thờ mỗi Chúa Nhật chừng mấy chục phút và xưng tội mỗi năm một lần, làm sao Giáo hội có thể đáp ứng nhu cầu muôn mặt của nhân loại hôm nay ? 

Càng nghĩ càng thấy lời mời gọi của Chúa thật hợp tình hợp lý.  Chúa đã nhìn thấy trước cả ngàn năm, đúng hơn,  từ đời đời.  Nếu không, tôi cũng mắc kẹt vì chính cái tôi của tôi rồi . . .

Lạy Chúa, giữa những ồn ào của cuộc sống hôm nay, xin cho con lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi.  Xin cho con chứng ngộ và siêu thoát để trở nên Kitô đích thực rao truyền hồng ân Chúa cho muôn dân.  Amen.

 

đỗ lực

dzuize@gmail.com

 

 



[1] ÐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Veritatis Spendor, 06.08.1993.

[2] x. ibid.

[3] Ðại Sư Buddhadasa, Kitô Giáo Dưới Mắt Một Phật Tử, Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Bá Tùng dịch, Ðịnh Hướng Tùng Thư : 1996, tr. 67.

[4] Mc 10:22.

[5] x. Gl 5:13.

[6] x.ÐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Veritatis Spendor, 06.08.1993.

[7] x. Mc 10:28.

[8] x. Mt 16:24; Lc 9:23.

[9] Mc 10:21.

[10] x. Mc 10:30.

[11] Mc 10:22.

[12] x. Mt 11:19; 12:42; Lc 7:35; 11:31

[13] Dt 4:12.

[14] x. Nhóm Phiên Dịch CGKPV, Lời Chúa Cho Mọi Người, Hà Nội, 2005, tr.220.

[15] Mc 10:30 : “cùng với sự ngược đãi.”

[16] ibid.

[17] x. Lc 11:13.


Mục Lục