GIỮA HAI LẰN ÐẠN

(Lc 19:28-40; 22:14-23:56)

 

Ngày xưa, khi còn ngồi ghế nhà trường tiểu học, chúng tôi thường hát bài suy tôn Ngô Tổng Thống trước khi vào lớp : “Ai bao năm vì dân nước quên thân mình.  Cứu đất nước, thề tranh đấu cho tự do …”   Tiếng hát làm sống lại cả một tuổi thơ đầy mơ mộng trong tôi.  Những ngày tháng đó thật ngắn ngủi, nhưng cũng đủ cho Tổng Thống dẹp yên những bạo loạn và đặt nền tảng cần thiết cho cuộc sống tự do cho toàn dân .

Nhưng khi chưa kịp bước vào tuổi trưởng thành, tôi đã trải qua những đêm lịch sử kinh hoàng cho Tổng thống và dân tộc.  Ngày 26.10.1963 vinh quang Tổng Thống lên tột đỉnh, sau khi được tái đắc cử.  Không đầy một tuần sau, ngày 01.11.1963, Tổng Thống đã gục ngã trên vũng máu đào cùng với bào đệ trong hầm tối.

Tổng thống là một Kitô hữu.  Cuộc đời ông khác gì Thày Chí Thánh ?  Từ vinh quang giữa rừng người cầm lá, trải khăn trên đường đón tiếp tung hô, đến cái chết tủi nhục tang thương trên Thánh giá, Ðức Giêsu chỉ có một thời gian rất ngắn để sống bình an trên mặt đất.  Vinh quang trần gian nào chẳng đầy quyến rũ ?  Ðau khổ nào chẳng là ma lực trấn áp con người ?  Ðó là hai lằn đạn. Cả nhân loại bị kẹt cứng giữa hai lằn đạn đó.  Chúa Giêsu cũng là con người, nên cũng không thoát khỏi thân phận đó.

Trong khi nhiều người ngã gục giữa hai lằn đạn, tại sao Chúa Giêsu đứng vững ? Giữa cảnh tưng bừng nhộn nhịp “gần chỗ dốc xuống núi Ôliu,” (Lc 19:37) Chúa xuất hiện như Vị Thiên Sai.  Tất cả dân chúng và đoàn môn đệ tung hô : “Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng ngự đến nhân danh Chúa !”  Bước đi giữa cảnh nườm nượp cành ôliu và trên các tấm áo choàng dân chúng trải xuống mặt đường, chắc chắn các ông không thể không nghĩ tới vị trí hai bên tả bên hữu trong Vương Quốc Thày.   Trước đó ít lâu, “các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm đươc coi là người lớn nhất.” (Lc 22:24).  Nếu có cùng tâm trạng với các môn đệ như thế, Thày đã sa vào chước cám dỗ trong hoang địa rồi.

Rõ ràng ngay giữa những thành công, Người vẫn nhất quyết chọn theo hướng  Chúa Cha.  Người đang muốn mọi người rời xa thứ vinh quang mau qua và giả tạo nơi trần thế.  Sứ mạng của Người hướng mọi người tới “bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời !” (Lc 19:38)  Thật khác hẳn những gì các tông đồ vẫn mơ mộng.

Chỉ có vinh quang Thiên quốc mới đủ sức thúc đẩy Người vượt trên những giới hạn tầm thường của kiếp người và mạnh dạn vác Thánh giá lên tận đỉnh đồi Canvê.  Người chìm ngập trong đau khổ và uống chén đắng đến giọt cuối cùng.  Chén đắng đó có đủ mùi vị của kẻ thù lẫn người thân.  Nếu Giuđa không phản bội, kẻ thù cũng không biết cách nào hại Thày.  Khuôn mặt môn đệ thân tín như Phêrô cũng in đậm nét bất trung khi ngang nhiên chối Thày tới ba lần.  Những con người phản bội như thế làm Thày đau khổ gấp mấy lần kẻ thù !  Mặc dù đã tiên liệu, Thày cũng không tránh khỏi đau khổ. 

Ðau khổ do kẻ thù gây ra cũng có nhiều hình thức khác nhau.  Có những đau khổ tinh thần như những lời nhạo báng, xúc phạm đến chính sứ mệnh tiên tri của Chúa.  Hạng vô lại và thất học lại dám cả gan nhục mạ Ðấng Toàn Tri !  Hạng lãnh đạo cũng không khá hơn.  Họ lợi dụng khả năng và địa vị để xuyên tạc và vu cáo Người như một tên bạo  loạn chống chính quyền.  Trước những cật vấn của bọn cầm quyền, Người không hề run sợ.  Người vẫn giữ thái độ thinh lặng, mặc cho những trận cười chế diễu và thái độ khinh dể trong triều đình Hêrôđê. Sự đau khổ tinh thần lên đến tột độ khi Chúa bị mọi người hạ nhục.  Số phận Người không bằng một tên cướp.  Họ la hét đòi giết Người cho bằng được !  Tới giờ linh thiêng nhất trên thập giá, Người vẫn còn phải trải qua những cơn thách đố ghê rợn về chính sứ mạng Thiên Sai và địa vị cao cả nhất của Người.

Còn những đau khổ nơi thân xác Chúa, bút mực nào tả xiết ?! Người đã bị bắt như một tên cướp, trong khi Người là Ðấng công chính !  Những trận đòn tan xương nát thịt xối xả tuôn xuống thân xác gầy gò của Người.  Những vết thương bật máu rải đều khắp thân thể.  Cây Thánh giá ngàn cân vừa đè nặng vừa ghì chặt Thân Người bằng những mũi đinh nhọn.  Từ đỉnh đầu tới bàn chân, không chỗ nào không rướm máu.  Thật khủng khiếp !  “Quyền lực tối tăm” (Lc 22:47) nhất trí đẩy Người ra khỏi cõi sống. 

Nhưng có chết đi, Người mới đem lại niềm hy vọng cho nhân loại.  Bước theo Người, các vị tử đạo đã trở thành “niềm hy vọng cho thế giới, vì họ làm chứng cho mọi người biết rằng tình yêu Ðức Kitô mạnh hơn bạo lực và hận thù.”[1]  Người Anh Cả đã hành động phi thường để chứng tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và đàn em đông đúc. 

Nhờ tình yêu đó, Người đứng vững giữa hai lằn đạn !  Chính nhờ Thần Khí, Người kiên vững giữa bao cơn phong ba bão táp.  Thánh ý Chúa Cha xác định Người là Con Thiên Chúa và đã được Chúa Cha tuyển chọn làm Ðấng Cứu độ muôn dân (Lc 9:35) nhờ Thánh giá, một chứng từ mãnh liệt nhất cho tình yêu.  Thánh giá trở thành lời nói vượt trên mọi ngôn từ.  Lời nói đó chính là tình yêu Ðấng Vĩnh hằng ban tặng cho dân Người, cho mọi người và mỗi người, cho từng người chúng ta.  Thánh giá cũng là dấu chỉ sự vâng phục tuyệt đối Thánh Ý Chúa Cha.  Nhờ đó, giữa những cơn thử thách lớn lao, Người vẫn hiên ngang xác định mình là  “Con Thiên Chúa,” (Lc 22:70-71) “là Mêsia, là Vua nữa.” (Lc 23:2-3)   

Ngay khi Người vừa tắt thở, “viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng : ‘Người này đích thực là người công chính !’” (Lc 23:47)  Tại sao lời tôn vinh này lại được đặt vào miệng viên sỹ quan ?  Hẳn ông đã điều động toán lính thi hành việc bắt bớ, đánh đập và đóng đinh Chúa Giêsu.  Trước khi dẫn Tử tội ra pháp trường, chắc chắn ông đã đọc kỹ bản án.  Nhưng sau chứng kiến tất cả những gì đã diễn ra trước và sau cuộc hành hình, ông nhận thấy Tử tội là nạn nhân của những âm mưu đen tối bất công và chính sách bất công.  Lời tôn vinh đó trở thành lời phủ nhận tất cả những tố cáo trước kia của giới lãnh đạo cũng như quần chúng.  Tất cả sự thật đã được phơi bày. 

Ðức Giêsu đã sống và chết như người công chính.   Người dám chết để nói lên tiếng nói của những người thấp cổ bé họng trước bọn cường quyền và đám đông ngông cuồng.  Dù không làm chính trị, Người vẫn chết cho quyền làm người và làm con Chúa.  Người chết cho tự do con người !

Lạy Chúa, giữa cơn khát vọng nhân quyền hôm nay, xin cho chúng con biết phải làm gì cho dân tộc và giáo hội chúng con.  Dù đang ở giữa quê hương hay lưu lạc khắp bốn phương trời, xin cho chúng con luôn gắn bó mật thiết với Chúa và hăng say hành động theo tiếng gọi và sự thôi thúc của Chúa cũng như của quê hương.  Xin cho tất cả mọi phán đoán, mọi kế hoạch, mọi hành xử của chúng con đều khơi nguồn từ cầu nguyện.  Xin đừng để chúng con  hành động vì  danh lợi cá nhân, nhưng chỉ nhằm phục hưng Dân Chúa và dân tộc chúng con.[2]  Amen

 

đỗ lực  01.04.2007

 



[1] ÐGH Bênêđictô XVI, Zenit 25.03.2007.

[2] Theo Hoàng Quý, “Nêhêmia, Gương Mặt Lãnh Ðạo Giáo Dân,”  Tiengnoigiaodan.net 28-03-07.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà