MÙA ÐÔNG NĂM ẤY

(Lc 2:1-20)

 

Trong cuộc tiếp kiến các giám mục Nhật bản ngày 17.12.2007 vừa qua, ÐGH Bênêđictô XVI nói : “Thế giới thực sự đang đói khát sứ điệp niềm hy vọng do Tin Mừng mang đến. Ngay cả trong các nước phát triển cao như quốc gia quý vị, nhiều người thấy rằng sự thành công về kinh tế và kỹ thuật tiên tiến tự nó không đủ để lấp đầy con tim nhân loại. Ai không biết Thiên Chúa, cuối cùng cũng không có niềm hy vọng, niềm hy vọng vĩ đại kéo dài suốt đời.”[1] ÐGH nói tiếp : chúng ta có thể vượt qua sự dối trá do văn hóa hiện đại quyến rũ tuổi trẻ vào con đường tuyệt vọng bằng niềm hy vọng do Ðức Kitô mang lại.

Chính vì thiếu niềm hy vọng, nên nhiều bạn trẻ ngày nay chạy theo vật chất, theo những thứ có khả năng tạo ra ảo vọng. Thế giới thuộc về ai đem lại niềm hy vọng cho nhân loại. Còn ai đem lại niềm hy vọng bằng chính Ðức Giêsu, Ðấng đã sinh ra giữa cảnh băng giá và nghèo hèn. Chúa đã làm người để đem ơn giải thoát đến cho những nạn nhân của những cơ chế bất công xã hội và của những chủ nghĩa tự hào về niềm hy vọng con người có thể đem lại cho chính mình. Nhưng giữa lúc nhân loại, nhất là tuổi trẻ đang khao khát tìm kiếm niềm hy vọng, Giáo Hội có cách nào đáp ứng nhu cầu khẩn thiết đó của thời đại không?

 

ÐÊM THÁNH VÔ CÙNG

 

Ðêm thánh vô cùng không diễn ra chốn cao sang vô cùng, nhưng giữa nơi khốn cùng của kiếp người. Ai có thể tưởng tượng Con Thiên Chúa sinh giữa trần gian lại theo cung cách khiêm hạ đến thế?! Qua một vài dòng ngắn ngủi, thánh Luca cực tả cảnh nghèo hèn đơn bạc của Ðấng Cứu Thế  : “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.”(Lc 1:7) Nhưng không ai ngờ giữa chốn tối tăm hoang vắng ấy”một tin mừng trọng đại, một niềm vui cho toàn dân”(Lc 2:10) đang hình thành.

Niềm vui ấy không dành cho những người sống trong cảnh “lầu son gác tía,” nhưng cho “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.”(Lc 2:8) Ðó là những người nghèo, nạn nhân của những cơ chế xã hội bất công. Cũng như Chúa, họ bị hất hủi và chèn ép bất công. Làm việc suốt đêm ngày cũng không có đủ miếng ăn. Nhưng chính họ mới là người được Thiên Chúa đoái thương.

Tình thương Thiên Chúa vượt ngoài dự tưởng. Ðang canh giữ đoàn vật giữa canh khuya, họ bỗng thấy “sứ thần Chúa đứng bên và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, họ sợ hải kinh hoàng.”(Lc 2:9) Như bị nhấc bổng lên một thế giới xa lạ, họ choáng váng và vô cùng sợ hãi. Nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với tin mừng họ nghe được từ miệng sứ thần : “Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít.”(Lc 2:11) Ai có thể hiểu được tâm trạng những người chăn chiên lúc này?! Niềm hạnh phúc lên tới tột cùng. Họ không ngờ mình lại được tuyển chọn để chào mừng Ðấng Cứu Thế đến chia sẻ thân phận nghèo hèn của mình.

Không có lúc nào sung sướng hơn khi nghe thấy cả đạo binh thiên thần hát vang trời sứ điệp hòa bình : "Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
                           bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."(Lc 2:14)

Sứ điệp ấy vẫn còn vang vọng mãi trên không trung. Nhưng chỉ những tâm hồn đơn sơ, nghèo hèn mới có thể lắng nghe mà thôi. Bởi thế, cuộc sống càng xô bồ, phức tạp, con người càng không thể nghe và hiểu nổi sứ điệp đó. Nghe sứ điệp hòa bình trong khung cảnh thanh tĩnh tuyệt vời, các người chăn chiên như lạc vào tiên cảnh. Hạnh phúc tràn ngập tâm hồn và thân xác, họ đi tìm Ðấng Kitô theo chỉ dẫn của sứ thần.

Những dấu chỉ đó thật tầm thường, đúng hơn, dưới mức tầm thường nữa. Chính vì thế, họ như đi tìm một cái gì thật giống mình mà cũng thật khác mình. Chúa đã hòa đồng đến nỗi có thể gần gũi cả những người tầm thường nhất, để họ có thể bạo dạn đụng chạm đến chiều kích vô cùng của Thiên Chúa.

Tại sao Chúa lại chọn một chiều kích giới hạn nhất của kiếp người để  rao giảng  sứ điệp Tin Mừng giải thoát? Phải chăng Tin Mừng Bình An chỉ được rao giảng trong một khung cảnh đơn sơ, khó nghèo?

 

SỨ ÐIỆP HÒA BÌNH

 

Sứ điệp hòa bình do các thiên thần gởi đến cho những con người đang sống trong cảnh nghèo hèn vì những cơ chế bất công. Phải chăng Chúa muốn kéo mọi người chú ý tới những người cần được cứu nhất trên trần gian. Người muốn phơi bày tất cả bộ mặt thật của chế độ bất công đã áp bức con người. Bao lâu còn bất công, không thể có hòa bình. Quả thật, “hòa bình là hoa trái của công lý.”[2]  Công lý phát xuất từ Thiên Chúa. Bởi đó, chỉ Thiên Chúa mới có thể dẹp tan những cơ chế bất công ấy và đem lại hòa bình cho nhân loại mà thôi, vì Người là Ðấng Công Chính.

Ngày 19 tháng 12, năm 2007, ÐGH Bênêđictô XVI phát biểu : “Ngày nay chúng ta là các tín hữu thật sự tin vào Đấng Thẩm Phán; chúng ta mong chờ công lý. Chúng ta thấy quá nhiều bất công trên thế giới, … và chúng ta mong chờ công lý…. Chúng ta hy vọng có một vị nào đó đến và có thể đem lại công lý. Trong phạm vi này chúng ta cầu mong Đức Chúa Giêsu Kitô sẽ đến như Vị Thẩm Phán…. Chúa biết phải xuống thế gian thế nào để tạo ra công lý.

“Mong đợi công lý theo nghĩa của Kitô giáo có ngĩa là … chúng ta bắt đầu sống dưới đôi mắt Vị Thẩm Phán,… tạo dựng công lý ngay trong đời sống chúng ta…. Bằng cách này chúng ta có thể mở thế giới ra đón chào Chúa Con đến và sửa soạn tâm hồn chúng ta để đón Chúa là Đấng phải đến.

“Tại Bê Lem, Ánh Sáng chỉ cho chúng ta Con Đường đưa đền sự sung mãn về nhân tính của chúng ta. Nếu không nhận ra Thiên Chúa đã làm người, chúng ta cử hành Lễ Sinh Nhật có ý nghĩa gì không? Là Kitô hữu,chúng ta phải xác tín sâu xa về chân lý Chúa Kitô giáng sinh, để trờ thành nhân chứng trước mặt mọi người về hồng ân độc nhất đem lại giàu sang không những cho chúng ta mà cho mọi người.”[3]

Khi Chúa Giêsu giáng sinh giữa khung cảnh nghèo hèn, Thiên Chúa đã kéo hai đối cực sát lại nhau, không phải giữa Tạo hóa và tạo vật mà thôi, nhưng giữa Ðấng Công Chính và sự bất chính nữa. Khi đã nhìn ra sự khác biệt quá xa như thế, người ta sẽ dễ dàng lựa chọn và tìm ra con đường giải thoát khỏi sự bất chính, bất công. “Sự nghèo đói đặt ra một vấn đề nghiêm trọng về công lý. Trong nhiều hình thức và hiệu quả khác nhau, đặc điểm của nó là sự phát triển bất bình đẳng. Nó không nhìn nhận “mọi người có quyền bình đẳng ngồi chung một bàn. Sống nghèo đói như thế, không thể có một nền nhân bản đầy đủ.”[4] Khi xuống thế làm người, Chúa muốn đem đến cho nhân loại một chiều kích sung mãn về nhân tính. Chiều kích này thực sự chỉ nảy nở trong vương quốc Thiên Sai, có Chúa Giêsu “là hòa bình của chúng ta.” (Ep 2:14)

Hòa bình như thế không còn nằm trên bình diện xã hội hay chính trị, nhưng thực sự có một chiều kích siêu nhiên và có tính cách quyết định toàn thể vận mệnh cuộc đời. Thực vậy, cùng với công lý, hòa bình là một trong bảy hoa trái của Chúa Thánh Thần : “Vì Nước Thiên Chúa … là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.”(Rm 14:7; xc Gl 5:22) Chúa đến và hiện diện giữa trần gian để cho mọi người thấy nguồn an bình đã thực sự có mặt trên trái đất. Ðó là một nền hòa bình mới, hoàn toàn khác biệt với hòa bình do thế gian hứa hẹn. Ngày Chúa giáng trần và ngày long trọng vào thành thánh Giêrusalem, khúc ca hòa bình đã trổi lên. Một lần trên trời vọng xuống. Một lần dưới đất cất vang lên.

Chỉ có hòa bình do Con Chúa mang đến trần gian mới thật là một nền hòa bình cao quý, vì đem lại ý nghĩa lớn lao làm giàu cho cuộc sống con người. Hòa bình kêu gọi con người giữ lời thề và mau mắn đáp lại lời chân lý, công lý và tình yêu mời gọi. Trái với các tiên tri giả, người có tâm hồn cao quý không lùi bước trước những hy sinh để tiến đến đỉnh cao hòa bình. Bởi đó, hòa bình này đang hiện diện trong và trên chúng ta. Ðó là một nền hòa bình mạnh hơn những lực lượng bạo loạn đang khuấy động trong tâm hồn và thế giới hôm nay. Ðó là một nền hòa bình phong phú, làm cho chúng ta luôn kiên cường và khích lệ cho bao nhiêu nỗ lực hôm nay. Kinh thánh nói đến một nền hòa bình chan chứa những điều may lành và gồm mọi nhân đức, một nền hòa bình thành toàn và đem lại hạnh phúc cho muôn người. Chỉ có hòa bình các thiên  thần đã hứa trong đêm Giáng sinh mới đem lại cho nhân loại tất cả chiều kích phong phú và viên mãn nhất cho hạnh phúc nhân loại.[5]

 

TỪ HANG BÊLEM ÐẾN CÁNH ÐỒNG TRUYỀN GIÁO

 

Nhiều người vẫn tự hỏi : tại sao Chúa lại chọn sinh ra giữa đêm đen? Giữa cảnh nghèo nàn và giá buốt Chúa đã mạc khải tất cả sứ mệnh giải thoát nhân loại. Phải chăng đó là khung cảnh thuận tiện để loan truyền ơn cứu độ giữa muôn dân? Từ hang Bêlem tới cánh đồng truyền giáo, con đường có xa lắm không? Giáo hội có thể học được bài học nào về truyền giáo trong đêm Giáng Sinh?

Ðêm Giáng Sinh đã tỏa sáng tất cả ý nghĩa và giá trị của công cuộc cứu độ của Chúa và việc truyền giáo của Giáo hội trên trần gian. Chúa hoàn toàn không bị đóng khung trong những truyền thống hay bốn bức tường nhà thờ và những cuốn sách dầy cộm trong thư viện. Từ cảnh tượng, nhân vật đến nội dung sứ điệp đều hoàn toàn thoát khỏi những khuôn khổ nhất định của mọi định chế xã hội, tôn giáo và văn hóa. Ðúng hơn, chính vì muốn mạc khải một con đường giải thoát mà Chúa đã không ngần ngại sinh ra trong kiếp nghèo hèn, lầm than và bị hất hủi. Chúa chấp nhận tất cả để giảỉ thoát tất cả.

Thế nhưng, càng về sau càng thấy cơ chế thành hình đã đóng khung Tin Mừng trong những định chế cứng ngắc. Chính vì thế, nhiều lúc Tin Mừng như mất sức sống. Cần phải tìm về hang Bêlem để tìm hứng khởi cho những bước chân đang trải dài trên cánh đồng truyền giáo. Không nắm vững tinh thần tự do của Ðêm Giáng Sinh trong hang đá Bêlem, không thể thành công trên cánh đồng truyền giáo.

Từ trời cao thẳm Chúa đã nhập thể và nhập thế. Chúa đã đi những bước thật mạnh dạn. Chúa đã dấn thân vào đời để ôm lấy tất cả thực tế của nhân loại. Không một chút rụt rè. Không một tiếng thở than. Chúa thực sự liên kết với nhân loại một cách sâu đậm và mãnh liệt nhất. Chúa nhập cuộc với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, vì chính Chúa đã không kiếm được quán trọ để sinh ra. Chúa đã đứng về phía những người kém may mắn nhất, bởi vì Người đã sinh ra trong một máng cỏ và giữa chiên bò.

Từ giữa triều thần thánh, Chúa đã trở thành một kẻ vô danh tiểu tốt giữa những người chăn chiên màn trời chiếu đất. Ðó là những người bạn đồng hành với Chúa và là những người rao giảng Tin Mừng đầu tiên của Chúa (x. Mt 2:20). Hình ảnh người chăn chiên trở thành khuôn mẫu lý tưởng, đến nỗi Chúa đã mượn để diễn tả về chính mình : “Thày là Mục tử nhân lành.” (Ga 10:11) Từ Cựu ước, mục tử là hình ảnh quá quen thuộc để nói về Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa đã chọn sinh ra giữa các người chăn chiên để chiếu sáng lên hình ảnh tuyệt vời của Mục Tử cao cả đích thật. Người cũng muốn mạc khải về cảnh bầy chiên quấn quít bên mục tử để mọi người cảm thấy tình thương của mục tử đối với bầy chiên lớn lao và sâu đậm tới mức nào. Không có một ngăn cách hay một thứ biên giới nào khiến mục tử và chiên xa lạ nhau. Tình thương sâu đậm đến nỗi mục tử dám liều chết vì đàn chiên. Không có tình yêu đó, cánh đồng truyền giáo sẽ hoàn toàn xa lạ và khác biệt với hang đá Bêlem.

Sinh ra giữa hang bò lừa , Mục tử nhân lành thực sự đã hòa chung nhịp thở với đàn chiên. Không những mục tử đủ sức bảo vệ đàn chiên, nhưng còn đi trước để dẫn đường chỉ lối cho chúng hướng về tương lai. Vai trò lãnh đạo không làm cho mục tử trở thành lạnh lùng. Trái lại, đàn chiên rất quen thuộc tiếng mục tử và đi theo sự dẫn dắt của mục tử. Tiếng mục tử quen thuộc vì nội dung là sứ điệp Tin Mừng. Sứ điệp Tin Mừng đem lại ơn giải thoát và sự sống đích thực. Nói khác, sứ điệp đó là chân lý do Ðấng Công Chính đem xuống trần gian. Công lý đã hiện thân nơi con người Ðức Giêsu Kitô.

Trọn vẹn sứ điệp Tin Mừng đó, Mục tử nhân lành đã ủy thác cho Giáo Hội. “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha.”[6] Trong hoàn cảnh hiện tại, Giáo hội không thể không biết mình “liên kết thực sự và thân mật với nhân loại và lịch sử thế giới”[7] như vị Mục Tử nhân lành. Nếu muốn thành công trên cánh đồng truyền giáo, Giáo Hội cần phải nhận rõ sứ điệp Tin Mừng và toàn cảnh hang đá Bêlem đều nói lên một điều duy nhất : công lý là danh hiệu mới của hòa bình.

Tóm lại, nơi hang Belem, niềm hy vọng là Chúa Giêsu Kitô đã giáng sinh. Nơi đây, “hòa bình công lý đã giao duyên.” (Tv 84:11) Sứ điệp hòa bình cũng là sức mạnh cứu độ toàn thể nhân loại. Muốn rao giảng sứ điệp hòa bình, Giáo hội phải xả thân tranh đấu cho công lý.[8]

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm tình thương Chúa trong đêm Giáng Sinh. Xin cho Giáo Hội Chúa dấn thân hơn nữa cho Tin Mừng hòa bình để  nhân loại sớm được giải thoát khỏi mọi cơ chế bất công. Amen.

 

đỗ lực

Giáng Sinh 2007

hang Thanh                                                                                                                   

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             



[1] http://www.zenit.org/article-21321?l=english

[2] Piô XII, “opus justitiae pax.”

[3] http://www.conggiaovietnam.net/tacgia/PhamXuanKhoi/legiangsinhla....htm

[4] Tóm Lược Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, 449.

[5] x. Pinckaers, O.P., S. The Pursuit of Happiness - God's way – Living the Beatitudes 1998:156-157.

[6] Ad Gentes, 2.

[7] Gaudium et Spes, 1026.

[8] x. Phaolô VI www.answers.com/topic/pope-paul-vi


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà