TÌNH  TUYỆT  VỜI

 

(Lc 6:27-38)

 

Năm nay ngày lễ Valentine trùng vào dịp Tết Ðinh Hợi.  Mọi người như ngụp lặn trong hạnh phúc. Những ngày hạnh phúc thật vắn vỏi.  Niềm vui qua mau ... 

Ðứng trước hạnh phúc, nhiều người bi quan than thở : “Hạnh phúc trên trần gian là hư vô, Chúa ơi !”  Nhà Phật cũng nhìn cuộc đời như cảnh sắc sắc không không.  Còn Chúa Giêsu cho thấy hạnh phúc trần gian là khởi điểm dẫn tới hạnh phúc đích thực trên Thiên đàng, nếu con người nhận biết có Ðấng Tạo Hóa cao trọng hơn mình.  Hạnh phúc dành cho những ai có lòng tin, vì họ biết dâng về Thiên Chúa danh dự và vinh quang.  Bởi vậy, Chúa nói : “Ai tin tôi thì được sự sống đời đời.” (Ga 6:47)  Ðức tin đem lại cuộc sống hạnh phúc là đức tin sống nhờ tình yêu Thiên Chúa vô biên, một tình yêu biểu hiện qua tình thân nơi mọi người đang chung sống với chúng ta hằng ngày. 

Dầu sao hạnh phúc trong mấy ngày Valentine và Tết cũng chỉ xuất hiện trong tương quan tốt đẹp giữa những người thân yêu.   Nhưng cuộc sống mấy khi có những tương quan tốt đẹp như thế ?  Tương quan nhiều lúc rất căng thẳng ngay giữa những người cùng huyết tộc hay lý tưởng.  Tương quan căng thẳng thường gãy đổ hay bùng nổ thành những cuộc báo thù.  Thử hỏi có thể tìm thấy hạnh phúc trong những tương quan gẫy đổ đó không ?  Bằng cách nào ?

Ðức Phật khuyên con người không nên lấy oán báo oán.  Lời khuyên chưa xác định rõ khuôn mặt kẻ thù.  Nghe đến kẻ thù, ai cũng cảm thấy ớn lạnh.  Phần thưởng đích đáng cho kẻ thù chỉ là sự trả thù hay báo oán. 

Nhưng không thấy ai đồng thời với Ðức Giêsu khuyên dạy một luật nào tương đương hay tương tự luật yêu kẻ thù.  Ngay cả luật vàng (Mt 7:12; Lc 6:31) cũng chưa vượt qua được biên giới dầy cộm giữa các đối phương.  Khuôn vàng thước ngọc đó có thể kiếm thấy điểm chung với những mệnh lệnh của Rabbi Hillel ghi trong sách Talmud ở Babylone (“Ðừng làm cho tha nhân điều anh em không muốn người ta làm cho anh em” : Shabbat 31a).   Trong khi đó, Ðức Giêsu mạnh mẽ khuyên chúng ta : “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6:27-28)  Nhiều người cho rằng đây là điều phi lý, điên rồ, không thể thực hiện được.  Vậy nếu điều phi lý đó trở thành hiện thực thì sao ? 

Quả thật, lời khuyên đó phi lý và chướng tai, nếu người nghe không có đức tin.  Phải có đức tin, mới thấy tất cả vinh dự và hạnh phúc của người đang cố gắng trở thành “con Ðấng Tối Cao” (Lc 6:35) và “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Ðấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)  Tất cả sức mạnh bí mật và lý tưởng cao cả lôi cuốn Kitô hữu là ở đó !  Chỉ có lòng quảng đại mới khiến họ nên thánh thiện như Chúa Cha mà thôi.  Lòng thương xót của Chúa Cha vượt trên lòng thương xót của vị Quan án.  Lòng thương xót có sức chữa lành hơn án lệnh. 

Lý tưởng đó đã thành hiện thực trong cuộc tử nạn.  Qua đó, Chúa Giêsu cho thấy ý nghĩa giáo huấn yêu kẻ thù.   Người đã xin Chúa Cha tha cho những kẻ giết mình, vì chúng “không biết việc chúng làm.” (Lc 23:34)  Giả sử bị treo trên thập giá như Thày, chúng ta có thể nói lên lời tha thứ đó không ?  Nhiều lúc chưa bị đối xử tàn tệ đến như vậy, chúng ta đã thốt lên những lời chua cay, nguyền rủa, nóng giận hay hành hung, bạo động với đối phương rồi.  Thực tế khó biết chừng nào !  Nhưng trong mầu nhiệm Phục sinh, tình yêu đối với kẻ thù đã hiện thực và trở thành hình tượng biểu hiện lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Cái gì làm cho Kitô hữu khác biệt và Kitô giáo nổi bật hơn các tôn giáo khác ?  Ðó chính là ân sủng giúp ta “đối xử với tha nhân, không phải như họ đáng, nhưng như Thiên Chúa muốn họ được đối xử” một cách nhân từ và quảng đại.  Lòng bao dung dạy ta trao tặng kẻ thù điều họ không đáng hưởng.   Ngược lại, không có lòng bao dung đó, con người trở nên hẹp hòi và nhỏ mọn.  Họ bới lông tìm vết và nhìn người anh em với con mắt tiêu cực.  Lúc nào họ cũng sẵn sàng lên án, dù chưa hề dành thời giờ và công sức tìm hiểu sự thật.  Với những thành kiến nặng nề, họ dễ dàng biến anh em thành kẻ thù.  Không gì đảo ngược Giáo huấn của Chúa hơn  !              

Xin hỏi : Bạn có muốn sống hạnh phúc theo Tin Mừng không ?   Nếu muốn, bạn phải trở nên ngu dại trước mắt trần gian.  Ðó là cách sống Tin Mừng.  Chỉ có con đường thập giá mới dẫn đến Phục sinh trong Ðức Kitô.  Ðức tin mới cho thấy con đường đó.  “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1 Cr 1:18)  Chỉ có cây thập giá của Ðức Giêsu Kitô mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự bạo ngược, tàn ác, ghen ghét, hận thù, oán giận  và làm cho chúng ta can đảm biến điều ác thành điều lành.  Tình yêu và ân sủng đó có sức chữa lành và cứu khỏi diệt vong. 

Nếu muốn sống hạnh phúc, chúng ta hãy sống trong đức tin và tình yêu Thiên Chúa và con người, tình yêu của mọi người, bất kể họ là ai.  Nhờ đó, chúng ta tìm thấy hạnh phúc.  Lịch sử cho thấy có nhiều người đã thuộc lòng bài học tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá.   Năm 2006 vừa qua, sau bài diễn văn của ÐGH Bênêđictô XVI ở Regenburg, Ðức quốc, một nữ tu đã bị ám sát tại Somalia.  Trên đường cứu cấp, vị nữ tu đã liên tục nói lời cuối cùng : “Tôi tha thứ, tôi tha thứ ...”   Ai có thể quên được hình ảnh ÐGH Gioan Phaolô II vào tận sà lim thăm viếng và ngỏ lời tha thứ Mehmet Ali Agca, kẻ đã ám sát người năm 1981 ?   

Sử xanh vẫn còn ghi đậm hành động quá tốt của Ðavít đối với vua Saulê.  Mặc dù bị vua Saulê săn đuổi và cướp hết tài sản và những người thân, Ðavit vẫn một mực trung thành và ái mộ, chứ không phục thù hay giết hại nhà vua, ngay cả khi có cơ hội.  Ông đã không hành động theo đam mê hay thói đời vay trả, nhưng đã theo lòng kính sợ và sự công chính của Thiên Chúa.  

Làm sao các ngài có thể biến nỗi đau đớn, sự giận dữ hay mất mát thành lòng thương xót và sự tha thứ như thế ?   Phải có đức tin mãnh liệt lắm, mới có thể có một tâm hồn quảng đại lớn lao.  Không có đức tin, không thể hiểu được ý nghĩa siêu nhiên của sự sống trên trần gian.  Tận thâm tâm, nhiều người không thể tha thứ cho những người lầm lỗi.  Nhưng nếu biết cầu nguyện đôi chút, họ sẽ được Thiên Chúa ban ơn biết thứ tha.  Nhất là, nếu có kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng bao dung và quảng đại với tha nhân. Có cảm nghiệm sâu xa lòng Chúa thương xót, chúng ta mới hiểu biết và thấy được tất cả giá trị của lòng  quảng đại của Thiên Chúa.  Từ đó, chúng ta mới thấy mình bị thôi thúc phải bao dung độ lượng với tha nhân. 

Bao dung không phải là phép lạ xảy ra chớp nhoáng, nhưng là cao điểm của một đời sống quảng đại, hằng ngày tập tha thứ cho những người xúc phạm đến mình.  Khi bị đối xử bất công, ai cũng có khuynh hướng trả thù.  Trong đời sống hằng ngày, hình thức phổ biến nhất là nói hành, nói xấu đối phương để tạo dư luận hay kéo bè kéo cánh.  Mục đích để bôi nhọ hay làm mất danh dự.  Nếu không bạo động để trả thù được, ít nhất cũng vui mừng khi thấy đối phương bị tai nạn. 

Khi bị xúc phạm hay tổn thương, ai chẳng đau khổ ?  Khi tha thứ, ta đau khổ thêm một lần nữa.  Thập giá dù nhỏ bé tới đâu cũng sẽ đem vinh quang phục sinh.  Thật vậy, vì yêu thương, Thiên Chúa sẽ ban phần thưởng rất lớn lao khi chúng ta thật tình tha thứ cho tha nhân (x. Lc 6:38).   Nhưng việc tha thứ không chỉ cần thiết để lãnh phần thưởng đời sau.  Nhưng ngay trong cuộc sống hôm nay, sự tha thứ vô cùng cần thiết cho hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội.  Chính vì thiếu quảng đại, con người đã không thể tha thứ cho nhau.  Biết bao người đã trở thành nạn nhân cho sự oán thù giữa các phe phái.  Cuộc chiến hung tàn giữa những người cùng một niềm tin ở Ái Nhĩ Lan kéo dài hàng thế kỷ và ở Trung Ðông hiện nay đã cướp đi hàng triệu sinh mạng và phân tán bao nhiêu gia đình.  Cuộc chiến Việt nam đã chấm dứt trên ba chục năm, nhưng ngọn lửa oán hờn đã bị dập tắt trong lòng mọi người chưa ?

Thực tế rất khó thực hiện giới luật tình yêu của Chúa.  Ðòi tình yêu tràn sang kẻ thù là một điều không bình thường.  Kẻ thù không thể trở thành đối tượng của tình yêu.  Khi kẻ thù trở thành đối tượng của tình yêu, kẻ thù không còn phải là kẻ thù nữa.  Nói khác, người môn đệ Chúa Kitô không thể có kẻ thù.  Còn ai muốn coi Kitô hữu là kẻ thù, thì đó là vấn đề của họ. 

Chúa đòi hỏi rất gắt gao.  Nên nhớ lý tưởng của Kitô hữu là trọn lành như Chúa Cha ở trên trời.  Lý tưởng đó quá cao vời.  Bởi thế, Chúa Cha muốn trình bày cho mọi người một mẫu gương khả thi nơi Chúa Con, Ðấng đã thi hành giới luật thương yêu tuyệt đối đó trên thập giá.  Sở dĩ Chúa Con đã hoàn thành sứ mệnh tình yêu, vì Người đã được Thần Khí hướng dẫn và nâng đỡ.  Cũng Thần Khí đó đã giúp đỡ bao thánh nhân yêu thương và tha thứ cho kẻ thù như Chúa Kitô. 

Không có giới răn nào đòi hỏi gắt gao bằng giới luật tình yêu, nhất là tình yêu đối với kẻ thù.  Ngoài Thần Khí, hỏi sức mạnh nào có thể giúp chúng ta thỏa mãn đòi hỏi gắt gao đó của Chúa ?  Bởi vậy, cần cầu nguyện thật nhiều mới có thể làm chứng cho Ðức Kitô giữa một thế giới đầy tinh thần thế tục và bạo loạn hôm nay.  Khi tình yêu không còn biên giới, mùa xuân mới thực sự đem lại hạnh phúc và ấm no cho gia đình nhân loại.

 

Lạy Chúa, tình yêu Chúa đem lại tự do và ơn tha thứ.  Xin Chúa cho con tràn đầy Thần Khí Chúa và giải thoát tâm hồn con, hầu không gì có thể khiến con  nuôi sự hận thù, mất bình an, niềm vui và  cay đắng với tha nhân.  Amen.

 

đỗ lực  18.02.2007

dzuize@gmail.com


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà