GẦN NHÀ XA NGÕ

(Mt 2:1-12)

 

Sau kỳ Đại Hội Truyền Giáo Châu Á lần I tại Chiang Mai, Thái Lan, tháng 10, 2006, có lẽ các Giáo Hội Á Châu đang  gia tăng những cuộc tiếp xúc với các tôn giáo và văn hóa địa phương để tìm cách đối thoại và học hỏi.  Tương lai sẽ rộ lên một phong trào nhập thể văn hóa. Ánh sáng sẽ lóe lên trong đêm trường Á châu chăng ?   Những cuộc trao đổi rất hữu ích, vì trong các tôn giáo đó cũng có những hoạt động của Chúa Thánh Thần.  Thật vậy, theo Công đồng Vatican II, “Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận nhũng gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết đó cũng thường đem lại ánh sáng của Chân lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người”(NA 2).

Phải chăng đó là một cuộc tìm kiếm ngược chiều với các đạo sĩ hôm xưa ?  Ngày xưa, các đạo sĩ đã từ nơi xa đến tìm Vua vũ trụ mới sinh tại Bêlem.  Nhờ ánh sáng thiên nhiên, các ông đã tìm đến tận đỉnh cao của mọi ước vọng, đó là Ðấng Cứu Ðộ muôn dân. Các ông xuất hiện như những con người thiện chí và ngay thẳng.  Ðó là những con người sẵn sàng lên đường tìm kiếm. 

Khi không còn tìm thấy sự trợ giúp nơi thiên nhiên, họ đã tìm đến gõ cửa nhà vua.  Cánh cửa đã mở ra.  Những trang sách vội vàng xác định phương hướng.  Nhưng lòng người vẫn khép kín trước những tin tức bổ ích từ những pho sách.  Khi không có thiện chí, dù gần nhà nhưng vẫn xa ngõ.  Ngay cả khi đầy đủ phương tiện nhất, người ta vẫn ngần ngại lên đường.  Óc phán đoán bị tê liệt.  Những sai lầm, ngu đần, cố chấp, tàn bạo từ đó mọc lên.  Theo thánh Thomas, khi muốn phạt một xã hội nào, Thiên Chúa để bọn người ngu dốt cai trị xã hội đó.   Có lẽ điều đó đúng cả ngoài đời lẫn trong đạo.

Các chiêm tinh gia là những nhà lãnh đạo tài ba, những tư tế được kính trọng, các nhà thiên văn và bói toán đại tài.  Dưới quyền lãnh đạo của họ, có lẽ dân chúng sống rất hạnh phúc. Nhưng khi bỏ lại tất cả để đi tìm Ấu Chúa nơi một chân trời vô định, họ còn khôn ngoan không ?   Theo tiêu chuẩn tự nhiên, ai cũng đánh giá họ là những người dại dột khi lên đường phiêu lưu như thế.  Nhưng cũng như ông Abraham, họ không biết mình đi đâu, nhưng biết rõ mình đang đi theo tiếng gọi lương tâm.

Bước chân họ khua vang như nói lên chiều kích phổ quát của ơn cứu độ.  Chúa có thể tìm thấy thân hữu nơi những con người bất ngờ.  Sau này, ai ngờ Chúa tuyển mộ các môn đệ từ những ngư dân thất học ?  Tin Mừng dành cho người nghèo ?  Người ngoại trở thành những tấm gương bác ái ?  Như thế, phải chăng Chúa đã tự đồng hóa với những người kém may mắn cả về của cải vật chất lẫn tinh thần ?  Phải chăng có thể tìm thấy Chúa nơi cả người nghèo và ngoại giáo ?  Nhiều khi không biết chúng ta đem Chúa đến cho dân ngoại hay ngược lại ? Thật khó biết được sự thật !

Sự thật hôm nay được phơi bày qua những lễ vật các nhà chiêm tinh kính dâng Ấu Chúa.  Trong xã hội Do thái, nhất là trong hoàng cung, thiếu gì những thứ như vàng, nhũ hương và mộc dược ?  Nhưng những đó vẫn nằm bất động trong một xó góc vắng tanh trong các chiếc hòm cồng kềnh.   Khi được trưng bày, các báu vật đó cũng chỉ để khoe khoang hay tăng thêm vẻ kiêu hãnh của con người.   Trái lại, những thứ báu vật đó đã mang một ý nghĩa rất lớn trong tay các chiêm tinh gia khi họ cung kính “dâng tiến” mà “thờ lạy”(Mt 2:11)  Thiên Chúa làm người.  Họ thật khiêm tốn, hy sinh, và khôn ngoan.

Dù có cả một đoàn cố vấn khôn ngoan và tài giỏi vây quanh, vua Hêrôđê cũng không thể có một thái độ khôn ngoan như thế.  Dù cả lực lượng quân sự hùng hậu, ông cũng không thể biểu dương được sức mạnh.  Bằng chứng, ông không tìm nổi các chiêm tinh gia và không giết được Ấu Chúa để thực thi ý đồ tàn bạo và thâm độc.  Ðúng là, “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.”  Kinh thánh cũng dạy : “Chúa đối xử tốt lành với những người thiện hảo.  Nhưng với kẻ gian hùng, Chúa lại dùng mưu.”  Chỉ cần một ánh sao và một chút mộng báo, Chúa đã vô hiệu hóa những mưu đồ thâm độc và sức mạnh thế quyền.

Sự hiện diện và cung cách của các nhà chiêm tinh cho thấy ơn cứu độ dành cho muôn dân.  Ngay từ thời thơ ấu, Chúa Giêsu đã mạc khải Nước Trời là gia nghiệp chung cho mọi người.  Lời hứa cứu độ không dành riêng cho dân tộc nào.  Như vậy, không có biên giới nào trong Nước Chúa.  Không có nam nữ, giàu nghèo, giỏi dốt, sang hèn.   Không chỉ thấy người tốt trong hàng ngũ những người có đạo hay địa vị.  Bất cứ đâu cũng có thể kiếm thấy các thân hữu của Chúa.

Từ lúc còn ẵm ngửa, Chúa đã trở thành điểm quy tụ muôn dân.  Chúa mời gọi những người từ xa đến.  Xa cả về không gian lẫn văn hóa, tôn giáo.  Các nhà chiêm tinh là những tâm hồn chân thực và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời gọi tận thâm tâm.  Các ông đi tìm Ấu Chúa để thờ lạy, chứ không đi tìm người tài vào làm việc trong cung. Họ đã xác định rõ được địa vị cao cả của Ấu Chúa, vượt xa mọi bậc thánh hiền trên đời.  Bởi thế, họ đã đích thân đi tìm.  Họ đi tìm sự thật, chứ không tìm địa vị hay thế lực như vua Hêrôđê.  Tìm tình thương, hòa bình, nên họ đã thấy an bình thư thái nơi Chúa.  Thiên Chúa đến nơi đây để chạm tới mút cùng trái đất và mọi biên giới vũ trụ. 

Chúa Giêsu là Mặt Trời Công Chính.  Mặt Trời chiếu sáng khắp vũ trụ và tới mọi người.  Dĩ nhiên, vẫn còn những nơi ẩn khuất và những con người chạy trốn Mặt Trời.   Nhưng không phải vì thế mà có thể nói Mặt Trời chỉ chiếu soi cho nhiều người, chứ không cho mọi người.  Cũng thế, để cho mọi người được hưởng ơn cứu độ, Chúa đã chết đi.  Máu Chúa đổ ra cho mọi người, chứ không phải cho một số hay nhiều người.  Nói ngược lại là vô tình phủ nhận sức mạnh của ơn cứu độ và giới hạn tính phổ quát của hồng ân cứu rỗi.

 

Lạy Chúa, xin giúp con dõi bước theo ánh sáng ngôi sao là lương tâm để con tìm ra Chúa mà thờ lạy như các nhà chiêm tinh.  Xin làm cho ánh sáng ấy bừng lên trong tâm hồn các nhà lãnh đạo trong Giáo hội và xã hội Việt nam hôm nay.  Amen.

 

đỗ lực

07.01.2007

dzuize@gmail.com 

 

 


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà