LỘ TRÌNH HÒA BÌNH

(Lc 9:51-62)

 

Bước đường trần thế có bao nhiêu đoạn gập ghềnh, khúc khuỷu ?  Không thử thách, con người không thể lớn lên.  Không thách đố, không dễ tìm ra sự thật. 

Con đường lên Giêrusalem cũng đầy trắc trở.  Bước theo Ðức Kitô, chúng ta sẽ khám phá cả một lộ trình hòa bình.   Mục tiêu xác định ý nghĩa và giá trị của lộ trình đó.  Mục tiêu là Giêrusalem, một “kinh thành hòa bình.”  

 

NHẬN DIỆN MÔN ÐỆ

 

Thày cương quyết hướng về Giêrusalem, để hy sinh chính mình cho công cuộc hòa giải giữa Thiên Chúa và con người.  Người hướng lên Giêrusalem để vạch trần những giáo lý, ý thức hệ, hay những mưu đồ đang làm lu mờ kế hoạch tình thương của Chúa Cha ở Giêusalem, trung tâm quy tụ mọi sinh hoạt quần chúng.  Thiên Chúa muốn dùng Israel chứng tỏ cho muôn dân biết lòng thương xót và sự công chính của Người.

Theo các ngôn sứ, chính tại Giêrusalem sẽ thiết lập ngai vàng vua Ðavít, sẽ có việc thờ phượng đích thực, và mọi người sẽ học trọn vẹn kinh Tôra, để chuẩn bị nghênh đón một ngôn sứ như Môsê.  Bởi thế Giêrusalem phải là nơi hoạt động của Chúa Giêsu, cho tới khi mọi sự được hoàn thành. 

Từ Galilê lên Giêrusalem phải băng qua Samaria.  Khởi điểm chưa gặp thách đố.  Nhưng bắt đầu từ Samaria, sóng gió nổi lên.  Thách đố lớn nhất không phải là Samaria, nhưng là chính các môn đệ.  Bước chân môn đệ không cùng nhịp với Thày.  Trái lại, họ như khựng lại vì tảng đá hận thù bên đường.  Dù đã theo Chúa bao năm, ông Giacôbê và Gioan cũng không thoát khỏi tinh thần thế tục.  Họ đề nghị trả thù dân làng Samaria.  Nếu Chúa chiều theo, cuộc hành trình hòa bình đã biến thành bạo lực ngay từ đầu.  Tin Mừng đánh mất bản chất.  Sứ mệnh cứu độ của Chúa bị chính môn đệ thân tín phá hỏng.  Cuộc quy tụ quanh Ðức Giêsu trở thành vô nghĩa.   Bởi đấy, để giữ vững mục tiêu cuộc hành trình hòa bình, “Ðức Giêsu quay lại quở trách các ông.” (Lc 9:56)  Chúa thà hy sinh chính mình còn hơn thấy dân chúng phải đau khổ và chết chóc.

Chúa không đi tìm danh vọng nơi người Samaria hay bất cứ ai.  Bởi thế, khi thấy không được họ đón tiếp, Chúa vẫn bình tĩnh, chứ không rối loạn như các môn đệ.  Các ông mất bình tĩnh vì các ông không có mục tiêu rõ rệt và còn mê mải tìm danh vọng trần thế, mặc dù vẫn theo sát gót Chúa Giêsu. 

Chẳng gì có thể cản bước chân Chúa.  Người cương quyết không nhượng bộ bất cứ môn đệ nào.  Không thể nhân danh Thày mà làm những điều hại tới quần chúng.  Càng làm môn đệ, càng phải biết tôn trọng mạng sống và quyền lợi của người khác.  Những khác biệt về tư tưởng, lối sống, phong tục, tôn giáo v.v. không phải là những yếu tố làm cho con người xa nhau và bị đánh giá thấp. 

Vấn đề thứ nhất đã vượt qua.  Tiếp theo là những vấn đề đặt ra với ba hạng người khác nhau trên lộ trình gian khổ đó.

Người thứ nhất sẵn sàng theo Chúa đi khắp nơi.    Hẳn Chúa phải vui lòng khi nhìn đến tấm lòng quý hiếm của anh.  Có thể thấy mẫu người thứ nhất nơi thánh Phêrô.  Lúc nào ông sẵn sàng theo Chúa, nhưng khi cơn khốn cùng ập tới, không biết anh còn can đảm không ?   Cũng có lẽ anh chàng ấy cũng tốt lành như người thanh niên giàu có.  Nhưng liệu anh có dám từ bỏ nếp sống êm ả để lao vào cảnh “đầu đường xó chợ” với Chúa không ?   Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào quyền tự do lựa chọn của anh.  Có tháo gỡ chính mình khỏi những ma lực vật chất, anh mới có thể thấy rõ bản chất “Lời Chúa là thần khí và là sự sống.” 

Người thứ hai cũng tốt lành như người thanh niên giàu có.  Có lẽ anh đã giữ Mười Ðiều Răn ngay từ thuở nhỏ.  Bằng chứng anh là người con rất hiếu thảo.  Nhưng muốn theo Ðức Kitô để “loan báo Triều Ðại Thiên Chúa,” (Lc 9:60) anh còn phải tiến xa hơn nữa.  Ở đây, anh phải đứng trước sự lựa chọn rất lớn, một là cha mẹ, hai là “Triều Ðại Thiên Chúa.”  Ðây là một quyết định rất khó khăn.  “Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu thì chẳng thể có môn đệ, cũng chẳng có đường vào Nước Thiên Chúa, nếu đã không qua một kinh nghiệm về tự do ; và nếu một ai đó chưa hề dám đi ngược lại với cách suy nghĩ và tiếp nhận của môi trường mình sống, thì khó mà nghĩ được rằng người đó thật sự tự do.”[1]   Tự do đích thực phải đem lại sự giải thoát hoàn toàn tại Giêrusalem.   Chỉ khi nào nhắm hướng tới Nước Thiên Chúa, người ta mới có thể bước ra khỏi nhà.  Môn đệ Chúa Kitô không phải là cậu ấm suốt ngày cứ quanh quẩn với mẹ. 

Không đi khắp bốn phương Trời,

Ở nhà với mẹ, biết đời nào khôn ?

 

Người thứ ba cũng tương tự như người thứ hai.  Anh là người có nhiều tương quan tốt đẹp với mọi người thân quen.  Trước khi bước theo Thày, anh chỉ xin một cơ hội từ giã, chứ không phải thi hành một bổn phận nặng nề như người thứ hai.  Nếu đột ngột dứt bỏ những tương quan đó, anh có thể làm cho mọi người thất vọng.  Những mối liên hệ tình cảm đó chứng tỏ anh là một người hào hiệp và hoàn toàn trưởng thành.  Giá trị nhân bản đó không có gì trái ngược với điều kiện theo Chúa.  Nhưng mối liên hệ cũ có thể làm xáo trộn tâm hồn và cộng đoàn môn đệ, bởi đó có thể gây trở ngại bước tiến của Nước Thiên Chúa.  Sống giữa các mối liên hệ chồng chéo nhau, tâm hồn người môn đệ dễ bị xé rách và có thể không đầu tư hữu hiệu cho công cuộc lớn lao.  

Như thế, trên bước đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đã đụng bốn hạng người khác nhau.  Tất cả đều phải hy sinh vì một giá trị cao cả là Nước Thiên Chúa.  Nhưng trong cả bốn hạng người đó, không ai hy sinh bằng Chúa.  Dù phải đi vòng quanh Samaria để tới nơi đang có những người chờ bách hại và giết chết mình, Chúa vẫn thẳng hướng Giêrusalem.  Chỉ vì vâng phục Chúa Cha và yêu thương chúng ta, Chúa đã chịu một điều kiện khắt khe hơn ai hết.  Nhờ thế, Người đã để lại một gương mẫu tuyệt vời cho người môn đệ. 

 

 

THEO ÐỨC KITÔ

 

Suốt cuộc hành trình, một tiếng gọi duy nhất vang lên trong lòng môn đệ : “Anh hãy theo tôi !” (Lc 9:59)  “ Theo Chúa Kitô là nền tảng cốt yếu và căn bản của nền đạo đức của Kitô hữu.”[2]   Theo Chúa, người môn đệ bị đòi hỏi gắt gao đến nỗi, “ai không từ bỏ chính mình, thì không thể làm môn đệ Thày.”  “Theo Chúa Kitô không phải là bắt chước bên ngoài, vì việc theo Chúa đụng chạm tới chiều kích sâu thẳm nhất của bản chất con người.  Làm môn đệ Chúa Kitô có nghĩa là sống phù hợp với Ðức Kitô, người tôi tớ đã hiến chính mạng sống mình trên thập giá (x. Pl 2:5-8).”[3]  

Chúa Kitô là ai mà có quyền đòi hỏi và lên tiếng kêu gọi như thế ?   Sau khi Chúa Phục Sinh, nhờ Thánh Linh, các môn đệ mới hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu.  Chúa nằm ở trung tâm của niềm tin vì là Con Thiên Chúa đã hoàn thành công cuộc hòa giải nhân loại với Chúa Cha qua những đau khổ và cái chết của Người trên thập giá.

Chúa Kitô đúng là một vĩ lãnh đạo đầy bản lãnh.  Chúa có thể vượt trên mọi tranh chấp và chấp nhận hy sinh tới cùng.  Ðó không phải là con đường dẫn tới bế tắc, nhưng đưa con người vào một bầu trời tự do rực rỡ.

Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, “phải bám chặt  con người Ðức Giêsu, tham dự vào sự sống và thân phận của Người, cùng Người vâng phục thánh ý Chúa Cha một cách tự do và trìu mến.”[4]    Nói khác, điều kiện tiên quyết và duy nhất là tin vào Ðức Giêsu Kitô.  Nhờ niềm tin này, người môn đệ mới thấy tại sao Chúa đòi hỏi quyết liệt như thế.  Nếu không, họ sẽ thấy toàn những đòi hỏi vô lý và không tưởng.  Gặp hoàn cảnh khó khăn, họ sẽ dễ dàng nhượng bộ và hòa giải.   Ðức tin chính là ánh sáng và sức mạnh đưa người môn đệ ra khỏi vòng lý lẽ thường tình. 

Không bắt đầu từ niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô, không thể có diễn trình hòa bình.  Diễn trình hòa bình biến thành cuộc hành trình đức tin.  

Ðức tin là một ân sủng và cũng là động lực cho mọi dấn thân theo Chúa.  Không đặt hết tin tưởng nơi Chúa Cha, Ðức Giêsu cũng không thể hướng tới Giêrusalem.  Cụ thể, niềm tin biến thành ơn gọi cho người môn đệ.  Có ơn gọi mới có thể lắng nghe tiếng Chúa và hiểu được Lời Chúa.  Không được gọi, con người chỉ thấy phiến diện và lợi dụng Lời Chúa cho những mục tiêu trần tục, nhất là chính trị.  Không bao giờ Lời Chúa phục vụ những quyền lợi đảng phái và đứng về phía kẻ mạnh để đàn áp con người.  Trái lại, Lời Chúa luôn giải thoát con người khỏi những ràng buộc tình cảm và tư lợi.  Những gì đề cao con người đều có thể tìm thấy nền tảng và sức mạnh trong Lời Chúa. 

 

ÐƯỜNG CHÚNG TA ÐI

 

Sau khi tại sinh trong Ðức Kitô, chúng ta đón nhận ân huệ Thánh Linh vào tâm hồn.  Người hướng tâm hồn chúng ta theo lẽ công chính.  Chúng ta hy vọng hoàn thành cuộc hành trình trên đời.  Nhờ lửa Thánh Linh thánh hóa, chúng ta hy vọng hưởng niềm vui và bình an vĩnh hằng trong Giêrusalem Thiên Quốc.

Cuộc hành trình đức tin vui như ngày hội vì Nước Chúa đã đến.  Tin Mừng đang được loan báo giữa muôn dân.  Mở đầu Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người sám hối và sống công chính.  Trong muôn vàn lo toan trên đời, “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.” (Mt 6:33)  Ðó là trọng tâm của Tin Mừng.  Ðó cũng là nguyên tắc hướng dẫn mọi sinh hoạt của người môn đệ Ðức Kitô.  Không theo nguyên tắc đó, nhiều người đang đánh mất bản chất và sứ mệnh ngôn sứ của mình.  Tin Mừng trở thành trò chơi chữ nghĩa và bị lạm dụng vào những mục tiêu phàm tục.

Không thể rao giảng Lời Chúa với bất cứ giá nào hay bất cứ cách nào.  Lời Chúa không lót đường cho bất cứ quyền lợi nào, dù là quyền lợi của Giáo hội.  Chẳng hạn, không thể vì muốn rao giảng Tin mừng cho người Cộng sản để có nhiều thuận lợi hơn trong sinh hoạt, mà chúng ta đánh mất cả sứ mệnh và bản chất Lời Chúa.  Chúa Giêsu đã từ chối những phương tiện tối thiểu và đòi hỏi môn đệ noi theo để Tin Mừng có khả năng giải thoát và đem lại hòa bình cho muôn dân.  Chỉ nhằm mục đích đạt đến những thuận lợi vật chất hay những an ủi trần tục, Tin Mừng sẽ mất hết sức mạnh cứu độ.  Dĩ nhiên, phải lợi dụng mọi cơ hội thuận nghịch để rao giảng.  Nhưng không thể uốn Lời Chúa theo mà chiều theo thị hiếu, quyền lợi hay những đam mê cuồng nhiệt của tuổi trẻ hay bạo quyền.  Lời Chúa bao giờ cũng là “chân lý và là sự sống.”   Không thể ngả theo thời đại dối trá để trình bày Tin Mừng.  Cũng không thể đầu hàng tử thần để có cơ may rao giảng Tin Mừng sự sống.   

Có những người đã giải thích và rao giảng Tin Mừng theo chiều hướng chính trị. Họ lấy những quyền lợi kinh tế của tổ quốc và toàn dân để khỏa lấp công lý.   Nhưng con người không phải chỉ có cái bụng.  Con người còn có đầu óc, con tim và linh hồn nữa !  Họ lên giọng mỉa mai linh mục Nguyễn Văn Lý : ngồi tù là cơ hội rao giảng Tin Mừng cứu độ.  Họ cho rằng không thể tìm thấy Nước Chúa ở trần gian, vì Chúa quả quyết : "Nước ta không ở dưới trần gian nầy..."  Giả sử tìm Nước Chúa ở trần gian, tại sao lại không thấy ?   Nếu tự hào thông suốt Kinh thánh, tại sao lại quên lời thánh Phaolô :  “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”(Rm 14:17)  ?  Nơi đâu có công lý, Nước Thiên Chúa xuất hiện.  Tranh đấu cho công lý là đi tìm Nước Chúa.  Bao lâu còn bất công, vẫn cần đến những con người bước vào lộ trình hòa bình với Ðức Kitô.  Lộ trình ấy đang mở ra . . . 

 

Lạy Chúa, trong cuộc lữ hành trần gian hôm nay, xin cho con luôn hướng về Giêrusalem Thiên Quốc là  kinh thành hòa bình.  Xin cho con biết hy sinh chính bản thân để công lý chiếm ngự trên quê hương.  Amen.

 

đỗ lực

01.07.2007

 

 

 

 




[1] Lời Chúa Cho Mọi Người, 2005:329.

[2] Veritatis Splendor, số 19.

[3] ibid, số 21.

[4] ibid, số 19.

Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà