ÐỒNG HÌNH HAY BIẾN HÌNH

(Lc 9:28b-36)

 

Mùa Chay là cơ hội giúp tín hữu cố gắng đi sâu vào mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh.  Thế nhưng, đó cũng là dịp truyền thông Hoa kỳ tung ra cuốn phim tài liệu “Ngôi Mộ Thất Lạc của Ðức Giêsu.”  Mục đích phủ nhận sự kiện Phục sinh và xóa bỏ niềm tin Kitô trong lòng hai tỉ tín hữu trên thế giới. Phải chăng đó là lần đầu tiên kỹ nghệ phim ảnh hợp tác với khảo cổ học lũng đoạn và phá hủy các giáo hội Kitô ?  Nếu sự thật đúng như họ công bố, chẳng còn gì để nói về biến cố Hiển dung hôm nay.  Ánh sáng Hiển dung chỉ có ý nghĩa và giá trị khi dẫn đến ánh sáng Phục sinh mà thôi.

Sự thật vẫn là sự thật.  Các nhà khảo cổ Do thái hoàn toàn bác bỏ tài liệu khảo cổ đó, vì chứng cứ mâu thuẫn.  Sự kiện Chúa Giêsu Phục sinh đã được năm trình thuật dẫn chứng nghiêm nhặt trong Tân Ước về những lần Chúa hiện ra: bốn trình thuật trong Tin Mừng và một do thánh Phaolô.  Các môn đệ đã làm chứng và hy sinh mạng sống vì Chúa Phục sinh.[1]

Cách đây hơn hai ngàn năm, các tông đồ đã trải qua những thách đố lớn lao khi Ðức Giêsu sửa soạn bước vào những ngày đen tối nhất cuộc đời.  Mấy ai vững bước trong đêm trường ?!  Bởi thế, Ðức Giêsu muốn dẫn các môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao để chứng kiến tất cả vinh quang và cảm nghiệm mối thâm tình giữa Chúa Cha và Chúa Con.  Nhờ đó, họ thấy được tất cả nền tảng niềm hy vọng đã đặt nơi Ðức Giêsu.

Còn hơn thế, họ được phép đi vào tương quan thâm sâu giữa Cha Con.  Quả thực, họ như lạc vào trong đám mây, tức là sống giữa sự hiện diện của Thiên Chúa.  Họ đã ra khỏi môi trường sống bình thường của trần thế.  Họ lọt vào thế giới Thiên Chúa.  Ðó là lý do tại sao “các ông hoảng sợ.” (Lc 9:34)  Mới nhìn thấy “vinh quang của Ðức Giêsu,” (Lc 9:32) chiếu tỏa rực rỡ giữa hai ông Môsê và Êlia, ông Phêrô đã lạc giọng và không kiểm soát nổi mình.  Vậy khi các ông chiêm ngắm và sống mầu nhiệm Thiên Chúa trên đỉnh non cao, bút mực nào có thể diễn tả ?

Khi được đưa vào cõi Thiên Chúa, các ông mới thấy nguyên hình Ðức Giêsu.  Ánh sáng lúc này phải tăng tới độ vô cùng mới diễn tả được vinh quang và địa vị Con Thiên Chúa của Ðức Giêsu. Lúc này không phải Ðức Giêsu tự làm chứng nữa, nhưng chính Chúa Cha xác nhận địa vị cao cả vô cùng của Chúa Con.  Không có lời chứng nào chính xác và giá trị hơn !  Tình yêu Chúa Cha mãnh liệt đến độ Chúa Con đã “lọt mắt xanh” Chúa Cha, được tuyển chọn để trở thành Thiên Sai giữa trần thế.

Như thế, khi xuống trần gian, Ðức Giêsu đã được Chúa Cha tin tưởng tuyệt đối, đến nỗi trở thành mẫu mực và phát ngôn chính thức của Chúa Cha.  Tin tưởng tuyệt đối đến nỗi Chúa Cha phải phán với các môn đệ : “Hãy vâng nghe lời Người !” (Lc 9:35)   Con tim Chúa cũng có cùng một nhịp đập khi nghe tiếng nói tương tự của Ðức Mẹ trong tiệc cưới Cana : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo !” (Ga 2:5)

Uy thế Chúa Giêsu chưa bao giờ lên cao như vậy.  Nếu muốn lên cao như Chúa, các môn đệ cũng phải biến hình nhờ sức mạnh thần khí và sự sống Thiên Chúa, tức là Lời Chúa (x. Ga 6:63)  .  Ðó là lý do tại sao Chúa Cha truyền cho các môn đệ phải vâng giữ Lời Chúa.   Lời Chúa sẽ thực hiện cuộc biến đổi sâu xa và toàn diện nơi những ai thực tâm sống Lời Chúa.  Cuộc biến đổi này cũng giống như việc Chúa biến hình hôm xưa.

Cuộc biến hình này mau qua.  Cuộc biến hình và hiển vinh miên viễn chỉ đến qua những đau khổ của Ðức Giêsu, một đề tài được trao đổi giữa Chúa và hai vị khách từ thiên giới (Lc 9:31). “Hình như các thánh sử cũng cho thấy sự liên kết giữa những đau khổ và vinh quang của Ðức Kitô, vì cuộc Biến hình được đặt trong bối cảnh lời tiên báo đầu tiên về cuộc Thương khó, cái chết và sự Phục Sinh (Mt 16:21-23; Mc 8:31-33; Lc 9:22).”[2]   Nếu cuộc Thương khó và cái chết chứng tỏ Ðức Kitô đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2:7) Thiên Chúa, thì biến cố Hiển dung và Phục Sinh mạc khải Ðức Giêsu là Ðức Chúa.  Người đến thực hiện những Lời Kinh Thánh (x. Lc 24:44-48) và lời các tiên tri về Ðấng Thiên Sai, Ðầy Tớ Ðức Giavê và Con Người.  Qua Ðức Giêsu, Thiên Chúa thực hiện những điều đã hứa và đến ở giữa dân Người.  Ðồng thời, biến cố Hiển dung xác nhận lời tuyên xưng đức tin của Phêrô tại Cesarea Philiphê (Mt 16:16).  Ánh sáng Hiển dung còn mạc khải Con Người Ðức Giêsu có cùng một vinh quang với Thiên Chúa Cha.

Muốn chung hưởng vinh quang với Ðức Giêsu, Kitô hữu phải gặp gỡ Người trong bí tích và tham dự vào mầu nhiệm sự chết và Phục sinh của Người, một mầu nhiệm được báo trước trong biến cố Hiển dung hôm nay.  Ngay bây giờ, Kitô hữu phải luôn luôn và không ngừng để Chúa Thánh Linh tác động (2Cr 3:18) hầu hoàn toàn biến hình, đợi ngày phục sinh vinh quang của toàn thể vũ trụ khi Chúa đến lần thứ hai.  Trước khi vui hưởng vinh quang cuối cùng, và được biến hình với Ðức Kitô, họ phải nên đồng hình (đồng dạng) với Người.  Dù sống trong một thế giới đầy đau khổ và thập giá, Kitô hữu vẫn hy vọng và hoàn toàn xác tín Chúa Thánh Thần đang hoạt động mãnh liệt để chiến thắng Satan và đạt vinh quang cuối cùng trong cuộc biến hình hoàn toàn.[3]

Chính vì thế, đúng như thánh Phaolô nói (Rm 3:35), không gì có thể làm cho Kitô hữu tuyệt vọng.  Tuy không phải là tông đồ được lên núi với Chúa, nhưng được “một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ,” (Cv 22:6) Thánh nhân đã biến hình hoàn toàn.  Một cuộc lột xác tận bên trong và toàn thể cuộc sống !  Từ đó, mặc dù phải ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, ông vẫn luôn rao giảng Tin Mừng.  Ngay cả lúc ngồi tù, ông vẫn hô hào mọi người : “Vui lên anh em !” (Pl 4:4)  Lúc trước, suốt ngày mặt ông đằng đằng sát khí với các Kitô hữu.  Từ khi trở nên đồng hình (đồng dạng) với Chúa Kitô, ông đã tìm thấy niềm vui và bình an thực sự.  Lý do vì ông đã biết lắng nghe và vâng lời Con Chí Ái của Chúa Cha.

Có nhiều môn đệ chưa đau khổ bằng thánh Phaolô, nhưng cuộc đời đầy ắp u buồn.  Nhìn lại quá khứ, tôi thấy những mảnh đời không đồng hình (đồng dạng) với Chúa Kitô.  Bởi đó, tôi không thể biến hình với Thày Chí Thánh.  Ánh sáng Hiển dung chưa chiếm trọn con tim, làm sao con mắt nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện nơi từng anh em ?  Niềm tin non nớt chỉ sinh ra cay đắng.  Nếu có đức tin bằng hạt cải, tôi đã có thể nhìn thấy hồng ân trong tất cả.  Nếu tôi lên núi với Người,  cuộc đời đã tràn ngập niềm vui.  Vì ngại lên núi biến hình với Chúa, tôi đã không thể vận dụng mọi lẽ thuận nghịch trong cuộc sống và không vượt qua được đêm tối trần gian.

Ngày xưa, đứng trước thực tế đầy nguy hiểm và éo le, Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ thân tín nhất lên núi chiêm ngưỡng Chúa biến hình.  Chắc chắn khi được đám mây bao phủ, các ông đã cùng “biến hình” với Chúa.  Trước và sau cuộc biến hình này, Chúa đều kêu gọi các môn đệ hãy đồng hình.  Nếu không biến hình với Chúa, liệu các ông có đồng hình được không ?  Nhưng nếu không đồng hình (đồng dạng) với Chúa, các ông có thể biến hình trong ánh sáng Phục sinh không ?  Biến hình hay đồng hình, sự kiện nào xảy ra trước ? 

Thực tế, Chúa chỉ chọn ba tông đồ lên núi mà thôi.  Như thế chỉ có một phần tư trong số tông đồ đoàn được may mắn chiêm ngưỡng Chúa Hiển dung.  Ba phần tư còn lại cũng phải vác thập giá theo Thày và chia sẻ chén đắng suốt cuộc đời.  Tại sao những ông này không được vinh dự và hạnh phúc như ba vị kia ?  Họ sẽ lấy sức mạnh ở đâu để trung thành với Thày tới cùng ?  

Tin Mừng nói rõ Chúa hiển dung đang lúc cầu nguyện (x. Lc 9:29).  Trong cầu nguyện Chúa đã hiệp thông sâu xa với Chúa Cha.  Những biến đổi bên ngoài dung mạo và y phục diễn tả phần nào cuộc hiệp thông đó.  Chẳng lẽ các tông đồ không thay đổi gì sau bao lần chứng kiến và cùng cầu nguyện với Chúa ?   Chính trong lời cầu nguyện, các ông đã được biến hình sâu xa để có thể đồng hình (đồng dạng) với Chúa trong cuộc đời.  Bởi thế, Chúa mới dạy chúng ta phải cầu nguyện không ngừng (x.Lc 21:36).  Nhờ cầu nguyện, chúng ta biến hình giống như Chúa. 

 

Lạy Chúa, xin cho con lên núi với Chúa.  Giữa cuộc sống đầy tăm tối hôm nay, xin Chúa ban cho con ngày càng nên đồng hình với Con Chúa, để con có thể  biến hình trong vinh quang Phục sinh.  Amen.

 

đỗ lực  04.03.2007

 

 



[1] Tgm Bruno Forte, Zenit 01.03.2007.

[2] New Catholic Encyclopedia 2003:154.

[3] x. ibid.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà