CÂY VẢ VÀ BỤI GAI

(Lc 13:1-9)

Ngày 2/3/07 vừa qua, hãng Tin Tức Công Giáo Thế Giới (CWN) đã loan tin ông Fred Nassiri, một nhà tỷ phú tại Hoa Kỳ, dâng hiến tất cả tài sản mình cho người nghèo và sẽ trở thành tu sĩ Phanxicô.   Một Phanxicô thời đại đã xuất hiện !  Ông là người Mỹ gốc Iran. Từ Hồi Giáo, ông đã trở lại Công Giáo.   Ngày  1/3 vừa qua, khi đến Vatican gặp Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone, ông nói : “Tôi muốn mang đến Vatican một chứng từ đức tin và lòng khâm phục lý tưởng dòng Phanxicô. Tất cả tài sản của tôi sẽ dành cho người nghèo để tôi trở thành tu sĩ Phanxicô. ” Giải thích về sự chuyển hướng cuộc đời, ông Nassiri phát biểu : “Càng nhiều tiền của, càng có nhiều nghĩa vụ đối với người chung quanh mình.”[1]

Tại sao ông Nassiri có thể thực hiện một cuộc từ bỏ lớn lao đó ?  Ông không tính toán như Giakêu.  Chẳng biết ngày xưa, sau khi chia nửa gia tài cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những nạn nhân, ông Giakêu còn lại bao nhiêu ?   Nassari chắc chắn hơn ông rồi. Cuộc từ bỏ nào cũng bắt đầu từ sự sám hối.  Năm xưa, thời còn trong sa mạc, thế nào ông Môsê chẳng có lúc sám hối vì hành động giết người Ai cập để bênh vực cho đồng bào ?  Ðành rằng đó là một hành vi anh hùng, nhưng trước nhan Chúa, lương tâm ông không để ông yên.   Từ đó, ông đã sám hối.  Thiên Chúa đã dủ lòng thương kêu gọi ông lãnh sứ mệnh giải thoát dân tộc, từ bụi gai bốc lửa mà không bốc cháy (x. Xh 3:2).   Thiên Chúa đã biến bụi gai vô dụng thành “đất thánh,” (Xh 3:5) nơi Môsê đã được Thiên Chúa Giao Ước (Xh 3:6) mạc khải là “Ðấng Hiện Hữu.” (Xh 3:14) Bụi gai đã góp phần làm nên lịch sử dân Chúa.  

Trước đây, giống như bụi gai, ông Môsê cảm thấy mình bất lực trước kiếp nô lệ tang thương của đồng bào. Thời gian gậm nhấm tâm hồn.  Niềm đau đưa ông gần tới Chúa.  Như bụi gai, ông đã được Chúa dùng để mạc khải cho dân Do thái biết tất cả tấm lòng cảm thông sâu xa và sức mạnh của Chúa muốn ra tay giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai cập.   Vì luôn hiện diện trong dân, nên Người thấu hiểu và quan tâm tới mọi nỗi khốn cùng của họ.  Không những thế, Người còn hứa dẫn họ tới “một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.” (Xh 3:8a)   Dù là bụi gai giữa sa mạc, nếu được Chúa đoái tới, cũng trở thành nơi tràn đầy sự sống và thánh thiện.  Nhưng nếu không được chăm sóc, ngay cây vả tại góc vườn nho cũng vô dụng, dù đầy dẫy thợ làm vườn. 

Bình thường, cây vả có dáng đẹp, đem lại bóng mát và chất bổ dưỡng cho gia đình (1 V 4:25), nên được nhiều người ưa thích.  Nhưng trong dụ ngôn hôm nay, không biết tại sao cây vả lại không sinh hoa trái ?  Sau ba năm liên tục ra thăm, chủ vườn không tìm được một trái nào nơi cây vả.  Nếu cứ để cây vả tiếp tục sống, lợi nhuận gia đình sẽ bị ảnh hưởng.  Sự hiện hữu của nó trở thành thừa thãi và nguy hại cho đất đai và môi trường chung quanh.  Ông mất kiên nhẫn và muốn chặt nó đi.  Nhưng nhờ người làm vườn nài xin, ông chủ cho nó sống thêm một năm nữa.  Sau một năm, cây vả có sinh hoa trái nào không ?  Không thấy dụ ngôn nói tới.

Thực tế, chỉ cần sau một năm ngắn ngủi, tình hình đã hoàn toàn thay đổi.  Cây vả đã được vun xới cẩn thận.  Những người làm vườn cũ đã bị thay thế.  Người Làm Vườn mới là chính Con Thiên Chúa.  Là Chủ vườn nho, Chúa Cha đã sai Chúa Con  đến chăm sóc vườn nho và cây vả.    Người đã lấy chính Thân Thể chăm bón và Bửu Huyết vun tưới cây cối.  Nói khác, Người canh tác bằng chính tình yêu của mình, tình yêu không bao giờ cạn kiệt hay tắt ngúm.   Người đã trả giá bằng chính mạng sống để đem lại mùa màng tươi tốt cho Chúa Cha và toàn thể nhân loại.   Chỉ cần một thời gian rất ngắn, Chủ vườn có thể bội thu.  Người làm việc cực nhọc để có một Vương quốc Công Bình với những hoa trái bao dung và cảm thông.

Không có kinh nghiệm sâu xa về lòng thương yêu và nhân ái vô cùng lớn lao của Chúa, không thể làm Vườn Nho Chúa.  Nếu thực sự có lòng bao dung đó, Giáo hội không thể không sám hối.  Từ đó mới có thể xây dựng một Vương quốc Công Bình.  Ðược ủy thác chăm sóc cả vườn nho lẫn cây vả, chúng ta đã hành động ra sao ? 

Trong Kinh Thánh, cây nho và trái vả thường biểu tượng cho hòa bình và thịnh vượng.[2]  Khi thay Chúa chăm sóc vườn nho và cây vả, Giáo hội phục vụ cho nền hòa bình và hạnh phúc nhân loại. Thực vậy, cũng như Ðức Giêsu, Giáo hội phải hy sinh BỎ  mạng sống mới có thể hoàn thành sứ mạng cao cả ấy.  Nhìn vào tình trạng bạo động và mất tự do trên thế giới hôm nay, chúng ta thấy Giáo hội còn phải nỗ lực nhiều lắm.

Nguyên nhân chính khiến Giáo hội chưa hoàn thành sứ mệnh, vì chúng ta chưa sám hối.  Chỉ khi nào sám hối, Giáo hội mới có thể quy tụ muôn dân vào làm vườn nho Chúa.  Nếu không, Giáo hội sẽ phải phân tán như dân Do thái sau khi Ðền Thờ Giêrusalem bị tiêu hủy.

Chúa không muốn Dân Chúa hôm nay lâm vào cảnh tan tác như thế, nên mới lên tiếng cảnh cáo : “Nếu anh em không chịu sám hối, thì anh em sẽ chết hết.” (Lc 13:5)  Ngược lại, nếu sám hối, không những được sống, mà chúng ta còn thực hiện được sứ mệnh hòa bình và đem lại cuộc sống giàu mạnh cho mọi người.  Nếu sám hối, dù là bụi gai, chúng ta cũng được Chúa dùng làm nơi phát ra lời mạc khải và cứu độ.  Dù có là cây vả vô sinh, chúng ta cũng sẽ được chuyển hóa để sản xuất hoa quả tốt tươi cho Chúa.  Tất cả đều phải bắt đầu từ sám hối.

Ngay khi mới mở lời rao giảng Nước Trời, Chúa đã kêu gọi sám hối.  Việc sám hối luôn là chủ đề chính trong mọi lời giảng của Chúa.   Bởi thế, khi tường thuật tin tức về những người đồng hương bị Philatô sát hại, Chúa lợi dụng cơ hội để kêu gọi con người sám hối.  Chắc hẳn lúc đó những người Do thái muốn Chúa bày tỏ một thái độ chính trị đối với đế quốc.  Nếu bình luận về tin tức thời sự nóng  bỏng đó theo hướng chính trị, chắc chắn đã đến tai Philatô.  Lời kêu gọi sám hối có thể Philatô đã nghe báo cáo.  Nếu đúng thế, ông cũng phải suy nghĩ về những hành động của mình.  Ông không thể dựa vào thế mạnh của chính trị mà đàn áp hay tiêu diệt con người, bất chấp Thiên Chúa.  Lương tâm, tiếng nói Thiên Chúa, còn mạnh hơn lệnh của hoàng đế Roma.  Ông sẽ phải đối diện trực tiếp với Tạo Hóa của ông.  Ông cần sám hối !

Ngày nay vẫn có những con người chưa nhận ra sự thật đó.  Vụ đập phá tượng Pieta tại Phát Diệm sáng ngày 30.01.2007 là một thí dụ điển hình.  Biến cố xảy ra chỉ 4 ngày sau khi Thủ tướng nước Việt Nam hội kiến với Đức Giáo Hoàng và Quốc Vụ Khanh Toà Thánh tại Rôma.   Xung quanh bức tượng, giáo dân đặt các vòng hoa kính viếng Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Trên các vòng hoa có các dòng chữ phân ưu như: “Giáo họ Đông Thịnh vô cùng đau thương  khi Mẹ chịu thương đau,”  “Cộng đoàn Giáo họ Phong Châu vô cùng thương tiếc khi Mẹ đau thương,” “Hội Mân Côi xứ Ngọc Cao kính viếng sự đau thương Mẹ”. Tại chân tượng bị đập phá hãy còn tấm bảng ghi dòng chữ: “Tạ ơn Đức Mẹ 'Pieta'. Người đã trở nên hình ảnh Hội Thánh tại GP Phát Diệm.”   Ðọc những hàng chữ đó, tôi có cảm tưởng như mình đang tham dự đám tang của Chúa và Ðức Mẹ.  Tôi đã thất vọng khi không tìm thấy vòng hoa nào ghi những câu như : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34)  hay  “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em,”(Mt 5:44; Lc 6:35)   Nếu có, chắc chắn Chúa sẽ vui hơn và phù hợp với Tin Mừng hơn !

Trong vụ đập phá ảnh tượng đó, chính quyền đã chứng tỏ tất cả sức mạnh vô địch (!) của chủ nghĩa Mác Lê bách chiến bách thắng.   Nên nhớ, Chúa Giêsu và Mẹ Maria là những thần tượng tuyệt vời của Kitô hữu.  Chính quyền đã đập nát được “tượng.”  Liệu có phá nát nổi “thần” trong lòng người hay không ?   Nên biết : “Ceasar không phải là tất cả.  Có một vương quyền khác, mà nguồn gốc và bản chất không thuộc về thế gian này.”[3]   Chỉ khi thành tâm sám hối, mới thấy rõ Vương quyền đó.  Theo thánh Clêmentê, tự bản chất, Giáo hội là một cơ cấu có tổ chức, nơi mỗi thành viên đảm trách sứ mệnh theo ơn gọi của mình.  Người nhấn mạnh, sứ mệnh của Giáo hội có tính cách bí tích hơn chính trị, và khuyến khích tín hữu đáp ứng lời Thiên Chúa mời gọi bước vào “một tiến trình sám hối một cách quảng đại và can đảm.”[4]

Là người đang phục vụ Vương Quốc Thiên Chúa, tôi đã sám hối để phục vụ một cách hữu hiệu hơn chưa ?  Nếu chưa, tôi cũng chỉ là bụi gai hay cây vả vô sinh mà thôi.  Nhưng nếu sám hối, tôi có thể “thay đổi cho phù hợp với kinh nghiệm về  Thiên Chúa tuyệt vời đang hiện diện để ban ân sủng và tự mạc khải”[5] cho tôi.  Nếu không có kinh nghiệm về tình yêu đầy khoan dung và tha thứ của Thiên Chúa, tôi không thể sám hối.  Tình yêu Thiên Chúa vô cùng mãnh liệt đến nỗi  tôi có thể thay đổi thái độ và ý chí để lựa chọn những gì thực sự giá trị hơn là tìm thỏa mãn những tham vọng tự nhiên. 

ÐGH Bênêđictô XVI đã diễn tả thật chính xác : “Hoán cải là chấp nhận một cách tự do và với tình yêu tự lệ thuộc tất cả vào Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo đích thực của chúng ta, tự lệ thuộc vào tình yêu. Do đó tự hoán cải có nghĩa là không tìm kiếm sự thành công cá nhân - điều sẽ trôi qua – nhưng là từ bỏ mọi thâm tín con người, đi theo Thiên Chúa với sự đơn giản và niềm tin tưởng để Đức Giêsu trở thành cho mỗi người, “tất cả trong mọi sự” như á thánh Têrêsa thành Calcutta thích lập lại. Ai để cho Người chiếm hữu thì không sợ mất sự sống của mình, bởi vì trên Thập Giá, Người đã thương yêu và tự hiến mình cho chúng ta. Chính vì thế khi mất sự sống bởi tình thương, chúng ta tìm lại được nó.”[6]

Lạy Chúa, con là cây vả nhiều năm không sinh hoa trái gì cho Chúa và anh em.  Cám ơn Chúa đã sai Con Chúa đến cứu con.  Xin cho con cảm nghiệm sâu xa về tình yêu vô cùng mãnh liệt của Chúa để con có thể hoán cải và trở thành người làm vườn nho đắc lực của Chúa.  Amen.

 

đỗ lực

Houston 11.03.2007

 



[1] CWN 02/03/2007.

[2] Harper’s Bible Dictionary 1985:308.

[3] Thánh Clêmentê, CWNews 07.03.2007.

[4] Ibid.

[5] Encyclopedia of Catholicism 1995:366.

[6] ÐGH Bênêđictô XVI, Zenit 21/02/2007.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà