BỨC TRANH HÍ HỌA

(Lc 15:1-3.11-32)

 

Tự do là giá trị cao cả nhất và vinh dự nhất cho sinh vật có lý trí trên mặt đất này.  Ðó là nền tảng xác định con người cao hơn vạn vật  Ðó cũng là nguyên nhân sinh ra niềm vui lớn lao nhất cho con người.  Nhưng cũng chính vì tự do, con người phải trả giá mắc nhất.  Những gì đã và đang xảy ra tại Việt Nam chứng minh hùng hồn nhất. 

Ngày xưa, các thánh tử đạo Việt Nam đã lấy mạng sống để chứng minh cho mọi người thấy tự do tôn giáo là một giá trị cao cả nhất và linh thiêng nhất của quyền làm người.  Ngày nay, con cháu các ngài lại phải trải qua một kinh nghiệm gần giống cha ông, nhưng ở một chiều kích tinh vi hơn.  Tự do trở thành một thứ chiêu bài và công cụ cho đủ mọi thứ thao túng.  Việc đập phá tượng Pieta và trù dập phong trào dân chủ vừa qua là một điển hình !

Nhiều người sống bên Mỹ cũng không có cái nhìn khá hơn về tự do.  Họ tung hoành trong mọi ngành nghề.  Doanh nhân tự do trốn thuế.  Người già tự do lợi dụng Medicare, Medicade, An sinh xã hội v.v.  Giới trẻ tự do sống buông thả tình dục, nghiện hút, băng đảng v.v. 

Ðây là một dịp tìm hiểu ý nghĩa tự do đích thực.

Biểu tượng nổi nhất của tự do buông thả là người con thứ trong dụ ngôn hôm nay.  Sau bao năm thơ ấu sống êm ả trong gia đình, cậu sống khá ngoan ngoãn.  Chẳng ai thấy cậu có vấn đề gì.  Bỗng một hôm, cậu thẳng thắn xin cha chia gia tài (x. Lc 15:12).  Ai ngờ cậu đã ấp ủ trong lòng một giấc mơ “tự do” từ bao giờ !   Cậu nhắm đến một chân trời xa thật xa.  Xa như giấc mộng dài cậu đang thêu dệt.  phương tiện ăn chơi là gia tài kếch sù cậu vừa đón nhận.  Khả năng là tuổi trẻ đầy sinh lực.  Còn gì tự do hơn !

Nhưng “đời lắm lúc không bằng mộng” !  Vừa lúc anh cháy túi, một nạn đói khủng khiếp ập tới.  Họa vô đơn chí !   Giấc mộng còn dài và tuổi trẻ còn sung cũng đành chào thua thời cuộc.   Hoàn cảnh quá bức bách.  Anh không còn phương tiện để sống còn.  Chân anh không đứng vững trên mặt đất nữa !  Tất cả vũ trụ quay cuồng và đảo ngược.  Tất cả đều bế tắc.  Anh bị dồn vào chân tường.  Chỉ còn một lối thoát duy nhất là đổi danh dự lấy mạng sống.  Trước kia, anh là người chỉ tay năm ngón.  Bây giờ, anh phải cúi đầu trước lệnh truyền ra đồng chăn heo.  Giấc mơ bây giờ xuống thấp đến nỗi anh không bằng con heo nữa.  Anh sống mà như chết.  Tất cả nhân phẩm đã tiêu tan !

Chính tự do đã dẫn anh vào cõi chết !  Người cha cũng đã khẳng định như thế : (x. Lc 15:24, 32). Ðó không phải là tự do đích thực.  Anh tưởng tự do là muốn làm gì thì làm.  Không phải trả giá cho tự do.  Thực tế, anh đã phải trả giá quá đắt cho một chọn lựa sai lầm.  Khi bị dồn vào đường cùng, anh mới nhận ra đâu là nơi để anh thực hiện tất cả giấc mộng tuổi trẻ.  Ðâu mới là tự do đích thực.

Dĩ nhiên, không phải chỉ những người hư hỏng, mà cả những người con ngoan cũng chưa chắc hiểu tự do là gì.  Khung cảnh và hình thức không đủ bảo đảm cho con người có nhận thức đích thực về tự do.  Ngay ở trong nhà, người con cả có biết tự do là gì đâu.  Anh đã phục vụ với một mục đích hoàn toàn tầm thường vật chất.  Anh tự nhốt trong chính mình.  Dù được chia gia tài như người em, nhưng anh cũng chẳng biết làm gì với vốn liếng đó.  Có lẽ sau khi được chia gia tài,  anh đã đem trả lại hết cho cha, hầu được tiếng là con ngoan.  Anh vẫn tỏ ra mình “ngon” hơn cậu em.  Tới khi thấy cách thân phụ đối xử ngon lành với người em mạt rệp ấy, anh mới thấy lòng khoan dung không đúng với sự công bình ngoài thực tế.  Lúc đó, anh mới nói hết sự thật cho bõ ghét !  Anh chưa từng nhỏ rãi trước mùi cám heo như cậu em.  Thế nên, anh vẫn thấy những ưu đãi vật chất trong gia đình là chuyện đương nhiên.

Thà một lần đi hoang để biết thế nào là giá trị của tự do, còn hơn “cù lần” như người anh cả tự nhốt mình trong tháp ngà !  Nhưng nếu có một tấm lòng như thân phụ,  anh cũng có thể cảm nhận tất cả chiều kích và đường nét tươi đẹp của tự do.  Tiếc thay những lời khuyên của thân phụ không đủ sức thuyết phục bằng thực tế ngoài đời dạy cho người con thứ.  Tâm hồn anh cả đã khép lại !  Dù cố gắng dùng cả lý lẽ lẫn tình cảm, người cha cũng phải đầu hàng.  Anh không thể hiểu và hưởng được niềm vui của tự do đích thực !

Ðúng thế !  Tự do đích thực bao giờ cũng đem lại niềm vui và chân trời rộng mở. Chắc chắn những gì nói với con cả, người cha cũng bộc lộ cho con thứ : “Tất cả những gì của cha đều là của con.” (Lc 15:31)  Trong khi người con cả thờ ơ, thì người con thứ như uống từng lời cha vào tận đáy lòng.  Lời đó như một tia nắng ấm chiếu sâu vào tận đêm trường giá lạnh của lòng anh.  Anh sung sướng vô cùng. Từ nay anh mới thực sự là con người tự do.  Có bao giờ anh nghe ai có những lời nói và cử chỉ thân thương như thế trong suốt hành trình xa nhà ?  Nhất là khi anh bị vùi dập ngoài chuồng heo, anh đã cảm nghiệm tất cả nỗi nhục nhã và đau khổ của kiếp nô lệ như thế nào !  Anh không được đối xử bằng con vật.   Phải xuống tận bùn đen như thế, anh mới thấy quý những gì mình đã tìm lại được nơi nhà cha.  Tất cả đều do tình yêu hải hà của người cha nhân ái.  Thế mà, trước đây anh đã cắt đứt.  Chỉ vì tự do tuổi trẻ, anh đành coi cha như đã chết, để đòi chia gia tài cho bằng được !

Dưới mắt người con cả, cha đã phung phí tình yêu một cách dại dột.  Làm sao cha biết người em thứ sẽ không bỏ nhà ra đi một lần nữa ?  Ngựa quen đường cũ, cha không biết hay sao ?!  Cha đã quá thương nên không lường trước tương lai.  Cha đã mất khôn khi không còn xét xử theo những nguyên tắc công bình con người như thấy trong lề luật nữa.  Cái nhìn của những người Pharisêu về Thiên Chúa y hệt như vậy !  Nhưng công lý của Thiên Chúa có bộ mặt hoàn toàn khác.  Công lý Thiên Chúa xây dựng trên một tình yêu vô điều kiện và khôn lường. 

Dụ ngôn cho thấy tất cả chiều kích vô biên đó của tình yêu ấy, khi người con thứ trở về.  Tình yêu ấy đã có sức phục sinh người con thứ và đem lại niềm vui thực sự cho anh.  Từ nay anh sẽ sống nhờ tình yêu ấy hơn bất cứ thứ nào khác.  Không có tình yêu ấy, anh sẽ biến mất khỏi mái ấm và sẽ ra đi vào một miền vô định.  Giả sử anh trở về quá trễ, lúc cha anh không còn, số phận anh sẽ ra sao ?  Rất may, anh trở về lúc còn cha trong nhà.  Tình yêu người cha đã sáp nhập anh vào một cuộc sống gia đình cách tự nhiên.  Cũng tình yêu đó đã không thể cảm hóa người con cả  để anh chấp nhận cuộc hiệp thông lớn lao do cha đề nghị.  Có tin yêu, người cha mới hết lòng mời mọc như vậy.  Nhưng người con cả đã thẳng thừng từ chối.  Anh mới là tên nô lệ cho chính mình. 

Bức tranh hí họa đã trình bày hình ảnh độc đáo về tình yêu người cha giữa hai người con.  Bức thứ nhất diễn tả về Thiên Chúa nhân lành đến nỗi bị lợi dụng như thể Người mắc nợ chúng ta, còn chúng ta chẳng mắc nợ gì Người, ngay cả việc nhận biết Người.  Trái với quan niệm thường tình về Thiên Chúa như một nhà độc tài không hề biết nhượng bộ, dụ ngôn đã mô tả hình ảnh cực kỳ tốt đẹp về người cha hạnh phúc khi thấy con trở  về với mình. Phải, đó là Tin mừng trong Chúa nhật này.  Hãy đón nhận niềm vui tha thứ, niềm vui giao ước được canh tân trong bí tích Thánh Thể, niềm vui tín thác, niềm vui thông hiệp.  Tất cả niềm vui này đều phát xuất từ Chúa Cha, nhờ Con Chí Ái Người là Ðức Giêsu.  Từ đó chúng ta hướng về niềm vui Phục Sinh.

Nhìn chung, tự do đã trở thành điểm ranh giữa hai người con.  Ban đầu người con thứ đi tìm một thứ tự do vô trách nhiệm.  Nhưng thực tế đã dạy cho anh một bài học “để đời.”  Nhờ thế, anh mới thấu hiểu phải trả giá rất mắc cho một giá trị lớn lao và cao cả nhất của con người, đó là tự do.  Còn người anh cả chỉ biết bổn phận mà không biết đến  tự do.   Tình yêu luôn có khả năng giải thoát.   Không có tình yêu, không thể có tự do và hiệp thông.  Người anh cả “vẫn đi bên cạnh cuộc đời,” mà không hiểu được niềm vui của tình yêu chia sẻ.  Bởi vậy, anh mới có quan niệm quá khắt khe về lỗi lầm của người em.  Anh đã xây dựng một nền công lý trên lề luật, chứ không trên tình yêu. Không bao giờ có một sự bình an cho những con người như anh.  Hòa bình không thể xuất hiện khi con người không biết tha thứ.  Ơn cứu độ cũng vắng bóng khi con người không biết nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và tha nhân là anh em.

Phải đợi tới khi nào Ðức Giêsu Kitô xuất hiện, con người mới thấy tất cả tương quan lớn lao trong trời đất.  Từng bị hạ xuống bùn đen, nên Người có thể hiểu biết và đánh giá được tất cả ý nghĩa của tự do hơn ai hết.  Hơn nữa, “chính để chúng ta được tự do, mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta.” (Gl 5:1)  Ðức Kitô cũng là người Anh Cả giữa đoàn em đông đúc (Rm 8:29) là chúng ta.  Nhưng hoàn toàn khác với người anh cả trong dụ ngôn hôm nay, không những Ðức Kitô không ghen tương, mà  mời gọi chúng ta đi vào cuộc hiệp thông với Cha Người.  Hơn nữa, Người còn lấy chính Mình Máu Người để làm tiệc thết đãi chúng ta.  Vì Người đầy lòng yêu thương, quảng đại, tha thứ. Khác với người con thứ, Người không cần phải mất một thời gian đi hoang, Người mới có thể đánh giá đúng mức giá trị của tự do. Người cũng không cần phải đợi Cha nhắc nhở mới biết mình được tự do hưởng mọi quyền lợi trong Nhà Cha.  Thật vậy, chính Người quả quyết : “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thày.” (Ga 16:1 5)  Khác hẳn với hai người con trong dụ ngôn đầy  khuyết điểm, Ðức Giêsu thật là Con Chí Ái, hoàn toàn làm hài lòng Chúa Cha (x. Mt 3:17; Mc 1:11).  Bởi thế, Chúa Cha mới căn dặn chúng ta: “Hãy vâng nghe lời Người !” (Lc 9:35)  Ðức Mẹ cũng phụ họa : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2:5)

Tại sao phải nghe lời và làm theo Ðức Giêsu ?  Nếu không muốn trả giá quá mắc vì lầm lạc theo những đam mê như người con thứ hay tấm lòng chật hẹp như người con cả, chúng ta cần vâng nghe Con Chí Ái của Chúa Cha.  Chỉ có Người mới mở cho chúng ta bầu trời tự do đích thực, tự do làm con cái Chúa.  Khác với tự do đi hoang đã hạ giá người con thứ xuống dưới hàng con vật, tự do của Chúa nâng chúng ta cao hơn địa vị con người, để trở thành con cái Chúa.   Thật là một giá trị tuyệt vời !

Bức tranh hí họa cuối cùng không diễn tả cảnh trái ngược giữa hai người con trong dụ ngôn, nhưng giữa họ và Người Con Chí Ái của Chúa Cha.  Con thứ hiểu lầm về tự do, nhưng lại là cơ hội cho thấy tình yêu Thiên Chúa đầy bao dung.  Con cả ngộ nhận về công lý.  Từ đó, mới thấy công lý đích thực phải đặt nền tảng trên tình yêu.    Cả hai người con ấy đều không thể phản ánh hình ảnh người cha nhân hậu. Trái lại, Ðức Giêsu là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình,” (Cl 1:15) một hình ảnh cực tả Thiên Chúa là Cha.

Tin tưởng vào mãnh lực tình yêu Thiên Chúa, bao chứng nhân đã lên đường tranh đấu cho công lý và hòa bình.  Chẳng hạn, năm 2002 tại Nam Hàn, Nữ tu Cho Seong-ae đã được Quốc Hội Nam Hàn trao tặng Huân Chương Cao Quý Quốc Gia Nam Hàn. Quyết định trao tặng huân chương của Quốc Hội Nam Hàn nhìn nhận rằng "Người nữ tu này đã góp phần biến nhà tù không còn là nơi trừng phạt nhưng là môi trường thuận lợi cho việc cải hóa và quay về với những điều lương hảo." Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn cho biết trong 25 năm phục vụ trong các khám đường, nữ tu Cho Seong-ae đã dẫn dắt 760 phạm nhân tiếp nhận đức tin Công Giáo, chưa kể số thân nhân của họ. Con số này rất đáng kể, vì ngoài việc giúp đỡ về phần thiêng liêng, nữ tu Cho Seong-ae còn giúp đỡ rất nhiều cho gia đình các phạm nhân trong thời gian họ chịu giam cầm trong lao lý. Nữ tu Cho Seong-ae luôn cố gắng tìm kiếm công ăn việc làm cho các gia đình để các phạm nhân yên tâm cải huấn.[1]

Tiếp tục truyền thống tranh đấu cho công bình xã hội, ngày 07/03/2007 vừa qua, khoảng 300 nữ tu Công Giáo Nam Hàn tham gia cuộc biểu tình khổng lồ, ước lượng khoảng 74,000 người, tại Hán Thành nhằm chống lại cuộc thảo luận về mậu dịch tự do giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ. Các nữ tu cho biết họ quan ngại cho số phận những nông gia Nam Hàn và đời sống công nhân các xí nghiệp trong nhiều ngành kỹ nghệ tại quốc gia này.[2] 

Rõ ràng các Nữ tu không còn phải là những người chỉ biết đọc kinh dâng lễ trong nhà thờ.  Tình yêu Chúa thôi thúc họ xuống đường tranh đấu cho cuộc sống con người.   Họ đi tìm một nền công lý xây dựng trên tình thương.  Biết bao người đã tìm được con đường về Nhà Cha nhờ những chứng từ lớn lao này !

Còn các Nữ tu Việt Nam đang quan tâm tới cái gì và đang làm gì ?!   

 

Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận tình thương bao la của Chúa, để con có thể thông cảm với tha nhân và cùng  mọi người xây dựng một nền công lý trên sức mạnh  tình yêu, chứ không trên bạo lực.  Amen.

 

đỗ lực

18.03.2007




[1] Fides 22.07.2002

[2] VietCatholicNews 11/03/2007


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà