TRUYỀN THÔNG VÀ  LỬA

(Ga 20:19-23; Cv 2:1-11)

 

 

Giữa cảnh rừng khuya, ngọn lửa bập bùng.  Những hình ảnh huyền thoại lũ lượt kéo về vùng tâm tư hoang lạnh.  Lòng người bừng lên nguồn hứng khởi vô biên.  Hiện tại và quá khứ như quyện vào nhau theo ánh lửa ngày càng dâng cao.  Ngọn lửa đã làm bùng dậy mạch sống con tim.  Ngọn lửa nối liền lòng người.  Niềm vui trào lên trong lòng tuổi trẻ.  Màn đêm như ngừng trôi.  Tất cả bắt đầu một nhịp sống mới, dù ngày đã tàn lụi ...  

Sau cảnh biệt ly trên núi Olivê tiễn Thày về trời là đêm trường thương nhớ trong lòng các môn đệ.  Niềm vui không xóa nổi nỗi nhớ.  Bỗng nhiên, ngọn lửa Thánh Linh thắp lên.  Tất cả đã thay đổi.  Một thế giới mới bắt đầu. 

 

SỨC MẠNH THẦN KHÍ

 

  Thế giới mới bắt đầu ngay lúc Chúa Thánh Thần Hiện xuống.  Quang cảnh vô cùng ngoạn mục : “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2:1-4)  Nhiều hình ảnh cho ta cảm tưởng ngọn lửa Thánh Linh chỉ đậu trên đầu Mười Hai Tông đồ.  Thực tế, mọi người hiện diện đều đón nhận ngọn lửa Thánh Thần.  Cả một biển lửa bùng lên.

Không phải vô tình Thánh Linh lấy hình ngọn lửa để công bố một thế giới mới. Bất cứ vật gì chạm tới lửa đều phải thay đổi.  Thánh Linh muốn biến mọi tín hữu thành những ngọn lửa thiêu đốt trần gian.  Miệng lưỡi các tín hữu tiên khởi đã thành những ngọn lửa biến đổi môi trường.  Mọi người kinh ngạc không phải vì tài thông thạo ngoại ngữ lạ lùng của các tín hữu, nhưng vì ngôn ngữ và văn hóa của mình vẫn được tôn trọng nguyên vẹn khi đón nhận đức tin.  Mọi khác biệt đều tìm được hiệp nhất trong Thần Khí.

Chính ngọn lửa Thánh Linh khiến tiếng nói các tín hữu soi thấu tâm hồn và mở mắt cho các dân tộc nhận biết những kỳ công của Thiên Chúa.  Kỳ công của Thiên Chúa không phải là những công việc bên ngoài, nhưng là chính sự hiệp nhất trong chân lý đức tin nơi Chúa Kitô.  Ðó là công trình của Thần Chân Lý.   Chính Thần Chân Lý đã mở mắt  muôn dân nhìn ra sự thật về Thiên Chúa và con người.  Từ đó, họ mới thấy con đường trở về với Thiên Chúa tình yêu và chấp nhận nhau như anh em.

Chính nhờ sự thật,  Thần Khí thánh hóa và làm cho cá nhân cũng như dân Chúa nên thánh.  Chúa Thánh Linh đóng một vai trò vô cùng quan trọng.  Từ cuộc tạo dựng đến ngày thế mạt, Thánh Linh luôn là quyền năng Thiên Chúa làm nên lịch sử.  Thần Khí thay đổi vạn vật.  Thân xác tơi tả của Chúa chịu đóng đinh trở thành thân thể vinh quang của Chúa Phục Sinh.  Lời loài người “chuyên chở” lời Thiên Chúa.  Bánh trở thành Mình Thánh Chúa Kitô.  Giáo Hội thành điềm báo Nước Trời …

 

LỬA TRUYỀN THÔNG

 

Ðức tin không hủy diệt, nhưng nâng cao văn hóa dân tộc.  Hơn nữa, đức tin tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng.  Thực thế, “Thiên Chúa muốn được tôn vinh và chúc tụng bằng mọi thứ ngôn ngữ, mọi nền văn hóa.  Như thế mới hiển thị rõ nét sự đa dạng đa năng giữa các chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô (1 Cr 12:12-13), cũng như được hiển thị rõ nét công trình của Chúa Giêsu và Thần Khí của Người là quy tụ về một mối những con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (Ga 11:52).”[1]   Tất cả đều do ngọn lửa Thánh Linh tác động trực tiếp đến công cuộc truyền thông của các tín hữu tiên khởi. 

“Tự bản chất, truyền thông là truyền giáo.”[2]  Thực vậy, các dân tộc phải thú nhận:  “Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.” (Cv 2:11)  Các tín hữu tiên khởi là khuôn mẫu cho những ai đang làm truyền thông hôm nay.  Họ không có những phương tiện hiện đại, nhưng nắm rất vững các nguyên tắc truyền thông như sau :

 

1.     Nội dung : những kỳ công của Thiên Chúa nơi cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu Kitô.  Chúa Kitô đã chết vì loan báo Tin Mừng cứu độ. Người là nhà truyền thông lý tưởng vì chỉ biết làm chứng và truyền thông sự thật.  Tất cả cuộc đời Người là một kỳ công tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa.  Các tông đồ và các Kitô hữu đã tìm mọi dịp để loan báo cho muôn dân biết Ðức Giêsu là “con đường, sự thật và sự sống.” (Ga 14:6)  Họ đã lấy máu đào để minh chứng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống đến trần gian để cứu độ nhân loại.

2.     Phương tiện : ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc.  Các tông đồ và tín hữu tiên khởi đã xử dụng phương tiện truyền thông đơn giản nhất là ngôn ngữ của mình.  Nhưng khi nghe họ giảng, các dân tộc “đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” (Cv 2:6)   Ðiều lạ lùng ấy chứng tỏ Thánh Linh muốn tách biệt Giáo Hội khỏi Do thái giáo.  Muốn theo Do thái giáo, người tân tòng bắt buộc phải từ bỏ ngôn ngữ và văn hóa của mình.  Ngược lại, Thánh Linh muốn phá tung mọi biên giới để Giáo Hội nhập thể vào văn hóa của các dân tộc.  Bởi thế, ngay phương tiện truyền thông cũng đã cho thấy công giáo tính của Giáo Hội.

3.     Mục đích : hiệp nhất muôn dân trong Ðức Giêsu Kitô.  Truyền thông cũng như truyền giáo phải nêu cao mục đích hiệp nhất muôn dân như Chúa đã vạch ra.  Ðây là sứ mệnh cao cả nhất Chúa đã trao phó cho Giáo Hội, nhất là cho những nhà truyền thông.  Tất cả những gì gây chia rẽ Giáo Hội đều nằm ngoài mục đích này.  Khi đã đánh mất mục đích, truyền thông còn có ý nghĩa và giá trị gì không ?  Sự khác biệt không làm cho chúng ta phải xa cách và đối kháng nhau.  Cần phải có một tinh thần cởi mở như Chúa Giêsu mới có đủ sáng suốt và kiên nhẫn tìm ra con đường đối thoại để hòa hợp và hiệp nhất.

4.     Ðối tượng : muôn dân.  “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô.” (Gl 3:28)  Không có ai bị gạt ra ngoài lề.  Truyền thông Lời Chúa cho mọi người, dù họ là ai, ở trong tình trạng hay trình độ nào. Không có một thứ Lời Chúa dành riêng cho một đấng bậc nào.  Tất cả đều bình đẳng trong việc đón nhận Lời Chúa.  Toàn thể nhân loại phải là đối tượng của truyền thông Công giáo.

5.     Nguyên tắc : phục vụ chân lý.  Người truyền thông tiên khởi của Giáo Hội đã bước theo Ðức Kitô.  Như Ðức Kitô, họ cũng là con đường để mọi người đi qua gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.  Họ là con đường dẫn mọi người đến sự sống và sự thật là Ðức Kitô.  Tương tự Ðức Kitô, họ được kêu gọi và có sứ mệnh “làm chứng cho sự thật.” (Ga 18:37)  Ðây là nguyên tắc quan trọng nhất.  Giáo Hội luôn kêu gọi mọi giới truyền thông phục vụ chân lý.  Các tin tức sai lạc và một chiều đã làm cho thế giới hôm nay nhiều rối loạn và làm con người mất hạnh phúc và tự do.  Chỉ có chân lý mới giải thoát và đem lại sư hiệp nhất cần thiết cho Giáo Hội và xã hội.  Chỉ có chân lý mới làm cho gia đình hạnh phúc và mở ra một tương lai tươi sáng.  Bởi thế, nếu chỉ nhắm thỏa mãn tham vọng hay trục lợi, truyền thông không còn tuân thủ nguyên tắc tối cao và tối cần của mình nữa.  Bao cuộc chiến tranh thiêu sống hàng triệu sinh linh cũng chỉ vì những thông tin sai lạc.  Bao người đành phải sống kiếp trâu ngựa vì sự thật bị bưng bít hay xuyên tạc.

6.     Ðộng lực : Thánh Linh.  Trước khi muốn đốt sáng trần gian và biến đổi nhân loại, người làm truyền thông phải có ngọn lửa Thánh Linh trong lòng.  “Thần Khí nói trong tâm hồn mỗi tín hữu, nơi Người cư ngụ, bằng cách làm cho họ nghe được ‘tiếng’ của Người.  Đôi khi Người bảo họ tha thứ, phục vụ, cho đi, yêu thương. Người dạy họ đâu là sự thiện, đâu là sự ác. Người nhắc nhớ và làm cho họ thực hành Lời sống, Lời mà Tin mừng gieo nơi chúng ta.  Kitô hữu phải bước đi dưới sức thúc đẩy của Thần Khí, ngõ hầu Người có thể tác động trong lòng họ với sức mạnh sáng tạo của Người, để đưa họ đến sự thánh thiện, đến chỗ được thần hoá cùng sống lại.  Chúng tôi thường cho rằng cách thế tốt nhất để mến yêu Chúa Thánh Thần, tôn vinh Người, giữ Người hiện diện trong lòng chúng ta, chính là lắng nghe tiếng Người, tiếng có thể soi sáng chúng ta trong mọi giây phút của cuộc sống...”[3]   Chính vì không được Thánh Linh thúc đẩy và bị ác thần hướng dẫn, nhiều người cố tình xuyên tạc sự thật, nhằm nô lệ hóa con người hay chia rẽ cộng đồng nhân loại và Giáo Hội.

 

 

SỨ MỆNH TRUYỀN THÔNG

 

Ngọn lửa Thánh Linh cũng đang tạo nên những sản phẩm khác nhau trong Giáo Hội và thế giới.  Nhưng nếu mỗi người cứ thu tích sức nóng Thần Khí cho riêng mình, cộng đoàn sẽ không tạo được một chứng từ giá trị nào trong công cuộc truyền thông sứ điệp của Chúa cho muôn dân.

Khi phục vụ, phải biết xóa bỏ chính mình, người làm truyền thông mới có thể hoàn thành sứ mệnh phục vụ chân lý.  Nếu họ còn cố bám lấy cái tôi, Chúa Kitô sẽ phải nhường bước. “Truyền thông không đơn thuần là diễn đạt  ý tưởng và biểu lộ tình cảm.  Nhưng khi đạt tới mức độ sâu thẳm nhất, truyền thông là tận hiến chính mình vì tình yêu.”[4]   Ngành truyền thông Công giáo Việt nam hôm nay đang phục vụ ai ?  Tại sao có tình trạng “bát nháo” như hiện nay ?  Truyền thông đó còn đóng nổi vai trò và hoàn thành sứ mệnh không ?  Có hướng dẫn dư luận hay bị dư luận hướng dẫn ?  Có theo nguyên tắc bác ái và phục vụ chân lý nữa không ? 

Chưa bao giờ dân Chúa hoang mang như ngày nay.  Muốn đem lại bình an cho dân Chúa và hiệp nhất Giáo Hội, nên nhớ mỗi người làm truyền thông là một nhà truyền giáo.  Nhà truyền giáo không thể rao giảng bằng những lời thóa mạ, kết án hay đe loi. Những thái độ và tiếng nói tiêu cực không bao giờ trình bày được sự thật cần thiết cho sự hiệp nhất.  Ðã xưa quá rồi lối truyền đạo bằng những kiểu trịch thượng như vậy.  “Giáo hội coi các phương tiện truyền thông là ‘những tặng phẩm của Thiên Chúa' quan phòng dùng để hiệp nhất mọi người trong tình huynh đệ và bởi thế giúp họ cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.”[5] 

Khi góp ý với các vị lãnh đạo, chúng ta cần cầu xin Thánh Linh ban ơn khôn ngoan.  Người là Thần Chân Lý.  Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu hứa ban Thánh Linh không những để ở với chúng ta suốt đời, nhưng còn dạy chúng ta mọi điều.  Thánh Linh hiện diện để hiệp nhất chúng ta.  Thánh Linh dẫn chúng ta vào đường ngay nẻo chính.   Không phải lúc nào cũng dễ dàng đón nghe sự thật.  Làm chứng cho sự thật càng không dễ chút nào.  Chân lý không thể giải thoát và biến đổi con người, nếu không có ơn dũng cảm từ ngọn lửa Thần Khí.  Vì Thánh Linh là Ðấng Bảo Trợ, tại sao chúng ta không theo lẽ phải mà tranh đấu cho công lý ?

Cần gấp rút nhìn sâu vào thực tế để cùng tìm hiểu sức mạnh và tầm mức đại chúng của các phương tiện truyền thông trong công cuộc giáo dục và truyền giáo cho muôn dân hôm nay.   “Dù được trình bày cho các cá nhân, các phương tiện truyền thông xã hội, cũng đụng chạm và ảnh hưởng tới toàn thể xã hội.  Các phương tiện đó giúp đại chúng nhanh chóng biết những gì đang xảy ra trên thế giới và những quan điểm đương thời.  Bởi thế, để giúp xã hội hiện đại hoạt động nhịp nhàng với những nhu cầu phức tạp và luôn biến đổi, và luôn có những thảo luận liên khắn khít trong xã hội, chúng ta không thể bỏ qua những phương tiện truyền thông này.  Ðiều này rất phù hợp quan niệm Kitô giáo về cách thức con người sống chung với nhau.  Các tiến bộ kỹ thuật này có mục đích cao cả là đưa con người lại gần nhau.  Khi cho nhau biết về những nỗi sợ và niềm hy vọng chung, con người  giúp nhau giải quyết vấn đề.  Và dựa trên tiêu chuẩn này, Kitô hữu đánh giá các phương tiện truyền thông có góp phần vào hạnh phúc nhân loại hay không.”[6]

 Hơn nữa, “các thách đố giáo dục trong thế giới hiện nay thường liên hệ tới ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, đang cạnh tranh với trường học, Giáo Hội, và ngay cả với gia đình nữa. Trong bối cảnh này, việc đào tạo để sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông thật là quan trọng: cha mẹ, các giáo viên và cộng đoàn Giáo Hội được kêu gọi để hợp tác trong việc giáo dục các thiếu nhi và thanh niên biết chọn lựa và trưởng thành trong việc phê bình, biết đánh giá cái gì thực sự là đẹp đẽ và phù hợp với luân lý. Đàng khác, các phương tiện truyền thông cũng cần phải góp phần của mình trong công cuộc giáo dục, bằng cách cổ võ phẩm giá của con người, của hôn nhân và gia đình, những thành tựu của nền văn minh. Không thể nào chấp nhận được những chương trình nào gieo rắc bạo lực và những thái độ phản xã hội, hoặc hạ giá phái tính, nhất là khi trình diễn cho các vị thành niên. Vì thế tôi xin lặp lại lời kêu gọi những nhà hữu trách trong kỹ nghệ sản xuất phim ảnh, những người hoạt động trong ngành truyền thông, xin họ hãy bảo vệ ích lợi chung, tôn trọng chân lý và che chở phẩm giá của con người và của gia đình.”[7]

Cần phải chú ý tới những vấn đề lớn lao như thế trong truyền thông, thay vì tốn bao thời giờ cãi vã nhau về những vấn đề quá xưa và không thiết thực.  Có người quá khích đến nỗi moi móc đời tư của các linh mục.  Những xâm phạm như thế không phù hợp với những nguyên tắc tối thiểu trong ngành truyền thông.  Cần hướng về tương lai để bắt kịp đà tiến của Giáo Hội và xã hội.

Chưa bao giờ Thiên Chúa trao vào tay Giáo Hội một phương tiện rao truyền Lời Chúa lớn mạnh như ngày nay. Muốn xử dụng chính xác truyền thông dưới mọi hình thức hiện đại, theo gương các tín hữu tiên khởi,  người thông tin Công giáo trước tiên phải là người có lòng tin chân thành và đầy hứng khởi, người đã gặp Thiên Chúa và cộng tác với Giáo Hội trong việc loan báo sứ điệp. Trong đời sống hằng ngày, họ phải trung thành với sứ điệp và sáng tạo trong những hình thức để loan truyền sứ điệp này, luôn luôn với viễn tượng của chân lý, ích lợi chung và tự do.”[8]

 

Lạy Chúa, xin sai Thánh Linh đến hướng dẫn và hun nóng các nhà truyền thông để họ ngày càng phục vụ dân Chúa tốt đẹp và hữu hiệu hơn.  Xin Chúa trả công bội hậu cho những ai đang dấn thân tích cực vào  ngành  truyền thông.  Xin cho GHVN có đủ cơ hội vànhững phương tiện truyền thông  hiện đại để rao truyền Danh Chúa khắp nơi.   Amen.

 

đỗ lực

27.05.2007

 



[1] Lời Chúa Cho Mọi Người, 2005:529.

[2] ÐGM Foley, Zenit 21.05.2007.

[3] Chiara Lubich, trích lại từ Lm. Fabio Ciardi & Gabriella Fallacara, trong Lời sống Tháng   Sáu 2007.

[4] ÐGH Phaolô VI, “Communio et Progressio,” 23.05.1971.

[5] Ibid.

[6] Ibid.

[7] ÐGH Bênê đictô XVI, “Các thiếu nhi và phương tiện truyền thông: một thách đố cho cuộc giáo dục.”

[8] ÐGM Foley, Zenit 21.05.2007.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà