CHÁY NHÀ RA MẶT CHUỘT

(Mt 7:21-27)

 

Vừa qua, trận động đất Bên Trung Hoa đã làm tiêu tan bao công trình con người. Gần trăm ngàn người bị chôn vùi dưới đống gạch. Trong số đó, có cả 900 học sinh trung học đã mất mạng cùng với thày cô dưới mái nhà trường. Nghe tin ấy, có lẽ ai cũng cảm thấy cuộc sống thật mong manh. Phải chăng đây là lúc“địa cầu bị lung lay tận gốc” ?

Thực ra, khi đặt vấn đề về nền tảng địa cầu bị lung lay, Kinh Thánh muốn ám chỉ đến tình trạng đạo đức suy đồi của con người. (Xin nói ngay, động đất không có liên quan gì tới việc đạo đức cả !) Tình trạng xuống cấp đó không chỉ có nơi những người tầm thường, nhưng ngay trong những hàng đạo đức nữa. Bởi đó, Chúa mới nói : “Không phải bất cứ ai thưa với Thày : ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’ là được vào Nước trời cả đâu.” (Mt 7:21) Tại sao Chúa đặt vấn đề tận căn như vậy ? Ðâu là cái nhìn xác thực của Chúa về người môn đệ chân chính ? Sự công chính bản thân có liên hệ gì tới sự công chính hóa nhân loại không ?

 

VỠ MỘNG

 

Cuộc sống luôn có những biến động. Nhờ vậy, nhiều sự thật mới được tiết lộ. Ðáng lý cuộc động đất bên Tàu đã không gây tổn hại về nhân mạng nhiều như thế, nếu con người biết sống theo lương tâm và lẽ công bình. Chỉ vì bọn tham nhũng đã đục khoét xi măng, công trình không còn đủ tiêu chuẩn xây dựng. Nền móng và kèo cột không đủ sức chịu đựng trước cơn chấn động. Ðúng là “người ngu dại xây nhà trên cát ... nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.” (Mt 7:27) Ngu dại chỉ vì tham lam, ích kỷ, chỉ lo vinh thân phì da,  sống chết mặc bay ... !

Ðó là thái độ của những kẻ ở xa Nước Trời.  Vậy ai gần Nước Trời ? Phải chăng đó là những người siêng năng đi lễ, chầu Thánh Thể, lần hạt, làm tuần chín ngày v.v. ? Phải chăng đó là những người tưởng mình thực hành Lời Chúa khi tham gia đủ thứ hội đoàn, hoạt động bác ái hay dạy giáo lý ? Biết bao người đã bị lọt ra ngoài sổ hằng sống, mặc dù suốt ngày lẩm bẩm “Lạy Chúa ! Lạy Chúa” hay “nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ.” (x. Mt 7:21-22) Như vậy, phụng vụ và phục vụ đều có thể có vấn đề. Nếu còn lấn cấn với những công kia việc nọ, chúng ta vẫn chưa biết đâu là con đường cứu độ của Chúa.

Vấn đề chính yếu là phải cố gắng “vào Nước Trời,” (Mt 7:21) nghĩa là sống công chính để được cứu độ. Dù phải vật lộn với cuộc sống, chúng ta “phải tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước đã !”  Ðó là “ý muốn của Cha Thày.” (Mt 7:21) Còn ai biết rõ ý Chúa bằng Ðức Giêsu Kitô ? Thế nên, muốn biết ý Chúa, cần phải đích thân đào sâu mối liên hệ thân tình với Người. Có kết hiệp sâu xa với Người, mới có cái nhìn và tấm lòng như Người. Từ đó, mới thấu hiểu ý nghĩa của ơn cứu độ vĩnh cửu. Nếu không, những lời giảng dạy và các việc bác ái đều trống rỗng và vô nghĩa. Nói khác, cần phải lấy ý Chúa làm ý nghĩa và động lực cho mọi việc cầu nguyện và hy sinh. Thánh ý Chúa quả là động lực mạnh mẽ nhất bảo đảm cho mọi công trình tồn tại giữa những thử thách lớn lao.

Người ta có thể dành nhiều thời giờ hy sinh cho Giáo hội, nhưng cuối cùng phải ngỡ ngàng vì thấy mọi công trình của mình rỗng tuếch, vì đã không xây dựng trên nền tảng là Chúa Kitô. Muốn đứng vững qua cơn bão táp, chúng ta phải “xây nhà trên đá” (Mt 7:24) là Ðức Kitô. Chỉ có Người mới là nền tảng vững chắc, vì Người là chân lý và tình yêu. Trong Người chúng ta mới có thể phóng tầm nhìn về tương lai giữa bóng đêm đầy giông tố. Chúng ta chỉ trở nên công chính trước Thiên Chúa khi hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Kitô. Chúng ta có thể mắc ảo tưởng sống trong ơn nghĩa Chúa, khi có biệt tài giảng dạy và làm phép lạ, nhưng lại coi thường công lý, bác ái và lòng trung tín.

Con đường sống phải được xây dựng trên chân lý, công lý và tình yêu. Chỉ khi nào tin tưởng và xác tín vào Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể trở nên công chính. Có trở nên công chính, chúng ta mới có thể đem lại công lý và tự do cho con người.

 

ÐƯỜNG LỐI THIÊN CHÚA

 

Tất cả mọi nẻo đường Chúa Kitô đều nhằm công chính hóa trần gian. Nói khác, Người có sứ mệnh mạc khải tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Quả thực, “tình yêu thúc đẩy Chúa Giêsu hoạt động giữa loài người là tình yêu Chúa đã kinh nghiệm trong mối tình hiệp nhất sâu xa với Chúa Cha. Tân Ước cho ta đi sâu vào kinh nghiệm về tình yêu Chúa Cha mà chính Chúa Giêsu đang sống và thông chia cho ta – ‘Abba’ – Bởi đó, kinh nghiệm ấy cho phép ta đi vào tận trung tâm của đời sống Thiên Chúa. Chúa Giêsu loan báo Thiên Chúa đầy lòng thương xót và giải thoát những ai Người gặp trên đường đời, bắt đầu là người nghèo, người ngoài lề xã hội, người tội lỗi. Người mời gọi tất cả bước theo Người, vì Người là người đầu tiên tuân theo kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa.”[1] Người đi sâu vào cuộc sống trần gian để đưa con người vào tận cung lòng Thiên Chúa. Càng thâm nhập vào sự sống Thiên Chúa, càng được công chính hóa.

Chỉ khi lên cao tới mức tuyệt đối đó, con người mới có thể nhận ra sự thật sau đây. “Nơi Ðức Giêsu, Thiên Chúa Cha đã có sáng kiến ban ơn cứu độ toàn vẹn cho con người, và đã được Chúa Thánh Thần hoạt động để tác sinh và chuyển giao. Ðó là ơn cứu độ dành cho mọi người và cho toàn thể con người. Ðó là ơn cứu độ phổ quát và toàn vẹn. Ơn cứu độ đó liên quan tới con người trong mọi chiều kích : cá nhân và xã hội, thiêng liêng và vật chất, lịch sử và siêu việt.”[2] Nói khác, sự công chính phải ăn sâu vào mọi ngõ ngách cuộc đời

Sự công chính toàn diện đó là lòng đạo đức cần thiết để thực hiện mọi công cuộc công chính hóa trần gian. Nếu chỉ chú tâm một chiều, ngay cả trong chiều cạnh cao trọng nhất là phụng vụ, con người dễ rơi vào thế mất quân bình. Chạy đàng nào cũng không khỏi con mắt tinh tường và bén nhạy của Chúa.  Ngay cả khi nhân danh Chúa mà trừ quỷ, làm phép lạ, nói tiên tri, chưa chắc đã bảo đảm mình đang thực hiện những việc của Chúa. Biết bao người nhân danh Chúa để làm những việc bất chính.

Thật là căng thẳng ! Làm sao bây giờ ?! “Thực ra, đạo đức chân chính là đáp trả và đón nhận lời mời gọi của Chúa một cách tự do. Tất cả niềm tin và việc đạo đức thực sự đều hệ tại việc “hiến toàn thân cho Thiên Chúa, đáp trả tình yêu Chúa đã dành cho chúng ta một cách sung mãn (x. 1 Ga 4:10) bằng cách yêu thương anh chị em một cách cụ thể.”[3] Nếu chỉ làm việc bác ái như phát chẩn hay bố thí, mà làm lơ trước cảnh anh chị em đang bị đàn áp bất công, chúng ta đã yêu người một cụ thể chưa ?

Giữa dòng đời hôm nay, “dù là nam hay nữ, con người cũng phải đáp trả lại hồng ân cứu độ, không phải bằng việc đón nhận phiến diện, trừu tượng hay thuần túy lý thuyết, nhưng bằng cả cuộc sống – trong mọi tương quan làm nên cuộc đời – sao cho đừng thờ ơ trước bất cứ điều gì, đừng để cuộc sống nhuốm mùi trần tục, không còn liên hệ hay xa lạ với ơn cứu độ. Vì thế, Giáo hội có quyền công bố Tin Mừng trong bối cảnh xã hội, làm cho lời giải thoát của Tin Mừng vang dội trong những thế giới phức tạp con người đang sống : sản xuất, lao động, kinh doanh, tài chánh, thương mại, chính trị, luật pháp, văn hóa, truyền thông xã hội.”[4] Làm sao có thể công bố Tin Mừng giải thoát, nếu Giáo Hội đứng ngoài cuộc tranh đấu cho công lý và nhân quyền ?

 

 

ÐỐI THOẠI NHƯ MỘT PHÉP MẦU

 

Giữa xã hội đầy bất công, Kitô hữu càng phải quan tâm tới việc rao giảng Tin Mừng dưới mọi hình thức. Dù sống giữa những khó khăn và chống đối, họ phải đảm trách và hoàn thành sứ mệnh Giáo hội. Suốt đời, họ dồn mọi nỗ lực vào việc “bảo vệ và đề cao nhân phẩm, cũng như xây dựng một trật tự xã hội dựa trên các giá trị công lý, chân lý, tự do và tình yêu.”[5] Hành động như thế có bị Chúa nguyền rủa và loại bỏ hay bị kết án là hoạt động chính trị không ?  Thưa không ! Vì “được Thiên Chúa kêu gọi hưởng ơn cứu độ và đặt vào cõi đời, con người có thể làm việc để sống hạnh phúc trong một xã hội an bình.”[6] Nhưng làm sao bình an, nếu nhân quyền không được tôn trọng trong một xã hội công bình và tự do ? Ðó là quyền lợi chính đáng và tự nhiên của con người và xã hội.

Làm cách nào đạt tới mục tiêu thực tiễn và khó khăn đó ? - Ðối thoại ! Ðó là việc Giáo Hội đang thực hiện với các chính quyền ở Trung hoa, Việt Nam, Ả rập Saudi. “Cuộc đối thoại có tổ chức giữa Giáo hội và chính quyền nhằm đem lại phúc lợi của dân chúng và cộng đồng nhân loại. Cuộc đối thoại này nhằm thiết lập hay củng cố sự hiểu biết và hợp tác với  nhau., và cũng nhằm ngăn ngừa hay giải quyết rốt ráo những ý kiến bất đồng. Mục đích cuộc đối thoại nhằm góp phần thăng tiến mỗi dân tộc và toàn thể nhân loại trong công lý và hòa bình.”[7]

Ðối thoại đã trở thành phương tiện ngoại giao hữu hiệu trên bàn cờ quốc tế. Thực vậy,  trước các đại biểu 174 quốc gia và các tổ chức có liên hệ chính thức với Tòa Thánh, ÐGH Bênêđictô XVI đã xác quyết : “Xin quý vị hiểu cho rằng, đặc biệt tôi rất nhạy cảm  với việc đối thoại giữa các dân tộc. Ðối thoại là con đường vượt qua mọi hình thức xung đột và căng thẳng và làm cho thế giới trở thành một miền đất hòa bình và đầy tình huynh đệ.”[8] Ði từ một ý thức và xác tín đó, phái đoàn Tòa Thánh Vatican đã viếng thăm Việt Nam lần thứ 14 với những kết quả tích cực.

 Trong suốt một tuần viếng thăm Việt Nam vừa qua, phái đoàn Tòa Thánh Vatican đã bàn thảo với phái đoàn Việt Nam về các mối liên hệ ngoại giao, tự do tôn giáo, bổ nhiệm Giám mục. Giờ đây tín hữu có thể hy vọng trong tương lai ÐGH sẽ viếng thăm Việt Nam. Các cuộc hội thảo đã diễn ra trong bầu khí thân thiện, thành thực và tương kính … Phái đoàn nhà nước nêu bật vai trò của cộng đoàn Công giáo trong đất nước. Phái đoàn Tòa Thánh hy vọng các người Công giáo có thể truyền bá các giá trị đạo đức, nhất là trong việc giáo dục giới trẻ và liên đới với những nhóm xã hội yếu kém nhất, trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng về xã hội và kinh tế. Cả hai phía đều chú tâm “đề cập đến những vấn đề chưa được giải quyết và có thể tìm thấy sự đồng thuận về một giải pháp qua cuộc đối thoại kiên nhẫn và xây dựng.”[9] Nếu đúng như thế, Giaó Hội Việt Nam có quyền hy vọng về một ngày mai tốt đẹp. Tuy nhiên, thực tế vẫn cần nhiều kiên nhẫn và cầu nguyện cho niềm hy vọng sớm thành sự thật.

Nhìn chung tình hình thế giới, ÐGH Bênêđictô XVI nói công lý, tình liên đới, hòa bình phải hướng dẫn các quốc gia. Người nói : “Cộng đồng quốc tế nên tỉnh thức trước việc phân chia tài sản trong hành tinh này. Ðó là một bổn phận do công lý đòi buộc … Thực vậy, công lý và tình liên đới, việc loại bỏ bạo lực, và tình huynh đệ phải hướng dẫn các mối liên hệ quốc tế.”[10] Công lý cần thiết hơn bao giờ. Ðó là đòi hỏi căn bản nhất nhưng không phải là điều duy nhất chi phối cộng đồng nhân loại. Thực vậy, theo ÐGH, “tiêu chuẩn nền tảng trong lãnh vực chính trị là tìm kiếm chân lý, để phẩm giá và quyền lợi của mọi người luôn được tôn trọng, và để mọi người cư ngụ trong một nước có thể chia sẻ tài sản quốc gia.  Nhưng cộng đồng nhân loại không được dừng lại ở công lý mà thôi, họ nên “tỏ tình liên đới với các dân tộc nghèo đói nhất. Tình huynh đệ cũng phải đươc khai triển, để có thể “xây dựng những xã hội hài hòa và bình an,”   để  rốt ráo giải quyết những vấn đề “qua cuộc đối thoại và thương thảo, chứ không qua bạo lực dưới mọi hình thức.”[11] Bạo lực bắt nguồn sự bất chính trong lòng người. Chỉ có sự công chính mới đem con người xích lại gần nhau. Nói khác, đối thoại phải có nền tảng và nguồn gốc từ sự công chính của Chúa.

Như thế, có thể coi đối thoại như một phép mầu giúp giải quyết mọi vấn đề về công lý và nhân quyền. Làm cách nào để có thể có khả năng đối thoại ? Có lẽ trong “Lời Chủ Chăn tháng 7.2008,” khi đề cập đến “những thể thức Chúa Giêsu thực hành giáo dục,” ÐHY Phạm Minh Mẫn muốn giới thiệu đường lối dẫn tới đối thoại : giảng truyền lời Chúa, nêu gương sống yêu thương và dạy yêu thương, thể thức cầu nguyện.[12]

Hy vọng ÐHY có ý nói sống yêu thương là sống công chính. Nếu không, tuyệt đối thể thức nêu gương công chính và công lý của Chúa Giêsu không được đề cập tới trong “Lời Chủ Chăn” đó. Vấn đề lớn nhất ở Việt Nam hôm nay không phải là tình yêu, nhưng là công lý. Vả lại, Chúa Giêsu cũng nói : “Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người,” chứ không phải tình yêu. Chính vì mất ý thức về công lý, nên nhiều người đang đau khổ vì sự gian trá, lừa đảo, tham nhũng, hối lộ, trộm cướp tràn lan khắp nơi.Bởi vậy, công việc giáo dục lương tâm về công lý quan trọng và cần thiết hơn bao giờ !

Tóm lại, Chúa Giêsu muốn thanh lọc tất cả mọi hình thức khiến con người có thể xa Chúa. Ngay cả khi cầu nguyện hay làm việc bác ái nhân danh Chúa, Kitô hữu cũng phải tỉnh thức. Chỉ có thánh ý Chúa nơi Chúa Kitô mới cho chúng ta thấy mình phải bắt đầu từ đâu và kết thúc chỗ nào. Một lòng đạo đức đích thực phải bắt nguồn và quy chiếu về thánh ý Chúa, nhưng đồng thời cũng phải được xây trên nền đá là Ðức Kitô. Từ đó, con người có thể mở rộng tấm lòng đón nhận và đối thoại với tha nhân. Ðối thoại như một con đường đưa con người vượt qua mọi hình thức xung đột và căng thẳng, để cộng đồng nhân loại thành nơi chung sống hòa bình và đầy tình anh em.

 

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng Thần Khí để có thể khám phá ra thánh ý Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con luôn can đảm xây dựng mọi công trình trên tảng đá vững chắc là Ðức Kitô. Amen.

 

đỗ lực 01.06.2008

 

 



[1] Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, 29.

[2] Ibid., 38.

[3] Ibid., 39.

[4] Ibid., 70.

[5] Ibid., 445.

[6] Ibid.

[7] Ibid.

[8] http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=3266

[9] http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=8718

[10] http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=12385&size=A

[11] Ibid.

[12] www.conggiaovietnam.net 


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà