SỨC MẠNH LỜI CHÚA

(Mt 10:26-33)

 

Hiện nay, kinh tế toàn cầu đang trải qua cơn khủng hoảng. Thực phẩm và xăng dầu tăng vụt, khiến mọi người, nhất là người nghèo, lâm vào tình trạng rất khó khăn. Nguyên nhân tại đâu ? Theo tường trình từ Sở Thống Kê Dân Số Thế Giới, một phần vì nhu cầu phát triển kinh tế ở Trung Hoa và Ấn độ ngày càng tăng.

Năm 1800, dân số thế giới mới có 1 tỷ. Phải đợi 130 năm sau, dân số thế giới mới thêm 1 tỷ. Năm 1999, dân số thế giới mới có 6 tỷ. Năm 2012, dân số thế giới sẽ tăng lên  7 tỷ. Như vậy, chỉ cần 13 năm, dân số thế giới đã tăng thêm 1 tỷ. Càng nghèo đói, càng tăng nhanh dân số. Các nước Phi châu, Á châu và Trung Ðông, trung bình một phụ nữ có hơn 6 đứa con.[1]

Nhân loại sẽ đi về đâu  khi dân số tăng quá nhanh như vậy ? Trước tiên, ai cũng thấy vấn đề lớn nhất là lương thực. Nhưng liệu lương thực có giải quyết được mọi vấn đề không ? Vấn đề chính không phải là sản xuất cho nhiều, nhưng là phân phối cho đều lương thực cho mọi người. Nếu người giàu khư khư nắm hết nguồn lợi kinh tế, làm sao người nghèo không nổi loạn ? Làm sao người giàu có thể sống bình an ? Làm sao giúp người giàu ý thức trách nhiệm đối với người nghèo ?

Không trợ lực nào hơn Tin Mừng, vì Chúa quả quyết Tin Mừng dành ưu tiên cho người nghèo (x. Lc 7:22) Nhưng làm sao rao giảng Tin Mừng tình yêu giữa một xã hội toàn những người giàu đầy thế lực ? Làm sao những sứ giả Tin Mừng thoát khỏi nguy hiểm trong khi thi hành sứ mạng ?

Chúa Giêsu cũng thấy trước những mối đe dọa đang rình rập các môn đệ, nên Chúa đã trấn an : “Anh em đừng sợ người đời.” (Mt 10:26) Dựa vào đâu, Chúa dám khuyên môn đệ như thế, trong khi không có một tấc sắt trong tay ?

 

TRẤN AN MÔN ÐỆ

 

Thoạt nghe, ai cũng tưởng Lời Chúa hôm nay xoay quanh sự sợ hãi. Nhưng càng đọc, càng thấy điểm chính là việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Kitô. Sở dĩ Chúa trấn an các môn đệ khi trao sứ mạng rao giảng cho các ông, vì giữa một thế giới đầy kẻ thù, họ phải biết sức mạnh của mình ở đâu. Dù phải sống ngay trong lòng địch, sứ giả Tin Mừng vẫn không nao núng, vì “có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì.” (Tv 118:6) Vậy đâu là sức mạnh Lời Chúa ?

Trước hết, Lời Chúa là chân lý. Tự bản chất, chân lý có một sức mạnh. Tất cả những phương tiện và sức mạnh kẻ thù chỉ là những lực lượng thần chết, không thể nào đối địch với sức mạnh Tin Mừng, vì “Lời Chúa là thần khí và là sự sống.” Còn chỗ dựa nào vững chắc hơn Lời Chúa ? Còn ai cần tin tưởng vào Lời Chúa bằng người môn đệ ? Sứ giả Tin Mừng đích thực luôn tìm được sức mạnh nơi Lời Chúa (x. Tv 119:114).

Sức mạnh đó phát xuất từ niềm tin sứ giả, vì họ tin Thiên Chúa quan phòng đầy khôn ngoan, nhưng cũng là người Cha dầy lòng thương xót. Chỉ Thiên Chúa mới có quyền năng tuyệt đối bao trùm cả đời này lẫn đời sau, cả thể xác và linh hồn (x. Mt 10:28). Quyền hành của loài thụ tạo đầy giới hạn, làm sao có thể so sánh với quyền năng Thiên Chúa là Tin Mừng ?

Thực tế, giá trị con người được Thiên Chúa quy định và bảo đảm. Không dễ gì Thiên Chúa hủy bỏ một công trình do Chúa dựng nên. Vì được Thiên Chúa đánh giá cao như thế, người môn đệ càng tự tin vào công cuộc rao giảng Tin Mừng giữa mọi nghịch cảnh. Thật vậy, Chúa Giêsu dùng hình ảnh minh họa sự bảo đảm sinh mạng chứng nhân và sứ giả Tin Mừng : “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt 10:29.31) Nghe đến đây, chắc người môn đệ ngước mắt nhìn trời và nhận ra bài học thật đơn giản về đường lối Chúa quan phòng cũng như sức mạnh Thiên Chúa.    

Sống trên đời, thế nào chẳng có lúc sứ giả Tin Mừng phóng tầm nhìn về thời cánh chung để tìm sức mạnh làm chứng cho Chúa Kitô. Trước nhan Thiên Chúa, không ai có thể đứng vững, nếu Chúa Kitô không bào chữa. Ngày sau cùng, ai cũng muốn được Thiên Chúa chấp nhận vào hưởng hạnh phúc và vinh quang trong Nước Chúa.  Làm sao có thể thấy trước giờ phút huy hoàng đó, nếu không khám phá ra mối tương quan giữa những chứng từ hôm nay và phần thưởng thời cánh chung (x. Mt 10:32-33) ?

Sau cùng, khi đã vững tin, người môn đệ Chúa hiên ngang lên đường rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Lời Chúa sẽ gặp cơn thử lửa khi cọ sát với thực tế. Trước đây trong một phạm vi nhỏ hẹp giữa Thày trò, có lẽ Lời Chúa chưa đặt ra nhiều vấn đề. Những khi lời Thày được loan truyền giữa thanh thiên bạch nhật (x. Mt 10:27).  Lời Chúa như ánh sáng soi vào trần gian ngập tràn bất công tăm tối. Ðó là thế yếu của trần gian. Người môn đệ Chúa Kitô phải thấy được thế yếu đó, để lấy sức mạnh công lý trong Lời Chúa dẹp tan mọi cơ chế bất công.

 

TỰ DO RAO GIẢNG TIN MỪNG

 

Chắc chắn phải tạo ra nỗi sợ nơi quần chúng, cơ chế bất công mới có thể tồn tại. Nỗi sợ hãi bóp nghẹt tự do và làm tiêu tan tất cả những giá trị cao đẹp như nhân phẩm, đạo đức, tự do … Bởi vậy, Chúa mới căn dặn các môn đệ phải làm mọi cách để vượt qua nỗi sợ và sống trong tự do của người môn đệ và con cái Chúa. Nếu có một niềm tin tuyệt đối vào sự quan phòng và tình yêu Thiên Chúa, trở ngại bên ngoài không còn thành vấn đề cho những sứ giả Tin Mừng nữa. Trở ngại lớn nhất nằm ngay trong lòng người.

Có vượt qua được nỗi sợ, mới có thể có sức mạnh rao giảng Lời Chúa cho mọi người.Thật vậy, dù là nam hay nữ, con người phải đáp lại hồng ân cứu độ không phải chỉ bằng cách chấp nhận một cách vụn vặt, trừu tượng hay thuần túy lý thuyết, nhưng bằng cả cuộc sống – trong mọi tương quan xác định cuộc sống - để đừng coi thường bất cứ điều gì mà cho đó là trần tục và thế gian không liên hệ hay xa lạ với ơn cứu độ. Giáo hội có quyền công bố Tin Mừng trong hoàn cảnh xã hội, làm cho lời giải thoát của Tin Mừng vang lên trong những thế giới phức tạp nơi con người đang sinh sống với những việc sản xuất, lao động, giao thương, tài chánh, thương mại, chính trị, luật pháp, văn hóa, truyền thông xã hội.”[2] Dấn thân vào bất cứ lãnh vực nào, sứ giả Tin Mừng cũng gặp những áp lực khiến mình sợ hãi. Kẻ yếu bóng vía đành co cụm lại và không dám hành động, lấy lý do phải sống khôn ngoan. Sự khôn ngoan theo kiểu thế gian khiến người ta có thể bỏ quên bổn phận và sứ mệnh quan trọng nhất.

Nhưng, “vì Tin Mừng và đức tin có liên hệ tới quần chúng, vì những hậu quả do sự bất công, tức tội lỗi, Giáo hội không thể vô tư trước những vấn đề xã hội. Giáo hội có quyền loan báo các nguyên tắc đạo đức mọi nơi mọi thời, kể cả những nguyên tắc liên quan tới trật tự xã hội, và phán quyết về bất cứ vấn đề gì của con người, tùy mức độ những quyền căn bản của con người hay việc cứu độ các linh hồn đòi hỏi.”[3] Khi can thiệp vào các vấn đề như thế, nhờ Lời Chúa hướng dẫn, Giáo hội có thể phục vụ con người một cách hữu hiệu, nếu các người lãnh đạo tỏ ra can đảm và đủ bản lãnh. Nếu không dám hy sinh dấn thân, cơ chế bất công ngày càng đàn áp con người. “Thực vậy, làm sao có thể công bố giới răn mới mà không cổ võ sự tiến bộ đích thực của con người trong công lý và hòa bình ?”[4] Giới răn mới trong Tin Mừng chính là tình yêu. Tình yêu khiến con người biết tôn trọng và liên đới với nhau.

Nếu không có tự do, không thể loan báo Tin Mừng. Tự do không chỉ lệ thuộc vào những điều kiện khách quan, nhưng cũng tùy thái độ đức tin của người rao giảng Tin Mừng. Nếu có một tinh thần như thánh Phaolô, thì “dù gặp thời thuận lợi hay không thuận lợi, tôi vẫn cứ rao giảng.” Dù ngay khi bị tù đầy, thánh nhân cũng thấy “Lời Chúa không bị xiềng xích.” Thánh nhân cảm thấy bổn phận bó buộc đến nỗi “khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” (1 Cr 9:16) Thật vậy, “quyền (loan báo Tin Mừng) đồng thời cũng là bổn phận, vì nếu bỏ bê bổn phận này, Giáo Hội sẽ phủ nhận chính mình và không còn trung thành với Chúa Kitô.”[5] Rất nhiều những người thợ bỏ dở công việc trên cánh đồng của Chúa, chỉ vì quá sợ hãi. Ðối với những sứ giả Tin Mừng thực sự, không có nơi nào không thể rao giảng Tin Mừng. Ðối với những người có lòng tin và đầy ân sủng, nơi nào cũng có thể thiết lập Nước Thiên Chúa cho muôn dân sống trong hòa bình và công lý.

 

VƯỢT QUA NỖI SỢ

 

Nhật bản là một cường quốc gương mẫu cho mọi nước phát triển. Chắc chắn đời sống dân chúng được các hệ thống an sinh xã hội bảo đảm. Của cải vật chất dư thừa. Mức tiến bộ về mọi mặt phải làm cho thế giới nể phục. Thế nhưng, cuộc sống vẫn tràn ngập những nỗi thất vọng, sợ hãi. Bằng chứng, theo Reuters, tại Nhật Bản, tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Năm 2007 vừa qua, hơn 33,000 người tự tử, mặc dù chính phủ đã tìm mọi cách giảm bớt số người tự tử đó. Không giống các bệnh tật khác, phần lớn tự tử vì những vấn đề xã hội, [6] chứ không phải vì nghèo đói.

Rõ ràng ngay tại một nước sung túc và phát triển mọi mặt, con người vẫn gặp bế tắc. Như vậy, vật chất không phải là giải pháp số một cho một nhân loại quá đông đúc hôm nay. Vậy đâu là lối thoát cho con người ?

Tại quận hạt Akita, Nhật bản, số người tự tử lên cao nhất năm 2003 khoảng 520 và xuống thấp cũng khoảng 420 năm 2007. Theo một viên chức tại đó, “vấn đề không thể nào giải quyết, nếu toàn thể cộng đồng không hiểu đây là một vấn đề. Khác với một vài bệnh tật, tự tử bắt nguồn từ một phạm vi xã hội rộng lớn. Bởi vậy việc quan trọng là phải có những thay đổi trong xã hội - chẳng hạn thất nghiệp tăng cao hay nợ nần leo thang – và tiếp tục đưa ra những biện pháp mới phù hợp với những thay đổi đó.”[7] Nghĩa là vấn đề thuần túy chỉ nằm trong lãnh vực xã hội. Nếu giải quyết được vấn đề thất nghiệp hay nợ nần là mọi bế tắc đều được khai thông.

Nhưng thống kê lại cho thấy ngược lại. “Sau thập niên 1980, khi nền kinh tế bấp bênh, số người già từ 60 trở lên tự tử là 9 %. Năm ngoái (2007)  số người già tự tử lên tới 12,100 người, trong khi số người trẻ giảm nhẹ.”[8] Ở tuổi 60 trở lên, đa số người già đã về hưu, làm sao thất nghiệp còn ảnh hưởng quá lớn đối với họ như vậy ?

Ða số dân Nhật coi tự tử là một vấn đề cá nhân. Nếu đó là vấn đề cá nhân, giải pháp phải nằm sâu tận tâm linh con người. Chính ở đây, vấn đề phải gây nhức nhối cho Giáo hội. Tại sao bước chân sứ giả Tin Mừng đã đặt lên đất Phù Tang trước cả Việt Nam, đến bây giờ dân Nhật vẫn chưa tìm được một lối thoát trong Tin Mừng ? Phải chăng chưa vượt qua được những giới hạn xã hội, văn hóa và tôn giáo, nên các sứ giả chưa đủ khả năng đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật bản ?

Khác với Nhật bản, giới hạn nào ngăn cản Giáo Hội Việt Nam đến với dân tộc ? Giới hạn nào không cho phép chúng ta đến với những người bị tù đầy, áp bức, nghèo đói, neo đơn ? Bao nhiêu thế hệ nữa mới có thể đem Tin Mừng đến người già cả và giới trẻ ? Bao giờ Tin Mừng thành niềm vui giải phóng cho những người vô thần ?

Ngày xưa dù phương tiện vật chất rất nghèo nàn, các tông đồ đã rao giảng Tin Mừng cho rất nhiều người. Ngày nay với biết bao phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta tưởng có nhiều cơ hội rao giảng Lời Chúa. Nhưng thực tế chúng ta làm ít chừng nào ! Tại sao ? Vì nỗi sợ trong ta còn quá lớn …

 

Tóm lại, Chúa muốn các môn đệ phải rao giảng Tin Mừng với bất cứ giá nào. Những mối đe dọa bất cứ từ đâu không thể làm cho họ quên lãng hay bỏ bê sứ mạng cao cả đó, vì có những bảo đảm vững chắc nơi Thiên Chúa quan phòng đầy quyền năng và vô cùng nhân ái. Mối tương quan giữa hiện tại và thời cánh chung cũng mạc khải cho họ thấy trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

 

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã sai chúng con rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa để có thể vượt qua sự sợ hãi mà đem bình an và ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Amen.

 

đỗ lực 22.06.2008

 



[1] http://news.yahoo.com/s/ap/20080619/ap_on_re_us/world_population

[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 70.

[3] ibid., 71.

[4] ibid., 66.

[5] Ibid., 71.

[6] http://news.yahoo.com/s/nm/20080619/lf_nm_life/japan_suicides_dc

[7] Ibid.

[8] Ibid.