BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC

(Mt 11:25-30)

 

Tháng Tám năm 2007, trước khi qua đời, bà tỷ phú Leona Helmsley đã quyết định trối lại đàn chó 8 tỷ Mỹ kim. Thực ra, số tiền đó có thể dùng để trả cho những toán cứu các con vật, trường thú y hay các cuộc nghiên cứu về bệnh tật loài thú.[1]

Ðó là một quyết định tự do của con người. Có lẽ nhiều người sẽ lên giọng kết án bà : chúc thư như thế có khôn ngoan không ? Sinh tiền, có lẽ bà đã sống cuộc đời cô đơn giữa đàn chó trong căn biệt thự vĩ đại. Người nghèo chắc chắn nằm xa tầm nhìn của bà.

Chúa Giêsu không có tiền của trối lại cho người nghèo, nhưng có cả một Tin Mừng dành cho họ. Trong Tin Mừng hôm nay, người nghèo hoàn toàn nằm trong tầm nhìn của Chúa. Chúa nói rõ  về ý Cha dành cho họ : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11:25) Người bé mọn là người nghèo được nghe giảng Tin Mừng. Họ biết khiêm tốn mở rộng tấm lòng đón nhận chân lý Lời Chúa và lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa. Ðó có phải là điều làm cho người nghèo hạnh phúc không ?

 

KHÔN NGOAN

 

Của cải, vinh hoa, thành công dẫn con người tới đâu ? Nếu những thành quả đó quyết định hạnh phúc con người, chắc chắn Chúa Giêsu đã không hướng về những người nghèo khổ. Hạnh phúc có một nguồn gốc sâu xa và một nền tảng vững chắc trong sự khôn ngoan Thiên Chúa. Nhưng giờ đây trong Tân Ước,  Chúa Giêsu nói đến mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa (x. Mt 11:26-27), và điều kiện làm môn đệ Người (x. Mt 11:28-30). Chúa tự xưng là sự Khôn ngoan. Từ nay, không còn phải nhân cách hóa sự khôn ngoan như trong Cựu ước nữa. Nhưng sự khôn ngoan là một ngôi vị, là “Người Con” tuyệt hảo của “Chúa Cha.”[2]

Từ ngày sự Khôn ngoan thành xác phàm, tất cả sự thật về lòng thương xót đã được mạc khải rõ ràng. Sự khôn ngoan quay hướng và tập trung vào một đối tượng vượt ngoài tầm mức hiểu biết của con người. Không phải là những nhà thông thái, nhưng những người hèn mọn mới được mạc khải những điều bí nhiệm về vương quốc hay bí quyết hạnh phúc. Người bé mọn chính là các môn đệ. Họ là những người nghèo về mọi phương diện. Ðể đón nhận được mạc khải đó, họ phải nhận ra tình trạng khó nghèo của mình và hoàn toàn cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Ðấng vô cùng giàu có.

Không ai lâm vào ngõ cụt cuộc đời như người nghèo khó. Khi mạc khải những bí nhiệm Nước Trời, Thiên Chúa khai thông những bế tắc và giải thoát họ khỏi bước khốn cùng. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu đưa ra lời kêu goi đầy hứa hẹn: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28) Ai là người “đang vất vả mang gánh nặng nề,” nếu không phải là những người đang bị đè bẹp dưới những cơ chế bất công ? Cuộc sống trở nên quá nặng nề, vì họ bị bóc lột tận xương tủy. Giữa hoàn cảnh đó, con người sẽ lâm cơn khủng hoảng tột độ. Giấc mơ duy nhất của họ là mong được giải thoát và an ủi.

Chúa Giêsu đã đến đúng lúc. Người đã kêu gọi họ và hứa đem đến cho họ sự nghỉ ngơi bồi dưỡng. Nhưng dựa vào đâu, Chúa dám hứa đem lại nguồn an ủi cho họ ? Nếu không tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, chúng ta không có câu giải đáp. Vì là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Người có thể hướng dẫn người nghèo thoát khỏi cơn bĩ cực. Hơn nữa, nếu “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành,” chắc chắn Người có thể làm cho họ yên tâm và có đủ sức mạnh cần thiết tạo cuộc sống mới.

Ðể trả lại cho người nghèo sự bình an đích thực, Người kêu gọi mọi người, nhất là những người giàu có và quyền thế, hãy từ bỏ nếp sống gian ác và kiêu căng với những cơ chế bất công. Nếu những người đang nắm quyền lực biết sống “hiền lành và khiêm nhường,” chắc chắn người nghèo sẽ được đối xử tử tế và không còn chịu cảnh áp bức, không bị xô đẩy vào cảnh vất vả, lầm than, cơ cực nữa.

Sống trên đời, tin hay không, con người đều có ách để mang, gánh để vác. Ngay cả sau khi được Chúa giải thoát, người nghèo vẫn phải mang ách của Chúa (x. Mt 11:29). Như thế, con người luôn đứng trước một lựa chọn quyết liệt : “gánh nặng nề” của thế gian hay “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng”của Chúa ? Nếu mang “gánh nặng nề” của thế gian, con người không thể được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Ngược lại, nếu đến với Chúa để mang “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng,” con người sẽ hoàn toàn được giải thoát và bình an.

 

HẠNH PHÚC NGƯỜI BÉ MỌN

 

Hơn ai hết, những người bé mọn cảm thấy lối thoát duy nhất cho cuộc đời là Thiên Chúa. Quả thực, “Chúa Giêsu loan báo lòng từ bi của Thiên Chúa giải thoát những ai Người gặp trên đường, bắt đầu là người nghèo, người sống bên lề, người tội lỗi. Người mời gọi tất cả theo Người, vì Người là người đầu tiên tuân theo kế hoạch tình thương của Thiên Chúa, và như vị Ðại diện Thiên Chúa giữa trần gian, Người thực hiện điều đó một cách hết sức khác thường.”[3] Như thế, thánh ý Thiên Chúa luôn hướng dẫn con người đến chỗ giải thoát. Chí có Thánh ý Chúa mới làm cho con người có sức mạnh phi thường. Bằng chứng, vâng theo thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã giải thoát toàn thể nhân loại.

Khi còn nơi cung lòng Chúa Cha và cả khi sống nơi trần thế, “chính Chúa Giêsu đã sống và thông giao với Thiên Chúa tình yêu là Cha – “Abba” – và, bởi đó chúng ta có thể đi vào chính trung tâm sự sống Thiên Chúa.”[4] Vì được ưu tiên nghe giảng Tin Mừng, người nghèo có thể đi sâu vào kinh nghiệm tình yêu và thánh ý Thiên Chúa. Càng đi sâu vào cung lòng Thiên Chúa, càng thấy Chúa quảng đại  và đầy lòng thương xót. Ðó là tất cả nguồn an ủi lớn lao cho người bé mọn.

Còn ai cảm nghiệm lòng thương xót và nguồn an ủi lớn lao của Thiên Chúa hơn Mẹ Maria, nữ tì hèn mòn của Chúa ? Quả thực, “nhìn vào trái tim Ðức Maria, tận nơi sâu thẳm của lòng tin Mẹ diễn tả qua những lời kinh Magnificat, các môn đệ Chúa Kitô được mời gọi canh tân nơi chính mình ‘ý thức sự thật về Thiên Chúa cứu độ, sự thật về Thiên Chúa là nguồn mọi ân huệ. Chân lý đó không thể tách biệt khỏi tình yêu Thiên Chúa dành ưu tiên cho người nghèo và hèn mọn.”[5]

Nếu “Thiên Chúa dành ưu tiên cho những người nghèo và hèn mọn,” ai dám khinh thường hay lãng quên họ ? Theo ý định Thiên Chúa, Giáo hội quan tâm đặc biệt tới người nghèo. Giáo Hội vạch ra đường hướng hoạt động : “Nguyên tắc phân phối thực phẩm khắp nơi đòi phải quan tâm đặc biệt tới những người nghèo, người bị gạt ra ngoài xã hội và những ai đang sống trong hoàn cảnh cản trở sự phát triển  của họ. Ðể đạt mục đích ấy, cần phải quyết liệt tái xác định người nghèo phải được dành ưu tiên. Ðây là một lựa chọn, hay một hình thức đặc biệt ưu việt trong công tác bác ái Kitô giáo, được toàn thể truyền thống Giáo Hội làm chứng. Lựa chọn đó ảnh hưởng tới đời sống mỗi Kitô hữu bao lâu họ còn tìm cách noi gương sống của Chúa Kitô, đồng thời cũng áp dụng vào những nghĩa vụ xã hội, vào cách sống của chúng ta, vào các quyết định hợp lý liên quan tới quyền tư hữu và việc xử dụng của cải. Hơn nữa, ngày nay, vì chiều kích toàn cầu của vấn đề xã hội, lòng bác ái ưu tiên dành cho người nghèo và những quyết định do lòng bác ái đó gợi lên, không thể không ưu ái đến quảng đại quần chúng nghèo khổ, khốn cùng, không nhà cửa, không được chăm sóc sức khỏe và trên hết, không chút hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.”[6]

Nếu theo đúng đường hướng đó, Giáo Hội làm chứng cho thế giới biết trong thực tế những bí quyết hạnh phúc Thiên Chúa mạc khải cho người hèn mọn là gì. Ði theo con đường của Chúa, Giáo Hội “hằng tái xác nhận nguyên tắc liên đới, học thuyết xã hội của Giáo Hội đòi chúng ta hành động để thăng tiến ‘hạnh phúc của tất cả và từng người, vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với mọi người.’ Ngay cả trong việc tranh đấu chống lại nghèo đói, nguyên tắc liên đới bao giờ cũng phải kèm theo nguyên tắc bổ sung để có thể  nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, nền tảng căn bản của việc phát triển xã hội và kinh tế trong các nước nghèo. Nên coi người nghèo ‘không phải là một vấn đề, nhưng như người có thể nắm vai chính trong việc xây dựng một tương lai mới mẻ và nhân bản hơn cho mọi người.’”[7]

Có nhìn người nghèo như thế, Giáo Hội mới có thể tìm cách làm nhẹ gánh cho người nghèo. Từ đó, Giáo Hội làm chứng cho mọi người biết Chúa Giêsu là vua “xét xử công bình và ghét điều gian ác (x. Kn 16:12), xử công minh cho kẻ nghèo hèn (x. Kn 29:14).”[8] Nếu mọi người đều nhìn nhận Chúa Giêsu là vua, nhân loại sẽ sống trong công lý và hòa bình. Nhưng nhìn vào tình hình thế giới hôm nay, ai cũng thấy Giáo Hội còn phải nỗ lực nhiều mới có thể làm chứng và xoa dịu những đau khổ của người nghèo.

 

TỪ NẠN NHÂN TỚI VĨ NHÂN

 

Muốn làm chứng, Giáo Hội cần phải tìm đến thánh Phaolô, một vị tông đồ nhiệt thành hiếm có trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai. Có ai trong Giáo Hội đã hiến cả cuộc đời làm chứng Chúa Giêsu là Chúa công bình và nhân ái bằng thánh Phaolô ? Quả thực, từ khi được mạc khải về những mầu nhiệm Nước Trời, thánh nhân đã nỗ lực cho mọi người thấy Chúa Giêsu là sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa.

Trước khi theo Chúa Kitô, thánh nhân đã mang ách lề luật Do thái rất nặng nề. Nhưng từ ngày ngã ngựa tại Damas, thánh nhân đã rũ bỏ được gánh nặng lề luật, để “mặc lấy Chúa Kitô,” sức mạnh của Thiên Chúa. Nhờ sức mạnh đó, thánh nhân đã ra tù vào khám nhiều lần, bị đánh đòn và thập tử nhất sinh. Năm lần thánh nhân bị đánh 39 roi, bị xỉ nhục 3 lần, ném đá 1 lần, bị chìm tàu, đói khát, lạnh buốt xương và trần truồng, bị mưu sát, bách hại và sau cùng bị chém đầu. Chỉ vì theo Chúa Kitô, thánh nhân đã phải trả giá quá mắc. Phải chăng thánh nhân đã “ném bùn sang ao” khi từ ách lề luật sang ách Chúa Kitô ? 

Thánh nhân cho biết lý do : “Tôi đành chịu mọi sự thiệt thòi để được biết Chúa Kitô.” Một khi đã biết Chúa Kitô, thánh nhân “coi mọi sự như rơm rác.” Thánh nhân tin rằng mọi sự đều do ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng Toàn năng đã ban sức mạnh cho thánh nhân. Thực thế, chính thánh nhân đã thú nhận : “Tôi có làm được gì đều do ân sủng Chúa.”  Cả cuộc đời thánh nhân chỉ để rao giảng “sứ điệp ân sủng.” Ân sủng Chúa Kitô vô cùng giá trị đến nỗi thánh nhân “có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi.”

Như thế, chính ân sủng đã khiến thánh nhân cảm thấy ách Chúa êm ái, gánh Chúa nhẹ nhàng. Nhờ vậy, thánh nhân đã có thể làm chứng cho Chúa Kitô trong những cơn khốn cùng nhất. Thánh nhân lao vào cuộc chiến chính nghĩa, mà không sợ bất cứ một quyền lực nào. Thánh nhân “không sợ những người chỉ giết được thân xác, nhưng “chỉ sợ Ðấng có thể ném cả thân xác và linh hồn vào hỏa ngục.”

Còn ngày nay, những nhà lãnh đạo Giáo Hội sợ gì ? Làm sao có thể kiếm một người như thánh Phaolô trong Giáo Hội hôm nay ? Nhiều người trong Giáo Hội quá khôn ngoan đến nỗi không dám xông pha làm chứng cho Chúa. Tính toán quá kỹ khiến cho khả năng dấn thân bị tê liệt. Giáo Hội đành nhìn công lý bị chà đạp và người nghèo rên siết dưới những cơ chế bất công. Nhiều nơi Giáo Hội trở thành thứ bình phong bao che hay tuyên truyền cho mọi quyền lực sự ác.

 

Tóm lại, sau khi được mạc khải về những bí nhiệm Nước Trời, các người bé mọn “nắm bắt” được sự khôn ngoan của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu Kitô. Càng trở nên bé mọn, càng được mạc khải về bí quyết hạnh phúc. Nhiều nơi trên thế giới, Giáo Hội đang nỗ lực làm chứng cho mọi người biết chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới có thể giải thoát con người khỏi những ách nặng nề và đem lại sự nghỉ ngơi và bổ dưỡng cho tâm hồn. Nhưng nếu không tin Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, con người không thể đón nhận ân sủng cần thiết cho cuộc đổi đời.

 

Lạy Chúa, giữa cuộc sống quá nặng nề vì đau khổ và áp bức hôm nay, xin Chúa mạc khải cho chúng con mầu nhiệm Nước Trời để chúng con có thể tìm được hạnh phúc đích thực. Amen.

 

đỗ lực 06.07.2008

 



 



[1] http://ca.news.yahoo.com/s/capress/080702/entertainment/helmsley_dogs

[2] x. The New Jerusalem Bible, Doubleday, 1985.

[3] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 29.

[4] Ibid.

[5] Ibid., 59.

[6] Ibid., 182.

[7] Ibid., 449.

[8] Ibid., 378.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà