HY VỌNG ÐÃ VƯƠN LÊN

(Mt 13:1-23)

Giáng sinh năm ngoái, tại Orissa, Ấn độ, các Kitô hữu bị tấn công. Hậu quả 13 nhà thờ bị phá hủy và 3 người bị giết chết. Cũng tại đây, nhóm quá khích Ấn giáo lại vừa mở cuộc tấn công các Kitô hữu. Có một  cô nhi viện bị phá hủy và một nhà thờ giáo xứ bị đột kích. TGM Raphael Cheenath tố cáo : “Các lực lượng cuồng tín của phái Hindutva muốn loại trừ các Kitô hữu ra khỏi miền Orissa, nhất là những Kitô hữu tại quận hạt Kandhamal.”[1] 

Nếu thế, liệu Giáo Hội còn có thể tồn tại và Lời Chúa có được rao giảng tại đó nữa không ? Các nhà truyền giáo còn đủ can đảm rao giảng giữa những người bách hại đạo không ? Phải chăng Lời Chúa đã đến lúc chỉ còn được rao giảng giữa những người muốn nghe ? Lời Chúa ngày càng bị thu hẹp ảnh hưởng ? Càng nhìn vào những trào lưu phá thai, hôn nhân đồng tính, ly dị, những cảnh vô luân, sì ke, ma túy, v.v., người ta càng có lý do nghi ngờ về sức mạnh Lời Chúa. Bên ngoài, rõ ràng ai cũng thấy ảnh hưởng Lời Chúa ngày càng thu hẹp. Bên Âu châu, số tín hữu giảm mạnh, nhiều nhà thờ đóng cửa, gánh nặng tài chánh ngày càng lún sâu.

Tuy nhiện, giữa hoàn cảnh đó, ÐGH Bênêđictô XVI vẫn mạnh mẽ lên tiếng : “Thời đại hôm nay, trong một thế giới đã trở nên nhỏ hơn, nhưng lại còn rất nhiều người chưa gặp Chúa Kitô, Năm Thánh Phaolô mời gọi tất cả mọi người kitô hãy là những nhà truyền giảng Tin Mừng.”[2] Ðó là tiếng vọng lại lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về Trời. Từ thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đã ra đi gieo hạt giống Tin Mừng. Nếu không có các tín hữu, thử hỏi Tin Mừng có lan rộng khắp nơi như hôm nay không ?

Càng ngày Giáo Hội càng xác tín vào sức mạnh Lời Chúa. Trong Lời Chúa, có tất cả sức mạnh cứu độ. Bởi thế, khi bế mạc Năm Thánh Cứu Độ vào ngày 15/4/1984, lần đầu tiên trao Thánh giá cho Đai Diện Giới trẻ, ÐGH Gioan Phaolo II đã nhắn nhủ:  “Các Bạn trẻ thân mến, khi bế mạc Năm Thánh này, Cha trao cho các con Dấu chỉ của Năm Thánh: Thánh Giá Chúa Kitô!  Các con hãy mang Thánh Giá này đi khắp thế giới như là biểu tượng của Tình yêu của Chúa Kitô cho nhân loại, và các con hãy loan truyền cho mọi người rằng:  chỉ nơi Sự Chết và Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta mới có thể tìm thấy ơn Cứu độ và sự Giải thoát!”[3]  

ÐÂU LÀ SỨC MẠNH LỜI CHÚA 

Nhìn vào cánh đồng, người ta thấy anh nông phu đang vung tay gieo hạt giống khắp nơi. Một vài hạt giống  rơi vào chỗ đất màu mỡ, nhưng phần nhiều bị lãng phí vì rơi bên vệ đường, sỏi đá, bụi gai ... Ðó là hình ảnh Lời Chúa được gieo vào trần gian. Biết bao lần, các môn đệ Chúa đã thất vọng vì thấy Lời Chúa không còn sức hấp dẫn ai nữa.

Dầu vậy, Chúa Giêsu vẫn loan báo thiết lập Nước Thiên Chúa giữa một trần gian do Satan thống trị. Cuộc chiến đã bắt đầu, nhưng không thuận lợi như dự tưởng. Một số các nhà lãnh đạo tôn giáo tố cáo Chúa thỏa hiệp với Bêendêbun. Ông Gioan Tẩy Giả nghi ngờ không biết Chúa có phải là vị Thiên Sai đích thực không. Cả thân thuộc cũng chống đối và cho Người là một tên khùng.

Ðể các môn đệ hiểu rõ sứ mệnh và tầm quan trọng của việc thiết lập Nước Trời, Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn và giải thích để củng cố tinh thần các môn đệ trước việc rao giảng Lời Chúa. Người rất quảng đại khi dạy dỗ và làm phép lạ, tiếp xúc với mọi hạng người, nhất là những người bất xứng và tội lỗi.

Ngay từ đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã cho thấy rõ Người muốn các môn đệ phải công chính hơn những ký lục và Pharisêu. Người kêu gọi con người thay lòng đổi dạ. Nhưng nhiều người chống đối và lòng họ như sỏi đá bên đường, dù đã nhận được Lời Chúa. Tuy thế, Chúa vẫn không thất vọng. Người giải thích tại sao ít người nghe theo và nhiều người chống đối Tin mừng, nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất bại. Nước Chúa sẽ đến. Dù bị từ chối, Nước Chúa vẫn được nhiều người quảng đại đón nhận, lắng nghe và hiểu  biết Lời Chúa. Chúa là Ðấng đã thu hoạch một mùa lúa với những hạt sinh gấp trăm, sáu mươi, ba mươi.

Như thế, giữa cảnh thất vọng và đạo đức xuống thấp, Nước Thiên Chúa vẫn lớn mạnh. Nước Thiên Chúa không tăng triển theo kiểu loài người. Ngoài Thiên Chúa, không ai biết Nước Chúa hoàn thành như thế nào. Ðó là một bí nhiệm. Nhưng Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu biết bí nhiệm đó.

Trước hết, như hạt lúa mì, Người chết cô đơn trên thập giá để sản sinh mùa màng tươi tốt cho cuộc tạo thành mới do Thiên Chúa thực hiện qua cuộc Phục sinh của Người. Hơn nữa, Tông Ðồ Công Vụ kể lại việc triển nở lạ lùng của Giáo Hội, khi Chúa Thánh Linh hoạt động trong các tâm hồn quảng đại của các tông đồ như Phêrô và Phaolô, khi đạo lan rộng từ Giêrusalem đến tận Roma. Trên mảnh đất phì nhiêu là tâm hồn các Kitô hữu sơ khai, Thiên Chúa đã hoạt động. Từ một giáo phái nhỏ bé ở Palestine, Giáo Hội trở thành tôn giáo trong toàn đế quốc, mặc dù bị bách hại khốc liệt.

Tất cả đều do Lời Chúa ! Tại sao Lời Chúa có sức vạn năng như thế ?

Theo ngôn sứ Isaia, vì phát xuất từ nơi Chúa, Lời Chúa có nhiệm vụ thi hành ý Chúa và phải chu toàn sứ mạng Chúa trao phó (x. Is 55:11). Chúa  muốn cứu độ muôn dân, nên Lời Chúa có sứ mệnh làm cho trái đất tràn ngập hồng ân Thiên Chúa. Nhờ Lời Chúa, vũ trụ được tái định hướng. Cùng chia sẻ số phận nhân loại, vạn vật sẽ được tình yêu Thiên Chúa cứu độ. Lời Chúa tái thiết và tái tạo vạn vật đã bị sụp đổ vì tội lỗi con người.

Dù bên ngoài có vẻ không thuận lợi, nhưng chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập ! Ðức Kitô gieo hạt giống Lời Chúa rộng rãi. Người không thất vọng vì đã làm người. Người cống hiến cho mọi người một sứ điệp cứu độ và chấp nhận nguy cơ hạt giống có thể bị tiêu trầm trên những nẻo đường sỏi đá vì cứng tin, chết ngộp vì những chông gai gian ác. Chúa Giêsu muốn người nghe xác tín và vững niềm hy vọng. Sẽ đến thời gian gặt lúa. Nước Thiên Chúa ở giữa anh em và nằm trong tầm tay con người.

Nhờ Thánh Linh hoạt động trong lòng người và cầy xới mặt đất khô cằn, Lời Chúa có thể làm nảy sinh mầm giống đức tin. Một khi được Chúa Thánh Linh thúc đẩy, con người không thể không “đi ra” gieo giống Lời Chúa. Có ra khỏi chính mình, thói quen, nếp  nghĩ, lối nhìn và phán đoán quen thuộc, chúng ta mới có thể phúc âm hóa môi trường và thế giới. Nhưng tự hỏi : Làm cách nào tôi có thể cải hóa tâm hồn để Lời Thiên Chúa sinh hoa kết quả dồi dào hơn trong cuộc đời, để tôi có thể rao giảng Tin Mừng cho mọi người ? Thực tế cho thấy, chỉ khi nào thực sự được đón nhận với tất cả lòng tin, Lời Chúa mới sinh hoa kết quả dồi dào. Hơn nữa, ngang qua gian khổ, Lời Chúa sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào.  

NƯỚC THIÊN CHÚA, MỘT MẦU NHIỆM 

Chính vì tin tưởng vũ trụ sẽ đi tới một tương lai tốt đẹp, Giáo Hội trở thành “dấu chỉ và người bảo vệ chiều kích siêu việt của con người. Giáo Hội là ‘một loại bí tích trong Chúa Kitô - một dấu chỉ và khí cụ hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất mọi người.’ Sứ mệnh Giáo Hội là công bố và thông truyền cho mọi người biết ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, mà Người gọi là ‘Nước Thiên Chúa,’ (Mt 1:15) tức là, làm cho họ có thể hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Giáo Hội đã nhận ‘sứ mệnh công bố và thiết lập Vương Quốc của Chúa Kitô và của Thiên Chúa giữa mọi dân tộc. Trên trần gian, Giáo Hội là manh nha và khởi điểm của Vương Quốc ấy.’” [4] Như một nông phu, Giáo Hội đem hạt giống Tin Mừng gieo khắp nơi để cứu độ muôn dân. Không ai bị loại trừ khỏi khu vực đón nhận hạt giống đó.

Tự bản chất, Giáo Hội chỉ là khí cụ Chúa dùng xây dựng Nước Thiên Chúa, để mọi người có thể hiệp thông với Thiên Chúa và anh em. Ðể đạt mục tiêu đó, “trên hết, Giáo Hội loan báo và làm cho mọi người biết đến Tin Mừng cứu độ, cũng như thiết lập các cộng đoàn Kitô hữu mới để phục vụ Nước Thiên Chúa một cách cụ thể. Hơn nữa, để phục vụ Nước Thiên Chúa, Giáo Hội loan truyền khắp thế giới ‘những giá trị Tin Mừng’ diễn tả Nước Thiên Chúa và giúp dân chúng chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa.”[5] Giáo Hội phải kiên nhẫn lắm mới có thể đem những giá trị Tin Mừng cống hiến cho nhân loại. Không phải ai cũng có thể thấu hiểu và chấp nhận những giá trị đó một cách dễ dàng.  Những tâm thức và quan niệm lâu đời trong các nền văn hóa dễ loại bỏ những giá trị Tin Mừng như một thứ gì xa lạ.

Nhưng có phải vì những sỏi đá và bụi gai đó mà các sứ giả Tin Mừng chùn bước không ? Nếu xã hội hay nền văn hóa nào chống lại các giá trị Tin Mừng, không thể thực hiện cuộc canh tân. Trong khi đó, “việc cải hóa thế giới là một đòi hỏi căn bản của thời đại này. Ðể đáp lại đòi hỏi này, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội có ý đề nghị những giải đáp do các dấu chỉ thời đại đòi hỏi. Ðồng thời, Giáo Hội cho thấy dưới cái nhìn của Thiên Chúa, tình yêu thương nhau giữa con người là khí cụ biến đổi mạnh nhất cả trên phương diện cá nhân cũng như xã hội. Thực vậy, chia sẻ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tình yêu thương nhau là mục đích thực sự của nhân loại, cả về phương diện lịch sử lẫn siêu việt. Bởi đó, phải cẩn thận phân biệt giữa ‘tiến bộ trần gian và sự tăng triển của Vương quốc Chúa Kitô. Tuy nhiên, tùy khả năng góp phần ổn định trật tự xã hội tới mức nào, tiến bộ trần thế có tương quan khẩn thiết với Vương quốc Thiên Chúa.’”[6] Nếu không biến đổi, xã hội loài người sẽ suy thoái trầm trọng. Chỉ có những giá trị Tin Mừng mới có thể phục sinh những giá trị đang biến mất trong các xã hội và nền văn hóa.

Khi rao giảng Tin Mừng, Kitô hữu không nên quên “việc cải thiện các tương quan xã hội nhằm đáp ứng các đòi hỏi của Nước Thiên Chúa không đóng khung trong các biên giới cụ thể. Ðúng hơn, cộng đoàn Kitô hữu được ủy thác triển khai và thực hiện việc biến cải đó qua việc suy niệm và thực hành Tin Mừng. Chính Thánh Linh đang hướng dẫn dân Thiên Chúa, đồng thời Người cũng đang thẩm nhâp vào vũ trụ. Ðôi khi, Người khơi dậy những đường lối mới và thích hợp cho nhân loại thực hành trách nhiệm một cách sáng tạo. Gợi hứng này Chúa ban cho cộng đoàn Kitô hữu là thành phần của thế giới và lịch sử, và bởi đấy giúp họ cởi mở để đối thoại với mọi người thiện chí đang cùng tìm kiếm những hạt giống chân lý và tự do gieo trong cánh đồng nhân loại bao la.”[7] 

Tin Mừng là một giá trị cao cả nhất, nhưng không phải duy nhất. Thực vậy, không thể phủ nhận những giá trị cao quý trong các nền văn hóa, vì Chúa Thánh Linh cũng hoạt động trong các dân tộc và các nền văn hóa, như công đồng Vatican II đã lưu ý. Phải tìm được điểm chung giữa Tin Mừng và các nền văn hóa đó, mới có thể bắc nhịp cầu cho Tin Mừng đến với các dân tộc. “Trong Thần  Linh Chúa và theo mệnh lệnh Người, những điều thiện hảo – như nhân phẩm, tình huynh đệ và tự do, tất cả những thành quả của thiên nhiên và con người –  đã được phổ biến khắp trần gian. Sau khi đã được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ, được chiếu sáng và biến hình, các điều thiện hảo đó đều thuộc về Vương Quốc sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công lý, tình yêu và hòa bình, sẽ được Chúa Kitô trình lên Chúa Cha.”[8] 

Quả thực, rao giảng Tin Mừng là một công cuộc lớn lao, đòi nỗ lực nhiều mặt. Không có Chúa Thánh Linh, con người không thể vượt qua những trở ngại và khám phá thấy con đường đưa Tin Mừng vào lòng các dân tộc.

LỄ HIỆN XUỐNG MỚI 

Tuần qua, một độc giả của trang mạng www.conggiaovietnam.net viết cho tác giả Phúc Âm Nhật Ký những dòng như sau : “Một tôn giáo mang tai họa khủng khiếp cho nhân loại và dân tộc Việt Nam như GH Gioan Phaolô II đã sám hối tháng 3.2003, thì làm gì có được tin mừng cho người thời đại, mà đúng ra là tin nhục nhã đau thương.”[9] Ðộc giả này ký tên là Sam Nguyễn.

Xin chân thành cám ơn độc giả đã quan tâm theo dõi những dòng chia sẻ trong Phúc Âm Nhật Ký. Thú thực, chúng tôi đã định trực tiếp trả lời email của độc giả. Nhưng vì thấy vấn đề có một tầm mức rộng lớn, nên xin phép đề cập ngay trong mục này.  

Không ai có thể quên sự kiện lịch sử 12.03.2000 (chứ không phải tháng 03.2003, như độc giả Sam Nguyễn ghi nhớ !). Vấn đề không phải là những lỗi lầm quá khứ, nhưng tại sao một tôn giáo như thế lại có thể giúp con người nhận ra những lỗi lầm mà sám hối ? Còn tôn giáo hay chủ nghĩa khác thì sao ? Ðó mới là điều đáng nói.

Thực tế có những chủ nghĩa không phải là tôn giáo, nhưng lại bắt người ta tôn sùng lãnh tụ của mình như những vị thần trong tôn giáo. Ðàng khác, điều ngạc nhiên là, mặc dù đã tạo nên bao nhiêu tang thương khủng khiếp cho nhân loại và dân tộc, chủ nghĩa đó không những không giúp cho người ta nhận ra lỗi lầm của mình mà sám hối, nhưng lại tiếp tục tác oai tác quái trên nhân loại và dân tộc.

Nếu một tôn giáo tiếp tục gieo rắc thảm họa cho nhân loại và xấu xa như độc giả Sam Nguyễn nói, tại sao đến bây giờ tôn giáo ấy vẫn hấp dẫn nhân loại, nhất là giới trẻ ? Ngoài Tin Mừng, tôn giáo ấy chẳng có gì hấp dẫn được con người. Mặc dù chẳng có vũ khí, nhà tù, công an, quân đội để lùa dân chúng vào một khuôn khổ, tôn giáo ấy vẫn có hàng triệu người đi theo.

Xin hãy nhìn kỹ những gì sắp diễn ra tại Sydney, Úc châu, để thấy tất cả sức mạnh đích thực của tôn giáo đó. Hàng trăm ngàn bạn trẻ sẽ tuốn về đó để ca hát, múa nhảy, cầu nguyện, hội thảo, làm chứng, và nhất là lắng nghe sứ điệp Tin Mừng từ một ông già đã trên 80 tuổi !

Trong Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 23 tại Sydney, Úc châu, ÐGH Bênêđictô XVI đã ngỏ lời với các bạn trẻ : “Các bạn trẻ thân mến, như những vị tiền nhiệm của Cha, Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, đã nhiều lần nói đến, rao giảng Phúc âm và làm chứng cho đức tin là điều cần thiết cho ngày nay hơn bao giờ hết (x. Redemptoris Missio, số 1). Có người tưởng rằng trình bày kho tàng đức tin quý giá cho những người không chia sẻ đức tin với mình, là có thái độ bất bao dung đối với họ. Không phải như vậy, vì trình bày Chúa Kitô cho họ, không có nghĩa bắt buộc họ phải theo (x. Evengelii Nuntiandi, số 80).”[10] 

 Giữa lúc có bao nhiêu người thất vọng về giới trẻ hôm nay, vị Ðại Diện Chúa Kitô vẫn khẳng định với giới trẻ : “Ngày hôm nay Thánh Thần của Chúa Giêsu mời gọi chúng con hãy trở nên những người mang Tin Mừng của Chúa Giêsu cho những bạn đồng lứa với chúng con. Chúa Thánh Thần thôi thúc chúng con, những người trẻ, hãy lãnh nhận trọng trách này. Chúng con biết những lý tưởng của ngưòi trẻ, biết được ngôn ngữ, và cả những vết thương, những chờ đợi, và ước muốn điều thiện của những người trẻ cùng trang lứa với chúng con. Mỗi người trong chúng con hãy can đảm hứa với Chúa Thánh Thần sẽ mang một người trẻ đến với Chúa Giêsu Kitô, trong cách thức mà chúng con biết là tốt đẹp.[11] 

Không phải chỉ có những người trẻ tụ họp từ ngày 15 đến 20 tháng 07 năm 2008 tại Sydney, Úc châu, mới lắng nghe lời nhắn nhủ của ÐGH về “những giá trị Tin Mừng.” Cả thế giới sẽ chứng kiến những biến đổi từ sức mạnh Tin Mừng tại đó. Một khi hạt giống Tin Mừng được các bạn trẻ gieo ra khắp thế giới, cả một vụ mùa gặt lớn lao sẽ bộn thu cho Thiên Chúa.

Tóm lại, mặc dù bị ngộp thở vì rơi vào những nơi sỏi đá, hạt giống vẫn nảy sinh gấp trăm nơi những mảnh đất tốt. Lời Chúa có sức vạn năng vì là thần khí và là sự sống.  Ngày nay, trước một thế giới đầy ắp hận thù và tham vọng, chỉ có Tin Mừng mới đem lại cho con người sự công chính để có thể sống bình an và hạnh phúc trong Nước Chúa. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm bước ra khỏi nơi êm ấm quen thuộc, để đem Tin Mừng cống hiến cho mọi người, nhất là người nghèo và giới trẻ. Amen

đỗ lực, 13.07.2008


[1] http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=12719&size=A

[2] http://vietcatholic.net/News/Html/56388.htm

[3] http://www.honnho.org/HNGiaoHoiHoanVu/Daihoigioitre(Phuong).htm

[4] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 49.

[5] Ibid., 50.

[6] Ibid., 55.

[7] Ibid., 53.

[8] Ibid., 57.

[9] From: Sam mrsam91@gmail.com To: phucamnhatky@gmail.com
Sent: Sunday, June 29, 2008 11:51:25 PM

[10] http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/youth/
documents/hf_ben-xvi_mes_20070720_youth_en.html

[11] Ibid.