Lời Chúa thứ 3 tuần 33 TN

Vì Chưng, Con Người Đến Tìm Kiếm Và Cứu Chữa Điễu Gì Đã Hư Mất”.

 

Sứ vụ tìm kiếm những gì đã hư mất Chúa Giêsu không những theo đuổi khi còn tại thế như các Tin Mừng đều làm chứng, mà Ngài còn theo đuổi cho đến tận thế, như thấy được trong sách Khải Huyền của thánh Gioan. Người luôn lên tiếng qua các sứ giả Ngài sai đến sau khi về trời. Gần đây nhất, trong dịp lễ Thánh Carôlô Borômêô, Đức Thánh Cha Bênêdictô 16 đã gửi đi một sứ điệp : “Trong mọi thời kỳ của lịch sử, nhiệm vụ căn bản và cấp bách của Giáo Hội là làm cho mọi thành viên hoán cải mà đến gần Chúa hơn. Thánh Carôlô Bôrômêô là một mẫu gương thích hợp cho mọi người, qua sự hoán cải cá nhân và Cộng Đoàn, đã có thể hoán cải các tâm hồn bằng sức mạnh của kinh nguyện và việc sám hối.” Ngài nhấn mạnh “Trước hết, Phúc Âm Hóa ngày nay không phải là rao giảng cho người-không-tin, mà là Phúc Âm Hóa chính Giáo Hội, là canh tân liên tục nội tâm..., tức là Phúc Âm Hóa những người rao giảng Phúc Âm.

Theo thánh Gioan Tông Đồ, hoán cải, sám hối có nghĩa là “Hãy Nhớ Lại Ngươi Đã  Đón Nhận Và Nghe Lời Chúa Thế Nào, Hãy Giữ Lấy Lời Ấy”, hoán cải cũng có nghĩa là phải thấy và cảm nhận được chính Chúa đang đứng ngoài cửa “Này Ta Đứng Ngoài Cửa, Ta Gõ; Nếu Ai Nghe Tiếng Ta Mà Mở Cửa Cho Ta, Ta Sẽ Vào Nhà Người Ấy”.

Lời Chúa là LỜI YÊU THƯƠNG nên đón nhận và nghe Lời Chúa là tiếp nối là LỜI YÊU THƯƠNG của Chúa dành cho mọi thọ tạo. Từ đó Phúc Âm Hóa chính là làm cho mình trở thành sứ giả của Tình Yêu Thiên Chúa giữa chư dân.

Trong một xã hội chạy theo văn minh sự chết, người của Giáo Hội phải sống và rao giảng văn minh sự sống. Điều ấy chắc chắn đòi hỏi người sứ giả phải biết khước từ những đòi hỏi của con người xác thịt, để sống theo ơn Tình yêu của Thánh Thần.

Cũng có những con người hôm nay thao thức muốn canh tân và hoán cải Giáo Hội, nhưng lại với con tim và ngôn ngữ nhằm triệt hạ uy tín và danh dự của những người họ cho là nối giáo cho kẻ thù, điều đó từng xảy ra trong thời Cải Cách, và hôm nay được họ làm sống dậy. Và kết quả thế nào thì lịch sử còn đó : một sự xé nát chiếc áo của Chúa.

Vì thế hãy “Phúc Âm Hóa những người rao giảng Phúc Âm.” Trong đó không chỉ là linh mục. chủ chăn, mà liên hệ đến mỗi người Kitô hữu chúng ta.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc