SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CN 32 TN NĂM C

 

Bối cảnh cuối năm Phụng Vụ thích hợp để suy nghĩ về ý nghĩa chung cuộc của đời sống. Lời Chúa hôm nay là một trình bày rõ ràng và mạnh mẽ Đức Tin truyền thống của Dân Chúa ngay từ thời Cựu Ước và đạt tới viên mãn trong thời Tân Ước.

Lịch sử Cựu Ước khởi đi từ ơn gọi của Abraham, chúng ta đã nhận ra được Đức Tin cốt yếu là lời tuyên xưng Thiên Chúa mới là Đấng nắm giữ vận mạng của con người trong Tình Yêu vô biên của Người, chính vì thế Abraham đã sẵn sàng từ bỏ quê cha đất tổ để phó thác sự sống chết của mình, của gia đình mình vào hành trình mà Thiên Chúa mời gọi ông, dù ông không biết mình đi đâu. Và tột đỉnh niềm tin ấy là cuộc sát tế con mình theo lệnh Chúa truyền “Sau Các Việc Đó, Thiên Chúa Thử Lòng Ông Áp-ra-ham. Người Gọi Ông: "Áp-ra-ham! " Ông Thưa: "Dạ, Con Đây! "2 Người Phán: "Hãy Đem Con Của Ngươi, Đứa Con Một Yêu Dấu Của Ngươi Là I-xa-ác, Hãy Đi Đến Xứ Mô-ri-gia Mà Dâng Nó Làm Lễ Toàn Thiêu Ở Đấy, Trên Một Ngọn Núi Ta Sẽ Chỉ Cho." Đức tin ấy đã được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ kia cách nguyên vẹn. Vì thế chúng ta mới có được lời tuyên xưng mạnh mẽ trong bài đọc sách Macabêô hôm nay.

Câu chuyện Tử Đạo của một gia đình 7 anh em và người mẹ góa bụa thật cảm động và anh dũng. Mỗi người đã cho thấy một khía cạnh Đức Tin của Dân Chúa: “Chúng Tôi Sẵn Sàng Chịu Chết Hơn Là Phạm Đến Lề Luật Thiên Chúa Đã Truyền Cho Tổ Phụ Chúng Tôi”, “Vua Vũ Trụ Sẽ Làm Cho Chúng Tôi, Là Những Kẻ Đã Chết Vì Lề Luật Của Người, Được Sống Lại Trong Cuộc Sống Đời Đời”, “Tôi Trông Cậy Rằng Người Sẽ Ban Lại Cho Tôi Các Phần Thân Thể Ấy”, “Phần Vua, Vua Sẽ Không Được Sống Lại Để Sống Đời Đời Đâu” những lời tuyên xưng cho thấy đây là Đức Tin của các Tổ Phụ truyền lại cho con cháu, Đức Tin ban sự sống thật, sự sống đời đời, sự sống mà Dân Chúa sẽ nhận được sau cái chết vì trung tín với lề luật Giao Ước trong cuộc sống lại với toàn vẹn xác hồn, sự sống mà kẻ gian ác không thể có được.

Nhưng ở thời nào cũng thế, ngay cả thời Tân Ước, trong Dân Chúa vẫn xuất hiện những con người bị lung lạc bởi những người mà thánh Tông Đồ gọi là “Những Kẻ Lầm Lạc Và Xấu Xa: Vì Không Phải Hết Mọi Người Đều Có Lòng Tin”. Người có Đức Tin theo Thánh Phaolô là người có “Lòng Cậy Trông Tốt Lành” “Bền Vững Trong Mọi Việc Làm Và Lời Nói Tốt Lành.” “Hướng Lòng Đến Tình Yêu Thiên Chúa Và Lòng Kiên Nhẫn Của Đức Kitô”. Chúng ta không thể hiểu được những khẳng định của thánh Tông Đồ nếu không đặt mình trong bối cảnh cuộc sống của các tín hữu thời đó. Đây là thời đại nói được là sức mạnh của “Babilon” đã thống trị toàn địa cầu, với những áp chế bạo lực dã man không thời nào sánh kịp. Người Kitô hữu bị đẩy vào cuộc sống tồi tệ trong các hang toại đạo, hay ít nữa là ở ngoài rìa xã hội. Chính trong bối cảnh đó, những lời khuyên của Thánh Tông Đồ trên đây mới làm sáng tỏ Đức Tin chân thật. Một đức tin thúc bách người Kitô hữu phải sống với “Mọi Việc Làm Và Lời Nói Tốt Lành”, phải “Hướng Lòng Đến Tình Yêu Thiên Chúa Và Lòng Kiên Nhẫn Của Đức Kitô”. Đó là cuộc sống hoàn toàn khác cách suy nghĩ và hành động của người thế gian.

Chính Chúa Giêsu đã báo trước cuộc sống “không bình thường” này của Dân Thiên Chúa trong bài Tin Mừng : “Con Cái Đời Này Cưới Vợ, Lấy Chồng, Song Những Ai Sẽ Xét Đáng Được Dự Phần Đời Sau Và Được Sống Lại Từ Cõi Chết, Thì Sẽ Không Cưới Vợ Lấy Chồng….. Vì Họ Giống Như Thiên Thần. Họ Là Con Cái Thiên Chúa: Vì Họ Là Con Cái Của Sự Sống Lại”. Dân Thiên Chúa vì tin vào sự sống lại trong Đức Giêsu, nên họ kiên trì sống khó nghèo, hiền lành, vâng phục… vì đối với họ không có gì ở ngoài sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Họ không chấp nhận đồng lõa, thỏa hiệp với sự ác trái lề luật Chúa, nhưng họ kiên trì chinh phục người ác bằng một “tình yêu cho đến cùng” như Chúa của họ.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc