Đọc bài “Em ngươi đâu”

Của Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh OFM

 

Sau khi đọc bài “Em ngươi đâu” của linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh trên các trang mạng, quả thật “bản thân tôi vẫn cảm thấy một cái gì vừa ngột ngạt vừa đăng đắng trong cổ họng”, có điều không phải vì biến cố Tòa Thánh bổ nhiệm Tân Tổng Giám Mục phó cho Tổng Giáo Phận Hà Nội, nhưng “vừa ngột ngạt vừa đăng đắng” vì quan điểm của một linh mục danh tiếng trong hàng linh mục triều và dòng về một vấn đề quan trọng của Giáo Hội. Có thể tóm tắt quan điểm ấy trong các cụm từ và văn phong của tác giả như sau :

Trước hết cho dù là một người không có chuyên môn về Kinh Thánh như tác giả, nhưng trước việc tác giả trưng dẫn 3 câu Kinh Thánh (Mc 6,27; Cv 5,29; và St 4,9) nhằm kết án Giáo Hội Công Giáo (mạch văn trưng dẫn câu Mc 6,27), kết án các Giám Mục Việt Nam (mạch văn trưng dẫn câu Cv 5,29), và cách nào đó đồng hóa người thay thế Đức Tổng Kiệt với Cain (mạch văn trưng dẫn câu St 4,9), tôi cảm thấy “ngột ngạt và đăng đắng” vì tác giả sử dụng Kinh Thánh để kết án, là điều trái bản chất và mục đích của Kinh Thánh vốn là “Lời yêu thương của Thiên Chúa” ngỏ với con người. Phải chăng đấy là cách công bố Lời Chúa mà trong sứ vụ Linh Mục tác giả thường sử dụng !

Trong khi đó thực chất của công việc bổ nhiệm Giám Mục nhất là trong bối cảnh của Giáo Hội hôm nay, một Giáo Hội có Công Đồng Vaticanô II soi sáng, một Giáo Hội có Đức Giáo Hòang Bênêdictô XVI là thũ lãnh, Giáo Hội ấy dù còn nhiều khuyết điểm, nhưng chắc chắn không thể là Hêrôđê. Chưa có ai trên thế giới này có thể sánh ví Đức Giáo Hòang Bênêdictô là Hêrôđê, và ngay cả những thế lực thù địch của Giáo Hội hôm nay cũng chưa thế lực nào gọi sánh ví Giáo Hội Công Giáo với Hêrôđê, chỉ trừ vị linh mục Pascal của chúng ta! Việc bổ nhiệm Giám Mục chắc chắn phải dựa trên một sự hiểu biết về nhân thân của vị được tiến cử, và cái nhu cầu cụ thể của Giáo Hội địa phương. Việc tác giả cách nào đó sánh ví Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn với Cain là một sự sỉ nhục không phải chỉ là cá nhân Đức Cha Phêrô, mà còn là sự sỉ nhục đối Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II, Đấng đã bổ nhiệm Ngài làm Giám Mục Phó, rồi Giám Mục Chánh Tòa Đàlạt, và giờ đây là Đức Giáo Hòang Bênêdictô XVI, Đấng bổ nhiệm Ngài làm Tổng Giám Mục Phó TGP Hà Nội. Thực tế với 19 năm Giám Mục tại Giáo Phận Đà Lạt không những Ngài không giết một “người em” nào, mà ngược lại Ngài tận tụy chăm lo cho ngay cả những “người em” xấu số nhất. Điều đó không ai trong Giáo Phận Đà Lạt này lại không am tường và biết ơn. Phương chi khi tác giả muốn áp dụng “người em” này cho Đức Tổng Giuse, thì tôi thiết nghĩ cũng là kiểu ví von không tương xứng. Có thể khi mới lãnh chức Giám Mục, Ngài nhận mình chỉ là người em trong hàng Giám Mục, nhưng với Hàng Giám Mục thì Ngài là người “anh em” không theo nghĩa có trên có dưới, nhưng là người đi vào cùng một tình liên đới phẩm trật. Nhất là từ ngày được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Hà Nội, thì vai trò của Ngài trong Hàng Giám Mục lại còn quan trọng hơn nhiều, do trách nhiệm và sứ vụ . Ở đây cùng cần nói đến cái ý niệm “ngôi”. Nếu người giáo dân bình thường có thể nhìn “ngôi” Giám Mục như là “mâm cao cổ đầy”, để rồi nẩy sinh những tranh dành cướp giật, chúng ta có thể thông cảm. Nhưng là linh mục mà hiểu theo nghĩa đó thì thật khó có thể chấp nhận, trừ phi chính linh mục ấy vẫn xác tín và sống chức linh mục của Ngài như là một quan chức nhiều quyền lợi và danh vọng!

Việc đối diện với những thực tế của nhà cầm quyền, các tông đồ xưa trong Công Vụ các Tông Đồ không thấy chỗ nào đề cập đến những thực tại trần thế. Câu CV 5,9 là cách đáp trả trước lệnh cấm các ông rao giảng Tin Mừng, và Tin Mừng các ông rao giảng được truyền thống gọi là “bài rao giảng tiên khởi” thuần túy nói về mầu nhiệm của Đức Giêsu thành Nazareth. Với thời gian việc diễn giải Tin Mừng qua các vấn đề thực tế không phải là điều dễ dàng, và đòi phải tuân theo Huấn Quyền để có thể trung tín với Tin Mừng đã lãnh nhận. Công Đồng Vaticanô II là một cố gắng tòan diện của Huấn Quyền đáp ứng những nhu cầu thời đại. Đối với Giáo Hội Việt Nam hôm nay, chúng ta có huấn quyền của từng Giám Mục của mỗi Giáo Hội Địa Phương, chúng ta có Huấn Quyền của HĐGMVN, nhưng tất cả đều phải hiệp thông với vị Thủ Lãnh Giáo Hội tòan cầu. Việc bổ nhiệm Tân Giám Mục Phó cho TGP Hà Nội là một nỗ lực của Giáo Hội để đáp ứng nhu cầu thực tế cho Tổng Giáo Phận Hà Nội theo cách nhìn của Đức Giáo Hòang, để “vâng lời Thiên Chúa” “ở đây và lúc này”. Nếu có sự đáp ứng nào đó do sự trùng hợp với các yêu cầu của chính quyền thì đó không phải là lý do của sự bổ nhiệm. Nếu chỉ vì sự trùng hợp nếu có, thì đó cũng là điều có thể xẩy ra và có thể nói là rất thường xẩy ra trong đa số các trường hợp ở mọi nơi và mọi thời, chứ không chỉ là cá biệt của trường hợp được nói đến. Chúng ta còn nhớ câu truyện của Đức Giáo Hòang Gioan XXIII khi còn là sứ thần Tòa Thánh ở Paris ngay sau đệ nhị thế chiến, khi Chính Quyền Pháp yêu cầu lọai bỏ 30 Giám Mục mà theo chính quyền là đi theo chính phủ phản quốc Pétain, thì Đức Thánh Giáo Hòang đã nói “con số 0 đâu có ý nghĩa gì” để chỉ cất chức 3 Giám Mục. Thì đó cũng là tìm sự hài hòa cần thiết cho Giáo Hội Pháp lúc bấy giờ.

Kết luận :

Tôi viết bài này để vơi đi cái “vừa ngột ngạt vừa đăng đắng”trong cổ họng tôi. Nhưng tôi cũng ước mong tiếng nói của linh mục phải là tiếng nói “trong sáng” của Tình Yêu đối với Chúa và cũng đối với đòan chiên.

Lm Giuse Bảo Lộc

25-4-2010