SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA: LỄ THÁNH TÂM 2010

 

“NÀY CHÍNH TA SĂN SÓC ĐOÀN CHIÊN TA” đây là một khẳng định cần được suy nghĩ nhiều, nhất là trong thời đại hiện nay. Sau Công Đồng Vatican 2, tất cả mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi tahm gia vào sứ vụ của Đức Kitô theo cách thức và vị thế riêng của mình, chúng ta thấy xuất hiện một sự bùng nổ những cá nhân, tập thể hay nhóm, can dự vào việc săn sóc đoàn chiên. Đó qủa thực là một hồng ân, nhờ đó Giáo Hội, đàn chiên của Chúa phát triển vững mạnh. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng không thiếu những điều đáng lo ngại : như sự hình thành những giáo phái, những nhóm phân ly ví dụ như nhóm Pio X. Trong những tháng ngày qua và hiện nay trong lòng Giáo Hội Việt Nam cũng có những cá nhân (có khi là linh mục), những nhóm người qua các kênh mạng đã nhân danh tư cách công giáo của mình để lên tiếng chỉ trích Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hoặc một nhóm Giám Mục, hoặc cá nhân một vài vị Giám Mục… Hiện tượng đó phần lớn do thiếu sự xác tín, hoặc nhận định không đúng về khẳng định trên đây.

Nếu chính Chúa săn sóc đoàn chiên Người thì điều tất yếu là “các mục tử”, ngay cả khi hiểu theo nghĩa rộng nhất, cần phải thấu đáo Thiên Chúa săn sóc dân Người như thế nào. Qua bài đọc Êzêkien chúng ta thấy những công việc Chúa chăn dắt đoàn chiên : cho ăn trong đồng cỏ màu mỡ, cho nghỉ ngơi trong đồng cỏ xanh tươi, tìm con chiên lạc, băng bó chiên bị thương tích, chữa chiên bị ốm đau…và kết luận “Ta chăn dắt nó trong sự công chính” và đây là từ chìa khóa để hiểu việc Chúa làm cho đoàn chiên Người. Trong truyền thống Thánh Kinh, sự công chính không được hiểu theo nghĩa luân thường, nhưng đó là đức đại nghĩa của Chúa ban cho những kẻ tin và theo Ngài. Nói cách khác Chúa chăn đắt đoàn chiên của Chúa bằng tình yêu vô cùng của Chúa, và người mục tử là chứng nhân và trao ban tình yêu đó. Đồng cỏ xanh tươi hay màu mỡ chính là Tình Yêu của Chúa.

“Tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta”. Và “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta”… để “chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô”. Qua những lời này của thánh Phaolô, chúng ta có thể khẳng định Chúa săn sóc đòan chiên Chúa bằng cách cho chúng ăn nghỉ trong chính sự sống của Đức Kitô.

“Người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà” Bối cảnh Chúa Giêsu nói dụ ngôn con chiên lạc chính là việc các luật sỹ, biệt phái lẩm bẩm về việc Chúa ngồi ăn với bọn tội lỗi và thu thuế. Bối cảnh và chính dụ ngôn đủ cho thấy người mục tử nhân lành chính là người đi tìm chiên lạc đem nó về đàn. Chiên lạc đó là các tội nhân và người thu thuế.

Tất cả Lời Chúa cho chúng ta thấy những công việc của người mục tử nhân lành làm xem ra thuần túy nằm trên bình diện thiêng liêng. Và điều ấy là nguồn soi sáng 3 sứ vụ của Đức Kitô : là tư tế, tiên tri và vương giả mà Giáo Hội triển khai khá chi tiết trong 2 Hiến Chế Tín Lý và Mục Vụ về Hội Thánh. Cho dù Giáo Hội phải thi hành 3 sứ vụ ấy trong trần gian, trong mọi thể chế xã hội loài người nhưng phương thức và mục đích đều chỉ tìm thấy trong sự sống của chính Đức Kitô.

Ngày nay người ta có khuynh hướng tục hóa hoặc theo chủ thuyết tương đối, đang muốn đồng hóa mục tử nhân lành của Tin Mừng với một giai cấp lãnh đạo chính trị hay xã hội. Người ta mạnh mẽ phê phán thái độ và cách hành xử của một mục tử trung thành với lý tưởng “Người phải lớn lên” trong từng con chiên là  vô trách nhiệm, là hèn nhát; khi nỗ lực làm cho “Người phải lớn lên” ngay cả trong những kẻ thù nghịch Người, thì bị họ kết án là thỏa hiệp, là nằm vùng, là quốc doanh!

Để “Người phải lớn lên” trong mọi người không loại trừ một ai, thì chỉ có con đường PHỤC VỤ CHÂN LÝ TRONG TÌNH YÊU. Và điều đó đòi một cuộc kiên trì đối thoại, thậm chí chấp nhận ngay cả sự thất bại. Và kiểu mẫu hoàn hảo của cuộc đối thoại này chính là THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU. Một trái tim khao khát và miệt mài đi tìm chiên lạc, một trái tim tha thứ ngay cả khi kẻ thù nghịch chưa hoán cải, một trái tim đã mở banh hết máu và nước nhằm kéo mọi người lên với Tình Yêu. Có những người tự xưng là linh mục, là kitô hữu nhưng lại không tin vào sự đối thoại của Tình Yêu Cứu Độ mà Thánh Tâm Chúa Giêsu đã thực hiện suốt trên 2000 năm qua và đang được Giáo Hội hôm nay, cách riêng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam theo đuổi. Thực sự cuộc đối thoại đã đem về Nhà Cha ngay cả những người vô thần nhất của thời đại. Và xét ngay trên bình diện là một chế độ, một chủ nghĩa vô thần cũng đã phải chấp nhận hoán cải, không do sức mạnh của khí tài quân sự hay chính trị, mà chỉ do ân sủng của Tình Yêu Cứu Độ. Thế kỷ 20 đã chứng kiến sự sụp đổ của những thành trì vô thần trước lời chứng của sự sống Đức Kitô là bằng chứng cho sự công chính của con đường đối thoại. Thế thì tại sao chúng ta có thể không tin. Và những người chống đối lại công cuộc đối thoại chẳng là những tiên tri giả, những mục tử bất lương đó sao?

 

Lm. Giuse Bảo Lộc