SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XII

NĂM C TN.

 

Phần các con, các con bảo Thầy là ai” câu hỏi cần phải được đặt ra cho mỗi người chúng ta, vì Đức Tin là một sự dấn thân của lý trí và ý chí tự do của mỗi con người. Cho dù trước đó mỗi người có thể biết rất rõ chung quanh mình người ta tin vào ai, và tin như thế nào, nhưng không ai có thể thay thế người khác để tuyên xưng đức tin.

Để có thể trở thành môn đệ của Đức Giêsu Kitô trước tiên cần có thời gian đi theo Ngài. Simon Phêrô đã “bỏ mọi sự đi theo Đức Giêsu” “và ở lại với Ngài”: được chứng kiến những việc Ngài làm, nghe mọi điều Ngài dạy, và nhất là trải nghiệm được tình yêu của Ngài dành cho ông, nên ông đã tin. Không những ông có thể nói “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” mà ông còn có thể xác quyết rằng “bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai, vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống”.

Thời gian đi theo Đức Giêsu, đó cũng là thời gian “vác thập giá mình hằng ngày”: đó là phải chấp nhận “để Thầy rửa cho”, rửa sạch những suy nghĩ và những ước vọng trần tục và thanh luyện cho tâm hồn nên công chính, phải lắng nghe và thi hành Lời Thầy, và còn phải chấp nhận “mất mạng sống mình vì Thầy”.

Theo thánh Phaolô đó cũng là thời gian để “Mặc lấy Đức Kitô”. Và theo thánh Tông Đồ đó cũng là thời gian “anh em là một trong Đức Giêsu Kitô” “không còn phân biệt người Do Thái và Hy Lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ”. Đây đúng là một thử thách lớn lao cho người môn đệ, vốn mang theo mình cái ước vọng khẳng định mình “là lớn là trổi vượt hơn anh em”. Chính Chúa Giêsu đã dạy “giữa các con, ai muốn làm lớn, hãy trở nên kẻ tôi tớ phục vụ anh em”. Đây cũng là một thách thức cho chúng ta, những con người sống trong một thế giới luôn muốn phân chia giai cấp, luôn muốn chuyên chính phân biệt kẻ thù với bạn hữu, luôn muốn xác lập ranh giới rõ ràng giữa các đảng phái, các chính kiến… và chỉ muốn loại trừ. Nhưng để có thể mặc lấy Đức Kitô, tiên quyết chúng ta phải “chịu phép rửa tội trong Đức Kitô”. Điều đó có nghĩa lý gì? Chắc chắn đây không liên quan đến vấn đề nghi lễ, nhưng là một phép rửa lòng trí tâm can.

Bài sách tiên tri Giacaria có thể giúp chúng ta hiểu điều này khi ông viết “Họ sẽ ngước mắt nhìn Ta, Đấng họ đã đâm thâu qua”.Phải, khi chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá bị lưỡi đòng đâm qua, Thánh Gioan Tông Đồ đã thấy NƯỚC VÀ MÁU chảy ra. Các nhà chú giải Kinh Thánh đều nhất trí cho đó là nước THÁNH THẦN và máu THANH TẨY. Chúng ta có thể nói đây là sự Thanh Tẩy trong NƯỚC TÌNH YÊU của Thiên Chúa. Chịu phép rửa tội trong Đức Kitô chính là được tắm gội và đầy tràn TÌNH YÊU của Thiên Chúa, để sống bằng sự sống yêu thương của Thiên Chúa. Và kết quả như Thánh Gioan viết : “nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Chúng ta cũng không có giải thích nào khác, khi chiêm ngưỡng “Đấng họ đã đâm thâu qua”, ngoài khẳng định đó là “Tình Yêu cho đến cùng” Người dành cho môn đệ, để họ có thể “Thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Tóm lại, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa, thì đồng thời cũng là thiết lập một tình bằng hữu với một “tình yêu cho đến cùng” với tất cả mọi người không trừ ai. Vì thế, khi khăng khăng loại trừ bất kể là ai, người tín hữu của Đức Kitô đã phản bội lại chính niềm tin của mình vậy.

Lm. Giuse Bảo Lộc