SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIII NĂM C TN.

“PHẦN CON, HÃY ĐI RAO GIẢNG NƯỚC THIÊN CHÚA”

Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay đều có chung một đề tài đó là sứ vụ của người môn đệ dù là tiên tri (bài đọc 1), dù là tín hữu (bài đọc 2) hay là môn đệ Đức Giêsu (Tin Mừng). Để có thể thi hành sứ vụ đó, điều cần là “chúng ta được tự do …” khỏi mọi ràng buộc trần gian.

Bài đọc 1: Êlisê trước khi đi làm tiên tri đã giết cặp bò cày của ông, là tất cả gia tài của người nông dân như ông, để được tự do đi theo Êlia. Phải nói đây là đòi hỏi đầu tiên mà bất kể người môn đệ nào cũng phải thi hành. Trong Tin Mừng chúng ta cũng từng nghe “các ông đã bỏ mọi sự mà đi theo Người” : bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mẹ và vợ con, công ăn việc làm. Thực sự cơn cám dỗ về tiền tài của cải là một trở ngại rất lớn cho việc rao giảng Nước Thiên Chúa. Lịch sử còn đó để cho thấy mỗi khi Giáo Hội được bao bọc bởi của cải vật chất, Giáo Hội đánh mất nội lực trong việc loan báo Tin Mừng, và đi vào sự suy thoái.Và ngược lại, chính khi Giáo Hội bị tước đoạt mọi cơ sở vật chất : nhà thờ, trường học, tu viện, ruộng nương, đất đai… thì chính lúc đó sức sống thiêng liêng lại trở nên mạnh mẽ khác thường. Cho nên, việc đòi lại cơ sở vật chất tuy là việc phải làm vì những nhu cầu khẩn thiết, nhưng đừng coi đó là sứ mạng, là sinh mệnh của Giáo Hội, để phải đấu tranh sống chết. Giáo Hội vẫn tồn tại và tồn tại sung mãn ngay cả khi chỉ có những cái hang toại đạo. Giáo Hội luôn nhớ lời Thầy chí Thánh “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”.

Bài đọc 2 : Không những người môn đệ phải giữ được sự tư do đối với của cải vật chất, mà theo Thánh Phaolô sự tự do về mặt nội tâm còn quan trọng hơn : sự tự do “mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta”. Nếu người môn đệ nô lệ “sống theo xác thịt” “tìm thỏa mãn theo đam mê xác thịt” sẽ khiến cho người môn đệ “không thi hành được những điều…mong muốn”. Những đam mê này có thể quy về 3 điều : tiền tài, danh vọng và xác thịt. Chúng ta có thể thấy được đó là 3 điều mà Satan, thủ lĩnh thế gian, đã giương bẫy ngay cả với Đức Giêsu trong sa mạc. Chúng ta phải khẳng định là 3 cơn cám dỗ này hiện nay và mãi mãi vẫn dai dẳng đao đuổi các môn đệ, do đó môn đệ luôn phải tỉnh thức và chiến đấu nhờ những phương thế siêu nhiên như Chúa dạy. Chúng ta có thể thấy sự tinh quái trong chiến thuật của Satan luôn  che đậy những cám dỗ ấy dưới những vỏ bọc thánh thiện và thiêng liêng. Ví dụ như trong các biến cố vừa qua tại Giáo Hội VN, vì muốn Giáo Hội sa lầy vào một Giáo Hội có quyền lực chính trị, nên nó thúc đẩy Giáo Hội đấu tranh cho các quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng bằng những phương thế trần gian, cho dù là bất bạo động. Giáo Hội luôn phải giữ được sự tự do của Đức Kitô đã thương ban.

Nói được sự tự do mà Đức Kitô trao ban là tự do có định hướng : tự do hướng con người môn đệ vào ĐƯỜNG THÁNH GIÁ, cũng là ĐƯỜNG TÌNH YÊU CHÂN CHÍNH. Khi người môn đệ bị cám dỗ dùng quyền lực (kể cả quyền lực thiêng liêng) để khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy Samaria vì không đón tiếp các Ngài, Người liền quở trách các ông “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa”. Đây là định hướng dứt khoát và vững bền mà Đức Giêsu đặt ra cho Giáo Hội khi bản thân Ngài mặc dù biết “gần đến thời gian Người phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem” là nơi Ngài sẽ nhận lấy Thánh Giá như là Tình Yêu cho đến cùng của Ngài để cứu chữa con người và giải thoát họ khỏi cuộc sống nô lệ cho tội lỗi. Trên con đường này, cho dù việc chôn cất cha mẹ mình là một nghĩa vụ thiêng liêng, nhưng người môn đệ được mời gọi phải lên đường ngay theo Thầy “mặc cho kẻ chết chôn kẻ chết”, cho dù việc từ giã thân quyến là cái nghĩa nhân bản chính đáng cũng không được ngăn cản người môn đệ phải tức khắc lên đường. Sứ vụ “Cứu chữa người ta” bằng con đường Thánh Giá, con đường Tình yêu với sự tự do kiên quyết chính là đáp án cho mọi quyền con người cách sâu xa nhất.

Lạy Chúa xin cứu con khỏi mọi cám dỗ để con đáp trả với tất cả ý chí tự do của con lời mời gọi cùng Chúa đi trên đường Thánh Giá, đường yêu thương cho đến cùng, hầu chu toàn sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.

Lm. Giuse Bảo Lộc