Mồng Ba Tết - Thánh hóa Công Ăn Việc Làm

 St 2,4b-9.15; Tv 103; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30

 

  1. Thiên Chúa Đem Con Người Đặt Vào Vườn Ê-đen, Để Cày Cấy Và Canh Giữ Đất Đai”. Với những lời trên đây Kinh Thánh khẳng định công việc lao động của con người là dự định của Thiên Chúa nhằm gìn giữ và phát triển công trình tạo dựng của Người. Việc kiếm sống không phải là mục đích từ ban đầu của lao động, bởi vì Thiên Chúa đã dành sẵn cho con người mọi thứ cần thiết kể cả cây trường sinh. Thánh vịnh đáp ca, mặc dù xuất hiện khá muộn thời, nhưng cũng khẳng định

Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc,

làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng

Chỉ khi con người đã sa ngã phạm tội, khi đó việc kiếm sống mới là mục đích của lạo động theo án phạt :

đất đai bị nguyền rủa vì ngươi;

ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi,

mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.

18 Ðất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng.

19 Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn,

cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra.

  1. Với thánh Phaolô lao động không những để cung cấp lương thực và những nhu cầu của cuộc sống mà còn có một ý nghĩa cao đẹp hơn cả ý nghĩa thưở ban đầu, vì nó giúp con người có khả năng yêu thương : “những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. 35 Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế”. Thánh Phaolô có thể làm được như thế, vì Ngài luôn nhìn vào Đức Giêsu một con người lao động chân chính nhưng cũng là người có tình yêu cho đến cùng.
  2. Qua bài Tin Mừng chúng ta có thể trực tiếp được nghe Chúa Giêsu trình bày ý nghĩa của lao động : chắc chắn không vì nhu cầu của bản thân, nhưng là để làm giàu cho gia tài của chủ mình. Người chủ mà Chúa muốn nói tới không ai khác hơn chính là Chúa Cha. Thế nhưng dụ ngôn cũng cho thấy Gia Tài của Chúa Cha không phải là những nén bạc mà Ngài trao cho mỗi người, nhưng Gia Tài của Chúa Cha là chính NIỀM VUI của Người, là hạnh phúc, là sự sống của Người. Như vậy Lao Động có một ý nghĩa thiêng liêng là để đi vào Niềm Vui của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên lời Kinh Thánh khác nói rằng Niềm vui ấy chính là việc Thiên Chúa được ở giữa con cái loài người. Và nếu nhìn vào cuộc sống của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rất rõ Người vất vả ngược xuôi chỉ nhằm đem con cái loài người đến với Thiên Chúa Cha, “để Cha và Con cùng ở trong chúng”. Lao động như thế được Chúa nói là “lao động vì những của cải không hư nát”.
  3. Ngày nay con người từ đông sang tây càng ngày càng cảm thấy sức ép của lao động, nhưng người ta lại không thấy mục đích cao đẹp của nó như thánh Phaolô và nhất là như Chúa Giêsu : đó là Lao Động để xây dựng một thế giới Yêu Thương và An Bình.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc