Chiếu Tỏa Sự Hiện Diện Của Thiên Chúa


 

Ngày 02 tháng 09: Chết vì Chúa là hồng ân lớn lao

Bản dịch: Nam Nguyên

 

Biến cố hôm nay vào năm xưa

 

1666:  Vụ Đại Hỏa Hoạn bùng ra tại Luân Đôn, kéo dài đến ba ngày, thiêu hủy tới 10 ngàn căn nhà, bao gồm cà Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Phaolô

1792:  Sư Huynh Salomon là một Chân Phước qua đời

1945:  Các viên chức Nhật Bản ký Hòa Ước đầu hàng vô điều kiện trên chiến hạm của Hoa Kỳ USS Missouri tại Vịnh Tokyo, dẫn đến sự kiện chấm dứt Thế Chiến II đã kéo dài 6 năm.

1973:  Văn hào J.R.R. Tolkien qua đời. Ông là tác giả hai tác phẩm nổi tiếng là The Hobbit  và The Lord of the Rings

 

Tư tưởng chính hôm nay

 

Viễn ảnh  nhìn thấy điều vô hình, và tin được điều khó có thể tin. và hoàn thành được điều khó thành tựu. ____Bill Newman

 

Suy niệm trong ngày

 

Br Quentin O’Halloran:

 

Trong lời tựa cho Vở Kịch  của mình là một vở kịch nổi tiếng và được nhiều người ca ngợi với nhan đề A Man For All Seasons, tác gỉa Thomas Bolt, đã nêu ra lý do tại sao mình lại coi trọng Thánh Thomas More như một vị anh hùng của lòng vị tha và là một đấng thánh. Các lý lẽ của ông được tóm lược lại như sau: thánh More có một cảm quan cứng như sắt đá về bản thân mình; ngài sống một nếp sống dưới nhiều trạng huống khác nhau; ngài có một sự thích nghi hợp tình hợp lý với đời sống; ngài từ chối xác nhận mình không còn tin điều mình đã tin, khi được yêu cầu phải xác nhận bằng tuyên thệ.

 

Nếu như Thomas Bolt biết được về đời sống của Sư Huynh Chân Phước Salomon, tôi tin chắc rằng ông sẽ áp dụng cùng các phẩm tính cá nhân tương tự cho sư huynh, đồng thời cũng gán việc tử dạo của sư huynh vào cái chết của thánh More trong tay Hoàng Đế Henry VIII. Xuất thân từ một gia đình có chín người con, Sư Huynh Salomon (tên thật là Nicholas Leclercq ) sinh năm 1745 tại Boulogne De Mer, là nơi thân phụ của sư huynh điều hành một cơ sở làm ăn trong một bến cảng xầm uất của quận lỵ này. Thân phụ cứ tưởng con mình sẽ nối nghiệp mình trong nghề kinh doanh, nên ông thu xếp cho con theo học các khóa học kinh doanh tại Boulogne De Mer, rồi tại Paris. Thế nhưng, Niclolas lại thấy mình bị lôi cuốn bởi nếp sống của các Sư Huynh, và chàng gia nhập đời sống tu trì này vào năm 1767. Dần dần, đức tính cùng các năng khiếu của sư huynh đã dẫn đến việc sư huynh được bổ nhiệm vào nhũng vai trò lãnh đạo, mà nổi bật nhất là vai trò làm cánh tay phải của Sư Huynh Bề Trên Tổng Quản vào năm 1787.

 

May mắn sao, 136 lá thơ của Sư Huynh Salomon gởi cho các phần tử khác trong gia đình vẫn còn được lưu giữ. Trong các lá thơ này, người đọc thấy hiện lên tình thương yêu đối với tha nhân thật đậm nét, hiện lên đức khôn ngoan và đời sống cầu nguyện của sư huynh. Cũng giống như Thomas More, Sư Huynh Salomon cũng lệ thuộc vào sự thay đổi của môi trường chính trị chung quanh mình. Chuyện này có liên quan đến Cuộc Cách Mạng Pháp, cũng như một đạo luật được thông qua đã đòi buộc các tu sĩ và giáo sĩ phải tuyện thệ tuân hành Bản Hiếp Pháp Dân Sự về hàng Giáo Sĩ.

 

Sư Huynh Salomon từ chối ký bản tuyên thệ, nên bị bắt ngày 15 tháng 8 năm 1792, và bị giam trong một tu viện Dòng Carmêlô cùng với 150 “nghi can” khác. Vào ngày 2 tháng 9 năm 1792, nhóm sát nhân có vũ trang xông vào tu viện. Các tù nhân thì bị tàn sát, trong khi những người khác được cho cơ hội ký bản tuyên thệ còn không  thì bị đánh chết bằng dùi cui. Nhiều xe bò chất cao đầy những xác chết trần truồng. Những xác chết còn lại bị đẩy xuống một cái giếng rồi phủ lên một lớp vôi bột rất dầy.  Sư Huynh Salomon là một trong các nạn nhân bị tàn sát trong dịp này. Sư Huynh được phong chân phước cùng với các bạn tử đạo khác năm 1926.

 

Lời cầu nguyện

 

Lậy Chúa, cũng giống như thánh Thomas More, Sư Huynh Salomon có một đời sống xứng đáng chuẩn bị cho sư huynh lãnh ơn tử vì đạo là một vinh dự xứng với đời sống đạo đức của sư huynh. Chúng con cầu xin Chúa cho chúng con biết sẵn sàng đón nhận bất cứ sự gì xẩy đến cho chúng con.