Ca tụng người chết nhưng không quên kẻ sống.

 

          Với tuổi đời xấp xỉ 70, tôi không biết đã bao nhiêu lần trong đời tham dự những nghi thức tẩm liệm hoặc thánh lễ an táng của người này người nọ. Trong những dịp đó, linh mục chủ sự nghi thức thường nhắc đến đôi nét về cuộc đời của người đã khuất; dĩ nhiên ngài chỉ chọn (do cố tình hoặc chỉ biết những điều đó) những nét đẹp để bày tỏ lòng kính phục hoặc biết ơn đối với người đã lìa thế; nếu chẳng may người ấy không phải là một nhân vật đặc biệt được xã hội biết đến, thì vị chủ sự cũng cố tìm một điều gì đó – như tuổi tác, như một đời sống đức tin trung kiên mà thầm lặng, hoặc như đàn con cháu đông đúc … - để vẽ nên một hình ảnh, để lưu lại một kỷ niệm cho người mới được Chúa gọi ra khỏi thế gian.

          Khi đặt tựa đề cho bài viết này là “Ca tụng người chết nhưng không quên kẻ sống”, tôi muốn tản mạn đôi điều về sự kiện đó. Nhưng cụm từ “không quên kẻ sống” không có nghĩa là vị chủ sự không đả động gì đến tang quyến; trái lại ngài còn dùng nhiều lời để phân ưu với thân nhân người chết, an ủi họ, và đôi khi còn cám ơn họ đã tạo điều kiện cho người thân của mình tham gia hoạt động vì Hội Thánh, vì xã hội, vì xứ đạo khi còn sống…Điều mà tôi muốn đề cập đến là đôi khi, vì thiếu thông tin chính xác do không tìm hiểu, vị chủ sự đã nói lên những lời ca ngợi gây nên đau xót tủi thân cho người nhà, gây khó chịu cho người tham dự có khi am tường hơn về cuộc đời của người mới ra đi, mặc dầu những lời ca ngợi đó không phải là không hoàn toàn xác thật.

          Sau đây là hai trong những trường hợp mà người viết đã chứng kiến. Để không xúc phạm đến vong linh của người đã khuất và cũng không làm phiền lòng các tang quyến là chỗ thân quen, tôi sẽ không nêu cụ thể tên các nhân vật, thời gian và nơi chốn.

          Trước hết, đó là dịp lễ tang của một người bạn. Trong những thánh lễ được cử hành để cầu nguyện cho anh, kể cả trong thánh lễ an táng, nhiều linh mục là bạn thân của anh đã không ngớt lời ca ngợi những cống hiến to lớn của anh cho Hội Thánh và cho xã hội. Ai nghe cũng phải cảm phục một con người đã có thể làm được nhiều việc như thế, đôi khi quên ăn quên ngủ, quên cái thân xác chẳng lấy gì làm cường tráng, thậm chí quên cả vợ con vì những ngày công tác dài ở nơi xa. Trong lời tâm sự với cha mình trước lúc di quan, một người con của anh đã thốt lên trong nước mắt : “ Chúng con biết ba thương tụi con, nhưng sao tình thương của ba nó ‘trớt trớt’ thế nào đó chúng con không hiểu được, và chúng con có cảm tưởng rằng ba thương người khác hơn tụi con !” Tại nơi hỏa táng, một linh mục đã nói với vợ anh : “ Làm việc với anh mấy chục năm nay, vậy mà tới bây giờ tôi mới được hân hạnh biết chị !” Những lời ca ngợi mà các thân hữu của anh nói lên trong tang lễ chắc chắn làm cho vợ con và người thân của anh cảm thấy hãnh diện lắm, nhưng cũng không thể không gây nên cho họ một chút tủi phận khi nghĩ đến những thời gian họ đã có mặc cảm bị bỏ quên !

          Trường hợp thứ hai là dịp lễ tang của một bà cụ. Rất nhiều người biết, từ thời niên thiếu, bà đã tỏ ra là một người ham hoạt động cho nhà thờ - dạy giáo lý, ca hát, đọc kinh, làm việc tông đồ …Những điều ấy đã được vị linh mục chủ sự nghi thức tẩm liệm hôm đó nói lên trước một cộng đoàn đông đúc gồm con cháu của người chết, bà con và thân hữu xa gần. Để tô điểm thêm cho cái chân dung đã khá hoàn hảo đó, ngài còn thêm rằng bà cụ đã đón nhận sự đau đớn đớn Chúa gửi đến cho bà vào những ngày cuối đời trên thân xác mình một cách can đảm và quảng đại, không kêu ca trách móc. Và để kết thúc, ngài nói đại khái rằng bà cụ đúng là một tấm gương sáng về một người tín hữu đã sống hết mình cho Chúa đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Nếu vị chủ sự đã chịu khó tìm kiếm thông tin đầy đủ về cuộc sống gia đình của bà cụ, các mối quan hệ vợ chồng con cái, láng giềng hàng xóm, cách thức bà đã trải qua những cơn đau đớn trên thân xác, thì chắc ngài đã không có những lời ca ngợi hùng hồn như thế, mặc dầu không phải là không có một phần sự thật trong những điều ngài đã nói. Xót xa nơi người thân, khó chịu nơi người am hiểu … đó là hai tâm trạng đã có thể tránh được nếu vị chủ sự tế nhị hơn trong phát biểu của mình.                                         

          Hiệp thông cầu nguyện cho người chết, chia sẻ sự mất mát đau thương của tang quyến, đó không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là nghĩa vụ gần như bắt buộc của những người anh em trong  đức tin. Nhưng dầu đau buồn, thân nhân của người chết vẫn đủ tỉnh táo để nghe những lời phân ưu của người đến kính viếng, cũng như những chia sẻ của vị chủ sự lễ nghi. Và cộng đoàn hiện diện chắc chắn biết rõ về người đã khuất hơn chính vị chủ sự này. Do đó khi ca ngợi người đã chết ta đừng quên những kẻ đang sống./.      

 

Du-Trường

7/09

 


Sống Đẹp