Mậu Dần, [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038], (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?" Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng 3, vua về Kinh sư….

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Thái Tông không phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ [26a] trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay !  (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển II, Kỷ nhà Lý, t 25b và 26a)

 

Lời bàn :

« Quốc dĩ dân vi bản » (Nước lấy dân làm gốc). Dân chung lòng góp sức thì nước mới vững bền, dân giàu có ấm no thì nuớc mới hưng, mới mạnh .Vua Lý Thái Tông lo cho dân, lại giáo huấn dân bằng chính gương của mình, thật là một vị vua anh minh, đáng quý. Người cầm đầu một quốc gia, một cộng đồng, một đoàn thể cần nêu gương sáng chứ không chỉ nói suông, cho dù đó là lời nói tốt có thể làm nức lòng người. Hãy làm sao để « lời nói lung lay, gương bày lôi kéo »,vừa trở thành người tốt, vừa có lợi cho người khác.

 

 

                                                                                                                      Hoài Nam