Thái sư Trần thủ Độ (1194-1264) là người dựng đế nghiệp cho nhà Trần. Ông xử sự rất rõ ràng trong việc chung cũng như việc riêng, luôn coi trọng lợi ích của quốc gia và của dòng họ, hơn cả bản thân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép :

« Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược [28b] hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông khóc mà nói rằng :

 -"Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao"?

Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời:

- "Đúng như những lời hắn nói ".

 Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy.

 

Linh từ quốc mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ:

 -" Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế ".

 Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói:

-" Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa ".

Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.

 

 [29a] Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người làm câu đương(chức dịch trong xã, giữ việc bắt bớ, giải tống).Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ, ông bảo hắn:

-"Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác".

Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa.

 

  Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu :

-«An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao? ».

Vua bèn thôi.

 

Lời bàn :

Người lãnh đạo cần quan sát, lắng nghe, kiểm chứng để tìm hiểu sự thật. Quan trọng hơn nữa là phải xử sự quyết đoán theo lương tâm trong sáng, thuận với lẽ phải chứ không theo tình cảm cá nhân, có như vậy phán quyết mới công bằng. Trần thủ Độ là người công tư phân minh, được dân chúng và triều đình tin tưởng vì đã tự xem bản thân mình thuộc về dân, một lòng vì nước. Sự thưởng phạt của ông không theo tư lợi mà vì lợi ích của mọi người. Cộng đồng, xã hội, gia đình có được yên ổn và lương tâm ta có được bình an hay không là ở chỗ sống yêu thương nhau, tôn trọng lẽ phải và duy trì công lý.

                                                                                                                                                                                                                                                    Hoài Nam