Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) lên ngôi năm 18 tuổi. Nhà vua trẻ có hoài bão như cha là Thái Tông, luôn coi trọng việc học. Người hay giả làm thường dân vi hành khu trường Giám để thăm nom các sĩ tử. Truyện kể rằng :

Trong một đêm  trừ tịch cuối năm, vua gặp một cống sĩ nghèo đang chăm chỉ học, khi biết vì nhà nghèo nên không có tiền về quê ăn tết, vua lẳng lặng lui gót, sắp tới lúc giao thừa thì có người mang cho người cống sĩ này 2 chiếc bánh chưng nhỏ : một chiếc là bánh thật, chiếc còn lại có nén bạc bên trong….Một truyện khác cũng kể lại : có một bác cống sĩ tuổi  đã hơn 50, đêm khuya chong đèn vừa đọc sách vừa húp cháo. Nhà vua giả trang làm dân đi qua, khi biết bác cống sĩ nghèo chỉ có cháo mà không có muối, vua đã trở về và sai nội thị mang cho bác một chĩnh muối, mở ra thì có bạc nén bên trong…

 

Lê Thánh Tông là vị vua duy nhất dưới thời phong kiến đã trực tiếp viết “Chiếu khuyến học”. Để khuyến khích việc học, nhà vua còn cho lập nhà Thái Học, tạo nơi ăn ở và học tập cho các sĩ tử từ các nơi tới Thăng Long thi cử, cấp học bổng Quốc Tử Giám cho học trò nghèo học giỏi và siêng năng; đặt các giáo thụ (quan coi việc học) tại các châu, lộ ; phân phát sách cho các địa phương. Người còn đặt chức Ngũ kinh bác sĩ để chuyên môn hóa người dạy  từng loại kinh sách, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ; Đưa ra các luật thi cử, làm rõ danh hiệu các học hàm, hoàn thiện các chế độ đãi ngộ. Nhà vua dành những vinh quang đặc biệt cho những người đạt thành tích trong khoa cử: tổ chức lễ xướng danh giữa triều đình, lập lễ vinh qui bái tổ cho các tân khoa, truyền dựng bia tiến sĩ, thật đề cao khoa bảng.

Việc nhà vua coi trọng việc học đã đem lại hiệu quả : Riêng về cuộc thi Hội và thi Đình dưới triều đại của người đã có 12 khoa (chưa kể một số khoa Hoành Từ, khoa Đông Các) lấy đậu 502 Tiến sĩ trong đó có 9 Trạng nguyên, với những người nổi tiếng như Lương thế Vinh, Vũ Duệ, Nguyễn quang Bật, Thân nhân Trung, Đỗ Nhuận… Thật đúng như Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã ghi nhận: “Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức, đời sau không thể theo kịp”.

Lê Thánh Tông là vị minh quân  rất có công dựng xây nền giáo dục, làm vẻ vang cho văn hóa Việt Nam. Có thể nói, dưới thời của người với 38 năm trị vì, nền giáo dục nước ta đã có những thành quả huy hoàng mà không một triều đại nào của Việt Nam sánh kịp. Bí quyết thành công có lẽ nằm trong quan niệm của người, đã được ngòi bút của Thân nhân Trung truyền đạt vào bia đá năm 1484 :" Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bổ dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên…".


Lời bàn :

« Muốn được dân thì chính trị tốt không bằng giáo dục tốt, vì chính trị tốt thì dân sợ, còn giáo dục tốt thì dân yêu ; chính trị tốt thì nước giàu, còn giáo dục tốt thì được lòng dân »(Mạnh Tử) Tuy vua Lê thánh Tông có nhiều cải cách chính trị và những thành tích quân sự đầy công lao  khiến nước giàu dân mạnh ; Nhưng sự hưng thịnh của giáo dục dưới thời của  vua đã được sử sách và người đời ca ngợi hơn cả. Người đã lấy bản thân siêng năng chịu khó, sáng suốt nhân từ làm gương cho dân ; đồng thời giáo dục dân qua những hiền tài đã được triều đình dày công đào tạo và nâng đỡ. Sự học là quan trọng, quan trọng hơn nữa là việc khuyến khích, tổ chức, phù trợ, rèn luyện những con người có học để làm ích quốc lợi dân.

         Ân Linh

 


Mục Lục Sống Đẹp