Cụ Đặng văn Thụy (1858-1936) người làng Nho Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, là người đỗ Hoàng Giáp năm Thành Thái thứ 16 (1904), cùng khoa thi với các cụ Huỳnh thúc Kháng, Trần quý Cáp. Còn được gọi là cụ Hoàng Nho Lâm, nổi tiếng đức độ, nghiêm khắc, nhưng lại rất bình dân, hóm hỉnh. Có 2 giai thoại kể về cụ như sau :

Có một viên tri huyện mới được triều đình bổ nhậm về Diễn Châu, đi một mình đến chào Cụ Hoàng Nho Lâm đã về hưu. Đến một chỗ lầy lội trên đường, quan lúng túng chưa biết tính sao, bỗng thấy một ông già vác cuốc đi ngang, liền gọi ông đến cõng quan vượt qua chỗ lội. Sau khi được ông già đặt xuống, quan huyện hỏi đường để đến ra mắt Cụ Hoàng Nho Lâm. Ông già lễ phép đáp: “Xin quan huyện đi theo tôi”. Đến nhà, ông già mời quan huyện ngồi chờ ở phòng khách, rồi vào trong, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề ra chào quan huyện và nói: “Cụ Hoàng Nho Lâm là tôi đây”. Quan tri huyện sụp lạy, miệng lắp bắp xin lỗi. Cụ Hoàng đưa tay đỡ quan tri huyện đứng dậy rồi nói:

-         Không sao! Không sao! Ta chỉ nhắc ông lần sau nhờ người cõng thì nhờ trai trẻ. Nhờ ông già cõng thì không phải đạo, ông ạ!    

                                                                      

Lúc sinh thời , cụ thường cải trang thành một người quê mùa chống gậy đi thăm các con đang làm quan ở các nơi. Khi đến nơi,cụ không vào ngay sảnh đường hay tư thất của con, mà đi tìm những nhà dân nghèo xin tá túc qua đêm. Cụ hỏi han chủ nhà về cách cai trị của quan đầu tỉnh ra sao, hà hiếp hay thương yêu dân . Sáng hôm sau, cụ dậy sớm, lấy quần áo tươm tất ra mặc. Chủ nhà ngạc nhiên hỏi đi đâu sớm vậy, cụ đáp:

-         Tôi vào trong phủ thăm con.

-          Thế con của cụ là ai trong phủ vậy?

-         Là quan phủ ấy mà !  

Chủ nhà thật sợ hãi, nhưng rồi cũng định thần lại được, hỏi tiếp :

-         Đi thăm quan phủ, sao cụ không đi cáng hay đi xe ?

-         Có đi như thế này mới được ngắm phong cảnh núi sông, biết được phong thổ, nhân tình. Vả lại cũng mới có điều kiện để tìm hiểu con cái mình . Nếu nó khá thì tôi đến thăm , còn nếu nó hư thì tôi quay trở về, không thèm nhìn mặt nó nữa”.

 

Lời bàn :

Cha ông ta ngày xưa có nhiều người rất đạo đức, sự đạo đức không ở chỗ hay giảng giải lời thánh hiền hoặc ngâm nga ca ngợi đạo, mà ở chỗ thực hành qua cách cư xử thường ngày, đạo được cụ thể hoá bằng hành động đầy nhân cách trong gia đình, ngoài xã hội, như cụ Hoàng Giáp làng Nho Lâm. Ngày nay, có người chê Nho học cổ hủ, gò bó con người. Dĩ nhiên Nho học có những giới hạn vì những tư tưởng đã xuất hiện cách đây hơn 2500 năm, nhưng đã đào tạo bao người tốt cho xã hội và thật có lý khi phân loại con người theo tiêu chuẩn đạo đức chứ không theo địa vị, tiền tài, danh vọng…Cách phân loại đó khiến cho người ta hướng về người quân tử, xa lánh kẻ tiểu nhân, hướng con người đến cái thiện và rời bỏ cái ác. Để kiện toàn xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn, chúng ta cần hình ảnh người quân tử và thật đẹp, thật đáng kính trọng hình ảnh « Người quân tử không bao giờ xa rời đạo, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào » (Khổng Tử)

 

Ân Linh

 


Mục Lục Sống Đẹp