Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Tung (Trần quốc Tung) (1230-1291) có tước hiệu Hưng Ninh Vương, là con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, cũng là anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (là vợ vua Trần Thánh Tông). Trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần 2 và lần 3, ông đều trực tiếp tham gia. Sau khi kháng Nguyên thành công, đã được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình. Ít lâu sau ông lại lui về ấp Tịnh Bang (Hải Phòng), lập Dưỡng Chân Trang để theo đuổi nghiệp Thiền. Thượng Sĩ vừa thực hành giải thoát tâm trong đời sống gia đình theo hình thức cư sĩ, vừa đảm trách các việc xã hội mà triều đình giao phó. Được vua Trần Thánh Tông kính nể do kiến thức uyên bác, tôn làm sư huynh. Ông vui hoà cùng thế tục, sống lạc đạo an bần ; Đói thì ăn, khát thì uống, sống tự tại tiêu diêu.

Điểm độc đáo nơi tư tưởng Thiền của ông là « phá chấp » : phá bỏ ý tưởng cho rằng giáo lí kinh điển nhà Phật là hoàn toàn đúng đắn, là chấp vào giới ( giáo lý), lệ thuộc vào kinh chữ. Giới luật chỉ là phương tiện, khi giác ngộ rồi thì  phải vượt trên giới, hiểu và hành động vượt lên trên khuôn khổ, đổi mới nhận thức, tiếp thu tinh hoa trên tinh thần phê phán, không rập khuôn máy móc. Tư tưởng này có từ thời Đức Phật, nhưng không được phát triển nhiều nơi Phật giáo Trung Hoa và Ấn Độ, tới Tuệ Trung Thượng Sĩ mới được phát huy quang đại ở nước ta. Khi giải thích về quan niệm « bẩn sạch », ông nói về « Pháp thân thanh tịnh » bằng  4 câu thơ :“Xưa nay không bẩn, sạch / Pháp thân không vướng mắc / Nào “trọc” với nào “thanh! / Bẩn, sạch đều hư danh.

Có người hỏi : « Thế nào là đạo » -  Ông đáp : « Đạo không ở trong câu hỏi, câu hỏi không ở trong đạo ». Khi giải thích về Phật Pháp như không giải thích gì để phá sự chấp nê, có người khác hỏi  Thế ấy thì người học nhân đâu vào được chỗ đầu ? ». Ông trả lời : « Gãi ngứa không phải người khác ngứa/ Đói ăn chính thật là ông ăn ». Ý nói : thấy được chỗ vào đó là nhờ mình thấy và mình sống chớ không ai khác. Quan niệm giác ngộ của ông không chấp vào khuôn khổ, giới luật, không thoát li hiện thực đất nước. Tuệ Trung cho rằng : người tu hành một khi đã giác ngộ thì phải « nhập thế » chứ không « xuất thế », phải hòa mình vào thế tục, Ông nói : « Đi đến xứ cởi trần / vui vẻ mà bỏ áo / Không phải là quên lễ / Tuỳ thói tục mà thôi ».

Khi vua Trần Nhân Tông( được sử sách gọi là Phật Hoàng), là cháu và cũng là học trò của ông, người sau này sẽ sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm nổi tiếng của nước ta, hỏi về tôn chỉ Thiền. Ông đáp : « Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tôn chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác. » 

Một hôm, Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Tuệ Trung Thượng Sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn. Hoàng thái hậu hỏi : “Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được ?” Ông cười đáp : “Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật. Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?”

 

Lời  bàn

Biết giới luật nhưng không sống khư khư, cố chấp theo luật, quan điểm của Tuệ Trung mong thức tỉnh người học đạo chứ không đả phá giới luật ; Xuất phát từ tư tưởng :  Phật không ở ngoài ta, Phật ở trong ta, tâm là Phật , « Phật pháp ở tại thế gian, lìa thế gian mà cầu đạo, thì chẳng khác nào tìm sừng thỏ lông rùa - cái không bao giờ có »(Huệ Năng). Chính vì vậy phải nhập thế, hoà đồng để sống và giúp người khác sống đạo. Với Quan niệm giác ngộ không chỉ cho mình mà cho mọi người , ông đã góp phần  làm cho Phật giáo Việt Nam có sắc thái riêng so với Phật giáo Trung Quốc, . Ông là một nhà thiền học đạo đức, chân tình,  đã đem tư tưởng của mình góp phần tạo nên tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam, nâng cao văn hoá và lòng tự hào của dân tộc Việt. Quan niệm sống của ông là :

 

Đạo là nếp sống tùy duyên
Đói ăn mệt nghỉ an nhiên tâm hồn

 

Ân Linh