Với danh nghĩa « phù Lê diệt Trịnh », Nguyễn Huệ cùng đoàn quân Tây Sơn tiến quân ra Bắc (1786). Trong cuộc chiến, đoàn quân Tây Sơn đã làm hư hại một số bia tiến sĩ trong Văn Miếu Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long. Năm 1789, Nguyễn Huệ đã lên ngôi, tức vua Quang Trung, đã ba năm rồi mà cảnh đổ nát của khu văn hiến này vẫn chưa được sửa sang. Những người dân làng Văn Chương thật đau lòng, đành nhờ Tam Nông Tiên Sinh Hà năng Ngôn, một nho sĩ ẩn dật, làm đơn kiện. Ông đã nhận lời.

Đi kiện một đoàn quân thắng trận, lại kiện họ với vị chủ soái uy dũng, thật dễ mang vạ vào thân. Nhưng với sự khôn khéo và can đảm, Tam Nông Tiên Sinh đã viết 1 sớ tâu bằng chữ Nôm, loại chữ được vua Quang Trung yêu thích. Bài thơ mở đầu bằng cảnh dân làng Văn Chương băn khoăn mở lòng, gợi lại lịch sử huy hoàng của Văn Miếu cùng các bia đá trong quá khứ, mượn dư luận để đổ lỗi cho Chúa Trịnh Khải hoặc lỗi của chính« lính nhà ngài », rồi khôn khéo xin xí xoá khỏi truy tìm « thủ phạm » mà chỉ mong dựng lại văn bia, trùng tu Văn Miếu :

 

Chỉ xin được ngài trông vì nước

Dựng lại bia cùng nhà bia cho được y nguyên

Trước là giáo dục kẻ hèn

Sau là văn mạch rồi truyền dài lâu…

 

Khi đọc tờ sớ « kiện » này, vua Quang Trung thấy ngay thâm ý của nhà nho khi đề đạt nguyện vọng chính đáng của dân làng.Vua thẳng thắn phê ngay vào sớ cũng bằng thơ Nôm :

 

Thôi, thôi, thôi, việc đã rồi

Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta

Nay mai dọn lại nước nhà

Bia nghè dựng lại trên toà muôn gian.

 

Người còn hóm hỉnh phê thêm để « chỉnh » nhà nho lắt léo không chịu gọi mình là vua hay hoàng thượng mà lập lờ dùng chữ « ngài «  thay thế :

 

Ta không trách nông phu

Ta chỉ gớm thầy nho

Cả gan, to mật dám kêu vua bằng ngài

Thầy nho là ai ?

Sắc cho bộ hỏi, dân khai !

 

Rồi vua cho dựng lại những bia tiến sĩ bị hư hại, sửa sang Văn Miếu , còn ra lệnh tìm Tam Nông Tiên Sinh để tưởng thưởng ông cùng với dân làng Văn Chương đã nặng lòng với văn hoá nước nhà.

 

Lời bàn

Trong chiến tranh không tránh được những đổ nát, điêu tàn. Nhưng vua Quang Trung đã không đổ lỗi cho hoàn cảnh, thời cuộc, hoặc sự vô ý của người dưới quyền, cũng chẳng hù doạ trù dập người tìm lẽ công bằng, thao thức vì văn hoá dân tộc mà đụng chạm tới mình. Nhà vua mong “trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta”, đây là trí và dũng của người lãnh đạo khoan dung, độ lượng. Những bia đá được sửa sang còn đứng đó như làm chứng cho những tinh hoa dân tộc qua các thời đại, làm chứng cho tấm lòng phục thiện của vị vua tài đức. Thật mừng hơn nữa : những điều đó còn được tạc sâu nơi lòng người, chỗ bền vững hơn cả sử sách và đá tảng vô tri .

 

Ân Linh