Khi thực dân Pháp lần lượt chiếm Nam Kỳ lục tỉnh (1862-1867)), dân chúng khắp nơi đều phẫn uất, mong đánh đuổi ngoại xâm. Riêng giới trí thức đã từng tiếp xúc với văn hoá phương tây, nên có được cái nhìn xa hơn giáo mác gậy gộc của dân binh hoặc binh pháp, quân khí của triều đình. Nguyễn trường Tộ là một kẻ sĩ trong số người hiếm hoi đó.

Từng đi qua Hồng Kông, Singapore, Malaisia, Thuỵ Sỹ, Ývà Pháp. Nguyễn trường Tộ thấy muốn thắng ngoại xâm thì phải canh tân để đất nước tự cường. Không thể khư khư dựa vào hoặc bắt chước Trung Hoa đang bị liệt cường xâu xé, cũng không thể bảo thủ giữ đường lối thi cử, phong tục, chính sách xã hội cũ, an tâm với quân đội và vũ khí lạc hậu, giữ đường lối khép kín "bế quan toả cảng" với các quốc gia khác. Ông đã dâng tất cả là 57 bản điều trần, thỉnh nguyện lên vua mong đổi mới đất nước, nổi tiếng nhất là các bài "Tế cấp luận", "Giáo môn luận", "Thiên hạ phân hợp đại thế luận".... Với các bản điều trần này, ông tình nguyện đứng ra điều đình với giặc, đốc xuất việc đóng thuyền chiến, mua binh khí Tây phương, đào tạo sĩ quan, nâng cao võ bị, cải cách giáo dục, thuế khoá, xây nhà dục anh (cho cô nhi), viện tế bần (giúp người nghèo) .Ông chủ trương phát triển kinh tế vì biết rằng nước có giàu thì dân mới mạnh, dựa vào mình hơn là dựa vào láng giềng, phải mở rộng quan hệ với các nước để bảo vệ chủ quyền dân tộc, phải đủ mạnh mới nói đến hoà được và "chủ hoà" chứ không "chủ hàng". Tấm lòng của ông thật đáng quý nhưng tiếc thay vua Tự Đức và triều đình hủ lậu không nghe theo. Cũng triệu vời ông, khen ý kiến hay và làm cho có lệ.

Những bản điều trần của ông nói lên tâm huyết của người yêu nước thương dân, không những có đầy kiến thực thực tế mà còn phân tích rất sâu sắc và khách quan về sự cách biệt giữa Đông Tây. Thay vì được tán thưởng lại rước lấy nghi kỵ và lạnh nhạt, vì nhà vua cùng các quan còn tự hào là triều đình đã có đủ phương tiện để chấn hưng đất nước và cho rằng Nguyễn Trường Tộ quá kiêu ngạo, tự tin vào sở học của mình. Rốt cuộc hậu quả của chính sách bảo thủ là đất nước mất chủ quyền và dânViệt rơi vào cảnh nô lệ cả trăm năm.

 

Xin đừng gán cho Nho giáo tội bảo thủ đóng kín xã hội( vì trong lịch sử đã từng có những nhà cải cách chân chính xuất thân từ nho học), mà cần xét lại những người lợi dụng Nho giáo với quyền bính trong tay, đã dẹp đi những ý hướng canh tân, sợ mất quyền lợi của dòng tộc và bản thân họ. Tuy không phải cứ ý kiến của người có học là đúng, nhưng nếu thực sự ý của họ là đúng, là có lợi cho dân tộc, là cái "được" hưng thịnh của quốc gia ; thì cái" thua" lại ở trong sự hủ lậu của kẻ có quyền. Đó là nỗi đau của lịch sử dân Việt nói chung và của Nguyễn trường Tộ nói riêng. Ông đã ngậm ngùi nhắm mắt vĩnh viễn khi mới 41 tuổi đời, để lại một di sản lớn lao đầy tâm huyết và cõi lòng thiết tha yêu nước khôn nguôi. Chuyện kể rằng : một thời gian sau, khi đào mộ ông lên để cải táng, trong mộ chỉ còn bộ xương với quả tim ái quốc nguyên khối chưa tan.

 

Lời bàn


Lấy đạo nghĩa xưa làm mực thước

Đem khoa học mới để trao đời

Bao phen xuất ngoại lòng nuôi mộng

Mấy độ trần tình lệ nhỏ rơi .

 

Lời thơ của Á Nam Trần tuấn Khải đã tóm tắt cuộc đời của Nguyễn trường Tộ, người để lại tấm gương hiếu học, ham chuộng kiến thức để mưu công ích, miệt mài mong muốn biến chúng thành hiện thực "ích quốc lợi dân", dù mình có mất công, trầy trật, đau khổ."Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách"(đất nước thịnh hay suy, kẻ sĩ có phần trách nhiệm). Ông thật là một kẻ sĩ có "tâm" và có "tầm", luôn giữ sự can đảm và kiên trì chu toàn trách  nhiệm, nêu bài học ngàn đời cho hậu thế noi theo.

 

 

Ân Linh

 

 

 


Mục Lục Sống Đẹp