Nguyễn Trường Tộ (Việt Nam) và Fukuzawa Yukichi (Nhật bản), cả hai đều sinh cùng thời và đều là du học sinh giỏi, đầy thao thức canh tân cứu nước, cùng có tổ quốc bị ngoại bang dòm ngó, hai quốc gia Nhật Việt đều đóng cửa khép kín với thế giới bên ngoài và đang đứng trước hiểm hoạ xâm lăng. Tại sao Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát) thành công ở Nhật, còn Nguyễn Trường Tộ lại thất bại ở Việt Nam. Chúng ta cùng nhìn việc làm của hai vị để rút ra bài học lịch sử cho mình.

Nguyễn Trường Tộ là một nhân tài, ông quả có nghiên cứu sâu sa về khoa học kỹ thuật cùng các chính sách xã hội phương tây, có dũng khí và kiên trì soạn thảo những bản điều trần có lợi cho dân nước, biết vận động và cộng tác với những đại thần yêu nước như Trần tiễn Thành, Phan Thanh Giản, Phạm phú Thứ để góp ý với vua và điều đình với Pháp. Giúp triều đình mua một số máy móc, dụng cụ và sách vở ở nước ngoài, kiếm được ít chuyên gia kỹ thuật người Pháp giúp quê hương, thực hiện một số công trình kiến trúc ở Trung và Nam, khai thông được con đường thủy từ Sông Cấm cho tới sông Vinh, xóa bỏ được Thiết Cảng (Cửa Sắt) để làm thành Kênh Sắt. Trong mọi việc canh tân, tuy có đề cao quốc gia và dân tộc, nhưng luôn coi triều đình là nhân tố quan trọng để khởi đầu, mọi việc phải từ trên đi xuống...

Ngược lại, Fukuzawa Yukichi lại như từ căn bản "dân" để đi lên: Ông mở trường Keio ở Edo (1867) và có ngay 100 học sinh Nhật nhập học khao khát canh tân (Nay là đại học Keio với 28000 sinh viên và 5000 nghiên cứu sinh), lo dịch những tác phẩm phương Tây về chính trị, khoa học và kinh tế, bản thân ông cũng viết sách về xã hội, kinh tế, giáo dục...(trên 100 cuốn sách), xuất bản một tờ báo làm hậu thuẫn cho cuộc cải cách. Tuy cũng có những đề nghị canh tân dâng lên Thiên Hoàng, nhưng ông tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy, hô hào lập nghị viện, đề cao dân chủ, mở rộng kiến thức người dân khi chủ trương "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân". Ông được xem như một nhà cải cách chính trị xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà tư tưởng tiêu biểu của Nhật Bản thời  kỳ Minh Trị đầy sức sống canh tân.

Chuyện kể rằng năm 1859 tại Hongkong, Nguyễn trưòng Tộ có gặp Y-Đằng Bác-Văn ( Ito Hirobumi, sau này là thủ tướng Nhật)  Khi chuyện trò xong, Y-Đằng phục tài Nguyễn Trường Tộ mà nói rằng: “Kể về tài trí thì ông hơn tôi nhiều, nhưng cứ tình thế hai nước ta, thì tôi sẽ thành công dễ dàng mà ông thì sẽ thất bại.”. Lời tiên tri đó dựa trên nhận thức về tinh thần cầu tiến khác nhau của vua quan 2 nước, nhưng chúng ta cũng nên xét lại phương thức làm việc của những trí thức của buổi giao thời để làm bài học áp dụng cho thời đại hôm nay.

Lời bàn:

Có thể nói lý do chính yếu của thành đạt hay thất bại là : Fukizawa Yukichi gặp được Minh Trị Thiên hoàng như một trung thần gặp minh quân, trong khi Nguyễn Trường Tộ lại rơi vào thời nhà Nguyễn với triều đình Tự Đức cầu an, hủ bại. Nhưng dù sao bài học "tư duy cần đi đôi với hành động" vẫn là chìa khoá mở cánh cửa thành công cho mọi thời và mọi người . Quan trọng hơn nữa : việc đặt niềm tin vào dân sẽ vững chắc hơn là vào vua quan chuyên chế, dân mới là động cơ, lực lượng, là sức mạnh cải cách ; Họ sẽ gần gũi, gắn bó với quyền lợi cùng sự sống của mình để nhanh chóng và hết lòng hành động. « Dân là tôn quý nhất, rồi  đến đất nước, vua không quan trọng » (« Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh »-Mạnh Tử). Kẻ sĩ sống cùng dân, hành động cho dân và vì dân mới dễ thành công. Tuy nhiên, dù chí sĩ Nguyễn trường Tộ có thất bại, chúng ta vẫn kính trọng và học hỏi nơi ông : chí cầu tiến không ngừng cùng tấm lòng yêu nước bao la của "một kẻ sĩ không gặp thời ".

 

Ân Linh

 


Mục Lục Sống Đẹp