Tôi tin kính Đức Chúa Trời

Kinh tin kính bắt đầu bằng câu: Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

Lời tuyên tưng đức tin này nói lên: vòng chu vi của lịch sử thế giới trải rộng bao trùm tới mọi ngọn nguồn. Phải, lan tới công trình sáng tạo do Thiên Chúa tạo dựng nên.

Và nếu câu khởi đầu này của Kinh Tin kính mà xóa bỏ đi, thì lịch sử cứu độ sẽ trở thành nhỏ bé phụ thuộc thôi.

Nhưng đâu là ý nghĩa trung tâm căn bản lời tuyên xưng đức tin này?

1. Tôi tin kính một Thiên Chúa

Ngày nay trong đời sống xã hội, có nhiều quan niệm về cách sống khác nhau, hay theo ngôn ngữ của văn chương triết học, có những nhân sinh quan khác nhau trong đời sống.

Có quan niệm cho rằng công ăn việc làm kiếm tiền cho đời sống là quan trọng là khẩn thiết. Vì nghĩ rằng có công ăn việc làm sẽ kiếm ra tiền bạc để đáp ứng cho nhu cầu mua bán sinh sống, nhu cầ giầu sang phú qúi, cùng cho thêm những nhu cầu khác, mà con người mong muốn...

Có quan niệm cho rằng con đường khoa bảng, công danh sự nghiệp là quan trọng hàng đầu của đời sống.

Có quan niệm cho rằng sức khỏe quan trọng cho đời sống hơn cả.

Cũng có quan niệm đặt gia đình, vòng bạn bè tình bằng hữu lên hàng đầu quan trọng khẩn thiết trong đời sống.

Và còn nhiều quan niệm đời sống khác biệt nhau nữa... Nhưng quan niệm Thiên Chúa là quan trọng cần thiết cho đời sống xem ra ít được nói đến. Hay nói cách khác, đó không là thắc mắc quan trọng cùng khẩn thiết.

Nhưng thế nào là không tin Thiên Chúa và thế nào là tin vào Thiên Chúa?

Không tin Thiên Chúa không chỉ là chối bỏ Ngài. Không tin Thiên Chúa còn là không trông chờ gì nơi Ngài, hay bỏ quên Ngài; không có Ngài vẫn có thể sắp xếp đời sống được, sự giúp đỡ của Ngài, nếu có, cũng không nhất thiết là cần thiết.

Còn tin Thiên Chúa muốn nói lên, Thiên Chúa là Người quan trọng trong đời sống và Ngài luôn luôn trở thành người quan trọng cho đời sống mình.

Tin Thiên Chúa là tin tưởng cậy trông vào sự gần gũi của Ngài săn sóc quan tâm đến đời sống của mình. Cùng hằng muốn trao gửi chính mình vào bàn tay của Ngài trong mọi hoàn cảnh của đời sống, lúc còn sống cũng như lúc chết.

Tin Thiên Chúa là muốn nói lên tâm tư: tôi đến với Ngài trong vui mừng và cả với sự đau khổ, với niềm lo âu sợ hãi và cả niềm hy vọng cậy trông. Đến với Ngài để cám ơn Ngài và cũng kêu than khóc lóc kêu xin.

Tin Thiên Chúa là muốn đời sống mình liên kết với Ngài, mặc dù trong đời sống con người tin Ngài hầu như hay sao lãng bỏ quên Ngài.

Khi nói tin Thiên Chúa là chân nhận Ngài là Thiên Chúa chân thật và sống động cho đời mình. Và Ngài là Đấng Tạo Hóa của công trình vũ trụ thiên nhiên.

2. Đấng tạo thành trời đất

„Từ khởi nguyên Thiên Chúa tạo thành trời và đất”.( St 1).

Từ thuở đó cho đến nay và còn mãi mãi trong tương lai, công trình tạo dựng đó vẫn luôn sống động. Trong dòng thời gian vũ trụ vẫn luôn hằng biến hóa thay đổi, nhưng lại không thành gìa cỗi. Trái lại luôn tươi trẻ đổi mới, xanh tươi cùng là nền tảng thức ăn dinh dưỡng nuôi mọi loài sống trong trời đất.

Từ hàng ngàn vạn năm nay, con người sống trong không gian vũ trụ. Nhưng quê hương vũ trụ vẫn là một ẩn số, điều mầu nhiệm bí ẩn cho tâm trí con người. Mặc dù cũng từ nghìn năm nay vẫn luôn có những suy nghĩ khảo cứu về nguồn gốc lịch sử cùng hình ảnh vũ trụ.

Những nhà hiền triết từ thời đại cổ xưa trước Chúa giáng sinh như Thales thành Milet ( khoảng 600 v. Chr. ), Platon ( vào khoảng 428/ 427 và 348/347 v.Chr.), Aristoteles ( vào khoảng 384 và 322 v. Chr.), Aristarch thành Samos ( 310-230 v. Chr.) , Apollonius thành Perga ( 260-200 v.Chr.), Hipparchos ( 190-120 v. Chr.), và Claudius Ptolomaeus (khoảng 140. Sau Chúa giáng sinh) cũng đã có những suy tư tìm hiểu về những yếu tố thành hình trong không gian vũ trụ phát sinh xoay chuyển như thế nào.

Sang thời Trung cổ, nền thần học ở Âu châu phát triển nở rộ đạt tới cao điểm với Thánh Toma Aquinô. Căn cứ trên triết thuyết suy tư của Aristoteles về vũ trụ học và nền tảng thần học Kinh Thánh, Thánh Thoma cũng đã có suy tư về thiên văn.

Từ thế kỷ thứ 15 trở đi, các nhà khoa học với những suy tư cùng phương phát khảo cứu mới, đã phát minh ra bộ mặt không gian vũ trụ xác thực khoa học hơn.

Công trình suy tư khoa học nghiên cứu khởi đi từ Nicolaus Kopernicus (1473-1543) người Balan; Tycho Brahe ( 1546-1601) người Đanmạch, Johannes Kepler ( 1571-1630) người Đức sinh trưởng ở vùng gần Stuttgart, và khuôn mặt nổi tiếng nhất cùng gây nhiều tranh luận trong đạo Công giáo là nhà khoa học giáo sư toán học người Ý đại Lợi: Galileo Galilei ( 1564-1642) với ống viễn vọng kính quan sát không gian vũ trụ.

Theo tường thuật trong Kinh Thánh nơi sách Sáng thế ký ( St 1, 1-26), Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ thiên nhiên theo thứ tứ trước sau trong sáu ngày:

Ngày thứ nhất: Ánh sáng và đêm tối.

Ngày thứ hai:nước và vòm trời không gian

Ngày thứ ba: mặt đất và thảo mộc cây cối

Ngày thứ tư: mặt trời ban ngày, mặt trăng và các vì sao cho ban đêm trên vòm trời

Ngày thứ năm: các loài sinh động vật trên vòm trời không gian, trên mặt đất cùng dưới nước

Ngày thứ sáu: con người giống hình ảnh Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa.

Sự sống cho mọi loài là điều quan trọng thiết yếu cho tồn tại phát triển trong công trình sáng tạo của thiên nhiên. Nhưng nền tảng căn bản cho sự sống trong vũ trụ không chỉ là ngôi nhà không gian, mà còn có thời gian nữa.

Vì thế, Thiên Chúa ngay từ khởi đầu đã sáng tạo nên, do ý muốn bằng lời phán ra của Ngài: Hãy có ánh sáng! làm mốc điểm nền tảng cho vũ trụ cùng sự sống nảy sinh phát triển trong trật tự thời gian ban ngày và đêm tối.

Khởi đi từ sáng tạo thời gian bằng ánh sáng chiếu soi, Thiên Chúa tiếp tục tạo dựng những yếu tố công trình khác cho vũ trụ được đầy đủ trọn vẹn: vòm trời không gian, nước, các tinh tú, đất cùng mọi loài thảo mộc, động vật và con người.

Ánh sáng là yếu tố căn bản phân chia mốc thời gian cùng cho sự sống phát triển. Không dừng lại nơi sáng tạo ra ánh sáng cho có đó thôi. Thiên Chúa còn muốn chia ánh sáng đồng đều cho ban ngày cùng cho ban đêm nữa. Vì thế, ban ngày Ngài sáng tạo nên mặt Trời soi chiếu ánh nắng nóng ấm, ban đêm mặt Trăng và các vì Sao trên vòm trời tỏa ánh sáng êm dịu tươi mát.

Ánh sáng chan hòa khắp vũ trụ cho không gian, cho mọi sinh động vật cùng cây cỏ, dù thời gian ban ngày hay ban đêm, dù trên mặt đất hay trong vùng nước con suối, dòng sông, đại dương tụ lại, dù ở nửa vòng bên này hay nửa vòng phía bên kia vũ trụ trái đất.

Mọi sinh vật cùng cây cỏ sống trong quê hương vũ trụ, nhưng dòng sông thời gian trong vũ trụ là nhịp điệu cho sự sống phát triển cùng tồn tại của chúng. Vì mọi loài thụ được Thiên Chúa tạo dựng trong công trình sáng tạo thiên nhiên không chỉ cần có không gian để sống họat động, mà còn thời gian để nghỉ ngơi lấy sức cho phát triển sáng tạo.

3.”Tầng trời cao kể lại vinh quang Chúa” ( Tv 19,2)

Eugene Cernan, phi hành gia vũ trụ của cơ quan Nasa bên Hoa kỳ đã thực hiện ba chuyến bay vào không gian vũ trụ từ năm 1966 đến năm 1972, đã nói lên cảm nhận của mình:

“ Bạn nhìn từ cửa sổ xuyên suốt qua 400.000 cây số chỉ thấy không gian toàn mầu đen. Bạn không tới gần một hành tinh nào để có thể nhận ra vẻ trong sáng của một ngôi sao. Nhưng bạn có thể chiêm ngắm trái đất, từ vòng cực này sang vòng dầu cực khác bên kia, các vùng đại dương biển cả và các châu lục. Bạn có thể theo dõi trái đất xoay chuyển như thế nào. Trái đất xoay chuyển nhưng không bám dính vào một sợi dây nào chằng buộc nó, đang khi nó di chuyển sang vùng bóng tối. Thật là một cảnh tượng không thể tưởng tượng ra nổi. Trái đất chìm lặn trong bóng tối đen và cả khi bạn nhìn ánh sáng mặt trời vùng bên kia trái đất. Ánh sáng là yếu tố duy nhất khi ánh mặt trời chiếu tỏa trên phần trái đất, nơi đó có ánh sáng chiếu lan ra.”

Ánh sáng chiếu lan tỏa khắp trái đất chúng ta. Và ánh sáng đó cũng phản chiếu lại từ trái đất, như dưới tầm nhìn của con mắt của các phi hành gia tầu vũ trụ từ trên không gian nhìn xuống trái đất.

Vua Thánh Davít, tác gỉa Thánh Vịnh 19, viết diễn tả về trật tự đầy ánh sáng trong vũ trụ thiên nhiên đã không nhìn từ trên cao không gian xuống trái đất, nhưng từ nơi trái đất hướng lên tầng vòm trời cao đã khám phá nhận ra điều này.

Theo con mắt tâm tình của Vua Davít, tầng trời và mặt trời là nơi ánh sáng phát xuất chiếu tỏa chan hòa, là chứng từ về ánh sáng cho con người: Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng, có gía trị cùng dành cho con người. Ngài đã cho tạo dựng chúng và cho chúng xoay vần trong một trật tự, có bền vững uyển chuyển cùng trong sáng.

Sự ngạc nhiên bỡ ngỡ của Vua thánh Davít về sự vận hành xoay chuyển của mặt trời cũng khai mở tâm trí Ông ngạc nhiên bỡ ngỡ về vinh quang của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên công trình vũ trụ thiên nhiên cho con người được sống trong một công trình luôn luôn đổi mới, cùng chân trời rộng mở với những yếu tố vẫn hằng luôn là ẩn số bí nhiệm cho tâm trí con người đi tìm hiểu khám phá.

Mặt Trời chiếu tỏa ánh sáng, theo Vua Thánh Davít, không phải là Đấng Tạo Hóa. Nhưng mặt trời là hình ảnh diễn tả sự vinh quang của Thiên Chúa, Đấng tạo Hóa. Sự vận hành xoay chuyển của mặt Trời chiếu sáng khắp cùng công trình sáng tạo trong thiên nhiên là lời loan báo: Thiên Chúa ban cho con người cùng mọi loài sự sống và gìn giữ sự sống của họ.

Mặt Trời chiếu tỏa ánh sáng khai mở tâm trí con người khám phá ra: không có ánh sáng mặt trời, mọi sự đều chìm trong bóng tối.

**************

Chúng ta tin nhận trong tâm hồn và tuyên xưng điều mình tin nhận ra ngoài môi miệng rằng: mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú trên nền trời bao phủ con người chúng ta, là những chứng từ nói lên, công trình sáng tạo trời đất trong thiên nhiên là do Thiên Chúa tạo dựng nên từ hư không. Ngài duy trì ban cho vũ trụ khả năng phát triển đổi mới để tồn tại từ đời này nối tiếp sang đời khác.

Thiên Chúa , Đấng tạo dựng nên vũ trụ trời đất, đồng thời cũng là Đấng đã đoan hứa bảo đảm với con người: Ta là Đấng tự hữu. Ta luôn hằng cùng đồng hành với trong đời sống. ( Xh 3, 14...)

Năm Đức tin 2012- 2013

Chúc mừng năm mới Dương lịch 2013

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long  (songductin.de)

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư