Năm Thánh là gì?

Trước hết khi Đức Giáo Hoàng Celestinus từ chức, Đức Bonifaz VIII đã được bầu lên kế vị. Vị tân Giáo Hoàng này đã công bố năm 1300 là Năm Thánh, và nói chung, đây được coi là Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Giáo hội. Các bức tường cổ mang tên là Leonin đã phải bị tháo bỏ ở một số đoạn, và cây cầu duy nhất bắc qua con sông Tiber hồi đó, tức cầu Thiên Thần, đã được biến thành đường một chiều để cho đoàn người hành hương làm chủ.

Hồi đó, Đức Bonifaz đã muốn cử hành Năm Thánh giống hệt như điều mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày nay muốn cử hành: Ơn tha thứ và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Cho tới lúc đó, khả năng duy nhất để nhận được một ơn Toàn Xá trong thời Trung Cổ, đó là tham gia một cuộc thập tự chinh hay thực hiện một chuyến hành hương dài ngày, chẳng hạn như hành hương tới Santiago. Và giờ đây tại Rô-ma cũng vậy, nó có nghĩa là một sự làm tăng giá trị của trung tâm Giáo hội, và cũng giống như một định chế mới, tức Năm Thánh. Thật là ấn tượng khi nhà thơ Dante của Ý đã được phép trình diễn một phần vở hài kịch của ông về giới thần linh trong tuần Bát Nhật Phục Sinh của Năm Thánh 1300. Qua vở kịch này, ông đã đặt Đức Giáo Hoàng vào tầng thứ 8 của hỏa ngục.

Nguyên thủy, Năm Thánh có nghĩa là năm Kỷ Niệm hay Năm Vui Mừng, và nó quay trở lại với điều được ghi trong sách Lê-vi chương 25, câu 8. Bản văn này quy định rằng, cứ 50 năm người ta phải giải phóng các nô lệ, phải xóa nợ và trả lại ruộng vườn cũng như đất đai cho chủ cũ. Điều này sẽ hỗ trợ truyền thống đang phát triển của Giáo hội theo sau một cuộc canh tân tâm hồn của các tín hữu. Càng ngày, Năm Thánh càng được cử hành nhằm đề cao những hành động có tính mạnh mẽ mà chúng biểu lộ đề tài cốt lõi của năm – chẳng hạn như sự tha thứ của Thiên Chúa, và trước hết là việc xin ơn Toàn Xá như Đức Gio-an Phao-lô II đã trình bày trong một buổi Phụng Vụ nhân dịp Năm Thánh 2000.

Sau đó, cứ 100 năm Giáo hội lại cử hành Năm Thánh một lần. Nhưng dần dần về sau, thời hạn được rút bớt xuống chỉ còn 50 năm, 33 năm và sau cùng là 25 năm. Như vậy, Năm Thánh thông thường sau cùng đã diễn ra vào năm 2000. Nhưng càng ngày càng có những Năm Thánh ngoại thường, trước hết là Năm Thánh 1983, và vì thế, việc Đức Thánh Cha Phan-xi-cô công bố năm 2016 là Năm Thánh cũng vẫn có một sự liên kết với truyền thống.

Năm Thánh sẽ khai mạc với việc mở những cánh cổng thánh – việc mở cổng này có ý nghĩa tượng trưng như là mở ra những con đường mới dẫn tới ơn cứu độ - và kết thúc với việc đóng lại các cánh cổng đó. Những cánh cổng được nói tới ở đây chính là những cánh cổng của Đền Thờ Thánh Phê-rô, của Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an La-tê-ra-nô, của Đền Thờ Đức Bà Cả và của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại Thành. Trong thời gian bình thường, những cánh cổng này đều bị xây bịt lại.

Kể từ lúc tuyên bố Năm Thánh, sự chuẩn bị cho dòng người hành hương cũng là một cơ hội đối với việc lên phương án kiến thiết thành phố. Vấn đề giao thông giống như dưới thời Đức Bonifaz cũng là một truyền thống được giữ lại. Thành phố Rô-ma được ghi đậm dấu ấn bởi những Năm Thánh, những người hành hương luôn mang theo của lễ, và những của lễ này đã trang hoàng rất nhiều ngôi Thánh Đường trong thành phố. Một số cây cầu cũng được xây cho đoàn người hành hương. Chẳng hạn như Đức Giáo Hoàng Sixtus IV (1471-1484) đã không cảm thấy an tâm với hệ thống một chiều trên cây cầu Thiên Thần, vì thế, vào năm 1473, Ngài đã cho phép xây một cây cầu thứ hai trên sông Tiber, gọi là cầu Ponte Sisto.

Tuy nhiên, ngoài những điều có tính cách hoàn toàn bên ngoài, Năm Thánh sắp tới đây sẽ là thời gian để tái khám phá ra nội dung trung tâm của Đức Tin, và gắn kết điều khám phá này với những hành động hoàn toàn cụ thể, chẳng hạn như đi hành hương về Rô-ma. Năm Thánh thông thường sắp tới sẽ diễn ra vào năm 2025.

Sau đây là danh sách các Năm Thánh thông thường đã diễn ra trong lịch sử Giáo hội và các Đức Giáo hoàng tương ứng:

Năm 1300: Đức Giáo Hoàng Bonifatius VIII.

Năm 1350: Đức Giáo Hoàng Clemens VI.

Năm 1390: Đức Giáo Hoàng Urban VI công bố; Đức Giáo Hoàng Bonifatius IX cử hành.

Năm 1400: Năm Thánh thứ hai do Đức Giáo hoàng Bonifatius IX công bố.

Năm 1423: Đức Giáo Hoàng Martin V.

Năm 1450: Đức Giáo Hoàng Nikolaus V.

Năm 1475: Đức Giáo Hoàng Paul II công bố, Đức Giáo Hoàng Sixtus IV cử hành.

Năm 1500: Đức Giáo Hoàng  Alexander VI.

Năm 1525: Đức Giáo Hoàng Clemens VII.

Năm 1550: Đức Giáo Hoàng Paul III công bố, Đức Giáo Hoàng Julius III cử hành.

Năm 1575: Đức Giáo Hoàng Gregor XIII.

Năm 1600: Đức Giáo Hoàng Clemens VIII.

Năm 1625: Đức Giáo Hoàng Urban VIII.

Năm 1650: Đức Giáo Hoàng Innozenz X.

Năm 1675: Đức Giáo Hoàng Clemens X.

Năm 1700: Đức Giáo Hoàng Innozenz XII công bố, Clemens XI bế mạc.

Năm 1725: Đức Giáo Hoàng Benedikt XIII.

Năm 1750: Đức Giáo Hoàng Benedikt XIV.

Năm 1775: Đức Giáo Hoàng Clemens XIV công bố, Đức Giáo Hoàng Pius VI cử hành.

Năm 1825: Đức Giáo Hoàng Leo XII.

Năm 1875: Đức Giáo Hoàng Pius IX.

Năm 1900: Đức Giáo Hoàng Leo XIII.

Năm 1925: Đức Giáo Hoàng Pius XI.

Năm 1933: Năm Thánh thứ hai dưới thời Đức Giáo Hoàng Pius XI.

Năm 1950: Đức Giáo Hoàng Pius XII.

Năm 1975: Đức Giáo Hoàng Paul VI.

Năm 1983: Đức Giáo Hoàng Johannes Paul II.

Năm 2000: Đức Giáo Hoàng Johannes Paul II.

Năm 2015: Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Vì tình hình chính trị rối ren nên đã không có Năm Thánh nào được cử hành vào năm 1800 và và 1850.

(rv 14.03.2015 ord)

Minh An 


Mục Lục Thoáng Suy Tư