VÀI SUY TƯ NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT “HỘI CHỨNG TU XUẤT” CỦA TÁC GIẢ DIỆU TÂM, BC

Sau khi đọc bài viết “Hội chứng tu xuất” của tác giả Diệu Tâm, BC được đăng trên trang mạng Giáo phận Bùi Chu vào lúc 3:37 thứ ba: 15/12/2015, người viết có những tâm tình vui buồn lẫn lộn muốn chia sẻ cùng bạn đọc, những người quan tâm đến đối tượng tu xuất.

Nhìn chung, bài viết đã đưa ra một nhãn quan toàn diện (tiêu cực và tích cực) về những người tu xuất. Điều này cho thấy sự quan tâm rất đặc biệt của tác giả về đối tượng này. Nhưng thiết tưởng, chúng ta cũng cần đặt lại những vấn đề mà tác giả đưa ra để tìm một giải pháp thỏa đáng cho “hội chứng tu xuất” này.

Trước tiên, người viết cảm thấy “choáng ngợp” bởi hạn từ hội chứng. Nó như một tập họp của nhiều triệu chứng cùng xuất hiện nơi bệnh mà ở đây “con bệnh” là những người tu xuất. Phải chăng nơi đối tượng này có những triệu chứng khiến hủy hoại bản thân và có nguy cơ lây lan đến người khác mà tác giả dùng hạn từ “hội chứng” ? Xét cho cùng, đây chỉ là một vài dấu hiệu tiêu cực mà tác giả đã mục kích nơi vài đối tượng cụ thể nào đó. Công bằng mà xét, đó cũng chỉ là một trong những cái nhìn đánh giá chủ quan của một số người thiển cận về đối tượng này. Do giới hạn của bài viết và khả năng tiếp cận thực tế đối tượng này, người viết chỉ đề cập đến hai luận đề mà tác giả nêu lên:

-Người xuất tu khó có thể tìm được cho mình một cuộc sống bình an và hạnh phúc.

-Nhiều người xuất tu mang theo suốt cuộc đời mình mặc cảm tội lỗi vì biết mình đã làm hỏng ơn Chúa.

Tác giả Diệu tâm đã khẳng định: “người xuất tu khó có thể tìm được cho mình một cuộc sống bình an và hạnh phúc”, với lý do đơn giản là vì họ ít tìm được những cơ hội trong cuộc sống, trong khi cuộc đời quá khắt khe với họ. Phải chăng do ít tìm được những cơ hội trong cuộc sống vốn khắt khe với họ mà họ không thể sống bình an và hạnh phúc ? Liệu có mấy người nhờ nắm bắt những cơ hội nào đó trong đời mà có thể thực sự sống bình an và hạnh phúc. Như thế, bình an và hạnh phúc chỉ dành cho những người biết nhạy bén nắm bắt mọi cơ hội trong đời. Thực tế cuộc sống khác hẳn ! Có những siêu sao, minh tinh màn bạc… đã đạt đến đỉnh cao danh vọng mà bao người mơ ước không được, tại sao họ tìm đến cái chết ? Cơ hội giúp ta thăng tiến nhưng không đồng nghĩa với việc nó mang lại cho ta hạnh phúc và bình an. Nói cách khác, hạnh phúc và bình an không tùy thuộc việc chúng ta có nhiều cơ hội thăng tiến trong đời. Đó là xét về mặt xã hội, còn trong Giáo hội thì sao ?

Xin đơn cử một câu chuyện về ơn gọi do tác giả Carlos G. Valles dòng Tên, trong tác phẩm Chúng tôi đã gặp thấy Chúa. Ngài kể: Tôi có một người anh em trong dòng rất gương mẫu và tận tụy trong việc bổn phận và đời sống tu trì, đến nỗi các bề trên đã giao phó cho anh ấy nhiệm vụ tinh tế nhất là hướng dẫn và đào tạo các tu sĩ trẻ của dòng mà vai trò này đòi buộc đương sự phải khôn ngoan và thánh thiện. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách chu đáo và kính cẩn, nhờ đó, anh làm hài lòng các vị bề trên và những người dưới quyền của anh. Có thể nói, với những gì vị tập sư này đạt được, người đời có thể cho rằng ngài sống bình an và hạnh phúc trong ơn gọi vì đã đạt được những quyết tâm bản thân và những nguyện vọng của cộng đoàn đề ra. Thế mà, một hôm anh đã chia sẻ với tác giả: “Tôi chưa bao giờ có, kể cả lúc này, ơn gọi làm tu sĩ dòng Tên. Người có ơn gọi này chính là mẹ của tôi”. Từ đó, chúng ta thấy rằng con người không thể thực sự bình an và hạnh phúc khi sống đời sống mình vì dựa vào kỳ vọng của người khác, cho dù là khát vọng tốt lành của người mẹ đi nữa ! Sự bình an và hạnh phúc không hệ tại ở việc sống tốt một ơn gọi mà là sống đúng ơn gọi, chức phận Chúa dành cho mỗi người.

Như thế, những người xuất tu vì không có ơn gọi tu trì lại không có quyền được sống bình an và hạnh phúc trong một đời sống khác sao ? Chúng ta biết rằng để xác định một ơn gọi phải trải qua một quá trình huấn luyện và phân định lâu dài, và trong thời gian này họ được hoàn toàn tự do chọn cho mình ơn gọi nào đem lại cho họ bình an và hạnh phúc. Nếu lương tâm họ cảm thấy không bình an và hạnh phúc với ơn gọi tu trì, họ cứ việc rút lui. Như thế, việc họ xuất tu lại là một bất hạnh sao ? Có thể, trong khoảnh khắc nào đó, họ trải qua một cơn khủng hoảng về ơn gọi, nhưng một khi  Chúa đóng cánh cửa này, Người sẽ lại mở cánh cửa khác. Đó là cách thông thường Chúa tỏ lộ ý muốn của mình cho con người. Và như thế, sự bình an và hạnh phúc vẫn đang chào đón họ trong một ơn gọi mới, một môi trường mới.

Chúng ta bàn đến luận chứng thứ hai của tác giả, ngài viết: “Nhiều người xuất tu mang theo suốt đời mình mặc cảm tội lỗi vì biết mình đã làm hỏng ơn Chúa”. Khẳng định này đã được tác giả làm sáng tỏ từ những lời hối tiếc: “giá mà”, “phải chi”… cộng thêm những tiếng thở dài…của những người tu xuất mà tác giả có thể quan sát được. Những biểu hiện này đủ để qui kết là đương sự mang theo suốt đời mặc cảm tội lỗi ? Có thể nói, đây là một khẳng định thiếu cơ sở, dễ gây ra những hiểu lầm tai hại. Theo mạch văn trình bày, cách mặc nhiên, tác giả muốn khẳng định rằng xuất tu là nguyên nhân dẫn đến mặc cảm tội lỗi nơi những người này. Cho đến nay, chúng ta chưa thấy có một nghiên cứu và thống kê nào cho biết những người tu xuất có tỉ lệ bị mắc chứng mặc cảm tội lỗi hơn những đối tượng khác. Vì thế, những trường hợp mà tác giả mục kích là cá biệt nên không thể lấy đó làm tiêu chuẩn để đánh giá vấn đề tế nhị này.

Tưởng cũng cần nhắc lại, ơn Thiên Triệu là một huyền nhiệm. Nó là sự tương tác và kết hợp giữa lời mời gọi của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người. Tuy nhiên, gọi thì nhiều nhưng chọn lại ít. Có thể nói, việc chọn lựa của Thiên Chúa là nhưng không, nghĩa là không tùy thuộc bất cứ một công trạng nào từ phía con người. Vì thế, việc những người không được Chúa chọn, trở về đời, không thể bị chúng ta coi đấy là sự chúc dữ của Thiên Chúa hay ai có quyền đối xử tiêu cực với họ. Nhưng trong thực tế, có nhiều vùng do ảnh hưởng mạnh “nền văn hóa”: Một người làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ vạ lây. Khi cung phụng một Cha hai Thầy, không được “chính danh” ấy thì lại bị mọi người tẩy chay. Từ đó, những người này không dám về lại quê nhà và ngay đến gia đình cũng ruồng rẫy họ. Áp lực này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm lý của những người này. Vô hình trung họ trở thành nạn nhân của một nền văn hóa chưa được “rửa tội”. Thái độ sống thiếu đức tin hay đạo đức bình dân kiểu này có thể là một vấn nạn lớn cần đặt lại trong thực tế Giáo hội Việt Nam hôm nay. 

Vài dòng suy tư không ngoài mục đích muốn tìm thế quân bình trong việc đánh giá về cách sống của những người tu xuất. Chúng ta cần trả lại sự công bằng cho những người này, họ thực sự đáng được tôn trọng không những vì tầm ảnh hưởng của họ trong Giáo hội và xã hội mà chúng ta cần ghi nhận những thiện chí của họ và đồng hành với họ trên con đường tìm Chúa. Thay vì trước kia họ tìm Chúa trong một cộng đoàn dòng tu, một xứ đạo thì ngày nay, họ nhận ra ơn gọi Chúa muốn là tìm Người ở giữa đời. Chính khi sống đúng ơn gọi Chúa muốn, tâm hồn họ được bình an và hạnh phúc. Chính khi ý thức thân phận tội lỗi của mình, họ phó thác cho lòng thương xót Chúa. Và nơi đâu có tình yêu và lòng thương xót Chúa ngự trị, ở đó có hạnh phúc và bình an.

Cầu chúc Năm Thánh này sẽ là cơ hội giúp chúng ta mở lòng đón nhận mọi người như Chúa đã đón nhận ta và mọi người trong lòng thương xót Chúa.

 

An Mai Đỗ, O.Cist.

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư