VỤ ÁN ĐỨC GIÊSU

LÀ VỤ ÁN TÔN GIÁO HAY CHÍNH TRỊ

 Montfort Nguyễn Xuân Pháp Ocist.

 

Đức Giêsu đã đi vào cuộc trần này trong thân phận phàm nhân như bao người, chỉ trừ tội lỗi hầu hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Qua cái chết tủy nhục trên thập tự, Ngài đã trở nên nguồn ơn cứu độ và là trung gian giao hòa giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau.

Tuy nhiên, khi nhìn với nhãn quan con người, chúng ta thấy cái chết của Chúa thật bất công và bạo tàn. Trong hành trình dương thế, Ngài đã chữa lành bệnh tật, trừ ma quỉ, làm cho kẻ chết sống lại, kêu mời mỗi người quay về nẻo chính đường ngay. Vậy mà Ngài lại bị bắt dưới bàn tay các chức sắc tôn giáo và bị kết án tử nơi thái độ hèn nhát của thế lực chính trị. Còn dân chúng, lúc trước rải lá đón rước và tung hô Ngài là con vua Đavid, Đấng ngự đến nhân danh Chúa (Lc 19, 38; Ga 12, 12; Mc 11, 9; Mt 21, 9),thì bây giờ cũng lớn tiến lên án tử Chúa. Tất cả đã xoay vần; một con người vô tội, hiền lành, yêu thương mọi người đã trở thành kẻ phản bội, thành cái gai trong con mắt dân chúng và giới chức sắc, thành cái cớ cho sự khinh dễ của vua Hêrôđê và thuộc hạ, thành tử tội qua thái độ hèn nhát nơi Philatô. Vậy tại sao Đức Giêsu bị giết khi Ngài không làm gì nên tội? Vụ án của Chúa mang tính chính trị hay tôn giáo?

Chúng ta biết đây là một vụ án được kết nối giữa hai thế lực tôn giáo và chính trị. Vì thái độ ghen tị mà các chức sắc tôn giáo bắt Đức Giêsu, nhưng kẻ kết án lại chính Philatô, quan tổng trấn Rôma. Tất nhiên, khi đặt mình trước sự chọn lựa thì người viết xin chọn chiều kích tôn giáo. Đọc trong Tin Mừng, ta không thấy một nơi nào nói các thế lực chính trị trực tiếp tìm cách giết Đức Giêsu. Chính Philatô cũng xác nhận Chúa vô tội: “Ta không tìm thấy người này tội gì đáng chết” (Ga 18, 28; 19, 4). Cái chết Đức Giêsu là một chuỗi dài móc xích của hờn ghen, đố kỵ nơi các Thượng tế và Kỳ mục.

Để chứng minh lập trường này, người viết xin nêu ra những điểm cốt yếu như: bối cảnh chính trị, xã hội và tôn giáo; sự mong đợi Đấng Messia nơi người Do Thái; Đức Giêsu- lề luật mới; sự ghen tị của giới chức sắc tôn giáo; Đức Giêsu tiên báo về cái chết; lên kế hoạch bắt và xử tử Chúa; thái độ của Philatô. Đây chỉ là cái nhìn sơ lược về cuộc đời và cái chết của Đức Giêsu dưới nhãn quan nhân thế trong khuôn khổ bài viết.

I.  Bối Cảnh Đưa Tới Cái Chết

Mọi sự xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Chúa Giêsu khi mang kiếp phàm nhân cũng không nằm ngoài quy luật này. Cái chết của Chúa là kết cục bởi những chuỗi oán hờn, đố kỵ, vì giáo lý của Ngài đôi khi ngược lại với lề luật, tập tục cha ông; cũng như làm hụt hẫng niềm mong chờ và hy vọng của người Do thái bấy lâu.

            1  Chính Trị, Xã Hội Và Tôn Giáo Thời Đức Giêsu[1]

Theo những gì ghi lại của Josephus, vào thời Đức Giêsu (ngay cả trước đó), người Do Thái ở trong sự kìm kẹp, đô hộ của đế quốc Rôma. Do đó, người Do thái bị thu hẹp quyền kiểm soát lãnh thổ, và ngay cả quyền tự do công dân. Những người cai trị Do thái bấy giờ chỉ là những tay sai hay những công cụ của đế quốc Rôma; cho nên có nhiều cuộc biểu tình bạo động xảy ra khiến cho người dân hầu như không biết đến hòa bình, thiếu an ninh trật tự, đền thờ bị thiêu rụi và hàng ngàn người chết cách dã man.

Cùng trong bối cảnh đó, năm 26, Phongxiô Philatô làm tổng trấn, và ông trực tiếp đặt Caipha làm thượng tế. Caipha lên “thừa kế di sản” là một đất nước tan nát vì bạo động và đàn áp. Có thể nói, vào thời điểm này, vùng đất Do thái như một bãi chiến trường tha ma. Như Josephus nhận định thì Philato là một con người thành công nhờ những mánh lưới hiểm ác. Ong đã “hoàn thành tốt” nhiệm vụ của mình trong việc gìn giữ luật lệ và bảo vệ an ninh trong suốt mười năm làm tổng trấn. Ong có tài ngăn chặn những xung khắc trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng. Ong luôn tạo sự mập mờ giữa những bất đồng giữa chính trị và tôn giáo.

Đàng khác, để đạt được mục tiêu của mình, Philatô dùng đến bàn tay của người Do thái, và nơi Caipha, ông tìm thấy những gì mình muốn. Caipha dường như không chỉ  là thượng tế mà còn là người được phép dùng những quyền bính đặc biệt nhằm phục vụ tổng trấn. Trong suốt mười năm làm tổng trấn, Philatô dùng Caipha để “kiềm chế” các cuộc nổi dậy của đám đông dân chúng chống lại Rôma. Đồng thời, Caipha cũng dẹp tan những cơn giông tố và giữ vững địa vị của mình nhờ vào quyền lực của Philatô. Hai bên nương tựa, bổ túc cho nhau để làm thành “đôi chân vững chắc” gìn giữ đất nước Do thái.

Một biến cố cũng làm ảnh hưởng đến Do thái là cái chết của Gioan, người bị quận vương Hêrôđê giết. Quận vương Hêrôđê không muốn chấp nhận những gì ông Gioan đã làm, bởi vì nó có nguy cơ kích động đám đông nỗi loạn. Điều này khiến Hêrôđê rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: nếu làm ngơ thì rất có thể một cuộc bạo động sẽ xảy ra; nhưng nếu giết lại có nguy cơ làm phẫn nộ dân chúng. Tuy nhiên, cuối cùng Gioan cũng phải mất mạng vì cái trò tinh xảo của Hêrôđê.

Sống trong cảnh nhiễu nhương của thời cuộc, bị đàn áp và tước mất tự do là chất “xúc tác” khơi dậy sự mong chờ Đấng Mesia cách mãnh liệt. Họ cảm thấy bất lực trước sự hùng cường của đế quốc, và thất vọng vì những chức sắc thiếu chí khí, a dua xua ninh, nên hình ảnh vị Cứu Tinh mà ông Môsê và các ngôn sứ loan báo lại hiện lên rõ nét nơi niềm khát vọng của người Do thái.

 

2.  Sự Mong Chờ Đấng Messia Nơi Người Do Thái

Lịch sử dân Do thái là lịch sử của chuỗi ngày mong chờ Đấng Cứu tinh đến giải thoát dân người. Khởi đầu niềm hy vọng mong đợi với lời chúc phúc của Giacob: “Vương trượng sẽ không rời khỏi Giuđa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục” (St 49, 10). Đặc biết qua biến cố xuất hành, ánh sáng về Đấng Messia lại được chiếu soi khi Thiên Chúa phán với ông Môsê về một về một người sẽ giải phóng Israel và mang ơn cứu độ đến cho muôn dân. Ngài nói: “Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng. Ta sẽ đặt những lời của ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì ta truyền cho người ấy” (Đnl 18, 18).

Như vậy, qua Apraham, Thiên Chúa đã hứa một dòng dõi đông đảo và qua đó, Người sẽ ban phúc lành cho muôn dân (St 22, 17- 18); Israel đã trung thành giữ vững niềm trông cậy vào lời hứa ấy (Lc 1, 73- 74). Đồng thời qua ông Môsê, Thiên Chúa đã ban bố lề luật, giao ước và một nền phụng tự (Xh 19, 20- 24). Dưới nhãn quan người Do thái, ông Môsê là một vĩ nhân vì đã giải phóng dân khỏi tôi mọi Ai cập, dẫn đưa vào đất hứa, cũng như khơi lên niềm hy vọng về một Đấng cứu tinh đến sau ông. Cha Hoàng Đắc Anh nhận định như sau: “Ông Môsê là vị cứu tinh, là vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân, nhưng ông còn là vị ngôn sứ khi ông giải thoát dân Hipri và làm nhịp cầu giữa Thiên Chúa và dân Người trong việc thiết lập giao ước”[2]. Nói cách biểu tượng: “Biến cố xuất hành là một trình thuật về sự giải phóng dân tộc khỏi áp bức nô vong, qua đó nói về Đấng sẽ giải phóng những kẻ bị đàn áp”[3].

Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ biểu lộ lời hứa về Đấng Messia qua ông Môsê mà con qua Đavít và nhiều ngôn sứ khác. Điển hình, khi Đavít thao thức muốn xây cho Đức Chúa một ngôi nhà, thì Thiên Chúa lại hứa ban một vương quyền vững bền trên Israel: “Ta sẽ cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta, nó sẽ là con” (2Sm 7, 14). Từ đó, nhà Đavít trở thành biểu tượng của ân sủng và khí cụ ơn cứu độ (Tv 98, 20- 38).

Trải qua dòng lịch sử, âm hưỡng của Đavít vẫn còn vang vọng nơi các ngôn sứ. Thiên Chúa phán với ông Giêrêmia: “Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chòi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh” (Gr 23, 5). Sở dĩ dân Israel vẫn giữ vững niềm hy vọng vào Đấng cứu tinh, vì họ được nuôi dưỡng bằng lời các ngôn sứ. Họ vẫn luôn lặp lại lời hứa ấy cho tới khi “vị Thiên sai đến, ấy là Đấng muôn dân trong đợi” (St 49, 10). Chính trong Tân Ước, qua Dacaria cũng xác tín điều đó: “Từ dòng dõi trung thần Đavít, Người đã cho xuất hiện vị cứu tinh quyền thế để giúp ta” (Lc 2, 69).

Như vậy, tất cả những gì Cựu Ước đã loan báo là tiền đề đưa tới một mục đích: tạo điều kiện cho Đấng cứu độ ra đời; Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô. Rudolf Schnackenburg cũng đã xác quyết: “Đức Giêsu là con vua Đavít xuất hiện trong Israel. Ngài hoàn tất niềm hy vọng cứu độ”[4].

Một sự ngộ nhận là người Do thái đang mòn mỏi đợi chờ một Đấng đầy uy quyền đến giải phóng dân khỏi ách nô lệ Rôma, như ông Môsê đã đưa họ ra khỏi Ai cập. Đang sống trong hoàn cảnh bị áp bức bởi đế quốc, niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã hứa ban giờ trở nên méo mó. Từ lời hứa ban một Đấng cứu thế đến giải thoát họ khỏi gong cùm của tội và sự chết, thì họ gán cho vị ấy một lớp áo chính trị. Bởi đó, khi Đức Giêsu đến đã bị chống đối và khước từ bởi dân chúng cũng như các chức sắc tôn giáo.

3. Đức Giêsu- Lề Luật Mới

Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong lề luật không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5, 17- 18). Sở dĩ Ngài đến để đổi mới, kiện toàn và trả lại cho lề luật ý nghĩa ban đầu, vì qua dòng thời gian, lề luật của tiền nhân đã bị xuyên tạc, bóp méo hay quá khô cứng không phù hợp với hoàn cảnh sống. Ngài muốn quy hướng lề luật về Thiên Chúa, nghĩa là tìm lại những đòi hỏi sâu xa của luật Thiên Chúa. Do đó, Đức Giêsu luôn ý thức Ngài là một Môsê mới, đem lại một luật mới và giải thích ý Thiên Chúa cho thời đại mới xuyên qua lề luật. Như ông Môsê đã lên núi Sinai để lãnh nhận lề luật mà truyền lại cho dân chúng (Xh 19, 3); còn Đức Giêsu lên núi để rao giảng lề luật (MT 5, 1). Điều này được thể hiện rõ khi Đức Giêsu lấy lại từng khoản một những điều ông Môsê đã dạy và kiện toàn nó. Đàng khác, điệp khúc: “Luật xưa dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo thật anh em….”(Mt 5, 21- 48) nói lên tính đối kháng giữa luật Môsê và lề luật của Đấng Messia. Ơ đây, cái “Tôi” của Đức Giêsu được đặt lên hàng đầu mà không một thầy dạy Do thái được quyền làm như thế. Ngài đã khiến cho dân chúng phải sửng sốt về cách giảng dạy của Người, vì Người dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ (Mt 8, 29; Mc 1, 22; Lc 4, 32).

Qua những cuộc tranh luận hay các lời giáo huấn, Đức Giêsu luôn tìm cách cởi bỏ dây trói nơi lề luật cũ, đặt nó đúng chổ và trả lại tự do cho con người. Ngài nhìn lề luật với một gốc cạnh và hướng đích mới: mến Chúa và yêu người (Mt 22, 40). Trong cuộc tranh luận về ngày sabat, Đức Giêsu đã nói: “Ngày sabat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabat. Bởi đó, con người làm chủ luôn cả ngày sabat” (Mc 2, 27; Mt 12, 8; Lc 6, 5). Những luận đề khác của lề luật cũng được Đức Giêsu kiện toàn như: đừng giận ghét (Mt 5, 21- 26; ; Lc 12, 57- 59); chớ có ngoại tình (Mt 5, 27- 30); đừng ly dị (Mt 5, 31- 32; Mc 10, 11- 12; Lc 16, 18); đừng thề thốt (Mt 5, 33- 37); chớ trả thù (Lc 6, 29- 30; Mt 5, 38- 42); phải yêu kẻ thù (Mt 5, 43- 48; Lc 6, 27- 28).

Còn dưới nhãn quan của thánh phaolô, Đức Giêsu đã giải phóng ta khỏi luật của tội và sự chết để phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần mới, chứ không phải theo bản văn lề luật (Rm 7, 1- 6). Thánh nhân đem luật của Thần khí mà đối lại luật của Môsê, luật cũ; luật cho con người biết những gì phải làm và những gì không được làm nhưng không ban sức mạnh để làm (Rm 7, 7). Vì thế, luật ấy đã làm cho nhiều người vấp ngã (Rm 7, 5. 9- 10). Trái lại, luật của Đức Kitô là luật của Thần khí; luật đó có sức mạnh của Thiên Chúa, là Đấng giúp ta đáp lại tiếng gọi ấy.

Có thể nói, Đức Giêsu không muốn con người phải “ngột ngạt” trong cái khung của lề luật. Điều Ngài muốn là lề luật phải đưa con người đạt tới sự hoàn hảo nơi Thiên Chúa. Nó là một ân huệ được trao ban chứ không phải một cái gì con người có thể chiếm đoạt được bằng sức riêng hay lề luật. Như vậy, lời mời gọi “hoàn thiện” trước tiên là một sáng kiến khởi đi từ Thiên Chúa và mời gọi con người đáp trả qua cuộc sống tin yêu phó thác. Vậy điều gì sẽ xảy ra nơi các chức sắc tôn giáo Do thái khi Đức Giêsu “đi ngược” lại với lề luật và tập tục cha ông?

4.  Đối Đầu Và Xung Đột

Suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn gặp phải sự chống đối và hách dịch của giới chức sắc tôn giáo. Những lời nói, phép lạ Ngài làm, những hành động bác ái với người thấp cổ bé miệng đều là cái gai trong mắt thượng tế và kỳ mục. Nhiều lần họ tìm cách gài bẫy để bôi nhọ, loại trừ nhưng luôn gặp phải thất bại. Điều đó cho thấy trong các cuộc tranh luận, Đức Giêsu luôn chiếm ưu thế và chứng tỏ quyền tối thượng của Ngài trong phán quyết và hành động (Mc 2, 1- 3). Các Tin Mừng Nhất lãm đưa ra năm cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các chức sắc tôn giáo. Khi Đức Giêsu chữa lành người bại liệt (Mc 2, 1- 12), Người bảo anh ta: “Này con, con đã được tha tội rồi (Mc2, 5); các kinh sư bực mình và nghĩ rằng Ngài phạm thượng (Mc 2, 7; Lc 5, 21; Mt 9, 3). Tuy nhiên, Đức Giêsu chứng tỏ rằng Con Người có quyền tha tội trên trần gian qua việc chữa lành người bại liệt. Đây là tiền đề làm cho sự xung đột tăng dần.

Tại bàn tiệc với người thu thuế, các kinh sư thuộc nhóm biệt phái quay sang tần công các môn đệ, vì Ngài ăn uống với người thu thuế và tội lỗi (Lc 5, 30; Mt 9, 11; Mc 2, 16). Đáp lại, Đức Giêsu nêu rõ sứ vụ của Ngài đối với người tội lỗi và bị bỏ rơi. Ngài nói: ‘Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu ọi người tội lỗi” (Mc 2, 17). Còn về vấn đề ăn chay (Mc 2, 18- 22); những kẻ nghi hoặc đã hỏi chính Đức Giêsu và yêu cầu giải thích, bởi vì Ngài và các môn đệ không ăn chay như các môn đệ Gioan và biệt phái. Đức Giêsu đã phản đối cách ăn chay vụ hình thức này khi nói đến thời gian được cứu độ và niềm vui mà Ngài mang đến. Một căng thẳng khác là việc chữa lành người bị bại tay trong ngày sabát, và Ngài cảm thấy buồn khổ vì lòng họ chai đá (Lc 6, 6- 11; Mt 12, 9- 14; Mc 3, 1- 6).

Cuộc tấn công của giới chức sắc tôn giáo vào Đức Giêsu gia tăng nơi cuộc tranh luận về Beendebun (Mt 12, 22- 32; Lc 11, 13- 22; Mc 3, 22- 30). Ngài bị đặt cùng bè phái với Satan (Mc 3, 23; Mt 12, 24; Lc 11, 15); nhưng Đức Giêsu loại bỏ sự kết án của họ bằng quyền năng của Thiên Chúa. Đồng thời Ngài cũng cảnh tỉnh những ai phạm thượng chống lại Thánh Thần sẽ chẳng bao giờ được tha thứ (Mc 3, 28- 29; Mt 12, 31- 32). Ruduolf Schnackenburg nhận định các cuộc tranh luận như sau: “Trong các cuộc tranh luận này, Đức Giêsu tỏ ra chính Ngài là người chiến đấu cho ý muốn thánh thiện của Thiên Chúa để chống lại tất cả sự hẹp hòi của con người”[5].

Qua những lần xung đột và tranh cãi, ta thấy con người và sứ mạng của Đức Giêsu được hiện lên rõ nét hơn. Nơi thái độ bất cần, hờn oán của thượng tế và kỳ mục làm nỗi bật chân dung một Thiên Chúa luôn yêu thương, thứ tha và mời gọi con người quay về nẻo chính đường ngay. Ngài vẫn tiếp tục thi hành lệnh truyền Chúa Cha cho dù gặp phải chống đối, vì Ngài xác tín sự thật sẽ được giải phóng (Ga 8, 32). Như vây, do thái độ không chịu nhường bước của Đức Giêsu là tiền đề cho giới chức sắc tôn giáo đưa tới quyết định loại trừ Ngài. Chính thượng tế Khana đã đề nghị: “Nên để một người chết thay cho dân thì hơn” (Ga 18, 14).

II.  Bước Đường Lên Đồi Calvê

1.  Chúa Giêsu Tiên Báo Về Cái Chết

Khác với những tên tử tội, Chúa Giêsu biết trước giờ của Ngài, giờ mà Chúa Cha muốn Ngài chu toàn sứ mạng cứu thế ngang qua cái chết và phục sinh. Ngài không chỉ nói một lần nhưng lặp lại tới ba lần. Như thế, đây không phải là một phát biểu theo cảm hứng mà có một chương trình đã định sẵn. Nhưng điều đáng quan tâm, Đức Giêsu không nói về cái chết của Ngài bởi thế lực chính trị, mà do các thượng tế và kỳ mục. Sự tiên báo này như một đúc kết những xung đột mà Ngài gặp phải trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Ngài nói: “Con người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục và thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Mc 8, 31; 9, 31; 10, 33/  Mt 16, 21; 17, 22- 23; 20, 17- 19/  Lc 9, 22; 9, 44; 18, 31- 34).

Một chi tiết khác cũng làm cho ta rõ hơn về cái chết của Ngài là việc thanh tẩy đền thờ (Mc 11, 15- 19; Mt 21, 12- 17; Lc 19, 45- 48; Ga 2, 13- 22). Câu chuyện này mang tính lịch sử, nhưng cũng đánh dấu một hành trình mang chiều kích biểu tượng nơi Đức Giêsu. Ngài đã mạnh mẽ phản kháng những hình thức tế tự đầy màu sắc phàm tục, vụ lợi ở nơi được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân (Mt 21, 13; Mc 19, 46). Chứng kiến hành động khác thường của Đức Giêsu, các chức sắc tôn giáo đặt ra cho Ngài một vấn nạn về quyền bính. Họ cảm thấy khó chịu và không hiểu nỗi một anh chàng, con bác thợ mộc mà dám công khai đã phá một dân tộc, đền thờ, nền phung tự do cha ông truyền lại. Họ chất vấn Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế” (Ga 2, 18). Đức Giêsu không trả lời trực tiếp nhưng lại muốn ám chỉ chính Ngài: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2, 19); và Gioan nói thêm: “Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân thể Người” (Ga 2, 21).

Tuy nhiên, các thượng tế và kinh sư đã phản ứng lại cách cứng rắn và bất khả nhượng. Họ không thể chấp nhận một người sinh ra nơi gia đình nghèo nàn, trong ngôi làng vô danh tiểu tốt mà dám qua mặt các bậc thầy. Dưới nhãn quan của họ, hành động Đức Giêsu co nguy cơ phá đổ tôn giáo, nền phụng tự và cả vị thế họ đang có. Quyền lợi, vinh dự của họ đang bị lung lay bởi một con người “tầm thường” hành động một cách “điên rồ”. Bởi đó, hệ quả tất yếu mà Đức Giêsu phải nhận lãnh là cái chết.

Một chi tiết khác nữa cho ta thấy cái chết của Đức Giêsu đã được tiền định bởi thành ý Chúa Chúa: sự tiên báo về Giuđa phản bội. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp thầy, mà lại là người đang cùng ăn với thầy” (Mc 14, 8; Lc 22, 21- 22 ; Mt 46, 20- 25). Vậy tại sao Giuđa lại nộp thầy cho các thượng tế và kỳ mục? Hành động này là một sự chủ ý hay do ngộ nhận?

Sau khi thấy thầy mình bị bắt và bị đánh đập dã man, Giuđa hối hận và đi trả lại cho thượng tế, kỳ mục số tiền mà y đã nhận (Mt 27, 3- 4). Như thế, ông chưa hẳn vì tiền mà nộp thầy. Có lẽ Giuđa cũng không đi ra ngoài não trạng dân Do thái thời bấy giờ: Họ đang mong chờ một Đấng Messia đầy uy quyền đến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lã Thanh Lịch đã nhận định về Giuđa như sau: “Giuđa tưởng rằng một uy quyền như thế có thể đánh bạt được sự chết thì cũng dư sức quét sạch hết cả La mã và quân đội của nó, khác gì ngày xưa Biển đỏ đã nuốt trọn quan lực Pharaô”[6]. Vã lại, đã bao lần dân chúng và các chức sắc tôn giáo tìm cách hại Đức Giêsu nhưng hoàn toàn thất bại. Như vậy, hành động của ông như một sự đánh đố, cũng là cơ hội cho thầy mình tỏ lộ uy quyền. Nhưng ông đã lầm, và sự nhầm lẫn này đã trở nên cơ hội cho các thượng tế, kỳ mục bắt giết Đức Giêsu.

Với những lời tiên báo của Đức Giêsu về cái chết, ta thấy dù gặp phải chống đối, phản bội và kết cục ra sao thì tất cả đều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Bởi đó, cái chết này không đơn thuần là một sự ghen tức, nhưng điều quan trọng là nên giá chuộc cho muôn người.

2.  Đức Giêsu Trước Thượng Hội Đồng Do Thái                                

Theo lẽ thường, kẻ nắm quyền thì rất khó chịu khi khi người khác có vẽ lên mặt dạy đời hay chống đối; các thượng tế, luật sĩ và kinh sư cũng vậy. Đã bao lần “họ giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không?” (Lc 6, 2 ; Mt 12, 2 ; Mc 2, 24). Và cơ hội đã đến, khi Giuđa, một môn đệ theo Đức Giêsu, được Ngài giáo huấn lại trở nên chiếc cầu nối và làm trung gian tiếp tay cho giới chức sắc tôn giáo bách hại thầy mình. Phúc Âm kể lại: “Hắn đi nói với các thượng tế và lãnh binh đền thờ về cách thức nộp Người cho họ. Họ rất vui mừng và đồng ý cho hắn tiền” (Lc 22, 4- 5; Mc 10, 10- 11; Mt 26, 14- 16). Ơ đây, một vấn nạn được đặt ra: tại sao Giuđa không gặp vua Hêrôđê hay Philatô mà lại gặp các thượng tế và kỳ mục?

Chắc hẳn Giuđa biết rõ thế lực nào cần loại trừ Đức Giêsu. Ba năm cùng với thầy mình trong hành trình rao giảng, ông đã chứng kiến những cuộc xung đột giữa Đức Giêsu và các thượng tế cùng kỳ mục về tôn giáo, luật lệ và tập tục tiền nhân. Cũng có thể vì ngộ nhận, ông đã trở nên kẻ “nối giáo cho giặc” khi chủ động khơi mào cho các thượng tế và kỳ mục bắt Đức Giêsu. Lúc đi bắt, chính Giuđa là kẻ đi đầu cùng với một đám đông mang gươm giáo và gậy gộc. Họ là những người được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến (Mc 14, 43; Mt 20; 47; Ga 10, 3). Từ một nụ hôn tỏ lòng yêu mến và hiệp thông, Giuđa biến nó thành nụ hôn của phản bội. Cái hôn của Giuđa là dấu hiệu cho binh lính nhận ra ai là người họ muôn bắt. Lã Thanh Lịch thật có lý khi nhận xét: “Giuđa nộp Đức Giêsu bằng một cái hôn. Trong cái hôn này có một cái gì đó hơn là dầu hiệu thông thường để giúp cho quân địch nhận Đức Giêsu trong đêm tối”[7].

Thế lực mà Đức Giêsu phải đối diện trước tiên chính là thượng hội đồng Do thái: “họ bắt Đức Giêsu ra trước thượng hội đồng có các ông Khana là nhạc phụ ông Caipha. Ông Caipha làm thượng tế năm đó” (Mt 26, 57- 67; Mc 14, 53- 65; Lc 22, 54- 55. 63- 71; Ga 18, 13- 14. 19- 24). Trong cuộc xử án này kẻ lúng túng chính là kẻ xử án chứ không phải người bị xử án. Bởi đó những luận tội về Đức Giêsu không đủ mạnh để thuyết phục; vì trong lúc xử mới tìm ra chứng cứ để buộc tội chứ, chứ không phải có tội rồi mới đem ra xử. Phúc Âm thuật lại cách hành xử của Thượng hội đồng: “Họ tìm lời chứng buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình, nhưng không tìm ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau” (Mc 14, 55- 56). Cái cớ để họ kết án Đức Giêsu phạm tội đáng chết là tội phạm thượng: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng toàn năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14, 6). Có lẽ đây cũng là cơ hội Đức Giêsu công khai tuyên bố tư cách Thiên Sai của Ngài; lời tuyên bố hàm ý tới công thức của Tv 110 và Đn 7,13. Ngài nói rõ chức năng được gán cho Ngài như là Con Người, Đấng sẽ được tôn vinh với Thiên Chúa và ngày nào đó sẽ đến trong uy quyền. Rudolf Schackenburg đã nhận định: “Chỉ trong cảnh trước công hội, Đức Giêsu làm tăng thêm sự tấn công của những nhà lãnh đạo Do thái dẫn tới việc vị thượng tế tra vấn Đức Giêsu trực tiếp và lời tuyên xưng công khai của Đức Giêsu về tư cách Messia của Ngài”[8].

Đức giêsu không lãng tránh câu hỏi của vị thượng tế, nhưng đã diễn tả cách rõ ràng về vai trò và sứ vụ của mình. Như vậy, câu trả lời của Đức Giêsu trước thượng hội                  đồng (Mc 14, 62) hàm chứa lời khuyến cáo về sự phán xét mà Ngài dẫn đầu. Mặc cho câu nói này đã trở nên căn nguyên đưa tời cái chết, nhưng cũng là một thách đố cho giới chức sắc tôn giáo vì sự cứng tin của họ. Nói cách khác, trong ngày công phán, chính họ sẽ phải đối diện với sự thật và chịu trách nhiệm về hành vi của mình; vì họ đã cùng nhau bàn kế hại Đức Giêsu, để xử tử Người (Mt 27, 1-2; Mc 15, 1; Lc 23, 1; Ga 18, 28).

3.  Thái Độ Philatô

Giới lãnh đạo Do thái trao nộp Đức Giêsu cho Philatô vào sáng ngày thứ 6 tuần lễ vượt qua với tội danh tự xưng mình là vua (Mt 27, 1- 2. 11- 14; Mc 15, 1- 5; Lc 23, 1- 5; Ga 18, 28- 38). Tội này trái với tội phạm thượng ở thượng hội đồng Do thái. Tại sao vậy? Có lẽ, nếu giới chức sắc tôn giáo tố cáo về tội phạm thượng thì không đủ áp lực khiến Philatô kết án tử Chúa. Tội này thuộc phạm vi tôn giáo chứ không mang tính chính trị. Như thế, trong vụ án này, Philatô chẳng khác nào “một thông dịch viên” hơn là đóng vai trò thẩm phán.

Điều mà ta thấy rõ là Philatô không có ý bắt Đức Giêsu: “Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi” (18, 35). Dưới áp lực của dân chúng và giới chức sắc tôn giáo Do thái, Philatô trở nên kẻ thụ động và nhát đảm, mặc dù ông ta không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu (Ga 18, 38; 19, 12). Ơ đây, chúng ta có thể nói kẻ tố cáo cũng là kẻ xử án. Các thượng tế và kỳ mục tìm mọi phương cách để loại trừ Đức Giêsu với những tội: xúi dục dân nổi loạn (Lc 23, 5), ngăn cản dân nộp thuế cho Xêda (Lc 23, 2).

Tuy nhiên, Philatô vẫn tìm mọi cách tha Đức Giêsu ( 19, 12), vì ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà họ nộp Người (Mt 27, 18); nhưng ông lại sợ dân chúng. Chính thái độ “tiến thoái lưỡng nan” này đã đặt Philatô vào tình thế khó xử: nếu tha thì sợ dân chúng nổi loạn, còn kết án thì không tìm ra tội đáng chết. Sự xung khắc này đã nằm trong nội bộ Do thái và mang tính tôn giáo, nhưng vì người Do thái không có quyền xử tử ai (Ga 18, 31) nên nhờ đến bàn tay của Philatô.

Phương án tối ưu nhất Philatô dùng là cho giải Đức Giêsu đến Hêrôđê, vị vua cai quản miền Galilê (Lc 23, 6- 12). Vị vua này mừng rỡ vì danh tiếng của Người bấy lâu, và ông cũng muốn chứng kiến vài phép lạ Ngài làm. Tuy nhiên, Hêrôđê đã thất vọng vì Đức Giêsu im lặng trước những câu hỏi của vua, nên đành trả lại cho Philatô. Một chi tiết đáng nói là kể từ ngày hôm ấy, vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù (Lc 23, 12). Đức Giêsu, một tội nhân đã trở nên trung gian giao hòa giữa hai thế lực đối kháng. Họ thân thiện với nhau không phải vì một hiệp ước, nhưng nhờ bởi Đức Giêsu.

Dưới áp lực ngày một lớn của các thượng tế và dân chúng: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda” (Ga 19, 12), Philatô đành trao nộp Đức Giêsu cho dân Do thái. Như vậy, đây không phải là một cuộc xử án đúng nghĩa, vì Philatô không chủ động trong việc xét hỏi và kết tội. Ong chỉ là dụng cụ và trung gian cho các thượng tế cùng kỳ mục kết án Đức Giêsu. Chính Philatô cũng không mặn nồng gì trong vụ án này. Việc xét xử là điều phải làm khi bị một áp lực mạnh tấn công. Bởi đó ông nói: “Các ngươi cứ đem ông này đi mà đòng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga 19, 6); và Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá (Ga 19, 16).

Nơi vụ án Đức Giêsu, ta thấy Philatô là một con người “yếu nhược”, thiếu lập trường, nên bị dư luận và áp lực quần chúng chôn vùi trong sợ hãi. Ong đã trở nên phương tiện cho giới chức sắc Do thái dùng để xử tử Chúa. Nói theo ngôn ngữ của Ngô Quang Trung thì “ông là một con người nhu nhược, sẵn sàng thỏa hiệp với ý muốn của giới lãnh đạo Do thái chứ không dám quyết đoán trong lập trường của mình”[9]. Mặc dầu biết rõ Đức Giêsu vô tội và muốn tha nhưng ông vẫn trao cho dân Do thái xử tử theo ý họ muốn; một người có quyền lực nhưng không có chí khí. Bởi đó, khi ông trao Đức Giêsu cho giới chức sắc tôn giáo giết chết, thì chính tâm hồn ông cũng bị băng giá bởi sơ hãi và âu lo.

III.  Nhận Định Chung

Trong Tin Mừng Luca có một chi tiết nói về ý định của vua Hêrôđê giết Đức Giêsu: “Xin ông đi khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông” (Lc 13, 31). Có lẽ ông muốn khử trừ vì tưởng đó là Gioan, người mà ông đổi lấy cái đầu bằng một vũ điệu của con gái bà Hêrôđia, đã chỗi dậy từ cõi chết: “Ong Gioan chính ta đã chém đầu rồi. Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế” (Lc 9, 9).

Tuy nhiên, sau đó chúng ta không gặp thêm một chi tiết nào nói về Hêrôđê muốn giết Đức Giêsu nữa. Philatô đã giải nộp Đức Giêsu cho Hêrôđê vì thuộc quyền, nhưng vua chỉ hỏi mấy câu rồi trả lại cho Philatô. Đàng khác những lời tố cáo của các thượng tế về Đức Giêsu trước tổng trấn Philatô như: tự xưng mình là vua (Mc 15, 2), sách động dân chúng và chống nộp thuế (Lc 23, 2) đều không đủ sức thuyết phục, bởi ông biết rõ vì ghen tị mà họ nộp Người (Mt 27, 18). Dầu sao Philatô đã trở thành con bài cho giới chức sắc dùng trong “trò chơi” đánh đổ Đức Giêsu, cũng như Đức Giêsu bị lợi dụng, nên cái cớ cho giới chức sắc Do thái thách thức quyền lực Philatô.

Trước thượng hội đồng, Đức Giêsu mang tội danh phạm thượng (Ga 10, 36); còn trước dinh tổng trấn thì bị tố cáo tự xưng mình là vua (Mc 15, 2). Như thế, trong vụ án này không có sự nhất quan của giới chức sắc Do thái. Những lý chứng đưa ra trái ngược nhau cho thấy cái chết của Đức Giêsu khởi đi từ lòng nghen tị, như Philatô đã nói. Tội danh lớn nhất mà họ có được khi tra vấn dựa trên lời Đức Giêsu tự xưng mình là con Thiên Chúa (Lc 22, 70). Đức Giêsu là một người phàm mà tự đặt mình ngang hàng với thần thiêng: ngự bên hữu Thiên Chúa (Lc 22, 69). Nhiều lần Ngài hành động trái với lề luật, tập tục, thẩm chí còn dùng tới lý lẽ và “quyền năng” khiến cho giới thượng tế và kinh sư bao phen bẽ mặt trước đám đông. Vậy họ có quyền xử tử Đức Giêsu không?

Họ cho là không (Ga 18, 31), nhưng sau này họ lại ném đá Stephano (Cv 7, 58) và xử tử Giacôbê (Cv 12, 2). Vậy ta phải lý giải thế nào về cái chết Đức Giêsu. Ơ đây xin mượn lời Felip Gomez: “Trong trường hợp Đức Giêsu, có lẽ họ muốn đóng đinh Ngài vào thập giá để tận diệt trọn bộ phong trào từ trong trứng nước; nhưng quyền đóng đinh lại nằm trong tay một mình Philatô; vì thế, họ nộp Ngài cho tòa dân ngoại”[10]. Các tông đồ khi rao giảng Tin Mừng cũng xác quyết dân Do thái đã nộp Đấng công chính cho quan Philatô (Cv 2, 23; 3, 13; 13, 28).

Như vậy nguyên cớ dẫn tới cái chết của Đức Giêsu là do mâu thuẫn về mặt tôn giáo chứ không phải chính trị. Diễn tiến cuộc khổ nạn đều do các thượng tế xếp đặt. Thậm chí, khi đã chôn trong mồ, chính các thượng tế và kỳ mục đã cắt cử lính canh (Mt 27, 62- 66). Chúng ta có thể xác quyết, trong vụ án này vai trò của trượng hội đồng do thái là vai trò quyết định chính yếu.

Kết Luận

Giới chức sắc tôn giáo đã dùng khổ hình thập giá để kết án tử Chúa và đẩy sự nghiệp của Ngài vào cõi dĩ vãng. Họ tưởng rằng với khổ hình này sẽ khiến cho công cuộc của Đức Giêsu tan thành mây khói và không người tưởng nhớ; nhưng họ đã nhầm. Họ quyên đi từ cạnh sườn bị đâm thủng đã khơi sinh Giáo hội và trở nên chất xúc tác giúp Giáo hội không ngừng lớn lên trong yêu thương và phục vụ. Cũng trong ý nghĩa đó, chính cây thập giá mà giới chức sắc dùng để treo Đức Giêsu, lại trở nên cây mang quả trường sinh đem lại sức sống mới cho nhân thế (Ga 19, 36; Kh 22, 2. 14- 19). Bởi đó, ngang qua sự điên rồ của dân ngoại và sĩ nhục nơi người Do thái, thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin (1Cr 1, 18. 22- 24).

Chúng ta xác tín rằng Đức Giêsu đi vào nhân thế không phải để làm chính trị, nhưng là yêu thương, phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Do đó, con đường đưa tới cái chết Đức Giêsu đã được kết nối bởi một chuỗi móc xích của hiểu lầm, hờn nghen và “thách đố”. Giới chức sắc Do thái đã khoác vào Đức Giêsu một lớp áo chính trị nhằm che đậy sự hiềm khích và oán ghét đang ẩn tàng bên trong. Họ muốn giết Ngài để khỏi “vướng mắc” trong sự nghiệp, nhưng chính cõi lòng họ lại rối bời như tơ vò. Có thể nói, khi họ giết được Đức Giêsu thì tâm hồn cũng ra băng giá hay nên như sa mạc hoang vu bởi thiếu nhựa sống là yêu thương, cảm thông và tha thứ.

Tất nhiên, không có gì ngăn cản được chương trình tình yêu của Thiên Chúa, một kế hoạch mà Ngài đã định từ trước muôn đời. Bởi vậy, qua thập giá, Thiên Chúa đã hoán chuyển lòng ghen tỵ của các thượng tế và kỳ mục thành niềm hy vọng và nguồn ơn cứu độ cho con người.

                                          SÁCH THAM KHẢO

            *  Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước do nhóm phiên dịch các GKPV thưc     hiện. Nxb: Tp HCM 1998.

           *  Rudolf Schnackenburg. Đức Giêsu trong các Tin Mừng. Phaolô Nguyễn Luật       Khoa & Maria phạm Thị Huy dịch. Nxb: Tôn Giáo 2009.

           *    Felipe Gomez. Kitô Học quyển 1 &2. Manila 2002.

*  J. Nguyen, Op. Tìm Hiểu Thánh Kinh. Nxb: Hà Nội 2010.

*  Lm. Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao. Các Ngôn Sứ. 2006.

*  Hoàng Đắc Anh. Lịch Sử Cứu Độ. Nxb: Hà Nội. 2008.

                            

 



[1] Xem Quốc Văn, Op. Tìm hiểu sư thật  về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Sưu tầm internet.

[2]Hoàng Đắc Anh, Lịch Sử Cứu Độ, Nxb Tôn Giáo, 2008, tr 30.

[3]Lm. Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, 2005, tr 76.

[4]Đức Giêsu trong các Tin Mừng, Phaolô Nguyễn Khoa Luật & Maria Phạm Thị Huy dịch, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr 120.

[5]Sđd, tr 43.

[6]Lã Thanh Lịch, Để Làm Giàu Kiến Thức Kinh Thánh, tr 1178.

[7]Sđd, tr 1179.

[8]Đức Giêsu trong các Tin Mừng, Phaolô Nguyễn Khoa Luật & Maria Phạm Thị Huy dịch, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr 47.

 

[9]Đức Tin và Sự Thật, sưu tầm internet ngày 15.3.2012.

[10]Felip Gomez, Kitô Học, Manila, 2002, tr 202.


Mục Lục Thoáng Suy Tư