ĐẶC TÍNH CỦA NHÂN VỊ

Có những người sống nhiều với khuynh hướng duy xã hội, họ thích lấy lập trường của đám đông làm tiêu chí chọn lựa cho cuộc sống mình. Họ nghĩ rằng đó là cách bản thân hòa mình với mọi người nhưng đó là một sự “hòa tan”. Họ không ý thức rằng bản thân vốn sinh ra trong sự thiện, là một cá thể độc đáo và duy nhất, đồng thời, không ai có thể thay thế tôi đảm nhận cuộc sống này. Chúng ta cần tái khám phá đặc tính của nhân vị để khả dĩ sống hòa nhập mà không hòa tan; duy nhất lại chẳng duy ngã; độc đáo chứ không độc tôn. Quả thật, nét đẹp của một nhân vị luôn đáng được trân trọng bởi vì tôi tôi chứ không phải là ai khác. Điều này chỉ thực sự được giải thích thấu đáo trong nhãn quan đến từ Thiên Chúa.

1.MẦM THIỆN

Chúng ta biết rằng mọi hiện hữu đều mang mầm thiện vì chúng xuất phát từ Đấng Thiện Hảo. Bởi đó, chúng ta có lý mà nói rằng mọi vật đều phản ảnh vinh quang Thiên Chúa. Nói theo cha Thomas Merton: mỗi sự vật tự chúng là một vị thánh khi chúng sống trọn vẹn sứ mạng của mình. Nhưng dù sao, chúng chỉ sống như ý Chúa muốn khi người đặt để những định luật chi phối trong tự nhiên.

Trong khi sự vật không biết gì về mình, con người lại được Chúa ban cho một khả năng siêu việt là biết bản thân xuất phát từ Thiên Chúa Thiện Hảo. Kinh Thánh đã diễn tả thực tại này khi nói: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài.

Trong khi sự vật chỉ hoàn toàn buông theo những định luật tự nhiên, con người lại được Chúa ban cho tự do để hoàn thành sứ mạng của mình ở trần gian. Nhờ tự do, mầm thiện ấy phát triển thành cây sinh trái và tỏa hương thánh thiện.

Nhưng từ khi tội lỗi đi vào thế gian, mầm thiện ấy như những lớp than hồng bị phủ đầy tro bụi trần gian. Con người không con thấy nó bằng mắt trần như thấy cục than hồng nhưng chỉ cảm nhận bằng sức nóng tỏa lan.   

Do hậu quả của tội, lý trí con người trở nên tối tăm, ý chí hóa ra lầm lạc, từ đó, tự do cũng khó đạt đến ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta có thể cứu xét một người phạm từ sai lầm này đến tội ác khác. Họ đã bịt tai trước tiếng nói của lương tâm. Phạm nhân có thể sống tình trạng khốn khổ ấy trong một thời gian. Đến một ngày đẹp trời, họ thú tội trước bình minh. Lòng thống hối ấy là dấu chứng của mầm thiện. Trong lúc tội lỗi con người càng gia tăng, tình thương Chúa lại lớn hơn bao trùm tất cả. Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đấy ơn sủng càng chứa chan gấp bội. Ưu thế vẫn thuộc về mầm thiện, vốn làm nên bản chất con người.

Mầm thiện không phải là cái được thêm vào sau khi con người hiện hữu mà đúng hơn, nó được Thiên Chúa gieo vào trong linh hồn con người. Mầm thiện ấy như một thứ sinh khí Thiên Chúa thổi vào lỗ mũi con người trong cuộc tạo dựng. Bởi đó, cho dù có phạm thêm bao tội lỗi, con người vẫn hy vọng được giải thoát, vì ưu thế vẫn thuộc về Thiên Chúa. Ngài có cách làm cho mầm thiện ấy được lớn lên như khối bột đã được dậy men.

Mỗi cuộc trở về với Chúa của một tội nhân là một dấu chứng hùng hồn cho một cuộc sống có ý nghĩa. Bởi vì, không cuộc trở về nào nếu không có Chúa tác động; không có tác động nào của Người mà không giúp con người sống ý nghĩa; và không cuộc sống nào có ý nghĩa mà lại không sống trong Chúa.

Thiên Chúa đã gieo mầm thiện vào lòng con người, Ngài sẽ hoàn thành những gì Ngài đã khởi sự. Thế nên, một cuộc sống có ý nghĩa khởi đi từ Thiên Chúa và kết thúc trong Ngài.

2.ĐỘC ĐÁO VÀ DUY NHẤT

Mầm thiện có hai trạng thái: tĩnh và động. Tĩnh là phần xác lập nhân phẩm của mọi người đều bình đẳng. Động là phần năng động của những giá trị tinh thần, tư chất, tự do… chúng kết hợp tạo nên nét độc đáo riêng của mỗi nhân vị. 

Đặc tính này chúng ta không thể lý giải bằng ngôn từ nhưng được kiểm nghiệm  bằng quan sát trong thực tế, để loại suy từ những cấp độ thấp mà có hướng nhìn đúng đắn về đặc tính này nơi con người.

Có thể nói, tâm thức con người luôn truy tìm nét độc đáo duy nhất trong mọi sự. Nét độc đáo và duy nhất được thể hiện trước tiên nơi những sáng tạo của con người. Một họa sĩ người Pháp chẳng hạn đã sáng tạo một bức họa tuyệt đẹp mà chúng ta thường dùng câu nói để diễn tả hiện trạng này: “Tuyệt đẹp ! Có một không hai”. Sự kiện đó nói lên tính độc đáo duy nhất của bức tranh. Nhưng nhờ kỹ thuật nhiếp ảnh, chúng ta là những người Việt Nam có thể chiêm ngắm tại nơi mình đang sống một phiên bản khác. Kỹ thuật tiến bộ đã kéo theo những phiên bản khác, đồng thời, sự vật không còn độc đáo và duy nhất nữa. Dường như đặc tính này chỉ được áp dụng cho con người !

Cũng nhờ kỹ thuật y học tiến bộ, con người có thể dùng tế bào của một con vật để tạo nên một con vật giống như chúng với mục đích kéo dài sự sống và dùng những bộ phận của chúng để thay thế và tái tạo…Gần đây, các nhà khoa học còn đi xa hơn nữa, khi muốn thực hiện nhân bản vô tính nơi con người, điều này đặt ra một vấn nạn lớn cho các nhà đạo đức sinh học. Có thể nói, nếu thành công, con người dễ dàng phủ nhận quyền chủ tể sự sống của Thiên Chúa. Xét cho cùng, linh hồn con người do Thiên Chúa phú ban, nên cho dù khoa học có thành công trong việc nhân bản này thì đó chỉ là hình người chứ không phải là một con người đáng tôn trọng như một nhân vị độc đáo và duy nhất. Bằng chứng là khoa học tạo nên những người này với mục đích xem ra khiêm tốn là dùng những phần thân thể để chữa bệnh và thay thế cho người đang sống. Thiết tưởng, điều khó khăn lớn nhất là việc xác lập con người là một lập hữu, nghĩa là nó có tự do, tự quyết và trách nhiệm với mọi hành vi của mình. Còn một hình người thì sao ?

Từ những gì vừa trình bày, chúng ta có thể đưa đến một kết luận: đặc tính độc đáo và duy nhất nơi con người được giải thích nơi linh hồn. Mà linh hồn con người do Thiên Chúa phú ban. Thế nên, đặc tính này chỉ được giải thích nơi Thiên Chúa.

Chúng ta thấy rằng công trình của Thiên Chúa thật kỳ diệu trong hàng triệu triệu con người mà không ai giống ai, bạn và tôi là những tác phẩm độc đáo trong tay Người. Thật vậy, trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa phán một lời, liền có muôn vật muôn loài.  Nhưng con người, Ngài dùng chính đôi bàn tay của mình để nặn ra, và thổi sinh khí là phần  sự sống của mình cho con người. Trong khi Thiên Chúa yêu thương và trân trọng từng người, con người lại đối xử với nhau như những phương tiện.

Điều này chúng ta dễ thấy trong chính sách phát triển kinh tế hay chủ trương của một số nhà cầm quyền…nhiều cá nhân hợp lại tạo nên sức mạnh của một tập thể, nhưng đồng thời, họ có thể loại trừ nhau bất cứ lý do nào miễn là giúp cho “guồng máy” tiếp tục chạy và phát triển. Đó là chủ trương phủ nhận tính độc đáo và duy nhất của một nhân vị. Thiết tưởng, chúng ta cần nhắc lại lời khẳng định của Đức Bênêdictô XVI: “ Một xã hội vắng bóng Thiên Chúa là một xã hội phi nhân”.[i] Từ đó, chúng ta cũng có thể suy ra: một xã hội phi nhân không biết tôn trọng giá trị độc đáo và duy nhất của nhân vị.

Về mặt chính trị, con người là một” quân cờ”; trên thương trường, con người là một đối tượng bị khai thác; trong trại cải tạo, con người được biết đến không khác gì một con số được đeo trên ngực…còn trong những ngành giáo dục thì sao ? Người ta xét theo độ tuổi của đối tượng, khá hơn nữa là tùy thuộc giới tính, từ đó, họ đưa ra một chính sách chung để áp dụng và một tiêu chuẩn chung để đánh giá…vô hình trung, họ phớt lờ tính độc đáo và duy nhất của mỗi nhân vị. Chính sách và tiêu chuẩn dựa trên giấy trắng mực đen nhưng tương quan liên vị, không phải thế ! Tôi là tôi, một nhân vị đáng được tôn trọng và yêu thương. Đó là một thách đố cho các nhà giáo dục và đào tạo. Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người là thế !

Trong giới nhà đạo cũng vậy, tại các chủng viện, các nhà dòng, đôi khi các nhà đào tạo chưa quan tâm và đề cao đủ tính độc đáo và duy nhất của mỗi ứng sinh, điều này chỉ thực hiện được không phải dựa theo những chương trình cấp tiến, những bài soạn thật hay mà cần có sự đối thoại để tránh phản ứng một chiều. Bên cạnh đó, mỗi người cần nỗ lực khám phá bản thân nhằm phát huy thế mạnh, và thể hiện tính độc đáo và duy nhất của mình trong cung cách phục vụ và dấn thân triệt để. Thể hiện tính độc đáo và duy nhất của mình không có nghĩa là tìm tách mình ra khỏi đám đông để chơi trội hay sống lập dị mà là hòa mình vào trong tập thể và sống hết mình với những nén bạc Chúa trao. Như thế, chúng ta sẽ đáng được mọi người trân trọng và yêu thương. Và nhờ đó, nét độc đáo của mỗi người được thể hiện qua chính nhân cách sống động của từng cá thể.

3.KHÔNG THAY THẾ

Có thể nói, không thay thế là đặc tính bổ sung cho tính độc đáo và duy nhất. Chính trong tính độc đáo và duy nhất của nhân vị mà chúng ta khẳng định giá trị tuyệt đối của con người. Tôi là tuyệt đối không thể thay thế. Bạn là giám đốc một công ty và bạn có quyền quyết định cho một người dưới quyền nghỉ việc. Quyết định đó của bạn không sai lầm, nhưng chỉ mới dừng lại ở phạm vi chức năng. Bạn có thể thay thế một người khác làm việc hiệu quả hơn, nhưng không vì thế người này sống thay cho người khác. Mỗi người có một vị thế và chỗ đứng của mình mà không ai thay thế được. Bởi đó, con người có thể nhân danh hiệu năng công việc mà phủ nhận đặc tính của nhân vị cách nào chăng !

Người này có thể làm việc với thao tác chậm, kém hiệu quả nhưng bù lại, họ là một người có khiếu hài hước, họ có thể làm bầu khí căng thẳng nổ tung từ những câu nói hay câu chuyện dí dỏm. Với mẫu người này, bạn có muốn chọn vào hợp tác với bạn không ?

Xét về mặt xã hội, đôi khi sự hiểu biết về những đặc tính của nhân vị con người có thể bị giản lược. Khi đánh giá người khác dựa trên những gì họ có thể làm được, vô hình trung, họ hạ giá con người xuống hàng sự vật hay công cụ máy móc.

Xét về lập trường nhân vị của Kitô giáo, Thiên Chúa dành cho mỗi người một chương trình riêng, và với những nén bạc khác nhau cộng thêm những tính khí tư chất khác biệt, mỗi người góp phần xây dựng một tập thể vững mạnh. Quả thật, không người phụ nữ nào có thể thay thế Đức Maria sinh hạ Đấng Cứu Thế. Một khi Thiên Chúa giao sứ mạng ấy cho Mẹ, Ngài cũng ban những đặc ân cần thiết khả dĩ giúp Mẹ sống Thiên chức này một cách trọn vẹn.

Một biến cố xảy ra trong cuộc đời đã thay đổi cách nhận thức của tôi về điều chúng ta đang bàn: việc thoái vị của Đức Bênêdictô XVI. Khi được nghe tin ngài tự nguyện làm đơn xin từ chức và công bố chính thức với Hồng Y đoàn, tôi đã sững sờ, kinh ngạc, nuối tiếc và không kém phần xúc động. Có thể nói, nơi ngài toát ra một nhân cách hiền lành, điềm đạm, khiêm tốn, khôn ngoan…một mẫu người Giáo hội đang cần để có thể biến đổi thế giới và thanh luyện Giáo hội trong những thời điểm khó khăn và tế nhị như hiện nay. Đồng thời, với khả năng tư duy xuất chúng, một nhà thần học lỗi lạc mà Đức Phanxicô sau này không ngần ngại tuyên dương ngài là “nhà thần học bàn quỳ”. Thế mà mọi sự đã thay đổi ! Có lúc tôi chợt nghĩ rằng sẽ không có ai thay thế một vị Giáo Hoàng tuyệt vời như thế. Nhưng rồi vị Giáo Hoàng người Đức đã quyết định từ nhiệm với ý thức Giáo hội là của Chúa và Ngài có cách của Ngài. Và sau một thời gian Đức Phanxicô lên ngôi, Giáo hội lại chuyển mình và được biến đổi sâu rộng không ngờ. Có thể nói, đó là hoa trái của Thánh Thần.

Bởi vậy, chúng ta không thể lấy trí hiểu con người mà giải thích theo cảm tính mọi thực tại trần gian. Quả thật, xét về lịch sử Giáo hội, không có ai thay thế được Đức Benedicto XVI trong thời điểm vừa qua để giúp cho Giáo hội bước sang một trang lịch sử mới. Chính đặc tính “không thay thế” này đã làm nổi bật nhân cách của một vị Cha chung hiền lành và khiêm nhường. Và cho dù đã thoái vị, cũng không ai có thể thay thế ngài sống trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành riêng cho ngài. Mặc dù, xét về chức vụ, Đức Phanxicô đã thay thế ngài nắm giữ vai trò cai quản Giáo hội, nhưng dưới cái nhìn siêu nhiên, không ai có thể thay thế ngài trong trái tim của Chúa.

Xét cho cùng, cả ba yếu tố: mầm thiện, độc đáo và duy nhất, và không thay thế chỉ được giải thích thỏa đáng trong cái nhìn của Thiên Chúa.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

 



[i] Đức Bênêdictô XVI, Caritas in Veritatae, số 78.


Mục Lục Thoáng Suy Tư