Chúa Nhật Lễ Lá và Tuần Thánh

 

Chúa Nhật Lễ Lá ( tiếng La-tinh gọi là: Dominica in Palmis de passione Domini) là ngày Chúa Nhật trước Lễ Phục Sinh và cũng là ngày Chúa Nhật sau cùng của Mùa Chay. Chúa Nhật này cũng còn là sự khởi đầu của Tuần Thánh nữa, nhưng là một cái nhìn trước và là một sự cử hành trước của Đại Lễ Phục Sinh với cuộc tưởng nhớ tới cuộc khải hoàn tiến vào Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su: Dấu chỉ cho vương quyền của Chúa Ki-tô chính là việc dân chúng reo hò và trải những cành lá thiên tuế trên đường Ngài đi (xc. Mt 21, 8-9). Vào ngày này tại các nhà thờ Công giáo, người ta sẽ tổ chức các cuộc rước lá từ bên ngoài nhà thờ và tiến vào trong nhà thờ. Trước khi tiến hành cuộc rước lá, Linh mục chủ sự sẽ làm phép những cành lá đó. Những cành lá xanh được sử dụng trong cuộc rước nêu trên chính là „những dấu chỉ của sự sống và của sự chiến thắng, mà qua chúng, chúng ta tôn thờ Chúa Ki-tô là Thiên Chúa của chúng ta“ (Lời dẫn vào Sách Lễ Rô-ma). Ở đây đã thể hiện rõ điều mà nó sẽ trải rộng ra cho tới Đại Lễ Phục Sinh mà Bài Đọc II trong ngày Lễ Lá nói tới với một cách thức hết sức tuyệt vời:

Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu“ (Pl 2,7-8).

Vào thời cổ đại, những cây thiên tuế được tôn kính như là những cây thánh. Tại phương Đông, người ta vinh danh các quân nhân chiến thắng bằng việc trao cho họ những cành lá thiên tuế ấ. Sang thời Tân Ước, những cành lá thiên tuế đã được các tín hữu coi như là biểu tượng của các vị Tử Đạo. Những cành lá đó biểu thị sự chiến thắng của các Ngài trên các mãnh lực sự ác.

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá với một cuộc rước lá được cử hành trước tiên tại Giê-ru-sa-lem vào năm 400. Cuộc rước này nhằm tưởng nhớ tới biến cố Chúa Giê-su khải hoàn tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem như được thuật lại trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an: „Hôm sau, dân chúng lũ lượt tuốn đến mừng Lễ. Thoạt nghe tin Chúa Giê-su tới Giê-ru-sa-lem, họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel!“ (Ga 12,12-14).

Thực ra, cũng giống như trong Phụng Vụ của ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh, việc tổ chức rước lá không chỉ có nghĩa là một sự tái hiện lại những biến cố đã xảy ra tại Giê-ru-sa-lem vào thời Chúa Giê-su, nhưng cũng còn có nghĩa là, để cho những người đang tham dự cuộc rước hay tham dự các nghi Lễ khác của Phụng Vụ Tuần Thánh, tham dự vào các biến cố được kỷ niệm đó, giống như những người sống vào thời mà các sự kiện đó xảy ra, đã tham dự vào các sự kiện đó. Ngoài ra, việc tổ chức cuộc rước lá cũng còn nhắm tới việc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ki-tô.

Từ thế kỷ thứ VIII, việc tổ chức Ngày Chúa Nhật Lễ Lá với một cuộc rước lá đã lan sang tận Tây Phương. Tuy nhiên, cây cọ hay cây thiên tuế không mọc được tại vùng Trung Âu và Bắc Âu. Vì thế, tại đó, người ta đã thay cành cọ hay cành thiên tuế  bằng những loại lá cây khác, chẳng hạn như cành gỗ thích, cành sồi, cành bạch dương, hay cành ô-liu v.v.. Những cành lá đó sẽ được làm phép trước khi rước. Người ta coi những cành lá ấy như là những vật có công hiệu bảo vệ con người trước những tai họa, chẳng hạn như trước dịch bệnh hay trước việc bị sét đánh. Vì thế, sau khi được sử dụng trong Lễ Lá, người ta sẽ mang những cành lá đó về nhà và đặt chúng ở những nơi trang trọng trong nhà.

Sang năm sau, những cành lá đó sẽ được đốt thành tro để sử dụng trong ngày thứ Tư Lễ Tro, tức ngày bắt đầu Mùa Chay. Trong ngày thứ Tư ấy, vị Linh mục sẽ dùng tro nêu trên để ghi dấu Thánh Giá trên trán hay trên đầu các tín hữu và mời gọi mọi người nhớ đến thân phận cát bụi của mình, cũng như mời họ thống hối.

Tại Việt Nam, cây cọ hay cây thiến tuế có thể sống ở khắp nơi. Tuy nhiên, trong ngày Lễ Lá, các tín hữu Công giáo Việt Nam không chỉ sử dụng cành thiên tuế, nhưng cũng còn sử dụng lá dừa, và thậm chí cả lá cau nữa để đi rước. Sở dĩ như thế là vì cây dừa và cây cau cũng cùng thuộc họ cọ với cây thiên tuế, nhưng lại phổ biến và dễ dàng kiếm được hơn.

Như đã nói ở trên, Tuần Thánh được bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá. Tuần này đạt tới cao điểm của nó với ba ngày cuối cùng được dành để cử hành cuộc khổ hình, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư